Lỗi tại người quản lý!

Không hẹn mà gặp, cả ba nền giải trí Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ đều đang bộc lộ những vấn đề nghiêm trọng trong cách vận hành quản lý nghệ sĩ.

Ai quan tâm đến đời sống tinh thần của nghệ sĩ?

Trung tuần tháng 10, cả châu Á rúng động trước tin nữ diễn viên Sulli tự sát. Trước Sulli, công ty quản lý của cô – SM Entertainment cũng từng mất Jonghyun – thành viên của nhóm nhạc nam SHINee vì lý do tương tự.

Mang trong mình sự bất ổn về mặt tâm lý suốt bao nhiêu năm, Sulli vẫn phải hoạt động như một thần tượng với nhiệm vụ mang tiền về cho công ty quản lý.

Sự tấn công đầy ác ý của cư dân mạng đã không còn là điều mới mẻ tại Hàn Quốc. Điều này càng làm gia tăng những gánh nặng mà một nghệ sĩ giải trí phải chịu bên cạnh áp lực từ các hoạt động nghệ thuật và lịch trình dày đặc. Thành viên Nam Taehyun của nhóm nhạc WINNER từng phải dừng hợp đồng với YG Entertainment vào năm 2016 để chữa trị các vấn đề tâm lý. Công ty quản lý nhóm nhạc BTS cũng từng khởi kiện những người sử dụng mạng xã hội quá khích có phát ngôn gây tổn hại tới nghệ sĩ của họ. Tại Mỹ, Selena Gomez đã mất đến hai năm để chiến đấu với chứng bệnh trầm cảm và lo âu, Justin Bieber cũng mất nhiều năm để thoát khỏi sự chi phối của chất gây nghiện…

Ấy thế nhưng trong những năm trở lại đây, mặc dù biểu hiện tâm lý của Sulli ngày càng nghiêm trọng, SM Entertainment vẫn để cô xuất hiện trên các chương trình truyền hình, vẫn để cô trả lời phỏng vấn báo chí và tham gia các dự án điện ảnh, truyền hình. Chiến lược ấy chẳng khác nào đem Sulli ra làm mồi nhử những bình luận ác ý và cung cấp thêm nhiều cảm xúc tiêu cực để anti-fan làm tổn hại cô.

Nam Taehyun

Những muộn phiền mà Sulli phải gánh chịu đến từ chính sự nghiệp cô theo đuổi. Điều tốt nhất dành cho Sulli là sự biến mất khỏi ngành giải trí và một liệu trình chữa trị – nhưng cả hai điều ấy, công ty quản lý của cô đều không thể cung cấp. Một mặt phải tự xoay sở với những bất ổn của riêng mình, một mặt phải đáp ứng lịch trình hoạt động trong khi vẫn phải đương đầu với sự tấn công của những người xa lạ, bi kịch của Sulli chính là tình thế lưỡng nan mà không ít nghệ sĩ giải trí đang gặp phải.

Tai bay vạ gió từ người quản lý

Đang yên đang lành, tên tuổi của Hương Ly, Jack và Quân A.P bị réo gọi trên khắp các title báo chỉ vì thù oán cá nhân giữa những người quản lý.

Hương Ly là một hiện tượng cover nhạc có hơn 2,5 triệu người theo dõi chỉ trong 6 tháng. Cô có tài năng, nhan sắc, danh tiếng, và có cả một người quản lý kém chuyên nghiệp mang về cho cô không biết bao điều tiếng thị phi. Đầu tháng, vị quản lý này tung hê những điều khoản hợp đồng với Erik lên một group cộng đồng; cuối tháng, cũng chính vị quản lý ấy đăng một status mạt sát Đức Phúc vì anh chàng đã không đồng ý cho Hương Ly cover bản hit mới của mình.

Jack đúng là một chàng ca sĩ hút thị phi. Lần này, “sóng gió” – giống như tên bản hit mới nhất của anh chàng, lại đến từ người mẹ nuôi ít ai biết. Mẹ nuôi của Jack tố quản lý của Quân A.P ăn cháo đá bát, quản lý của Quân A.P nói mẹ của Jack bịa chuyện hại mình… Cả hai cũng không quên giải thích rằng đây đơn thuần là thù ghét cá nhân giữa họ với nhau, không liên quan gì đến Jack hay Quân A.P cả.

Nhưng trong những tiêu đề báo mạng, trong những bức ảnh chụp màn hình, cái tên duy nhất được nhắc tới chỉ là tên của các nghệ sĩ mà thôi. Như trường hợp của Hương Ly, khán giả đâu để tâm rằng sự vụ này do một tay quản lý của cô gây ra. Họ chỉ réo tên Hương Ly trên mọi mặt trận, chỉ trích cô tên tuổi chưa được bao nhiêu mà đã học đòi chảnh chọe.

Nghệ sĩ thiếu văn hóa, lỗi tại ai?

“Chiếm dụng văn hóa” là một khái niệm có từ thời xâm chiếm thuộc địa. Trong thời hiện đại, nó được hiểu là hành động sử dụng các yếu tố của một nền văn hóa khác, làm sai lệch bản chất của nó.

Kim Kardashian chọc giận người Nhật vì đặt tên “Kimono” cho thương hiệu đồ shapewear của cô.

Kim Kardashian từng ấp ủ dự định về một thương hiệu đồ shapewear với tên gọi “Kimono”. Nhưng khi kế hoạch này được công bố, một làn sóng phản đối đã ngay lập tức dấy lên, cao trào là bức thư ngỏ gửi Kim Kardashian của thị trưởng thành phố Kyoto – cố đô Nhật Bản. Ông Daisaku Kadokawa đã đề nghị cô từ bỏ cái tên này. Kết quả, Kim Kardashian phải lùi ngày khai trương lại nhiều tháng và đổi tên nhãn hiệu thành SKIMS SolutionwearTM.

Trong buổi biểu diễn ngày 10/10 tại Dallas (Mỹ), nữ ca sĩ nhạc đồng quê Kacey Musgraves mặc áo dài Việt Nam lên sân khấu, nhưng cô không mặc quần dài. Kacey trước đó còn đăng lên mạng xã hội những bức hình cô chụp cùng bộ áo dài trong tư thế nhạy cảm. Sự bức xúc của người Việt sau đó đã được báo Mỹ đưa tin.

Vốn là một giọng ca tài năng có đời tư sạch sẽ, nhưng Kacey Musgraves không có một người đủ hiểu biết bên cạnh để giúp cô mặc áo dài đúng cách.

Cũng như trường hợp của Kim hay Kacey, năm 2018, từng có một hãng thời trang Anh Quốc sử dụng những họa tiết trên trang phục của người H’Mông và gọi nó là “hoa văn bộ lạc”. Đó đều là những biểu hiện của chiếm dụng văn hóa. Chúng có thể bắt nguồn từ sự thiếu chu đáo của bộ phận phục trang, sự thiếu cẩn trọng của một ê-kíp truyền thông hay quá trình nghiên cứu đầy thiếu sót của một thương hiệu, không ai biết rõ. Nhưng chắc chắn là, khi bộ trang phục đã mặc lên sân khấu hay mẫu quần áo đã được bán ra, sơ suất ấy hoàn toàn có thể trở thành sự bóp méo văn hóa có chủ đích, vì danh tiếng và lợi nhuận.


From the same category