“Xứ gì mà không làm ăn, không cà phê, không xe đạp, không tắm”. Người ta hay đùa như thế khi muốn trêu ghẹo người xứ Quảng, vì cách phát âm đặc trưng của giọng Quảng, làm ăn thành lồm en, cà thành còa, đạp thành độp, tắm thành tém. Và đây chỉ là vài thí dụ bạn cần phải lận lưng khi đi du lịch xứ Quảng mà muốn hiểu được người địa phương đang nói gì.
Cách đây hơn 7 năm, ca sĩ Ánh Tuyết, khi thực hiện album bolero “Duyên kiếp”, chị làm thành album đôi gồm hai phiên bản: một hát bình thường và một hát bằng giọng Quảng. Album chưa phát hành, bản thu thử hát giọng Quảng đã nhanh chóng được phát tán trên mạng vì nhiều người háo hức, ngạc nhiên một cách thú vị, thậm chí xúc động khi lần đầu tiên và duy nhất đến bấy giờ ở Việt Nam, có một ca sĩ chuyên nghiệp phát hành đĩa nhạc hát những nhạc phẩm nổi tiếng bằng giọng địa phương. Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng thu âm, trình diễn ca khúc “Tình em xứ Quảng” của nhạc sĩ Trần Ngọc bằng giọng Quảng Nam. Cho đến nay, trong làng nhạc Việt, chỉ có giọng địa phương như xứ Quảng mới làm được điều này. “Chỉ có như rứa người toa mới hiểu thêm một đặc tính văn hóa của quê hương mình”, Ánh Tuyết cười hỉ hả, “Tui là coa sĩ thì ei cũng biết rồi, nhưng từ khi hoát giọng Quảng, thì cỏa nước biết tui quê ở mô rồi đó. Coi như quảng cố khéo cho xứ mình rồi”.
Bạn bè ở xa ghé Hội An chơi, Ánh Tuyết thường được trông cậy làm hướng dẫn viên kiêm “thông dịch viên”. Chị hay khảo sát: “Nề, đã có bèn B tiếng Quảng chưa? Nếu chưa thì không tự nghe được mô”. Một trong những đề bài để Ánh Tuyết khảo sát “trình độ Quảng ngữ” cho người ở xa đến là phải hiểu và dịch được: “En không en téc đèn đi ngủ, không téc đèn muỗi cén nhen reng”. Ánh Tuyết cũng hay đọc một đoạn thơ của Tường Linh, một nhà thơ xứ Quảng:
Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm.
Nếu ai hiểu được mọi âm ô cuối câu của đoạn thơ là âm ơ, “dịch” được câu trên là: “Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, không tắt đèn muỗi cắn nhăn răng”, thì chị gật gù: “Rứa là tạm đủ khả năng đi loang thoang khắp nơi được rồi đó”.
Giáo sư, Tiến sĩ Hiroki Tahara, một người Nhật, trong một lần đến thánh địa Mỹ Sơn tham quan, có bạn trẻ tìm tới hỏi thăm ông: “Anh có phải tên là Toa-hoa-roa?”. Ông giáo sư trả lời: “Không phải, tôi tên là Tahara”. Bên hỏi cứ nhất định: “Anh đúng là Toa-hoa-roa” và bên trả lời vẫn cứ khăng khăng mình không phải tên ấy, mà là Tahara.
Thực ra, với quá trình học tiếng Việt và làm việc ở Việt Nam hơn 10 năm, vị giáo sư ngôn ngữ học thừa hiểu người ta đang nói gì với mình. Nhưng ông cố tình trêu để được cảm nhận sự thú vị của giọng nói vùng này.
Có một câu đùa đã là “kinh điển”, từ việc đọc số điện thoại mà khi phát âm lên, hiểu ngay thành một nghĩa khác đầy hài hước khi nói về giọng Quảng: “Không chín không boa hei boa nem không không tém”(090323508). Nghe không quen bạn có thể cười hoài, nhưng phải thừa nhận xưa nay xứ Quảng là nơi giọng nói bị đem ra trêu ghẹo nhiều nhất nước. Mà nhiều nhất là người Quảng tự ghẹo mình, không ngại “tự trào” về mình.
Nói như nhà văn xứ Quảng Nguyễn Nhật Ánh thì, giọng Quảng thường có hiện tượng “méo tiếng” – biến dạng ngữ âm và từ vựng thể hiện rất rõ như nguyên âm “ă” biến thành “e” (ắt/ét), “am” thành “ôm”, “ôm” thành “ơm”, “ao” thành “ô”, “oai/oi” biến thành “ua”…
Cũng dễ hiểu vì sao cánh phóng viên đi tác nghiệp hay những ai đi công tác lâu ở xứ Quảng đều phải tập khả năng nghe, viết cho đúng, do đặc điểm biến dạng ngữ âm khá xa với tiếng Việt phổ thông.
Và nếu như bạn đọc hiểu được những tiếng Quảng trích trong bài viết này, là bạn cũng đã đủ tự tin đi chơi xứ Quảng rồi đó!
Xoa xoa là món giải khát bình dân, rất mát và tốt cho sức khoẻ, được ưa chuộng nhất nhì của người xứ Quảng. Nhiều năm gần đây, xoa xoa dần dà được du khách gần xa tò mò, ăn thử rồi ghiền.
Gọi “xu xoa” hay “xoa xoa” đều đúng về món ăn làm từ một loại rong biển nhỏ như cọng chỉ, mọc tự nhiên ở những mỏm đá ngoài biển miền Trung.
Ngoài xoa xoa trắng đục, nhiều nơi thường trộn thêm xoa xoa màu đen hay còn gọi là lường phảnh (làm từ một loại cây giống rau dền, có màu đen, kèm một ít vị thuốc bắc như dương quy, thục địa), thêm một ít đậu xanh đánh hay nước cốt dừa. Cũng là dân Quảng, nhưng ở Đà Nẵng, món xoa xoa có thêm hạt lựu trắng đỏ làm từ bột lọc, cho vào ăn dai dai, sực sực.
Tùy mỗi vùng có thể thêm bớt món vào ly xoa xoa, nhưng có một “nguyên tắc” bất di bất dịch là xoa xoa phải ăn cùng nước đường đen thắng với gừng, điệu đà hơn thì có thêm thơm (dứa). Có lần du khách cắc cớ hỏi sao không ăn với đường cát, chị bán xoa xoa góc gần chùa Cầu cười giòn giã, bạn thử đi, sẽ thấy bất hợp lý. Nếu ăn đường cát phải khuấy lên, mà ly xoa xoa đang có đá lạnh, đường khó mà tan, nếu có tan thì những miếng xoa xoa cũng nát bấy ra rồi, còn chi mà ăn nữa. Bên cạnh đó, nước đường có gừng để làm ấm bụng khi ăn những miếng xoa xoa mát lạnh có tính hàn, âu cũng là cách cân bằng âm dương trong một món ăn dân dã.
ĐI NÀO BẠN!
Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.
Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.
Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.
Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.
Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.
Đẹp mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.
See
• Bữa tiệc thị giác trong thành phố
• Chuyển kể dọc đường
• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn
Hear
• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá
• “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?
• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền
Taste
• Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ
• Từ điển bánh tráng Tây Ninh
Smell
• Mùi hương nước Việt
• Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân
• Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội
Touch
• Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An
• Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm
• Những đôi tay nhảy múa
• Chạm vào tĩnh lặng
Ảnh: Xuan Duong Van, Sũng Châu