Huỳnh Lập: "Tôi vẫn muốn có một nơi thiêng liêng như sân khấu để đi diễn hàng đêm" - Tạp chí Đẹp

Anh sắp ra mắt một bộ phim điện ảnh rồi, vậy bây giờ phải gọi anh là đạo diễn Huỳnh Lập mới đúng nhỉ?

Ai theo dõi con đường nghệ thuật của tôi sẽ thấy nó không phải là một đường thẳng hay đường chéo mà là đường zigzag đi lên. Tôi không dừng lại ở một thể loại mà luôn cố gắng phát triển mỗi thứ tới một mức nào đó rồi rẽ sang thể loại khác khó hơn.

Thời gian đầu tôi làm sân khấu với nhóm hài Tía Lia, sau đó lấn sang YouTube bằng sitcom, series hài ngắn. Dần dần tôi chuyển sang làm parody rồi tới web drama. Bây giờ tôi lại thử sức mình ở một bậc cao hơn nữa là phim điện ảnh.

 

Nếu đã ấp ủ khao khát làm phim điện ảnh, sao anh không bắt đầu ngay từ “Ai chết giơ tay”?

Nhiều người cũng hỏi sao tôi không biến “Ai chết giơ tay” thành phim điện ảnh luôn mà lại làm web drama chi cho uổng, đâu thu được nhiều tiền dù mình cũng đầu tư cả mấy tỷ. Nhưng tôi biết lúc đó chưa phải thời điểm.

Thứ nhất, mình không đủ tự tin. Thứ hai, mấy tỷ của tôi chả thấm tháp gì với một phim điện ảnh cả, nó cần nhiều hơn thế. Thứ ba, nội dung của “Ai chết giơ tay” không đủ sức hút để kéo khán giả ra rạp. Cho nên dừng ở đó là đủ.

 

Từ lúc nào anh cảm thấy mình đủ sức vươn ra màn ảnh rộng để bắt tay vào làm “Pháp sư mù”?

Khi tôi có trong tay 17 tỷ chứ không phải là 4 tỷ của web drama (cười).

Tôi phải dự trù rất nhiều thứ từ máy móc, nhân lực cho tới chiến lược quảng bá mới dám xuống tiền làm phim, chứ hụt chân một cái là chết. Từ đầu năm 2019, nhiều khán giả hỏi Huỳnh Lập lặn đâu mất tăm mà chẳng thấy dự án nào mới.

Trời ơi, đâu phải tôi đi trốn. Một khi bắt đầu làm điện ảnh là tôi phải bỏ hết tất cả các dự án nhỏ lẻ khác. Lâu lâu tôi nhận quảng cáo để kiếm thêm tiền xoay sở làm phim thôi, chứ không là chết.

 

17 tỷ là toàn bộ tiền anh bỏ ra hay có nhà tài trợ?

Tôi làm gì có từng ấy tiền, phải nhờ các nhà tài trợ giúp sức. Nhiều anh chị em sẵn lòng giúp đỡ tôi lắm, từ anh đạo diễn Lý Minh Thắng, DOP Lê Hữu Hoàng Nam, các đồng nghiệp cũng chỉ nhận khoảng 60% cát-xê so với giá trung bình.

Mới hôm trước, tôi vừa biết là có người giấu mặt đứng sau hỗ trợ mình 100% chi phí quảng cáo ở các tòa nhà, trung tâm thương mại, ước tính cũng phải lên đến 500 triệu. Tôi hoàn toàn không rõ đó là ai, chỉ biết thầm cảm ơn người ta.

 

Điện ảnh là một cuộc chơi hoàn toàn khác web drama, nó phải khiến khán giả muốn bỏ tiền bạc và thời gian ra để thưởng thức, anh có lo lắng trước điều đó?

Làm phim rồi mới biết nó cực gấp trăm lần làm web drama. Lúc đầu tôi cũng nghĩ là không sao đâu, tới đâu tính tới đó, mà làm rồi thì thấy khó như lên trời.

Trước giờ tôi vẫn “xả láng” trên YouTube và sân khấu nhưng khi làm phim điện ảnh, tôi phải tiết chế rất nhiều. Nếu mình không có một sự chuyển hóa thì người ta sẽ thấy chán vì Huỳnh Lập trên màn ảnh rộng với Huỳnh Lập trên YouTube chả có gì khác biệt.

Cái khó nhất nằm ở phần kịch bản vì điện ảnh không giống như web drama để mình muốn làm đề tài gì cũng được, không bị cản trở. Với phim chiếu rạp, để đề tài tâm linh có thể lọt qua vòng kiểm duyệt không phải là chuyện đơn giản.

 

Điện ảnh Việt vừa trải qua một mùa hè buồn tẻ khi các bộ phim ra mắt chỉ toàn thua lỗ hoặc suýt hòa vốn. Anh nghĩ sao về số phận bộ phim sắp ra rạp của mình?

Lo chứ. Tôi sợ khán giả mất niềm tin và không ủng hộ cho những người đi sau, lúc đó thì cơ hội cho mình ít đi. Cho nên thấy phim nào ra mắt thành công, được khen hay thì mình nên mừng, vì mình mà dìm người ta là mình chết luôn. Nếu so sánh thị trường điện ảnh Việt Nam như một dòng sông thì mỗi bộ phim là một con thuyền. Thuyền nào ra khơi cũng chìm hết thì còn ai dám căng buồm nữa?

Nhắc đến chuyện kiểm duyệt, chắc anh cũng biết đây là vấn đề đang gây tranh cãi rất lớn tại xứ ta vì có trời mới biết bộ phim nào là phù hợp theo tiêu chí hội đồng?

Khi viết kịch bản, tôi không cổ súy mê tín dị đoan mà chỉ phản ánh cuộc sống hiện tại dưới góc nhìn nhiệm màu và đầy phép thuật. Đại diện trong phim đó là tuyến nhân vật pháp sư.

Tôi cân bằng câu chuyện bằng cách xây dựng hai tuyến nhân vật đối trọng, một là người bình thường có xu hướng mê tín dị đoan, hai là người không tin vào tâm linh và lý giải mọi thứ trên cơ sở khoa học. Phim của tôi không đi theo hướng hù dọa, nhát ma ai cả mà chỉ phản ánh đời sống tâm linh tích cực.

Tôi cân đo đong đếm rất kĩ về tuyến nhân vật và cái nhìn của nhân vật để nó phù hợp với cái nhìn đa dạng của khán giả, bởi có người tin chuyện tâm linh, có người không.


Nhưng tôi vẫn có cảm giác phim của anh được duyệt quá dễ dàng so với “Thất sơn tâm linh” thì phải?

Nghe Hoàng Yến Chibi chia sẻ về những câu chuyện tâm linh của phim “Thất Sơn tâm linh” thì thấy đúng là quá kinh khủng, đáng sợ. So lại với “Pháp sư mù”, câu chuyện của tôi dễ thương, nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì tôi pha lẫn vào đó cả chất hài hước. Tôi đả kích những người dùng tâm linh làm yếu tố ngụy tạo, thích ăn chay niệm Phật nhưng sống không đàng hoàng, dùng bùa chú hại người. Hy vọng Cục Điện ảnh sẽ thấy được sự chủ động của tôi trong việc tiết chế.

Có phải vì YouTube đã bắt đầu bão hòa, anh mới muốn từ bỏ và chuyển sang sân chơi lớn hơn?

Đúng là thị trường YouTube đang bị bão hòa. Có quá nhiều vlog, quá nhiều sitcom, series hài hay web drama khiến khán giả không còn quá trông đợi ở mình nữa, không có phim này thì họ xem phim khác.

Nên thôi, tôi thấy mình nên rút bớt cho đỡ loạn, để những người tâm huyết khác có đất trình diễn. Mình khai phá sân chơi mới và thỉnh thoảng trở lại YouTube với những sản phẩm chất lượng thôi chứ không ồ ạt như trước nữa.


Anh sẽ bỏ hẳn sitcom, parody và web drama à?

Không. Tôi vẫn sẽ làm những gì tôi từng làm trước đây nhưng chắc chắn phải ở mức độ chuyên nghiệp và công phu hơn. Tôi muốn đạt đến đỉnh cao của nhiều thể loại khác nhau chứ không phải là làm cái này thì bỏ hẳn cái khác.

Khán giả yêu quý cái tên Huỳnh Lập cũng từ YouTube mà ra, giờ mình bỏ đi sao đặng? Còn nếu bộ phim sắp tới thành công thì tôi sẽ tiếp tục phát triển hình thức này và thậm chí là đúng series này luôn. Tôi muốn xây dựng cả một vũ trụ tâm linh của Việt Nam.


Làm điện ảnh thì phải chi lớn, nhưng nếu thắng thì cũng thắng lớn hơn web drama rất nhiều nhỉ?

Đúng. Thực ra có nhiều khán giả ở xa tiếc nuối vì không có điều kiện ra rạp xem phim, họ hỏi sao tôi không ra phim trên YouTube đi. Tôi mong khán giả thông cảm vì tôi cũng phải đầu tư cho cuộc sống của mình nữa. Chứ cứ vài ba tháng tôi lại bỏ ra 4-5 tỷ đồng để làm sản phẩm xem miễn phí trên mạng rồi thu về từng đồng từ YouTube thì biết sống làm sao.

Tôi hy vọng khán giả hiểu, rằng Huỳnh Lập chỉ đang chinh phục con đường mới để thử thách mình nhiều hơn chứ không bao giờ bỏ YouTube đâu.


Nếu kiếm được nhiều tiền hơn từ “phi vụ” này, anh sẽ làm gì tiếp theo?

Nếu có đồng lời, tôi sẽ tìm một sân khấu nho nhỏ cho mình để xây dựng lại nhóm kịch Tía Lia ngày trước. Tôi muốn phát triển lại con đường sân khấu mà mình đã bỏ dở. Tôi vẫn muốn có một nơi thiêng liêng như sân khấu để có thể đi diễn hàng đêm.


Nhưng đóng kịch trên sân khấu vất vả hơn mà cũng ít tiền hơn?

Nhưng cội nguồn của tôi vẫn là sân khấu. Tôi chỉ đang chẻ nhánh ra để theo đuổi con đường mới chứ làm sao từ bỏ nguồn gốc của mình được!

Nổi tiếng nhanh chóng, đạt được nhiều thành công và có cơ hội thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau, điều đó tác động thế nào đến tư duy của anh?

Khác rất nhiều. Khác trong sự tư duy, tôi cảm giác bây giờ mình bình tĩnh với cuộc sống hơn, thấu đáo và khiêm nhường hơn. Huỳnh Lập một năm trước khác Huỳnh Lập bây giờ, và Huỳnh Lập 3 năm trước thì còn khác nhiều nữa.


Khác như thế nào?

Tôi của trước đây tăng động, nhiều năng lượng và không kiểm soát được cơ thể, tâm trí của mình. Từ khi được tiếp xúc với đời sống tâm linh, tôi đã biết sống chậm lại. Nhân quả là có thật, nó đến sớm hoặc muộn thôi chứ không bỏ sót bất kì ai. Từ đó, tôi dần chấn chỉnh bản thân để sống tốt hơn, bớt sân si, thị phi. Tôi may mắn khi không cần phải trải qua bi kịch nhưng vẫn có thể tự lớn, tự trưởng thành.


Cuộc sống của anh trước giờ không có va vấp nào ư?

Cuộc sống, sự nghiệp của tôi thì không có vấp ngã nhưng trong tâm can tôi có rất nhiều.


Là những đấu tranh tâm lý bên trong con người anh?

Đó là thời điểm tôi bị sức mạnh tâm linh tà ác thao túng. Khoảng 2 năm trước, tôi bị gieo vào đầu những suy nghĩ tiêu cực, độc hại từ một ông thầy bói. Với bạn bè xung quanh, tôi nhìn ai cũng thấy họ có ý xấu với tôi. Dần dần tôi thu mình lại, đề phòng trước họ. “Tôi sống tốt quá rồi, tôi không chơi với những người này”, tôi đã luôn nghĩ như vậy.

Giai đoạn đó cực kỳ kinh khủng với tôi. Tôi như bị mất niềm tin vào mọi thứ. Tôi chỉ biết đứng trước bàn thờ Tổ mà khóc, trách tại sao mình sống tốt như vậy mà người ta lại có ý xấu với mình. Nhưng mà thực tế, những giọt nước mắt ấy hoàn toàn vô nghĩa. Xung quanh tôi chẳng có gì tiêu cực cả, tất cả chỉ là do tâm trí tôi tự tưởng tượng ra rồi khiếp sợ.

Khoảng thời gian đó là một thằng Lập nào đó rất dị hợm chứ không phải tôi. Thậm chí, bởi tâm sinh tướng nên gương mặt tôi lúc đó nhìn cũng ác và xấu xí.


Anh thoát ra khỏi ngục tối bằng cách nào?

Tôi thoát ra được là do phước đức ông bà dẫn dắt. Tôi được một người thầy chính đạo hướng dẫn để buông xả ý niệm xấu. Người đó chỉ nói với tôi một điều thôi: “Trong tâm em có Phật là được”.


Qua chuyện đó, tình cảm giữa anh và những người thân thiết có bị ảnh hưởng?

Tôi nghĩ rằng đâu đó trong tâm can bạn bè tôi cũng có vết thương lòng nhưng họ giấu đi. Mỗi lần đối diện với họ, tôi vẫn thấy ái ngại vì mình từng có khoảng thời gian nghĩ xấu về họ như thế.

Tìm hiểu thêm câu chuyện của nhân vật trong chuyên đề Đẹp+…

Bài Phương Linh Thiết kế Anh Hoa

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP