Hơn một ngàn năm sau, tại những trận địa lịch sử hàng hải tại vùng biển Bắc lạnh giá của người Viking, những chiến binh vùng Scandinavia hiện đại không dùng sức mạnh cơ bắp để quật ngã đối phương nữa. Ngày nay, trí tuệ sáng tạo và tư tưởng cấp tiến trở thành thứ vũ khí chiến lược của Bắc Âu. Có lẽ, không nơi nào có ảnh hưởng mạnh mẽ tới công nghiệp thiết kế đương đại, nhất là về nội thất và thời trang, như Thụy Điển. Nếu IKEA và H&M là hai thương hiệu phổ thông chiếm lĩnh thị trường thế giới, được số đông dân chúng biết tới, thì những tinh hoa sáng tạo và cách mạng cấp tiến nhất của ACNE, Cheap Monday hay Nudie Jeans mới chính là một trong các pháo đài nòng cốt của xứ Viking.
Không phải vô cớ mà cả ba nhãn hiệu này đều sử dụng chất liệu jean làm viên đạn đầu tiên của mình. Jean là thứ chất liệu kinh điển, tưởng như đã được tận dụng tối đa trong thiết kế thời trang và không còn điều gì có thể khai thác thành cú cách tân ngoạn mục. Nhất là vào thời điểm nửa sau thập niên 90, khái niệm “jeans cao cấp” gần như bão hòa bởi hàng loạt tên tuổi lớn đã bắt tay vào đầu tư mảng thị trường này từ cuối những năm 80. Vậy điều gì là thứ làm sống dậy trào lưu jeans từ vùng Bắc Âu? Hơn hết, đó chính là “tinh thần jeans”. Jeans – bản tuyên ngôn độc lập của sự sáng tạo.
Nudie Jeans – Không bao giờ nói dối
Nudie là biến thể từ chữ “nude” – khỏa thân. Chiếc quần jeans dày dặn bỗng như thể biến mất, hay nói cách khác, là lớp da thứ hai trên cơ thể người mặc. Ý tưởng xuyên suốt của hãng Nudie Jeans là để mặc cho thớ vải jean thô ráp dần dần thân thiết với lớp da trần trụi mà nó đang ôm sát, bảo bọc lấy. Kể từ ngày ra mắt thị trường vào năm 1999, Maria Erixsson và JC, hai nhà đồng sáng lập hãng, luôn khuyến khích người mặc Nudie Jeans thực hiện nghi thức như sau: mặc liên tục và không giặt quần jeans trong vòng 6 tháng, tẩy vết dính bằng khăn ẩm, tẩy bụi bằng cách giũ mạnh quần và tẩy mùi bằng cách phơi ra ngoài trời ẩm. Tùy vào mỗi cá tính, kiểu sống và nơi chốn làm việc, chiếc quần sẽ phản ánh chính xác những dấu tích cá nhân đó lên bề mặt vải jean. Anh chàng ngồi văn phòng sẽ có “dấu ấn trên quần jeans” khác với cô gái chuyên cưỡi mô tô. Không loại chất liệu nào khi cũ kĩ lại đẹp đẽ hơn bội phần như vải jean và da thuộc. Nudie Jeans sống thực với vải jean, không dùng kĩ xảo tạo ra các kiểu mài mòn, rách trên quần, mà để chúng tự thân xuất hiện do thói quen và tính cách của chủ nhân nó. Quá trình đó được gọi là “break-in” – thâm nhập vào chiếc quần. Nhìn thấy, thân thuộc, hiểu rõ và chiếm lĩnh: như một chuỗi nghi thức của chủ nhân dành cho chiếc quần jeans của mình.
Một trong những thiết kế đặc trưng của Nudie Jeans
Nudie Jeans sử dụng vải bông sạch thu hái từ Thổ Nhĩ Kỳ và màu xanh sậm của chất vải denim được nhuộm từ lá tùng lam hay cây chàm (indigo) nguyên chất. Nó dễ thân thuộc với cơ thể người mặc, tự nhiên như làn da, không bóng bẩy hay màu mè mà thô ráp và bộc trực. Giống lời chân tình của hai anh chàng chủ tịch thương hiệu Erixsson và JC: “Jeans có cùng tâm hồn và thần thái với rock’n’roll – cả hai đều là những mảng miếng của cùng một dòng văn hóa.”
