Sức khỏe là một hạn chế, nhưng sự nhạy cảm có phải là lợi thế của phụ nữ trong công việc này?
Mỗi ly cocktail tôi tạo ra cho khách đều là “bespoke”. Nó không có công thức cố định nào, chỉ dựa vào kiến thức nền tảng và độ nhạy cảm của bartender với tâm lý khách hàng. Tôi luôn nhớ từng vị khách một, họ thích uống hương vị như thế nào, họ mang theo câu chuyện gì, cảm xúc ngày hôm đó của họ ra sao. Đúng là tôi có một sự nhạy cảm bản năng, tôi rất biết ơn về điều đó. Tôi còn tự nhận thấy trong mình có một thứ phẩm chất gọi là “tính dịch vụ”. Tôi rất thích được quan tâm đến người khác, được làm gì đó chỉn chu dành riêng cho họ. Cảm giác được chăm sóc ai đó khiến tôi thấy hạnh phúc.
Có những vị khách nói với tôi rằng họ không có thói quen đến mãi một quán bar, nhưng không hiểu sao họ cứ muốn quay lại đây gặp tôi. Họ mua bánh cho tôi. Họ rủ tôi đi nhậu, trò chuyện như bạn bè. Có người còn phụ tôi dọn quán.
Có lần, khi tôi quyết định dừng công việc ở một quán bar để bước đến một vùng trời thử thách mới, vào ngày làm việc cuối cùng của tôi ở đó, tất cả khách hàng của tôi đều có mặt, cả những chú bảo vệ, cô lao công… cũng tới để uống với tôi một ly. Mọi người bảo: “Coi như Rosy đi du học thôi, đi rồi sẽ về”. Nghe tới đó tôi bật khóc.
Vậy Rosy đã đi “du học” đến đâu rồi, và bến đỗ mà chị mong đợi sẽ nằm ở đâu?
Tôi muốn đi thật xa và thật lâu cùng với công việc này. Bến đỗ của tôi là một quán bar của riêng mình, trong tương lai. Đó sẽ là một góc quán nhỏ ấm áp, có gì đó hơi xưa cũ, nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ của Sài Gòn. Nhất định phải là Sài Gòn, vì tôi yêu thành phố này vô cùng.