Lần đầu tiên anh và Huỳnh Lập gặp nhau là khi nào?
Từ hồi còn học phổ thông, tôi là đàn anh cách Lập 2 khóa. Ở hội văn nghệ của trường, Lập chuyên mảng đạo diễn và diễn xuất, còn tôi thì lo đạo cụ, phục trang và cảnh trí sân khấu. Nghệ thuật đã đưa chúng tôi đến với nhau, dù chỉ trong phạm vi trường học. Sau này khi lên Sài Gòn, tôi trở thành một designer còn Lập tiếp tục học diễn xuất. Chúng tôi vô tình gặp lại nhờ công việc và tiếp tục đồng hành, tới nay đã 10 năm. Chúng tôi hiểu nhau đến nỗi chỉ cần Lập nói số 1, tôi sẽ tự hiểu số 2 là gì.
Khán giả vẫn luôn tò mò mối quan hệ thật sự giữa anh và Huỳnh Lập là gì?
Lập vẫn thường nói với mọi người rằng: “Nếu không có Hồng Tú thì sẽ không có Huỳnh Lập”, tôi cũng muốn trả lời một ý ngược lại: “Nếu không có Huỳnh Lập thì sẽ không có Hồng Tú”. Một nghệ sĩ giỏi luôn cần người quản lý phù hợp để cùng nhau phát triển. Và nếu không có một người bạn biết đối nhân xử thế hài hòa như Lập bên cạnh, tôi cũng không thay đổi con người mình nhiều đến vậy.
Chúng tôi ảnh hưởng nhau trong cả công việc và cuộc sống, từ đó mới hình thành nên những sản phẩm mang hơi hướng của cả hai. Tại sao trên mọi poster sản phẩm đều luôn ghi: “Một bộ phim của Hồng Tú và Huỳnh Lập”? Bởi vì ở đó có dấu ấn về diễn xuất của Lập và năng lực sản xuất của tôi.
Tình cảm sâu đậm ấy có phải là lý do anh và cả công ty riêng của anh chỉ tập trung vào nghệ sĩ duy nhất là Huỳnh Lập?
Đúng là có nhiều nghệ sĩ khác mời tôi hợp tác hoặc đề nghị tôi làm sản phẩm cho họ, nhưng hiện tại chỉ riêng công việc của Huỳnh Lập thôi, tôi đã làm không nổi rồi. Nếu sản phẩm chung của nghệ sĩ khác mà có Lập thì tôi làm, còn không tôi sẽ từ chối luôn.
Trung bình mỗi tháng, công ty chúng tôi sản xuất 4 sản phẩm cho Huỳnh Lập, bao gồm cả sản phẩm quảng cáo và cá nhân. Nếu tôi dành thời gian cho một nghệ sĩ nữa, tôi sợ làm không tốt. Thực tế ngoài thị trường, khi một người quản lý đến 4-5 nghệ sĩ thì họ chỉ thành công ở 1-2 người thôi. Hiện tại, định hướng sản phẩm và tư duy nghệ thuật của tôi và Lập giống nhau.
Định hướng đó cụ thể là gì?
Chúng tôi đều yêu điện ảnh và muốn làm những sản phẩm nghệ thuật thật chỉn chu dành cho khán giả. Trước phim điện ảnh đầu tay “Pháp sư mù”, mặc dù chỉ phát hành mọi thứ trên YouTube nhưng dù là parody hay web drama, chúng tôi luôn coi đó là một sản phẩm nghệ thuật thực thụ chứ không chạy theo thị hiếu để làm ra một thứ hài hước và dễ dãi quá đà. Những gì Lập làm vẫn hài hước, nhưng tiếng cười ấy sẽ dẫn dắt đến một câu chuyện ý nghĩa và nhân văn phía sau. Lập rất sợ làm hài mà không có lý do, khiến khán giả cười cho đã rồi quên đi luôn.
Nhờ đâu mà hai anh tìm được nguồn chi phí lớn để sản xuất sản phẩm chất lượng như vậy, trong khi YouTube ở Việt Nam vẫn chỉ là một cuộc chơi hoàn toàn miễn phí?
Nghệ sĩ bây giờ có tiền sẽ mua xe, mua nhà hay làm một điều gì đó cho bản thân, còn Lập đổ tiền vào sản phẩm, vì chính bản thân cậu ấy muốn như vậy. Hồi trước, khi chúng tôi làm “Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể”, Lập chỉ là sinh viên, còn tôi vẫn đi làm công ăn lương. Cả hai gom góp được 500 triệu và đi vay hơn 2 tỷ từ gia đình cùng những người thân thiết để làm ra một sản phẩm trị giá 2,7 tỷ.
Khi Lập được người ta biết đến nhiều hơn và bắt đầu đi show để kiếm lại chút tiền thì chúng tôi tiếp tục đầu tư làm web drama “Ai chết giơ tay”. Lần này hai đứa có 2 tỷ và đi mượn thêm 1,8 tỷ nữa để làm ra sản phẩm trị giá 3,8 tỷ. Sau đó, những kênh truyền hình và web xem phim trực tuyến đã chấp nhận mua bản quyền “Ai chết giơ tay” để chiếu lại.
Đến phim điện ảnh “Pháp sư mù”, chúng tôi dự trù 15 tỷ nhưng khi bắt tay vào làm thì thực tế lên tới 17 tỷ rồi. Hiện tại, gần thời điểm phim ra mắt, chi phí đã lên tới 20 tỷ và tôi còn chưa biết nó sẽ dừng lại ở bao nhiêu nữa.
Nói đến toàn tiền tỷ như vậy, có vẻ cả hai đều là những người rất chịu chi trong nghệ thuật?
Thật ra chúng tôi làm mọi thứ bằng tâm hồn nghệ sĩ chứ không sử dụng cái đầu của một nhà kinh doanh. Để tôi kể bạn nghe, Lập đi thi chương trình “Cười xuyên Việt” vào năm 22 tuổi. Trước đêm chung kết, ai cũng phải đi kiếm một tiểu phẩm hay để diễn, có bao nhiêu chiêu trò thì cố bung ra hết. Một nghệ sĩ chỉ được chương trình hỗ trợ 5 triệu tiền phục trang thôi. Tôi đi năn nỉ bên đó, người ta thấy Lập hết mình quá nên cho thêm thành 10 triệu. Nhưng thật ra đồ Lập mặc trong đêm chung kết làm hết 50 triệu đấy.
Để làm được 4 bộ đồ đó, chúng tôi phải chạy quãng đường hơn 20 cây số trên chiếc xe cub đến nhà một nghệ nhân. Lập đã dành Quán quân “Cười xuyên Việt” với số điểm tuyệt đối. Chú Hoài Linh còn chắp tay sau khi xem, không phải vì Lập mà vì tiểu phẩm và sự đầu tư của nó.
Bên cạnh việc đầu tư cho sản phẩm, nghệ sĩ nào cũng cần chăm chút cho hình ảnh cá nhân nữa chứ, không phải sao?
Tôi nói thật, bây giờ về lục banh tủ đồ của Lập cũng không thấy nổi một món đồ hiệu nào đâu. Thứ đắt nhất của Lập chỉ là một đôi giày adidas 3 triệu đồng. Tôi nghĩ nghệ sĩ đi làm mà đặt nặng đồng tiền quá, lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền thì sẽ không toàn tâm toàn ý diễn xuất được.
Trước khi lên sân khấu, tôi không bao giờ cho Lập biết tiền cát-xê show diễn đó là bao nhiêu, cho nên cách Lập làm việc dù show nhận 10 triệu hay 50 triệu đều giống nhau. Tôi chỉ muốn Lập tập trung vào nghệ thuật thôi, quan điểm của Lập cũng vậy. Lập chưa từng đặt bút kí một hợp đồng nào. Tất cả mọi thứ tôi đảm bảo cho Lập hết rồi.
Cát-xê của Huỳnh Lập được đong đếm dựa trên thước đo nào?
Giá cát-xê sẽ dựa theo cột mốc. Khi nghệ sĩ bắt đầu chuyển mình qua một giai đoạn mới, được nhiều người công nhận hơn, đắt show hơn thì có thể nâng giá mình lên để chọn lọc dự án và đối tác sao cho phù hợp nhất.
Không phải cứ đưa cho tôi 1-2 tỷ rồi bảo Lập làm khùng điên gì cũng được. Tôi không muốn biến Lập thành một nghệ sĩ làm quảng cáo sản phẩm một cách bất chấp chỉ để kiếm tiền. Dù là quảng cáo vẫn phải duyên dáng, hài hước đúng chất của Lập. Tôi đã từng lôi Lập về, không cho Lập tiếp tục làm việc với một thương hiệu chỉ vì bên họ không tuân thủ những điều khoản trong hợp đồng. Làm việc cần có sự nhất quán và nguyên tắc riêng. Tôi luôn chọn những điều an toàn cho Huỳnh Lập.
Không sai khi nói anh rất bảo vệ Huỳnh Lập và ngược lại, Lập cũng tin tưởng anh!
Mỗi một tháng thu chi như thế nào, tôi đều in sao kê chi tiết cho Lập nhưng Lập chưa bao giờ xem hết. Đối với chúng tôi, ngoài sự tin tưởng thì còn có nhiều thứ gắn kết hơn thế khiến chúng tôi không cần thiết phải nghi ngờ nhau.
Trong công việc, chúng tôi là những người rất sòng phẳng. Tôi làm sản xuất mà, một đồng cũng không “chạy” khỏi tôi đâu. Tôi trả công sức cho ê-kíp của mình xứng đáng, nhưng nếu chi phí phát sinh mà không giải thích được lý do vì sao thì tôi sẽ làm cho ra nhẽ. Vì thế từ xưa đến nay, tôi không gặp phải kiện cáo gì về tiền bạc và công việc để gây ảnh hưởng đến cái tên Huỳnh Lập.
10 năm đồng hành cùng nhau từ lúc không có gì, đến bây giờ, hai anh có gì rồi?
Trước đây công ty chúng tôi là một căn phòng rất nhỏ tại quận 10, nhưng từ khi web drama “Ai chết giơ tay” thành công, cần mở rộng thêm về nhân sự và phòng ban nên tôi mới quyết định thuê căn nhà to này đây.
Làm việc cùng Huỳnh Lập, anh có bị ảnh hưởng bởi tính tình và cách làm việc của anh ấy?
Tôi bị ảnh hưởng bởi Lập rất nhiều ở cách đối nhân xử thế. Hồi xưa tôi sống kì lắm, có chút sân si, có chút soi mói và có chút kiếm chuyện, thích chọc ghẹo người khác. Từ khi làm việc với Lập, tôi nhận ra mình nên sống vì bản thân, vì những người thân xung quanh hơn. Chúng ta không nên dùng những lời lẽ nặng nề để nói về nhau, cuộc sống này vốn đã mệt mỏi rồi, làm gì nhẹ nhàng và từ tốn thôi.
Vì sao sau 4 năm, cả hai cùng có cách nhìn nhận mọi chuyện điềm tĩnh đến như vậy?
Đó là những biến cố liên quan đến đôi lần vạ miệng. Đôi khi chỉ là một câu chuyện nhỏ, một câu nói trong lúc chưa suy nghĩ kĩ bị lan truyền rất nhanh, tới tai một nghệ sĩ lớn. Đến thời điểm hiện tại, tôi hiểu rằng chú không thích chúng tôi cũng bởi vì những bồng bột và phát ngôn vội vàng ngày xưa của chúng tôi.
May mắn là bên cạnh hai đứa luôn có chị Việt Hương, chú Hữu Châu, anh Đại Nghĩa, những người mà khi chúng tôi làm một điều gì đó sai hay không vừa ý người khác, họ luôn nhắn tin khuyên bảo để chúng tôi đi một con đường chắc chắn hơn. Chúng tôi còn trẻ nên luôn cần những người bổ sung kinh nghiệm và kiến thức để có thể làm nghệ thuật một cách đàng hoàng. Nghệ sĩ đâu hoạt động một mình được. Họ cần những mối quan hệ xung quanh để thấy được những gì nên làm và không nên làm.
Từ series hài đến loạt parody, web drama và giờ là phim điện ảnh đầu tay, đó có phải hành trình trưởng thành của Huỳnh Lập và Hồng Tú?
Tôi vẫn hay chê “sao mày già vậy Lập?”. Nhưng tâm hồn Lập vẫn trẻ con lắm, chỉ có tư duy nghệ thuật là già thôi. Bởi vậy người ta mới nói sống khác biệt quá lại trở thành tách biệt. Chúng tôi làm phim điện ảnh không phải vì muốn kiếm tiền mà vì muốn thử sức mình trong một lĩnh vực, một vị trí mới với hướng đi lâu dài hơn. Tối ngày xô bồ trên YouTube mãi không được.
Tìm hiểu thêm câu chuyện của nhân vật trong chuyên đề Đẹp+…
Bài Hạnh Moon Thiết kế Anh Hoa
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP