Trái tim có lý lẽ
Câu nói “Trái tim có những lý lẽ mà cái đầu không hiểu được” có lẽ luôn đúng. Khi gặp một người đàn ông tài năng hoặc người phụ nữ quyến rũ, câu hỏi đầu tiên sẽ là anh ấy hay cô ấy có thích mình không, chứ chẳng phải họ có vợ, có chồng hay chưa.
Khi đem lòng yêu mến một người, ta sẽ nảy sinh ý định sở hữu. Vậy tại sao lại nhiều vị chửi bới người thứ ba mạnh mồm như vậy? Vì may mắn, ngay lần đầu tiên, họ đã có một cuộc hôn nhân tốt đẹp, đã tìm ra một nửa lý tưởng của đời mình? Hay vì tòa án xử các vụ án tình – tiền liên quan đến người thứ ba ầm ĩ quá nên họ căm ghét và ra tuyên bố cho oai?!
Chúng ta luôn đòi hỏi tình yêu rõ ràng, cũng như kinh doanh phải minh bạch. Mà nếu nói về kinh doanh thì không ai giỏi hơn ngân hàng. Trong khi nhiều ngân hàng phát triển mạnh hình thức kinh doanh tín chấp, khách hàng dùng uy tín của mình để vay tín dụng. Thì tình yêu cũng vậy, người phụ nữ muốn sở hữu người đàn ông đã có gia đình thì phải tin anh ta sẽ bỏ vợ.
Có nhiều niềm tin như vậy bị đổ vỡ, nhưng cũng không ít trường hợp thành công. Giống các thương vụ của ngân hàng, số kẻ bội tín luôn thấp hơn số người giữ đúng cam kết; nếu ngược lại, các ngân hàng đã phá sản từ lâu.
... Nhưng tình yêu không phải là một thương vụ
Có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng mà người thứ ba được mô tả như những con người tuyệt vời. “Cuốn theo chiều gió”, “Jane Eyre”, “24 giờ trong đời một người đàn bà”... là những cuốn tiểu thuyết viết về thân phận người thứ ba, thậm chí thứ tư khiến bạn đọc rưng rưng nước mắt. Hay một bộ phim thành công của đạo diễn tài ba Clint Eastwood - “Những cây cầu ở quận Madison” cũng miêu tả một cuộc tình tay ba đó thôi.
Mới đây, cả thế giới trầm trồ ngưỡng mộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trẻ trung, đẹp trai lấy người vợ lớn hơn 24 tuổi. Nhưng tôi tin chắc ông không chờ cho bà Brigitte Trogneux ly dị mới yêu, mà ngược lại, vì yêu ông nên bà đã bỏ chồng. Nghĩa là ngài tổng thống cũng có một quãng thời gian làm người thứ ba đấy. Thời gian ấy dài hay ngắn chỉ có hai người biết.
Tôi tin rằng, khi cuộc sống càng phát triển thì tình yêu càng tinh tế, đa dạng, chứ không phải càng “độc quyền”. Có nhiều tình-yêu-bên-lề đầy cảm động và đáng ngợi ca.
Tôi nhớ hơn hai mươi năm trước, một diễn viên xinh đẹp và nổi tiếng thời ấy, nói như đinh đóng cột rằng “sẽ không bao giờ dính vào đàn ông có vợ”. Nhưng cuộc sống của cô sau đó và cả bây giờ vẫn luôn bên lề một anh chàng nào đó đã có gia đình...
Tình yêu không phải một cuộc mua bán, ta cứ xếp hàng trước thì được cầm nắm trước. Tình yêu là ào ào chen chúc, đấu tranh, giành giật, khóc lóc, cả van xin lẫn đấu đá. Đấy là kết luận của tôi.