Thời của bản Hit
và những cú di... chuột

Lịch sử âm nhạc không thể thiếu những bản Hit, và sự nghiệp ca sĩ sẽ về "mo", nếu không có nổi một bản Hit. Hit là từ khóa ám ảnh tất cả những ai đã – đang và sẽ là ca sĩ.

Tùng Dương phân định có hai loại bản Hit: Hit tức tốc và Hit bền. Một loại giống như mù tạc, cay xè mũi rồi thôi, một loại là món ăn hàng ngày, thỉnh thoảng chế biến thêm gia vị, có thể gây nghiện. Hit bền là tiền thân của những bài hát sống mãi với thời gian như “Giọt nắng bên thềm”,“Chiếc khăn Piêu”, “Ôi quê tôi”,... còn “Chắc ai đó sẽ về”, “Nơi này có anh” hay “Ghen”, “Anh cứ đi đi” là những phiên bản “mù tạt” mà divo nhắc tới.

Khắc Hưng đặt tên gọi khác cho những bản Hit tức tốc là Hit theo mùa và khẳng định nó được sinh ra bằng tính toán của nhà sản xuất. Với Khắc Hưng – một Hitmaker của hiện tại, việc tạo ra những phiên bản “mù tạt” trong âm nhạc ấy là cuộc chơi gây nghiện, bởi nó là bài toán mà bạn tự đặt ra để thử thách bản thân.

Điều đáng nói, ngày càng có ít bản Hit trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Sự nở rộ của công nghệ, mạng xã hội khiến một sản phẩm nhạc trôi đi trong thị trường giống như những status trên Facebook, thoắt hiện rồi thoắt ẩn. Nên dù bạn là một Hitmaker thì cũng như một facebooker – các bản Hit của bạn cũng dễ chịu chung số phận với các status – dù hàng triệu like, nó vẫn bị trôi đi sau những cú click chuột trên news feed mỗi ngày.

Phải làm gì trong thời mỗi ngày mới chào đón bạn bằng cơn bão những cú di của... chuột?

Nhà báo Chu Minh Vũ:

Làm việc
với Hitmaker
không đồng nghĩa
sẽ có Hit

Giữa thời người người, nhà nhà đảo điên tạo Hit, nhà báo Chu Minh Vũ cảnh báo: làm việc với Hitmaker không có nghĩa sẽ có Hit, vì bài hát hay người viết thường nhường “gà nhà”.

Một bản Hit với anh là...?
Là bản nhạc hất cát sê ca sĩ lên đến nóc, đặt sự nghiệp họ lên đến đỉnh, và... nó là món quà trời cho.

Nhược điểm của một bản Hit?
Là...bài tiếp theo chả biết làm gì để vượt qua.

Món quà trời cho ấy liệu có khi nào trở thành... thuốc độc?
Độc chứ. Khối người được xếp vào hạng one hit wonder. Toni Braxton là một ví dụ điển hình. Việt Nam thì nhiều hơn: Văn Mai Hương và “Nếu như anh đến”; Đoàn Thúy Trang và “Tình yêu màu nắng”. Quá khứ cũng không hiếm, chẳng hạn “Chân tình” của Vân Trường.

Cảnh báo của anh dành cho người tạo Hit?
Cảnh báo gì, họ giỏi mà!

Hiện tại anh đánh giá ai là người tạo Hit giỏi nhất Việt Nam?
Đơn vị tạo Hit giỏi trước đây có Kim Lợi Studio. Các nhạc sĩ gần đây có Đức Trí, Huy Tuấn vì các anh ấy có giai điệu đẹp. Hiện tại có Khắc Hưng, Tiên Cookie.

Thiếu bản Hit đừng mơ trở thành ca sĩ, nên bản Hit giờ đây trở thành nỗi ám ảnh của mọi ca sĩ. Anh có cảnh báo gì?
Chẳng cảnh báo gì. Chỉ nhắc các bạn là, sau khi có Hit, giá của họ sẽ lên rất nhanh và rất cao. Nhưng, bài hay nhất nhạc sĩ luôn dành cho Nàng thơ của họ, hoặc đối tượng nhắm sắn để tạo Hit, nên làm việc với Hitmaker không đồng nghĩa sẽ có Hit

Bản Hit thường có tuổi thọ bao lâu?
Đã là Hit thì tuổi thọ kéo dài cho đến khi ca sĩ dựng đc hit mới, thậm chí đi vào lịch sử âm nhạc luôn – thế mới là Hit chứ! Chẳng hạn “Trống vắng”, “Ước gì”, “Giọt nắng bên thềm”.

Bản Hit trước đây và bây giờ có khác nhau?
Không khác nhau, chỉ có người hỏi ác cảm thôi. Đáng tiếc là, giờ đây nhiều bản Hit quá nên không có điều kiện lưu trữ và sưu tập bằng CD như trước. Cái gì không cầm được tận tay, không tự bỏ tiền ra mua thì cảm giác nó không quý.

Sẽ thế nào nếu đời sống âm nhạc không có những bản Hit?
Như vũng nước đọng không lưu thông: một là bốc hơi, hai là... bốc mùi (cười). Ca sĩ không có bản Hit, giống cuộc đua không có đích, như đi lạc vào rừng không tìm được lối ra, trước sau họ cũng kiệt sức.

Bên cạnh số người vui theo các bản Hit, số người ác cảm với các bản Hit ở thế kỷ 21 cũng không ít, theo anh là vì sao?
Vì họ không làm được bản Hit cho hiện tại

Cảm ơn những chia sẻ của anh.

Nhạc sĩ Khắc Hưng:

Cố tình giảm
những ca từ đẹp
để... tạo Hit

“Ví như “Ghen” – ca khúc tôi hi vọng sẽ trở thành Hit của mùa hè này, tôi đã lược bỏ toàn bộ những ca từ có chiều sâu, những ca từ nhiều ý nghĩa” – Khắc Hưng chia sẻ. Hitmaker của Hà Nội của khẳng định, tạo Hit là một công việc có thể tính toán được.

Được gọi là một Hitmaker của hiện tại, cảm giác của Hưng thế nào?
Được lên một tầm cao mới, nó mang trách nhiệm mặc định một bài hát mình đưa ra mọi người đều trông chờ. Trước đây, mỗi khi sáng tác tôi thường dựa vào cảm hứng, giờ ngoài cảm hứng, tôi áp lực vì sự đánh giá của mọi người, vì bài hát mình đưa ra không đơn thuần là một tác phẩm nữa, nó cần mang tính mới mẻ và trào lưu hơn - đây là trách nhiệm lớn lao mà thú thật tôi rất thích (cười).

Bản Hit là kết quả của may mắn hay trái ngọt của sự tính toán?
Giờ đây mỗi bài đưa ra, chỉ cần nghe hoặc đọc vài ca từ tôi có thể đoán được bài hát này sẽ chết non hay sẽ đi xa. Ngày xưa tôi viết và trông chờ ca khúc này, ca khúc kia sẽ trở thành bản Hit, còn bây giờ muốn tạo ra nó bằng sự tính toán nhiều hơn.

“Sau tất cả” của Erik cách đây gần hai năm có phải là ngoại lệ của sự tính toán?
Không, nó là kết quả của sự tính toán. Quản lý của Erik lúc đó đặt hàng tôi tại thời điểm nhạc EDM đang rất thịnh ở Việt Nam, do tác động của cuộc thi The Remix mùa đầu. Họ đề nghị tôi làm một cái gì đó theo hướng EDM đang mốt nhưng tôi quyết định phải làm một bản ballad, một cái gì đó sâu sắc, ngược với trào lưu khi ấy. Tôi chú trọng đến việc nó không phải là bản ballad buồn, nó phải đầy hi vọng.

Tôi đánh giá, thành – bại của một ca khúc thường dao động trong khoảng 20% so với sự tính toán của mình. Tệ nhất là giảm 30%, nhưng tôi không bao giờ làm nó tụt xuống thê thảm thế.

Công thức tạo Hit của một Hitmaker là gì?
Giá trị của người làm sản xuất âm nhạc rất quan trọng, nếu tính riêng trong quãng thời gian làm tác phẩm (lên ý tưởng, sáng tác...) họ chiếm đến 40%, các phần trăm còn lại dành cho sáng tác, ca sĩ, phòng thu, hậu kỳ và một chút may mắn. Riêng “Sau tất cả” tôi nghĩ nhà sản xuất giữ 80% sự thành công của nó. “Nơi này có anh” (Sơn Tùng hát) thì vai trò nhà sản xuất chỉ chiếm khoảng 20%.

Có hay không những bản Hit theo mùa?
Chắc chắn là có. Chẳng hạn bài “Nóng” nghe là ra sự nóng bức của nó, hay “Nơi này có anh” của Sơn Tùng nghe là thấy dư vị những mối tình ngọt ngào. Tất nhiên có các ca khúc thành công mà không đợi mùa.

Đa phần các bản Hit hiện tại khó có cơ hội trở thành những bài ca đi cùng năm tháng. Tại sao?
Đó là những bản hit theo mùa, nó giống như những món đồ ăn nhanh, phục vụ cho đúng đối tượng họ nhắm đến, và nhanh gọn. Tôi thấy trên thế giới này không có gì tuyệt đối đúng. Mình không thể lên án thức ăn nhanh cũng như chỉ ca ngợi thức ăn chậm. Đôi khi người Pháp rất thích thời gian để nhâm nhi cafe, nhưng người Mỹ lại coi đó là sự lãng phí.

Người ta từng nâng niu đến cái tên Khắc Hưng, rồi bây giờ nhắc đến Hưng bằng sự hiển nhiên: “Hưng à, Hưng thì Hit là đúng rồi”. Anh thích cảm giác nào hơn?
Tôi nghĩ cuộc đời giống như một đồ thị hình sin, và con người thì lúc bồng bột, lúc chín chắn. Nếu chiếu theo đồ thị ấy, tôi thấy mình đang ở giai đoạn nhiều cảm xúc nhất. Cho dù nhiều người cho rằng, tôi đang viết nhiều bản Hit, đang thỏa mãn với sự dễ dãi của mình.

Mọi người hay mặc định cái gì hiếm thì quý, cái gì nhiều thành rẻ. Tôi thì hiểu, khán giả nhìn mình như một người bạn, khi mình viết ra một ca khúc hợp tâm trạng của họ, họ cảm thấy nhạc sĩ như đang viết riêng cho mình. Khi tôi viết ra một ca khúc có đông người cùng nghe, nhiều khán giả cảm giác như bị phản bội, vì họ cảm thấy mình không còn độc nhất nữa.

Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ về những gương mặt kỳ vọng trong giới nhạc nhưng đang bị cơn bão của số đông cuốn đi. Nếu trong đó có Hưng, cảm giác của anh ra sao?
Tôi biết điều này nhưng cũng biết rõ mình. Kiếm tiền không có gì xấu, viết nhạc cho số đông nghe không xấu. Phải ôm khư khư định nghĩa: “càng hiếm càng quý” tôi không biết để làm gì. Bản thân tôi đơn giản lắm, nếu trả lời được câu hỏi: mình làm việc đó vì cái gì là thành công rồi.

Tôi còn trẻ. Tôi không bao giờ từ bỏ ý định viết nhạc cho số đông. Nhưng tôi cũng muốn được giới chuyên môn công nhận. Tôi sẽ chứng minh bản thân sẽ kết hợp được cả chuyên môn và thị trường, tôi không muốn đẩy mình cực đoan.

Sơn Tùng có nhiều bài Hit, nhưng chưa có đóng góp nào mang tính giá trị về văn hóa. Tôi nghĩ Tùng sẽ còn tiến xa, nhưng để mang đến những gì nguyên bản, Tùng chưa có. Vì thế tôi chưa thích Tùng.

Erik, Min và Soobin Hoàng Sơn là những người trẻ có năng lượng nhưng chưa có cá tính rõ ràng, nhất là Erik. So ra tôi yên tâm về Min hơn, vì Min có con đường và mong muốn cụ thể. Soobin Hoàng Sơn hơi lẫn lộn một chút nhưng cũng có tiềm năng.

Tôi nghĩ muốn đi xa cần có tính nguyên bản, dù có thể hiện tại bạn chưa hay nhất, tốt nhất, đẹp nhất.

Nếu so với “Sau tất cả” thì những bản Hit gần đây vẻ như Khắc Hưng không đầu tư cho chuyện ca từ?
Không, không phải tôi không đầu tư mà tôi đầu tư đàng hoàng đấy. Có khi tôi chủ định bỏ đi những từ khó nghe, những từ có ý nghĩa. Chẳng hạn bài “Ghen”, tôi thậm chí không muốn đó là bài hát có ý nghĩa, tôi chỉ muốn đó là bài hát vui và mọi người không phải nghĩ khi nghe nó. Tôi biết nhiều người nghe bài đó thấy không ra sao, nhưng họ không biết động cơ của tôi sau đó là gì

Là một Hitmaker giá của Khắc Hưng tăng lên theo thời gian thế nào?
Cát sê của tôi tăng lên sau những sự kiện: giải thưởng, có bài đứng đầu các bảng xếp hạng.
Nếu tính từ “Sau tất cả” (đầu 2016), đến nay cát sê của tôi đã tăng lên gấp 3 lần.

Hưng thích người viết nhạc nào ở Việt Nam?
Tôi thích Tiên Cookie vì bạn ấy rất thật. Tôi không thấy Tiên không phải gồng mình để viết ra những thứ sâu sắc. Tiên thoải mái giữ nguyên chất của mình: viết ra những gì Tiên cảm nhận, và vui với việc viết cho số đông.

Nhạc sĩ lớp trước tôi thích anh Đỗ Bảo, thích sự lựa chọn âm thầm của anh ấy. Đỗ Bảo là điển hình của những người nghĩ sâu, luôn đặt chất lượng tác phẩm là tiên quyết mà không phải ai cũng dám đánh đổi. Không phải ai cũng dám đi ngược số đông để thể hiện bản thân mình như anh ấy. Quan trọng, sự đi ngược đó anh ấy lại chinh phục được nhiều người.

Về ca sĩ tôi thích Mỹ Tâm. Tôi thấy chị Tâm có một quãng đường dài bền bỉ và có những đóng góp thật, không chỉ về mặt ca hát mà còn cả vì những giá trị văn hóa.

Với những cái tên như Sơn Tùng, Erik thì sao?
Sơn Tùng có nhiều bài Hit, nhưng chưa có đóng góp nào mang tính giá trị về văn hóa. Tôi nghĩ Tùng sẽ còn tiến xa, nhưng để mang đến những gì nguyên bản, Tùng chưa có. Vì thế tôi chưa thích Tùng.

Erik, Min và Soobin Hoàng Sơn là những người trẻ có năng lượng nhưng chưa có cá tính rõ ràng, nhất là Erik. So ra tôi yên tâm về Min hơn, vì Min có con đường và mong muốn cụ thể. Sobin hơi lẫn lộn một chút nhưng cũng có tiềm năng.

Tôi nghĩ muốn đi xa cần có tính nguyên bản, dù có thể hiện tại bạn chưa hay nhất, tốt nhất, đẹp nhất.

Cảm ơn những chia sẻ của Khắc Hưng.

Chúng ta làm sushi không bằng người Nhật, làm pizza không bằng người Ý nhưng chúng ta có những người nấu phở ngon nhất thế giới vì vậy đừng quên những chất liệu âm nhạc đặc trưng mà chỉ chúng ta mới có, nó là thứ có thể giúp bạn tạo Hit nhưng vẫn giữ chất riêng.

Slim V

Làm hit
đừng
quên...“phở”

Một nghệ sĩ có sản phẩm âm nhạc được nhiều người biết tới, đồng nghĩa bản thân cũng được biết đến rộng rãi. Vì vậy, với ca sĩ, bản Hit đánh dấu bước thành công trong sự nghiệp. Với nghệ sĩ mới, bản Hit sẽ đưa họ tới gần công chúng, nghệ sĩ đã có thành tựu, bản Hit giúp người đó khẳng định được vị trí/ sức ảnh hưởng đối với công chúng.

Thu Minh là trường hợp điển hình của ca sĩ thế hệ trước liên tục có bản Hit mới. Các chùm bản Hit của Thu Minh đánh dấu những chặng đường phát triển riêng của chị ấy. Để có điều này, Thu Minh ngoài khả năng phô diễn chất giọng, không quên cập nhật những xu hướng mới. Một ca sĩ muốn có nhiều bản Hit nhất định phải là người không ngại thử. Liveshow “Phượng hoàng lửa” giọng ca “Đường cong” tiếp tục chinh phục lãnh địa mới khi muốn kết hợp giữa giao hưởng với EDM, tiếp tục hứa hẹn đánh dấu cột mốc mới.

Bản Hit rất quan trọng, mặt tích cực là nó tạo mục tiêu và là động lực phấn đấu cho các nghệ sĩ. Nhưng nếu chỉ mải mê chạy theo số đông, người nghệ sĩ dễ đánh mất "chất riêng" của mình, điều này đôi khi đem lại tác dụng ngược lại vì khán giả thường không mong muốn xem/nghe những thứ lặp đi lặp lại.

So với trước đây, sản phẩm âm nhạc ngày nay dễ lan truyền hơn và dễ thành Hit hơn do công nghệ thông tin phát triển. Nhưng chính vì ngày càng có nhiều sản phẩm/thể loại update liên tục nên bản Hit cũng có tuổi thọ ngắn hơn. Ngày nay, xu hướng âm nhạc thay đổi liên tục nên người nghệ sĩ luôn phải làm mới, tìm kiếm những chất liệu mới, thử nghiệm với những thể loại mới. Trong sự cập nhật chung đó, tạo được phong cách riêng là điều quan trọng bậc nhất, vì nếu không có cá tính riêng, bạn sẽ dễ bị lãng quên.

Vì thế, để có nền âm nhạc phát triển lành mạnh, nghệ sĩ nhất định không chỉ mải mê chạy theo sự lan truyền mà quên đi chiều sâu, giá trị nghệ thuật.

Một điều nữa, chúng ta làm sushi không bằng người Nhật, làm pizza không bằng người Ý nhưng chúng ta có những người nấu phở ngon nhất thế giới vì vậy đừng quên những chất liệu âm nhạc đặc trưng mà chỉ chúng ta mới có.