Nhắc đến chuyện phụ nữ làm nghề, nhất là với những nghề nghiệp vốn dĩ được xem là lãnh địa của đàn ông, thì đàn bà không chỉ đơn thuần là phái yếu mà còn là thế yếu. Điện ảnh thế giới đến tận bây giờ vẫn vậy, huống chi là với nền làm phim còn non trẻ của điện ảnh Việt.
Những nữ đạo diễn như Ngô Thanh Vân và Nguyễn Hoàng Điệp cũng không là ngoại lệ, đều là “hoa lạc giữa rừng gươm” với hầu hết nhân sự các cấp của những đoàn phim là đàn ông. Giữa một đoàn phim, cương vị đạo diễn với thân mang trọng trách theo thế nhà đầu tư ngó xuống và dân làm nghề trông vào, những người phụ nữ làm nghề này ắt hẳn phải gồng mình tả xung hữu đột “giữa bầy lang sói” để khẳng định vị thế của mình.
Và đương nhiên, các đạo diễn nữ luôn cần chuẩn bị tâm thế đối mặt với từng cuộc chiến của từng dự án phim. Đôi khi phải biết thua ê chề trong một vài khoảnh khắc để được nhận lãnh chiến thắng cuối cùng đầy kiêu hãnh trong bể định kiến của dân làm nghề, dư luận truyền thông và công chúng.
Thế nhưng với cái gọi là “Nam Vân, Bắc Điệp”, liệu rằng Ngô Thanh Vân và Nguyễn Hoàng Điệp đã thực sự làm được gì, với bao nhiêu phim do mình giữ vai trò đạo diễn hoặc một vài vị trí khác nữa của việc làm phim? Chuyện ấy tất nhiên cũng không quá khó để liệt kê ra, thậm chí cũng vẫn chưa là gì về số lượng phim nếu phải so sánh với nhiều người nữ khác đã và đang theo đuổi nghiệp làm phim xứ này. Chỉ là chẳng việc gì chúng ta phải chơi trò thống kê số, kiểu như người xưa cũng chẳng lấy thành bại luận anh hùng. Bởi, cả Ngô Thanh Vân cùng Nguyễn Hoàng Điệp hiện tại đang giữ khá chắc nhịp làm phim cùng ê kíp quen thuộc của mình, luôn nhận được sự quan tâm của truyền thông cả nước, cho dẫu với đường hướng sản xuất và dòng phim có phần khác hẳn nhau - như hai đại diện tiêu biểu từ mỗi vùng miền.
Còn nhớ, mạng xã hội Facebook xứ Việt một dạo từng hé lộ hình ảnh Ngô Thanh Vân ngồi ăn cơm tách đoàn ở một cánh đồng cô quạnh, khi đang làm phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” với vai trò đạo diễn. Dự là Vân đã phải cô đơn lắm lắm, giữa đoàn phim hơn trăm người, vào thời điểm ấy.
Với Nguyễn Hoàng Điệp thì hình hậu trường về cô khi làm phim đầu tay “Đập cánh giữa không trung” dường như được phong kín trên các phương tiện truyền thông phổ cập ở thời đại số, có chăng giới làm nghề hoặc truyền thông cũng có một cơ số câu chuyện bình phẩm bên lề về Điệp, như thói đời vốn dĩ tò mò, tọc mạch.
Cũng vậy, những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân chỉ cần rơi nhẹ trong buổi họp
báo ra mắt bộ phim “Tấm Cám”, chẳng mấy chốc đã được hoặc đã bị phát tán khắp xứ, trở thành một “case study” của việc phát hành phim Việt thời đương đại, bất kể sự thật nào đằng sau câu chuyện ngày ấy chẳng mấy ai tường tận, rằng đâu là nỗi hàm oan và đâu là cuộc trình diễn đồng ca của showbiz xứ Việt.
Nguyễn Hoàng Điệp chừng như cũng từng khóc trong lặng lẽ khi có lần chia sẻ về quãng thời gian làm phim “Đập cánh giữa không trung”, khi ấy mẹ cô đang ốm nặng. Ngay cả sau khi bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, Điệp vẫn tự nhận mình đập-cánh-giữa-hoang-mang, không phải chỉ vì dư luận khen chê phim đủ kiểu. Cô thuộc týp người tự vấn, thích đối mặt với cõi lòng lãng du vô định của chính mình, song hành với mọi thành bại nghề nghiệp.
"Với tôi, điện ảnh không bao giờ là nghề tầm thường như thế. Vì chẳng có cái gì liên quan đến điện ảnh thực sự mà có thể trở thành tầm thường được".
"Phim của tôi là giải trí và thương mại. Đừng trông đợi tôi làm những bộ phim nghệ thuật cao nhưng ít người xem. Doanh thu chính là một phần phản ánh giá trị của phim."
Điều kiện làm phim mỗi ngày một tốt hơn đã mở ra cánh cửa để phụ nữ có thể chọn đạo diễn như một nghề hiển nhiên, không cần phải hỏi “Làm được đến bao giờ?”. Làm phim, ngoài áp lực, đây thực sự là công việc nặng nhọc với sức vóc phụ nữ. “Thoát án” nặng lưng, chỉ còn áp lực tâm lý – thứ tôi tin phụ nữ giỏi hơn đàn ông gấp nhiều lần. Có lẽ đó là lý do phụ nữ ngày càng dũng cảm bước vào vị trí chỉ huy trên trường quay.
Tuy nhiên, có một thứ “án” khác, của nhà sản xuất – họ ngại trao dự án cho phụ nữ, điều này không có luật văn, chỉ có luật... lòng. Vì thế, phụ nữ phải thuộc hàng top ngay từ phim đầu tay. Cũng có thể vì tâm lý đó nên những đạo diễn nữ trên thế giới khi được nhắc đến thì luôn là những cái tên đáng gờm. Hoặc, đạo diễn nữ thường tự làm sản xuất, như một cách “tránh” những áp đặt mà người khác gán cho mình. Nhìn Điệp và Vân thì dễ thấy, thứ hai cô giống nhau nhất chính là... sự quyết liệt.
Thật ra, Vân và Điệp đều đã làm hai bộ phim mà tôi thấy nể, bởi họ làm những thứ khác với tôi. Tất nhiên tôi có lựa chọn khác cho cuộc đời, tôi không coi phim ảnh là nghề mình đi cùng trời cuối đất. Nhưng đó lại là điều tôi nhìn thấy ở Điệp. Dường như vẫn còn nhiều câu chuyện Điệp muốn kể, mà câu chuyện nào cô ấy cũng đam mê mãnh liệt. Người làm phim, chỉ có thể tiếp tục nếu còn muốn kể câu chuyện của mình.
So Điệp với Vân là... thừa vì họ đi hai con đường khác nhau.
Nếu phim của Điệp xuất sắc về nội dung, thì phim của Vân lại mạnh ở điểm tô chi tiết. Điệp cực đoan với từng số phận, Vân lại kiêu kỳ, thời trang và "showbiz".
Việc Vân đi lên từ vai trò người mẫu, diễn viên trước khi trở thành đạo diễn không làm cho cô bớt quyết liệt hơn Điệp, và cũng không thể nói Vân yêu phim ít hơn Điệp. Mỗi công việc Vân từng trải qua đều trở thành dấu ấn trong phim của cô. Trong “Tấm Cám”, từ cảnh đến phục trang, Vân đều nắn nót kỹ càng, đến độ phải dùng từ xuất sắc. Ở Việt Nam, tìm một đạo diễn có khả năng làm hoàn hảo từng chi tiết rất khó. Tôi nể Vân vì điều này.
Điều tuyệt vời nhất của cuộc sống là luôn có những bất ngờ, rất khó để nói Vân sẽ dừng ở đâu, Điệp sẽ tạo ra những bộ phim hay thế nào. Khi họ còn muốn kể câu chuyện của mình, họ còn làm phim. Tôi tin vậy!
Tại thời điểm này, “Nam Vân, Bắc Điệp” vẫn chỉ mới “ném đá dò đường” cho từng hành trình làm phim đầy tính nữ theo kiểu riêng của mình. Dẫu vậy, khó ai có thể phủ nhận về độ âm vang đạt được ít nhiều của từng lần ném đá, từ hai đạo diễn nữ rất cá tính và có bản sắc này.
Thể loại phim xem nhiều nhất?
Tôi đặc biệt thích những phim nhiều nhân vật, nhiều tuyến truyện. Ví dụ như "Love Actually" (2003) của đạo diễn Richard Curtis.
Tôi thích các phim siêu anh hùng của Hollywood, như phim của Marvels và series "Transformers".
ĐẠO DIỄN NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
BỨC XÚC KHI BỊ ĐÓNG KHUNG TRONG TỦ KÍNH
Chị tự hào không khi là nữ đạo diễn duy nhất trong dòng phim nghệ thuật ở Việt Nam?
Không! Đôi khi tôi cảm thấy bức xúc khi người ta đóng khung và định hình mình ở một mảng duy nhất, trong một cái tủ kính như thế.
Chị thấy bức xúc nhưng ngay cả bản thân chị còn không thuyết phục được mình thay đổi thì làm sao người ta có thể tin rằng một đạo diễn như Nguyễn Hoàng Điệp có thể làm những phim thương mại hơn?
Tại mọi người đẩy hai thái cực quá xa nhau, rằng phim nghệ thuật thì nhất định không thể bán được vé, nhất định phải là một phim không hấp dẫn, làm cho khán giả không hiểu gì. Và phim thương mại thì phải ngược lại tất cả những yếu tố trên. Thậm chí, ở Việt Nam, cứ nhắc đến phim thương mại thì nhiều chỗ gắn liền với các cụm từ: hài, nhảm, mì ăn liền, rẻ tiền… Vì sao phải thế? Vì sao chúng ta không thể bình tĩnh để mọi thứ ở đúng vị trí của nó.
Vậy chị có gặp phải trái đắng nào khi mang phim của mình ra rạp không?
Trước khi phát hành phim đầu tay “Đập cánh giữa không trung”, tôi đã nói rất nhiều về những định kiến chết người trên mà không ai tin. Mọi người nghĩ, phim của tôi khi phát hành sẽ không có khán giả, mà nếu khán giả có xem thì cũng không hiểu và đương nhiên sau đó, phim sẽ phải ra khỏi rạp. Hay nếu phim nghệ thuật phát hành cũng chỉ có từng này người xem thôi, nó chỉ được chiếu ở vài ba rạp, ngay cả chủ rạp cũng không mặn mà.
Thứ tư duy trên khiến các nhà làm phim luôn mặc định là: Tôi làm phim tác giả nên tôi không phải đi nói chuyện với chủ rạp, vì đằng nào tôi cũng sẽ không ra rạp theo cách ấy. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Người làm phim muốn cải chính thì họ phải nghĩ đúng trước đã. Đằng này họ ngày càng tự đẩy mình xa khỏi khái niệm thực sự.
ĐIỆN ẢNH KHÔNG BAO GIỜ LÀ NGHỀ TẦM THƯỜNG NHƯ THẾ.
Dường như chị đang tự đặt mình vào sứ mệnh của Nữ Oa, vá lại khoảng trống giữa dòng phim nghệ thuật và thương mại?
Trước đây là vậy. Nếu như tôi tập trung vào làm phát hành hoặc sản xuất, thì quả thực tôi cũng thích sứ mệnh đấy. Và nếu làm, thì tôi sẽ làm được. Nhưng sản xuất và phát hành không phải là việc mà tôi yêu thích. Tôi đam mê một công việc vất vả hơn thế, đó là đạo diễn. Tôi hiểu rằng mình không nên kỳ vọng, dù đó không phải là một việc quá khó. Nhưng sẽ có người làm việc này tốt hơn tôi trong thời điểm hiện tại.
Nhưng muốn điện ảnh nước nhà thay đổi thực tế đó, thì tốt hơn hết những nhà làm phim, như chị, nên xắn tay vào chứ?
Không! Tôi sẽ không làm gì để thay đổi điều mình muốn thay đổi. Giờ tôi làm giống như những người đi trước thường hay khuyên, một câu rất nhàm chán: “Thôi hãy tập trung vào làm việc của mình đi!”. Tôi chưa bao giờ thích câu đấy. Nhưng giờ nếu tôi không làm vậy thì cũng không biết làm thế nào?
Vì sao chị lại chán chường vậy?
Tôi thấy mọi người đang mắc phải một sai lầm rất lớn, đó là cố tìm những thứ không có trong phim tác giả hay phim nghệ thuật, cũng như tìm những điều không bao giờ tồn tại trong phim thương mại ở Việt Nam.
Làm phim bây giờ bị coi là một nghề, một công việc kiếm tiền, như một khoản đầu tư vậy. Khi đã coi như vậy thì tại sao mọi người lại tìm kiếm những thứ khác?
Tôi tưởng nghề nào chẳng là nghề kiếm tiền?
Không! Với tôi, điện ảnh không bao giờ là nghề tầm thường như thế. Vì chẳng có cái gì liên quan đến điện ảnh thực sự mà có thể trở thành tầm thường được.
Chị thất vọng không khi nhiều người nghĩ làm phim để kiếm tiền?
Tôi chỉ tức giận thôi chứ không thất vọng. Có lẽ, tại tôi ít khi kỳ vọng.
Những lí tưởng, mộng mơ mà chị mang theo trong bộ phim đầu tay ("Đập cánh giữa không trung" – PV) có còn vẹn nguyên hay ít nhiều rạn vỡ sau những va đập thực tế này?
Những gì tôi cho là lí tưởng thì sẽ không bao giờ thay đổi. Còn những thứ góp phần làm nên lớp vỏ của nó thì, quả thực, có thay đổi đấy. Ví dụ như, những thứ trước khi bấm máy “Đập cánh giữa không trung” với tôi là rất quan trọng, bây giờ nó nằm ở mức độ quan trọng, và khi làm xong “Câu chuyện buồn nhất thế gian” (bộ phim thứ hai của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đang trong giai đoạn sản xuất - PV), có thể nó sẽ ở mức độ bình thường.
Chị đang tự thỏa hiệp?
Không! Tôi nghĩ mình đang thích ứng dần .
ĐẠO DIỄN NGÔ THANH VÂN
TÔI TỪNG THẤY RẤT ÁP LỰC Ở CƯƠNG VỊ ĐẠO DIỄN
Mới đây, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" đoạt giải Cánh diều Bạc. Chị thấy công sức của mình có được đền đáp xứng đáng?
Tôi cảm thấy vinh dự khi “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đoạt giải thưởng. Khi khán giả yêu thích bộ phim hay một nhân vật mà tôi tạo ra thì đó là niềm hạnh phúc.
Quay ngược lại thời điểm khi cuộc chiến phát hành "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" lên đến đỉnh điểm căng thẳng. Đó có phải là giai đoạn khó khăn của chị, trong vai trò một nhà làm phim, trước số phận đứa con đầu tay của mình?
Không có công việc nào là dễ dàng. Tôi từng nghĩ, các nghề như ca sĩ, diễn viên hay đạo diễn... mình sẽ không làm được, cho đến khi bắt tay vào làm. Những gì tôi có được hôm nay là nghề dạy nghề, học hỏi từng chút một. Không gì tự nhiên mà có, muốn thành công, bạn phải chấp nhận mạo hiểm, đổ máu.
Trong suốt quá trình thực hiện "Tấm Cám", có nhiều lúc tôi nghĩ mình không thể vượt qua được. Tôi đã rất khắt khe với bản thân và với mọi người xung quanh. Đã tốt, tôi còn muốn tốt hơn; đến khi phim hoàn thành và có thể ra rạp, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sự việc xảy ra vào năm 2016 là bài học cho một nhà làm phim mới gia nhập vào thị trường vốn đang nhiều biến động. Sau những kinh nghiệm xương máu đó, tôi sẽ không bao giờ để chuyện này xảy ra thêm lần nữa.
Chị có nghĩ những áp lực đó là bởi chị là nữ đạo diễn? Chị nghĩ có hay không chuyện bất bình đẳng giới trong nghệ thuật thứ bảy?
Thú thật, những ngày đầu trên trường quay, tôi cảm thấy rất áp lực ở cương vị đạo diễn. Nghề này đa phần chỉ là đàn ông, ê kíp ở Việt Nam cũng ít khi làm việc với các đạo diễn nữ, nhất là một người trẻ xuất thân từ người mẫu, diễn viên như tôi, nên thời gian đầu, việc hợp tác không suôn sẻ. Khi đó, tôi nghĩ: “Đây là bộ phim của mình, mình phải chia sẻ ý tưởng với những người đồng hành, thì họ mới giúp mình làm tốt được”. Sau khi tôi nói chuyện và truyền cảm hứng cho anh em trong đoàn phim thì mọi người đã nhìn tôi bằng con mắt khác.
Mới đây, chị sang Mỹ đóng “Bright”. Sau "Ngọa hổ tàng long 2", chị là gương mặt được các nhà làm phim quốc tế chú ý, tại sao chị ít chia sẻ điều này trên mặt báo?
Do cam kết bảo mật với nhà sản xuất nên tôi không thể chia sẻ về phim cũng như vai diễn. Đi nước ngoài chỉ để học hỏi, chứ bon chen một vai diễn có thoại thì hãy đứng xếp hàng mà chờ. Tôi tin là chỉ cần tận tâm với nghề thì cơ hội chạm tay đến Hollywood không phải là điều xa vời.
Liệu Ngô Thanh Vân có quyết định dấn thân tới Hollywood để tìm kiếm các cơ hội lớn hơn cho mình?
Nghệ thuật luôn đòi hỏi phải sáng tạo không ngừng nên với tôi chưa thể nói là đủ. Được làm việc với ê kíp mang tầm vóc quốc tế luôn là mơ ước của tôi, nên dù chỉ là một chấm nhỏ trong phim, song tôi vẫn thấy may mắn vì những điều đã học được.
NHƯNG LÀM ĐẠO DIỄN KHÔNG PHẢI LÀ ƯỚC MƠ CỦA TÔI
“Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là một bộ phim gây sốt phòng vé, sắp tới đây là “Cô Ba Sài Gòn”, dù đang bấm máy, nhưng nghe nói đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Có vẻ như Ngô Thanh Vân rất giỏi trong việc bắt thóp tâm lý khán giả?
Bản thân tôi lớn lên ở nước ngoài, nhưng luôn ý thức mình là người Việt Nam. Tôi muốn đưa các chất liệu dân gian vào các sản phẩm của mình. Hi vọng bộ phim không chỉ trình chiếu ở thị trường trong nước mà còn mang được ra ngoài biên giới, để khán giả quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Một bộ phim của Việt Nam muốn đến với thị trường quốc tế thường qua các liên hoan phim. Đã bao giờ chị nghĩ mình sẽ làm phim nghệ thuật?
Phim của tôi là giải trí và thương mại. Đừng trông đợi tôi làm những bộ phim nghệ thuật cao nhưng ít người xem. Doanh thu chính là một phần phản ánh giá trị của phim. Hơn nữa, làm đạo diễn không phải là ước mơ của tôi. Tôi muốn trở thành một nhà sản xuất để có thể tạo được nhiều cơ hội cho các bạn đạo diễn trẻ.
Vậy chị nghĩ những nhà làm phim độc lập ở Việt Nam hiện nay, họ dũng cảm hay hèn nhát khi không đối mặt với thị trường điện ảnh?
Tôi không nghĩ đây là chuyện dũng cảm hay hèn nhát. Tôi thích làm phim giải trí, thương mại không có nghĩa tôi không trân trọng những người làm phim độc lập. Tuy nhiên, đừng bắt đồng tiền thơm mùi hoa hồng.
Tôi luôn nghĩ, bản thân mình cần phải có một cá tính để không lẫn vào đám đông. Vì vậy, tôi luôn sẵn sàng đối diện với thử thách. Việc gì người khác làm được thì tôi cũng làm được, đôi khi còn làm tốt hơn. Cứng rắn, quyết đoán, dứt khoát và mạnh mẽ, tôi là vậy đó, nên người ta thường ví tôi như đóa hoa để ngắm mà không ai dám động vào.