Cửa hàng Nudie Jeans
Cheap Monday – Đầu lâu và cây thánh giá lật ngược
Cái đầu lâu nhăn nhở nhe răng cười, trán khắc hình cây thánh giá bị xoay ngược, trên mác quần jeans hãng Cheap Monday trông như một trò đùa của mấy thanh niên trẻ quậy phá. Thực tế thì không phải vậy. Bjorn Atldax, anh chàng punk vẽ ra hình logo này bảo: “Tôi không theo chủ nghĩa Satan, nhưng tôi không thích những tổ chức tôn giáo chút nào.” Nếu hành động này xảy ra ở Mỹ, chắc chắn nhóm thanh niên này sẽ đụng độ phải phản ứng dữ dội của phe bảo thủ. Nhưng tại Thụy Điển, một trong những quốc gia có tự do ngôn luận nhất thế giới và nghi thức tôn giáo đã bị quên lãng từ hàng thập kỉ nay, thì Cheap Monday là một biểu lộ chân thực nhất về thế giới quan của giới trẻ Bắc Âu.
Hai nhà sáng lập của Cheap Monday: Orjan Andersson và Adam Friberg
Tháng ba năm 2004, 800 cặp quần jeans co giãn, vải denim thô không qua mài mòn xử lý được bày bán duy nhất tại một cửa hàng đồ cũ mang tên Weekend vùng ngoại ô Stockholm, được gây dựng bởi Örjan Andersson và Adam Friberg. Số quần này bán hết sạch chỉ trong vài tuần. Khác hẳn các thương hiệu quần jeans khác, Cheap Monday nhắm tới đám thanh niên trẻ đang mài đũng quần trong giảng đường đại học, tràn đầy năng lượng, hơi bốc đồng, nhưng rất sâu sắc và có ý thức trước những biến đổi chính trị – xã hội – văn hóa xung quanh. Đường cắt sắc, bó chặt chân, slim-fit, với hình logo đầu lâu sau hông dần xuất hiện như thứ đồng phục của giới hipster khắp các đô thị cởi mở, từ Stockholm tới Berlin, London, Toronto, New York, Tokyo hay Bangkok.
BST Xuân Hè 2011 của Cheap Monday
BST Xuân Hè 2012 của Cheap Monday
ACNE – Đầu xe tăng của bộ máy sáng tạo
Cuối năm 1997, Jonny Johansson, một trong những tay lái trưởng của ACNE, thiết kế một trăm chiếc quần jeans may bằng vải denim thô xanh đậm, khâu chỉ đỏ, rồi phát không cho gia đình, bạn bè và một số nhân vật trong cộng đồng sáng tạo ở Stockholm. ACNE Jeans ngay lập tức trở thành hiện tượng. Chiếc quần jeans chỉ đỏ không cần gắn mác cũng đủ độc đáo, được nhận diện như thứ mật mã cho hội kín của những kẻ sáng tạo. Ai cũng muốn tham gia vào hội đó, thậm chí cả Alber Elbaz, Giám đốc Sáng tạo nhà mốt danh tiếng Lanvin. Dự án hợp tác năm 2008 cho bộ sưu tập Xuân Hè 2009 giữa hai đối tác hoàn toàn khác biệt: một Lanvin từ Paris hợp mốt, thời thượng, quyến rũ và đầy nữ tính, kết hợp cùng ACNE kì quái, tối giản, thì tương lai lạnh lẽo từ Stockholm. Các thiết kế mềm mại trên lụa là đầy màu sắc của Lanvin nay được bẻ, ấn, dập, xếp trên thớ vải jean thô xanh đậm màu chàm. Vậy là, vẫn một phom dáng trang phục, chỉ cần cách biểu đạt khác, nó sẽ lạ thường ngay.
Jonny Johansson, nhà thiết kế của ACNE
Sau mưa, gió và cá biển
Tấm vải jean được sử dụng lần đầu tiên ở miền Tây Hoa Kỳ nhằm che chắn cho các thợ đào vàng khỏi thứ thời tiết ẩm ướt và bụi đất độc hại. Rồi jeans giúp gã cao bồi ghì chắc người trên lưng ngựa hay bảo vệ cho anh chàng James Dean khỏi gió cát tạt ngang xa lộ đường dài. Nay, nơi vùng đất Bắc Âu, jeans sống cùng mưa bão, tuyết lạnh, ám mùi cá biển mặn chát. Nó vẫn là thứ nguyên liệu che đậy cơ thể, nhưng hơn cả, nó là tuyên ngôn của tuổi trẻ, của sáng tạo và bảo vệ con người khỏi sự sợ hãi trước cái mới, cái cách tân.
Câu chuyện về jeans >> Made in Italy: Sự bụi phủi sexy >> Made by Swedish: Những chiến binh sáng tạo Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh |