Chuyên gia trang điểm PSI: "Tôi tìm thấy tôi trong chính các nhân vật của mình" - Tạp chí Đẹp

– Khi ở nhà với các con, tôi là một người mẹ. Khi bước ra ngoài cuộc sống, tôi là một người phụ nữ độc lập, có công việc và có niềm đam mê. Tách biệt nhưng vẫn dung hòa lẫn nhau. Tôi có rất nhiều bản thể.
– Tôi chẳng có bản thể nào cả.
– Bản thể của tôi là sự hợp nhất của những bản thể khác, của các vai diễn tôi từng
thủ vai.

Chuyên gia trang điểm PSI đã nhận được rất nhiều câu trả lời từ những nhân vật mà cô lựa chọn cho dự án “Bản thể”, một triển lãm đầy tâm huyết xoay quanh 20 người phụ nữ đến từ nhiều lĩnh vực và ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ứng dụng kỹ thuật hóa trang tạo hình life-casting, PSI đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho những bản thể độc nhất của người phụ nữ, từ đó phác họa vẻ đẹp nội tại, lối sống và câu chuyện của mỗi người.

“Bản thể” nghe có vẻ trừu tượng. Với chị, nó mang ý nghĩa gì?
Công việc của tôi, vốn nó đã trừu tượng mà. Mỗi người sẽ có một cái gu riêng, một khẩu vị riêng, chẳng có một tiêu chuẩn cụ thể nào giúp ta định nghĩa được trang điểm thế nào là đẹp và thế nào là xấu. Tất nhiên để làm nghề ai cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức nền tảng, nhưng nhìn chung trang điểm vẫn là môn nghệ thuật thiên về cảm xúc nhiều hơn.

Nhưng không phải vì thế mà tôi cố tìm cho ra một cái tên thật siêu hình, thật triết học để làm cho dự án của mình nghe thật kêu. Bản thể bao hàm nhiều thứ rộng lớn nhưng ngược lại nó cũng có thể là những điều rất nhỏ. Nó là cái tôi, là tiếng nói, là những câu chuyện chân thật từ đời sống, sự thăng hoa trong sự nghiệp cũng như trải nghiệm tinh thần mang dấu ấn riêng của mỗi người.
Khái niệm này thực chất chưa từng xuất hiện trong đầu tôi từ trước, hoặc có chăng là tôi chỉ từng đọc và biết đến nó qua sách vở. Nhưng khi tôi bắt tay vào thực hiện dự án thì cái tên “bản thể” lại chợt nảy lên, một cách tự nhiên và tất yếu như thể nó vốn dĩ đã là như thế, trải qua một quá trình phôi thai, được nhào nặn và chỉ chờ người ta gọi đúng tên của mình.

Được biết, năm 2021 chị đã từng giới thiệu một bộ sưu tập “Bản thể” lấy cảm hứng từ chiếc khẩu trang trong đại dịch. Điều gì đã thôi thúc chị tiếp tục thực hiện dự án này?
Dự án mà tôi thực hiện từ tháng 4 năm 2020 và ra mắt năm 2021 ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 là tiền đề để tôi thực hiện triển lãm lần này. Nó là một bản thử nghiệm, giúp tôi xác định được kỹ thuật và chất liệu nào là lý tưởng nhất để sáng tạo nên những tác phẩm thật sự chỉn chu, cả về mặt thẩm mỹ lẫn khía cạnh truyền tải thông điệp.

“Bản thể” phiên bản 2021 và cả những dự án trước đây của tôi như “Vietinsideout”, “Beauty of Vietnamese Women”, “Ngược dòng thời gian” đều là sản phẩm mà tôi làm bằng những gì mình có nhằm thỏa mãn bản thân, giãi bày những suy nghĩ cũng như trăn trở bên trong mình. Chúng mang tính hình ảnh là chủ yếu. Nhưng giờ đây, tôi không muốn chỉ dừng lại ở đó, tôi muốn tạo ra một thứ có thể xâu chuỗi được câu chuyện của nhiều cá nhân hơn, khuếch đại tiếng nói của họ và lan tỏa chúng đến đúng những người thật sự cần.

Vượt qua cảm xúc cá nhân và đến gần hơn với cộng đồng, đó là điều mà chị đang hướng đến?
Có thể nói là như vậy. Thay vì chỉ làm cho mình và dựa trên cảm hứng chính là cảm xúc của mình như các dự án trước đây, với triển lãm lần này, tôi muốn mở ra một cánh cửa để giúp những người phụ nữ chạm tới những dấu ấn độc nhất vô nhị của bản thân và hiểu rằng mỗi chúng ta là duy nhất – điều mà họ chưa từng nghĩ đến, hoặc đã từng nghĩ đến nhưng lại bị cuốn trôi đi bởi những mẫu số chung lý tưởng mà xã hội đặt ra. Tôi đã ấp ủ dự án này trong 3 năm, cuối cùng cũng đến thời điểm có thể biến nó thành sự thật.

Cần những trợ lực nào để thời điểm đó có thể xảy ra?
Giống với câu mà ông bà ta vẫn hay nói, là “thiên thời địa lợi nhân hòa” đấy.

Trước đây tôi là người khá độc lập, tôi thường làm việc với bản thân mình nhiều hơn. Thử thách lớn đối với tôi khi làm việc trong ngành sáng tạo chính là nó đòi hỏi rất nhiều sự tương tác và chia sẻ giữa người và người. Trong những năm qua, tôi đã luôn cố gắng cải thiện mình bằng việc học cách đàm phán với bản thân và đặt cái tôi của mình ở đâu cho phù hợp. Và nay khi bản thân đã đạt được một độ chín nhất định, tôi may mắn gặp được anh Tùng (Vũ Khánh Tùng, Giám đốc Hình ảnh của Tạp chí Đẹp kiêm Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng – PV) và các bạn bè đồng nghiệp khác. Họ là người đứng sau hỗ trợ tôi rất nhiều trong khâu sản xuất, giúp những ý tưởng sơ khai trong đầu tôi trở nên sắc nét hơn và có thể thành hình, thành dạng.
Mặt khác thì năm nay cũng vừa tròn 15 năm tôi gắn bó với nghề, vậy nên tôi quyết tâm bắt tay vào làm dự án này như một món quà dành tặng cho chính mình.

15 năm là một quãng đường không hề ngắn. Bằng cách nào chị giữ mình luôn mới trong ngành công nghiệp sáng tạo mà mỗi ngày đều phải là một ngày khác hôm qua?
Tôi thích ý niệm “bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân”. Tôi luôn đốc thúc mình phải thử nghiệm cái mới, phải bắt tay vào làm thử để biết mình có thể đi tới đâu. Nếu cứ quẩn quanh trong những điều quen thuộc, nuông chiều bản thân bằng thứ cảm xúc dễ chịu mang lại bởi thành công trong quá khứ thì cả trí óc và tâm hồn sẽ bị chai sạn.


Nhiều người hỏi tôi liệu có chịu được rủi ro hay không, tôi nghĩ mình làm được. Cố gắng hết sức và làm mọi điều trong khả năng dù cho kết quả có ra sao là tôn chỉ của tôi. Việc chấp nhận hoàn cảnh cũng sẽ giúp tôi hiểu được mình, có cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng của bản thân và học thêm được nhiều điều mới.


Chị ngoài đời thường và trong công việc có cá tính ra sao?
Cuộc sống của tôi gắn liền với công việc. Tôi không quá tách biệt hai yếu tố này nhưng luôn cố gắng không để những câu chuyện đời tư cá nhân chi phối phong cách làm việc và mối quan hệ với đồng nghiệp, với khách hàng. Giữ cho bản thân một thái độ chuyên nghiệp, quyết đoán nhưng cũng đề cao sự linh động là cách tôi cân bằng mọi thứ và giữ cho chân mình luôn chạm đất trong ngành sáng tạo.

Khi bắt đầu dự án này, nhân vật đầu tiên mà chị nghĩ đến là ai?
Thay vì tập trung vào một cái tên hay một gương mặt cụ thể, tôi trải phạm vi tìm kiếm của mình ở nhiều thế hệ và nhiều ngành nghề khác nhau. Tôi đã bắt đầu danh sách này với hai người phụ nữ ảnh hưởng nhiều nhất đến con người và cuộc sống của tôi: bà nội và mẹ. Tôi nghĩ rằng nếu như mình không thể kể ra được câu chuyện của những người thân thuộc và gắn bó nhất đối với mình thì chẳng có lý do gì để mình tiếp tục thực hiện dự án này. 


Sau bà nội và mẹ của tôi là những gương mặt khác: một “cây đại thụ” của điện ảnh Việt Nam, một nữ ca sĩ với dòng nhạc đầy triết lý, một nữ doanh nhân, một cô gái gen Z tài năng, một cô nàng nữ tính nhưng ở trong hình hài đối lập… 20 người phụ nữ tham gia vào dự án này, dù ở độ tuổi nào, với xuất thân ra sao, đều có một điểm chung là tinh thần kiên cường và vẻ đẹp tỏa sáng trong mọi thời khắc cuộc sống.


Còn chị, chị đã tìm thấy bản thể của mình chưa?
Triển lãm này là bản thể của tôi. Tôi tìm thấy những mảnh ghép khác nhau của tôi trong chính các nhân vật của mình.

Trong cuốn sách “Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao”, tác giả người Mỹ John Mason cho rằng loài người là sinh vật duy nhất từ chối việc sống như chính bản thân mình. Nhận định này không sai, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội với vô vàn chuẩn mực cắm rễ dễ khiến con người ta mơ mộng về những hình mẫu xa xôi và chối bỏ bản thân.


Nhưng nó cũng không hẳn lúc nào cũng đúng. Bạn sẽ nhận ra điều đó khi cùng Đẹp trò chuyện với chuyên gia trang điểm PSI (Phạm Hà Phương). Nhờ công việc ngày ngày tiếp xúc và làm đẹp cho những người phụ nữ, cô hiểu rất rõ rằng mỗi người đẹp nhất khi họ là chính mình. Niềm tin vào vẻ đẹp xuất phát từ nội tại cũng là ý tưởng để PSI thực hiện “Bản thể”, một dự án mà cô đã dốc hết tâm huyết thực hiện trong suốt 3 năm và sẽ giới thiệu đến công chúng dưới dạng triển lãm vào tháng 4 năm nay tại Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý Casa Italia, với sự đồng hành của Bát Tràng Museum.

Trong cuốn sách “Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao”, tác giả người Mỹ John Mason cho rằng loài người là sinh vật duy nhất từ chối việc sống như chính bản thân mình. Nhận định này không sai, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội với vô vàn chuẩn mực cắm rễ dễ khiến con người ta mơ mộng về những hình mẫu xa xôi và chối bỏ bản thân.

Nhưng nó cũng không hẳn lúc nào cũng đúng. Bạn sẽ nhận ra điều đó khi cùng Đẹp trò chuyện với chuyên gia trang điểm PSI (Phạm Hà Phương). Nhờ công việc ngày ngày tiếp xúc và làm đẹp cho những người phụ nữ, cô hiểu rất rõ rằng mỗi người đẹp nhất khi họ là chính mình. Niềm tin vào vẻ đẹp xuất phát từ nội tại cũng là ý tưởng để PSI thực hiện “Bản thể”, một dự án mà cô đã dốc hết tâm huyết thực hiện trong suốt 3 năm và sẽ giới thiệu đến công chúng dưới dạng triển lãm vào tháng 4 năm nay tại Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý Casa Italia, với sự đồng hành của Bát Tràng Museum.

Tổ chức Hương Thủy Sản xuất Hellos Bài Phoebe Pham
Ảnh LÊ LAI Trang điểm PSI Stylist Jin Juin
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP