Nghệ sĩ Cello Trần Hồng Nhung: "Cỏ dại xanh tươi sau cơn bão" - Tạp chí Đẹp

Nếu không đứng cạnh cây đàn cello, Trần Hồng Nhung dễ khiến người ta nhầm cô là rocker. Mái tóc xù và bộ đồ đen thùng thình tạo nên vẻ ngoài gai góc làm người mới gặp có thể e ngại. Nhưng chỉ cần Nhung cất lời, giọng nói trong, nhẹ, thủ thỉ sẽ xóa tan khoảng cách ban đầu. Nhung ví mình lớn lên như cỏ dại, dù gặp gió bão vẫn kiên cường, xanh tươi. Cô kể chuyện đi học, chơi đàn… nhẹ tênh như không có nỗi buồn nào ở đây. Vắng mẹ từ nhỏ, Nhung lớn lên bằng sự bao bọc của bố. Rồi như một thử thách của số phận, Nhung tiếp tục mất bố, ngay khi cô vừa sang Nga nhận học bổng của Nhạc viện Quốc gia Tchaikovsky. Tiếng đàn cello là liều thuốc giúp cô gái mới ngoài 20 vực dậy tinh thần, bước qua những biến cố và cả sự ràng buộc của một gia đình có truyền thống âm nhạc.

Nhung mô tả tiếng đàn của mình như thế nào?
Sâu lắng và dữ dội. Tôi chọn phong cách chơi đàn sâu lắng nhưng thể hiện nó một cách dữ dội nhất.

Đã có ai nói với bạn rằng nhìn bạn không giống một nữ nghệ sĩ cello chưa?
Ai cũng nói vậy. Khi còn nhỏ được gia đình định hướng học cello, tôi đã nghĩ sau này mình sẽ giống cô ruột (NSƯT Trần Thị Mơ): để tóc dài, mặc váy thướt tha, đứng chơi đàn trên sân khấu sáng rực ánh đèn. Nhưng lớn lên, tôi thấy đó không phải là mình.

Nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ cũng phải nhập vai như những diễn viên. Khi cần dữ dội phải dữ dội, khi cần dịu dàng phải dịu dàng. Song dù khả năng nhập vai tốt đến đâu cũng khó có thể thăng hoa như được chơi nhạc đúng với con người mình. Thử nghiệm qua nhiều thể loại, tôi thích rock ‘n’ roll nhất và thấy nó gần với con người mình nhất. Cá tính trong tôi, nhạc cổ điển khó thể hiện được.

Có đáng tiếc không khi bạn được đào tạo trong những môi trường âm nhạc cổ điển tốt nhất nhưng lại chọn trở thành một nghệ sĩ tự do?
Khi tôi mới về Việt Nam, ai gặp tôi cũng hỏi: “Sinh ra trong gia đình truyền thống âm nhạc, có cô chú đều là nghệ sĩ tên tuổi, sao không giống cô, không giống chú?”, tôi chỉ cười. Đi trên con đường này, tôi tìm được những người bạn đồng cảm, được tự do và có cả âm nhạc nữa. Những giai điệu giúp tôi giữ được cái nhìn trong trẻo, không bi quan trước cuộc đời.

Để được lông bông, tôi cũng phải trả giá nhiều lắm. Hoàn thành chương trình học tại Nga, tôi từ chối lời mời tham gia dàn nhạc giao hưởng lớn vì muốn trở về Việt Nam – nơi có quá nhiều kỷ niệm giữa tôi và bố. Tôi cũng lắc đầu khi được giới thiệu vào dạy ở Nhạc viện hay trình diễn cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Gia đình phản ứng khá gay gắt trước quyết định của tôi vì nghĩ bố mất rồi, tôi chỉ còn một mình, cần có cuộc sống ổn định. Đã hơn một năm nay tôi ít nói chuyện với cô chú, ông bà cũng vì thế.

Bây giờ tôi đang làm việc cho dàn nhạc tư nhân, tham gia giới indie, biểu diễn cho những nhạc sĩ cello tự do… Càng lúc tôi càng thấy mình thuộc về thế giới này chứ không phải sân khấu nơi trình diễn những âm thanh mẫu mực.

Từ khi nào cô bé chơi cello nhận ra mình phải sống cho giấc mơ tự do ấy?
Tôi sang Nga học ba tháng thì biết tin bố ốm nặng. Con gái về thăm không lâu thì ông qua đời. Trên chuyến bay trở lại Nga sau khi vĩnh biệt bố, tôi trống rỗng, không biết mình muốn gì, cũng chẳng biết sẽ sống tiếp thế nào khi chỉ còn một mình trên cuộc đời này. Nhưng cũng chính vì sự ra đi của bố tôi mới thay đổi, lao đầu vào tập đàn ngày này qua ngày khác để quên đi nỗi đau.

Tôi nhớ lời bố từng nói với tôi: “Ước mơ lớn nhất của bố là con được đi học nước ngoài, đứng trên sân khấu quốc tế và trở thành nghệ sĩ chơi đàn bằng trái tim”.

Mỗi ngày tôi đều tự hỏi trái tim mình muốn gì. Rồi một ngày cũng có lời hồi đáp: trái tim tôi muốn được tận hưởng thứ âm nhạc tự do. Hơn một năm sau, tôi tham gia cuộc thi biểu diễn dành cho nghệ sĩ trẻ để thực hiện lời hứa với bố là trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đứng trên sân khấu quốc tế.

Lúc nhận giải, tôi cứ thấy thấp thoáng bóng dáng bố đứng dưới hàng ghế khán giả, nhìn con gái đầy mãn nguyện. Có lẽ cú sốc lớn nhất trong cuộc đời đã thay đổi mọi thứ trong tôi. Ước mơ của bố đã trở thành ước mơ của tôi. “Phải chơi đàn bằng trái tim”, tôi luôn tự dặn mình như thế.

Con đường làm nghệ sĩ tự do có nhiều niềm vui nhưng chắc hẳn cũng không ít gập ghềnh?
Tôi đạt giải thưởng ở Nga nhưng gần như vô danh khi về Việt Nam. Theo con đường này, dĩ nhiên tôi không thể nhờ cậy sự trợ giúp của gia đình mà phải tự tìm cơ hội, đi hết chỗ này chỗ kia để xin biểu diễn với thù lao ít ỏi. Có lúc trong ví chỉ còn vài chục ngàn, tôi còn nuôi một em chó, hai đứa phải chia nhau hộp cơm rau. Từ chỗ sống rủng rỉnh bằng học bổng, về đây tôi nhận tất cả các công việc, kể cả đệm nhạc với thù lao vài trăm ngàn. Dần dần bạn bè nghệ sĩ quen mặt nên giới thiệu tôi đến với các chương trình lớn hơn. Giờ thì ổn hơn nhiều rồi. Mỗi sáng thức dậy biết mình đang sống, tôi lại thấy ngập tràn hạnh phúc.

Nhìn lại chặng đường gắn bó với cây cello, bạn nhớ nhất điều gì?
Những cơn mưa. Tôi vẫn nhớ ngày đầu đến học đàn ở nhà giáo sư Ngô Hoàng Dương, trời mưa tầm tã, con phố Thái Thịnh nước ngập ngang yên xe. Bố vác tôi trên vai, lội qua chỗ nước ngập. Tới nhà thầy, ông phải mượn khăn tắm lau người cho tôi rồi thay cho tôi bộ quần áo sạch mang sẵn gói trong ba lớp túi ni lông. Trông thấy cảnh đấy, giáo sư Ngô Hoàng Dương quát: “Bão to thế này mà còn bắt con bé đi học!”.

Ngày tham gia cuộc thi Sergei Sergeyevich Prokofiev, khi tôi xuống ga tàu điện, trời mưa như trút nước. Tôi đeo đàn chạy từ nhà ga đến điểm thi, ướt nhẹp từ đầu đến chân. Nhớ đến con phố Thái Thịnh ngày nào, tôi vừa chạy vừa khóc. Tới địa điểm thi ai cũng nhìn tôi ái ngại. Lúc ấy tôi chỉ tự nhủ cuộc đời có bao giờ dễ dàng đâu nên khó thêm chút nữa mình cũng sẽ làm được.

Dường như không chỉ một cơn mưa, hai bố con đã cùng nhau vượt qua rất nhiều khó khăn trên con đường theo đuổi âm nhạc?
Năm tôi 6 tuổi, bố quyết định chuyển công tác về Hà Nội để con gái tiện theo học cello chuyên nghiệp. Hoàn cảnh khó khăn nên bố con tôi không có nhà riêng. Tuổi thơ của tôi gắn liền với hàng chục lần chuyển nhà vì chủ nhà tăng giá. Tôi nhớ mãi những bát mì bố hay làm cho tôi ăn khi hết gạo. Dù trong túi chỉ còn 5 ngàn đồng, bố vẫn hỏi: “Con muốn ăn gì?”. Mới 10 tuổi, tôi đã hiểu thế nào là hết tiền nên bảo bố: “Con thèm mì tôm”. Bố mua hai gói mì hết ba nghìn, một quả trứng vịt hết một nghìn rưởi, còn thừa 500 đồng bố mua ít giá đỗ. Về nhà bố chỉ ăn mì suông, trứng với giá bố phần tôi cả. Sau này sang Nga nhớ đến đồ ăn Việt Nam, tôi không thèm đặc sản gì mà chỉ nhớ bát mì của bố. Khó khăn là thế nhưng bố vẫn rèn tôi tập đàn, đưa tôi đi học bất kể ngày nắng lẫn ngày mưa. Ông từng xin làm ca đêm từ 7 giờ tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau để ban ngày có thể đưa tôi đi học.

Ngoài tình yêu âm nhạc, bạn thấy mình giống bố nhất ở điểm nào?
Sự dũng cảm. Hồi mới vào trường nhạc tôi thi thoảng bị các bạn đùa vì thân hình mũm mĩm, về mách bố, ông chỉ nói: “Con phải tự đứng lên nói chuyện thẳng thắn với các bạn, bố không thể đi theo bênh vực con mãi”.

Bố đi làm đêm, tôi toàn ở nhà một mình. Trẻ con đứa nào cũng sợ ma, mỗi lần bố ra đến cửa là tôi quay mặt đi khóc. Nhưng phải cố nín. Bố dặn con gái phải dũng cảm ngủ một mình để bố đi kiếm tiền mua gạo, đóng tiền học. Có lần tôi vừa đói vừa sợ, không dám tự ra ngoài mua đồ ăn bèn bóc cái bánh chưng đã mốc ra luộc lại. Bánh cháy khét lẹt, tôi sợ quá, gọi cho bố khóc. Bố về đến nhà thấy tường bếp đen thui, con gái ngồi co ro một góc, bố không mắng mà chỉ ôm tôi khóc. Ông hỏi đi hỏi lại: “Con có sao không? Lần sau không được như thế nhé, đói phải nói để bố về nấu cho con ăn nhé”.

Sau này, tôi hiểu rằng bố đã rất dũng cảm khi từ bỏ cuộc sống quen thuộc ở Thái Nguyên về Hà Nội, dũng cảm nhận những việc làm nặng nhọc đêm hôm, tất cả chỉ để tôi được học nhạc.

Khi chơi đàn, Nhung có thường nghĩ đến bố không?
Có lần chơi một bản nhạc về tuổi thơ, tôi thấy hiện ra trước mắt hình ảnh ba bố con trên khoang tàu. Ba bố con là bố, tôi và em chó tên Mốc. Chuyến tàu năm ấy đưa ba bố con từ Thái Nguyên đến ga Long Biên (Hà Nội) để xin cho tôi học cello. Tàu cũ, hai hàng ghế gỗ cứng ngắc đối diện nhau, ở giữa có cái bàn nhỏ xíu. Mốc ngồi một bên, tôi và bố ngồi một bên. Tôi và Mốc say mê ngắm những cánh đồng, những thành phố chạy ngang khung cửa sổ, còn bố mang trên lưng một chiếc ba lô bộ đội cũ rích, mắt bố trầm ngâm

Bài Nha Trang   Nhiếp ảnh Lê Lai

Trang điểm Sam Sam  

Biên tập hình ảnh Nam Nguyễn

Stylist Jin Juin

Địa điểm 281 STUDIO

 Thiết kế Lê Hoa 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP