Kiến trúc sư Nguyễn Hà: Giải mã "Kẻ lữ hành kỳ dị" - Tạp chí Đẹp

Là người nổi tiếng “ngầm” trong giới kiến trúc sư, nhưng sau khi tạo ra một hiện tượng lan tỏa mạnh mẽ với triển lãm các mô hình kiến trúc “Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối tại Hà Nội” vào tháng 8/2022, Nguyễn Hà đã không còn “ngầm” được nữa. Người ta mách nhau và rủ nhau đi, chịu xếp thành hàng dài chờ đến lượt ngắm tận mắt các đồ án kiến trúc trông siêu thực như những giấc mơ, ngắm cách bài trí tung tẩy trên các chiều không gian, và cười lăn lộn trước thái độ hài hước tưng tửng của người kiến trúc sư khi dẫn ra những lý do mà các dự án đã không trở thành hiện thực, chẳng hạn như “Không chịu thiết kế đường đủ to cho ô tô vào tận cửa các bungalow”, “Trông lạ quá, kỳ lạ hơn cả cung thiếu nhi tỉnh”, hay “Chủ đầu tư không nghĩ đây là nhà trọ”… Lý do thành công của triển lãm, theo người viết, là sự gợi mở và chạm đến nhiều ranh giới: ngôn ngữ kiến trúc nhưng lại gần với điêu khắc và sắp đặt, cách tiếp cận vừa “bay” vừa thực tế, triển lãm kiến trúc nhưng lại đặt trong không gian nghệ thuật đương đại, ngôn ngữ và cách diễn giải như không có gì song lại rất có sức lay động đối với những người quan tâm hoặc thực hành sáng tạo.

Vì sao triển lãm mang tên là “Kẻ lữ hành kỳ dị”?
Tên “Kẻ lữ hành kỳ dị” không do tôi đặt. Cách đây hai năm, chị Trâm (Trâm Vũ, người sáng lập không gian nghệ thuật Manzi đồng thời là nhà tổ chức triển lãm – PV) đặt vấn đề với tôi về triển lãm này. Chị Trâm thỉnh thoảng qua văn phòng tôi chơi và hỏi về các mô hình kiến trúc được đặt ở văn phòng, tôi bảo rằng đây là các mô hình dự án bị từ chối. Chị Trâm thấy thú vị và đề nghị làm triển lãm, chị đưa ra gợi ý về cái tên này. Tôi tôn trọng cách nhìn ấy. Mọi tên gọi hay giới thiệu triển lãm là do Manzi độc lập viết ra.

Kỳ dị có gì đó cô đơn. Chị có coi mình là kẻ cô đơn kỳ dị không?
Cũng có những lúc tôi viết về kiến trúc và gọi kiến trúc là không gian cô đơn. Có nghĩa là chỉ khi tôi nhìn vào bên trong chính mình thì mới nhận rõ các giá trị. Khi cô đơn tôi mới đủ tĩnh lặng để hiểu được tính thiêng. Không chỉ một mình tôi cô đơn mà cả vũ trụ này cô đơn, vì không ai giống ai cả. Ai cũng cô đơn, chứ không phải nghệ sĩ thì cô đơn hơn người khác.

Nhưng khi làm kiến trúc, cái cô đơn của không gian này sẽ khác với cái cô đơn của không gian khác, vậy thì có một hình mẫu hay phương pháp thiết kế nào lặp đi lặp lại không?
Về mặt biểu hiện bên ngoài thì các không gian trông khác nhau, nhưng với tôi, thường là cái không gian cô đơn đấy không để làm gì cả. Ví dụ phòng ăn là để ăn, họp là để họp, nhưng nếu xác định không gian này không để làm gì, thì tôi bỏ hết bám chấp về không gian đấy, đó có thể là một hành lang dẫn từ phòng khách sang phòng ăn, khoảng cách giữa hai hoạt động chức năng đấy cho tôi được nghỉ ngơi, là một chỗ trống rỗng để có thể làm bất kì cái gì, hoặc không làm gì, không có mục đích gì cả, nhưng nó là cái mấu chốt, tạo ra sự lưu chuyển về mặt năng lượng hay không khí.

 

Nhiều thiết kế/tác phẩm kiến trúc của chị mang màu sắc tâm linh, hoặc trong phần diễn giải có dùng các từ ngữ tâm linh như “Đạo”, “Chúa trời”. Về hình thức, có nhiều khối hình trụ, ống thông thiên, hoặc các không gian mở uyển chuyển và liên thông với nhau, liệu những tác phẩm ấy có mang chủ ý tâm linh thật không?
Thời gian Tây học, tôi rất ngưỡng mộ sự chuyên nghiệp, các khối, đường nét mà châu Âu họ làm. Khi đi học về tôi lại làm trưởng một văn phòng của Tây, các thứ về tỉ lệ hình khối “trông rất Tây” tôi học rất nhanh và làm được ngay. Nhưng làm xong thì cứ thấy nó không thuộc về mình. Sao người Tây họ làm thì thấy ổn mà tôi làm thì không thấy ổn. Tôi dừng lại một thời gian. Văn phòng từng phá sản, tôi tự hỏi tại sao mình chưa thực sự vui khi thiết kế những thứ mà người khác có thể rất thích và bảo là rất đẹp rồi. Tôi có cơ hội đi vòng quanh thế giới và đến rất nhiều công trình kiến trúc, dành rất nhiều thời gian để cảm nhận. Bằng sự cảm nhận riêng, mỗi khi tôi vào các công trình bất kể lớn nhỏ nhưng nếu có được tính thiêng, tôi vô cùng xúc động, bị nổi da gà và cảm nhận cực kỳ rõ ràng cảm giác xúc động linh thiêng. Cũng có những công trình đúng là rất nổi tiếng về kiến trúc, dù rất đẹp nhưng không để lại cho tôi sự xúc động, cảm xúc, hay kỷ niệm gì. Có những công trình tôi rời đi rồi lại phải quay lại, để cảm nhận lại cái cảm giác đó. Và hình như có một quy luật gì đó mà chẳng may con người có thể tạo ra được bằng không gian kiến trúc.

Vì sao chị lại chọn theo đuổi kiến trúc? Trong khi rõ ràng chị có máu nghệ sĩ, sao không chọn làm nghệ sĩ nhỉ?
Kiến trúc và nghệ thuật đã từng rất gần nhau, như Leonardo da Vinci vừa là họa sĩ, kĩ sư, nhà khoa học, kiến trúc sư. Nhưng ngày nay kết nối ấy đang bị đứt gãy và lãng quên. Tôi thích làm triển lãm ở Manzi là vì thế, thường những triển lãm kiến trúc chỉ cho dân ngành kiến trúc xây dựng đến xem, còn Manzi là dành cho cộng đồng yêu nghệ thuật nói chung, và tôi thì muốn xem thử kiến trúc có đạt được đến tính nghệ thuật không khi được trưng bày trong không gian nghệ thuật. Tôi cũng muốn kiến trúc sư và nghệ sĩ làm việc với nhau. Tôi biết có những nghệ sĩ rất hay, họ đi đến cùng con đường với những thử nghiệm và sự dũng cảm. Với kiến trúc sư, nếu đi đến cùng được tất cả các yếu tố thì chắc chắn sẽ rất hay.

Nghề kiến trúc sư là tổng hòa của nhiều thứ, nó phải vừa khoa học và vừa rất kỹ thuật. Vì nếu xây công trình mà không đạt về kỹ thuật là thất bại, nhưng nếu chỉ đáp ứng kỹ thuật thì lại chỉ là kỹ sư chứ không phải kiến trúc sư. Tức là tôi phải nắm vững các lý thuyết về logic, kỹ thuật, nhưng tôi giải quyết sao cho hay nhất!

Vậy đâu là cái điểm “hay”, điểm mấu chốt phân biệt giữa kỹ sư và kiến trúc sư?
Đúng về công năng, hay là làm “hay” về thẩm mỹ không gian, cái nào nên đi trước và quan trọng hơn cái nào, đó là tranh luận khá phổ biến trong giới kiến trúc sư. Nghĩ như thế là thừa. Quan niệm ấy không nên tồn tại. Một công trình đúng về công năng, đưa lại cảm giác thoải mái dễ chịu là thứ phải có, anh phải học, hiểu được các nguyên lý đầy đủ, thì anh sẽ làm được, giống như kỹ sư chế tạo máy, để tạo ra một cái máy chạy được, là điều kiện cơ bản rồi. Nhưng đấy mới chỉ là kỹ sư thôi. Còn kiến trúc sư thì phải có tính nghệ thuật. Trong lúc làm việc, tôi hay song hành, tạo ra những vật thể đẹp mà không biết để làm gì, nhưng khi có hai cái hợp nhau, khi tôi hiểu về kỹ thuật thì lại tạo ra được một cái vừa đẹp vừa tối ưu về công năng. Tôi không tư duy từ cái khác biệt trước, tôi bắt đầu từ sự lãng mạn rồi đến khoa học, logic và kỹ thuật; tôi muốn kết quả phải đẹp và phải “chạm”.

Bài Trương Uyên Ly

Nhiếp ảnh Lê Lai

Biên tập hình ành Nam Nguyễn

Stylist Jin Juin   Trang điểm Sam Sam

Thiết kế Lê Hoa

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP