Lê Khánh: Người "nhạt không đều" - Tạp chí Đẹp

Lê Khánh: Người “nhạt không đều”

Sao

Diễn xuất thu hút, sáng tạo, luôn được khán giả yêu thích, trên sân khấu và trong phim, Lê Khánh đã tìm được phong cách cho riêng mình, khiến khán giả mua vé và chờ đợi cô với các vai mới. 

Cũng xin nhắc lại, Lê Khánh (sinh năm 1981) xuất thân trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật ở Bến Tre, còn có thiệt thòi lớn là mất cha từ nhỏ, cô sống một mình với mẹ, nên cá tính khá rụt rè, ngại đám đông. Việc Lê Khánh theo nghiệp diễn, dù được mẹ và bà ngoại ủng hộ hết lòng, nhưng cũng là một “bước đột phá” trong đời, vì người thân chẳng ai dám nghĩ đến việc “con Khánh rụt rè ấy” lại có thể trở thành diễn viên.

Tuy nhiên, đừng tưởng một “sơ yếu lý lịch” như vậy thì bài phỏng vấn sẽ lý thú, bởi Lê Khánh tự nhận: “Tôi nhạt không đều”, nên không hề dễ dàng để bắt đầu các câu chuyện. Nếu trên sân khấu hay trong phim, nghệ sĩ này “bung” hết mình thì thường nhật cô e dè, ù lì, dù khá dễ gần (một cuộc hòa trộn tính cách của cá nhân và vùng đất miền Tây phóng khoáng, “có gì nói nấy người ơi”, không biết vẽ chuyện). 8 năm trước, tôi trò chuyện với Lê Khánh đã thấy điều này, bây giờ vẫn y như vậy, thật đáng phục và “đáng sợ” – dường như Sài Gòn xô bồ chẳng có gì ảnh hưởng đến cô…

Lê Khánh

Tôi không giăng lưỡi câu tham muốn

– Xin được tò mò ngay, làm sao chị có thể “y như cũ” trong đời thường, khi mà vị thế nghề nghiệp của chị đã có quá nhiều thay đổi?

– Tôi cũng không biết nữa, chắc do bản thân ù lì, thiếu năng nổ nên xưa sao nay vậy chăng? Còn nếu được chọn lựa, tôi muốn suốt đời được sống với tố chất vốn vậy của mình, chẳng phải vì kịch trường hay tiếng tăm này nọ mà thay đổi. Bởi suy cho cùng, diễn xuất cũng chỉ là một cái nghề, mà còn là cái nghề bạc nữa, khi còn duyên thì còn được khán giả thương, hết duyên rồi “đi sớm về trưa một mình”, chẳng có kịch hay phim để đóng đâu. Mà còn duyên hay hết duyên lại do tổ nghề đãi, có khi rất mau hết, có khi bền lâu. Vậy thì mình vội vàng thay đổi tố chất của bản thân để làm gì, lỡ như tổ “rút phép”, lúc ấy sẽ bẽ bàng lắm, nghề không giữ được, mà tố chất của mình cũng mất luôn.

Tôi luôn tâm niệm phải tách bạch giữa công việc và đời sống thật, nếu nhập nhằng sẽ “tẩu hỏa nhập ma”. Chỉ có vai diễn mới cần phải diễn, còn đời thật hãy sống thật, diễn làm sao qua được con mắt thế gian. Mà nếu có diễn được đi nữa cũng mệt mỏi lắm, lúc nào cũng thủ thế, nên chẳng có niềm vui. Chính vì vậy, tôi mong khán giả cũng cảm thông cho nghệ sĩ, đừng nhìn đời thật mà đánh giá vai diễn hay công việc của họ, và ngược lại. Người diễn viên cũng vậy, khi bước ra sân khấu thì hãy quên đời thật của mình đi, chỉ giữ lại cốt cách nhân vật mà thôi.

Nói vậy, nhưng có những điều nho nhỏ thì ai rồi cũng đổi thay, dù ít dù nhiều. Ví dụ, hơn 10 năm qua tôi thường ăn mặc xuề xòa, đôi lúc khiến người bên cạnh có đôi chút bối rối, nên từ nay sẽ tập để thay đổi. Thay đổi để bản thân và người xung quanh dễ chịu hơn thì nên thay đổi lắm chứ, tôi nghĩ vậy.

– Nói như chị nghe cũng có lý, nhưng cuộc sống đâu hề đơn giản để ai đó muốn gì được nấy. Trước những cám dỗ, thủ đoạn, thử thách, thậm chí cả những đề nghị đầy hấp lực, làm sao chị giữ được mình?

– Tôi không biết giữ mình, vì chưa bao giờ gặp phải những thách thức như anh hỏi. Rất có thể tôi được Phật soi đường, được tổ nghề đãi, được ba ở trên trời phù hộ, nên đã may mắn đứng ngoài các khó khăn ấy. Riêng lý trí thì vẫn nhắc nhở mình: gieo cây gì thì ăn trái cây nấy, không có gì ở đời tự nhiên đến và tự nhiên đi, phải có nhân quả của nó. Tôi luôn tâm niệm phải có làm thì mới có hưởng, nên có những mơ ước chỉ dừng lại ở ước mơ, không bất chấp đánh đổi để sở hữu. Tôi không giăng lưỡi câu tham muốn, có lẽ vì vậy mà không câu được con cá cám dỗ chăng?

Nhiều người nói tôi nhạt, nếu xét về đời sống, chắc hoàn toàn đúng, vì tôi chẳng biết đãi bôi, mồi chài, làm dáng hay khách sáo. Nhưng có vẻ như tôi nhạt không đều, bởi khi lên sân khấu thì “đậm” hơn, “nóng” hơn, tôi thấy mình năng động, lanh lợi và tự tin hơn rất nhiều.

– Từ một cô gái rụt rè, một diễn viên có khởi đầu khó khăn thành một nghệ sĩ nổi tiếng, đắt show và có thu nhập tốt, chẳng lẽ Lê Khánh không say sưa với hào quang của mình?

– Tôi hạnh phúc khi mình may mắn sống tạm được với nghề mà mình tự chọn, nhưng cũng tỉnh táo lắm. Bởi hào quang, danh tiếng, nhan sắc… đều là cái ảo, cái tạm bợ, có đó mất đó, chẳng thể theo mình suốt đời suốt kiếp. Tôi cũng biết đặc điểm của nghề này dễ sinh ra ảo tưởng nên luôn tự nhắc mình: không thật như vậy đâu, hãy tỉnh mộng đi. Luôn cố gắng đứng ngoài các giấc mộng ấy để sống bình thường, để đừng phát ngôn hay hành động gì quá lố, làm người khác và bản thân phải âu lo, thị phi. Tuy nhiên, tôi cũng không chỉ lo thủ thế hay phòng bị, mà cứ sống tự nhiên như mình có, cố gắng dần xa sự giả dối.

Đến bây giờ tôi vẫn là diễn viên không ăn đèn, không ăn ảnh, nên chịu thiệt thòi gấp đôi ba lần người khác, và cũng phải cố gắng gấp bốn năm lần người khác. Tài sản duy nhất của diễn viên là vai diễn, nhưng cũng mong manh lắm, nên tôi luôn trân quý lộc tổ ban cho, không thích sự bon chen, giành giật. Mẹ tôi thường nhắc nhở: đánh đổi luôn đồng nghĩa với đánh mất, mình giành giật của người sẽ bị người cướp giật, nên tôi chỉ nhận cái gì thuộc về mình.

– Nói như chị thì trong nghề này, cái gì là thật?

– Đó là niềm đam mê và cái nghề mà mình theo đuổi, học tập. Khi hết duyên, hoặc lúc về già, người diễn viên có thể không còn được lên sân khấu, lên phim, nhưng đam mê và cái nghề thì vẫn còn chảy trong máu. Nhiều bậc cha chú trong nghề khuyên tôi phải nghĩ đến lúc ấy, sẽ là bẽ bàng, buồn khổ nếu mình còn đam mê, còn kỹ năng nghề nghiệp mà vai diễn thì không có nữa. Họ cũng khuyên tôi: chúng ta phải đinh ninh rằng, đam mê và nghề đến với ta trước, vai diễn và danh vọng đến sau, mà éo le, cái gì đến sau thì lại đi trước.

Lê Khánh

Tôi chỉ biết tích cóp từng vai diễn

– Chị từng nói: “Kịch là hơi thở, phim là lá phổi”, chị thích kịch hơn vì bản thân được đến với ánh đèn của sân khấu trước, nó giúp chị làm nên tên tuổi của mình. Vậy khi tiếp xúc với một kịch bản mới, ngoài việc đọc, chị thường làm những gì cho nó?

– Sân khấu có đời sống trực tiếp, mỗi lần sáng đèn là một dịp để tô vẽ và sáng tạo thêm cho vai diễn, nên ma lực và áp lực lớn lắm, mê dễ đắm, mà ghét dễ buông. Ngay lần đọc đầu tiên, tôi đã cố hình dung và nghĩ về vai diễn đó. Chẳng hạn như: hình dung về diện mạo, điệu bộ nhân vật, quan sát cuộc sống và những người xung quanh có hoàn cảnh, tính cách gần giống nhân vật… Và quan trọng nhất là khi lên sàn tập, lúc đó nhân vật dần dần được hình thành cùng với sự hỗ trợ của đạo diễn, diễn viên và ê-kíp. Với phim hay các tiểu phẩm truyền hình, tôi cũng làm y như vậy thôi.

– Tự nhận xét, chị thấy mình đóng góp bao nhiêu phần trăm cho một vai diễn?

– Tôi thấy mình được tham gia một vở diễn là may mắn rồi, vì điều đó giúp mình có cơ hội làm việc và đến gần với khán giả hơn, còn mọi nhận xét hay nhận định khác, đó là quyền của khán giả.

– Chị từng tâm sự rằng năm 2003, khi mới ra trường, được một sân khấu nhận về, “giao vai hài diễn khán giả không cười, vai bi khán giả không khóc, nên đã tính bỏ nghề ngay lúc ấy”. Thế nhưng khi đến những vở như “Một cuộc đời bị đánh cắp”, “Sát thủ hai mảnh”, “Vùng đất cấm”…, chỉ vài năm sau đó, chị đã tìm được khán giả cho riêng mình. Ở đây tôi xin không hỏi về bí quyết thay đổi, mà là làm cách nào để chị vượt qua thử thách không dễ dàng đó?

– Mẹ là nguồn động lực quan trọng, chính những lúc ấy mẹ đã động viên tôi vượt lên. Khi bản thân mình có quyết tâm và trăn trở với những khó khăn (mà cụ thể ở đây là việc vỡ cá tính nhân vật, tìm hiểu đường dây nhân vật), sau một thời gian, tự nhiên ánh sáng lóe lên. Hơn nữa, ngay từ đầu việc chọn học làm diễn viên cũng do mình, học xong lại muốn bỏ nghề ngay, chẳng lẽ phải bỏ ra 4-5 năm nữa để học thứ khác, mà chưa chắc đã thích và thành công. Nghĩ thế nên càng cố gắng hơn với sân khấu.

Cảm ơn anh đã nhắc lại vở “Một cuộc đời bị đánh cắp”. Tôi luôn biết ơn câu chuyện này rất nhiều, không chỉ vì nó giúp tôi tìm ra con đường của mình, có được thiện cảm của khán giả, mà còn là bài học nhân sinh sống động. Tất cả những đúc kết về hơn thua, thị phi, biết mình biết người… là tôi rút ra từ vở kịch này.   

– Chị gần như kín lịch tập, diễn, ghi hình trong suốt 14 năm qua, không bon chen mà được như thế này, quả là may mắn. Chị cắt nghĩa thế nào về sự may mắn này?

– Đã gọi là may mắn thì làm sao cắt nghĩa cho được, tôi chỉ biết tập trung và luôn cố gắng, cứ diễn từng vở, đi từng phim, tích cóp từng vai, vậy thôi. Tôi cũng không nghĩ 70-80 vở kịch và bộ phim trong 14 năm là đáng kể, vì xung quanh mình còn có nhiều nghệ sĩ đắt sô hơn. Tôi chỉ thấy mình may mắn khi có việc để làm, có thu nhập để sống, tuần nào cũng rảnh rỗi tối thứ Hai, thứ Ba, nên không phải là người quá bận rộn.
 
Có điều cũng xin nhắc lại, tôi luôn tin tưởng vào sự sắp xếp của tổ nghiệp, “Bắt phong trần phải phong trần/Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

– Chị thích nhất nhân vật nào của mình?

– Tôi quan niệm mỗi vai diễn là một đứa con dứt ruột đẻ ra. Tôi là người mẹ đông con, có ca sinh dễ, có ca sinh khó, có đứa thành đạt, có đứa thất bại, nhưng đã là con thì đều thương yêu như nhau.

Lê Khánh

– 8 năm trước, trong một cuộc trò chuyện – một Lê Khánh rạng ngời, đang được nhiều người để ý – chỉ ước mơ giản dị: được sống bình thường và làm nghề diễn một cách bình thường. Nay mơ ước đã thay đổi?

– Ước mơ của 8 năm trước, 8 năm sau, hay 80 năm sau, vẫn vậy, vì có được cuộc sống đơn giản và thanh thản là điều hạnh phúc nhất của mỗi con người.

– Có cuốn sách nào mà chị muốn đọc đến lần thứ 2?

– Tập truyện ngắn của Nam Cao, trong đó có các truyện “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Một bữa no”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”…, đọc để thấy rằng trong cuộc sống còn có những số phận rất bi thương, mình còn may mắn hơn rất nhiều người.

– Những từ nào mà chị không muốn có hay sử dụng trong từ điển cuộc đời mình?

– Sự lừa dối.

– Câu châm ngôn mà chị hay ngẫm ngợi?

– Nếu không có những gì mình thích, hãy thích những gì mình có.

– Hai năm qua chị làm chủ quán ốc, diễn viên và đầu bếp có giống nhau không?

– Diễn viên và đầu bếp giống nhau ở điểm nêm nếm gia vị cho món ăn hoặc vai diễn của mình, đều phải hết sức cẩn thận và chính xác, vì nếu không khéo sẽ làm hỏng món ăn mà mình đã kỳ công tạo nên.

Bài: Văn Bảy
Nhiếp ảnh: Zuki Nguyễn
Trang điểm: Tú Tạ
Làm tóc: Gill Nguyễn
Stylist: Thiên Thanh
Trợ lý: Sim Phạm

logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: Với công việc chuyên môn của một đạo diễn điện ảnh, Việt Linh luôn phải làm việc trước các nguồn sáng. Khi rời khỏi chức trách đạo diễn, chị trở về cuộc sống đời thường của một phụ nữ Việt Nam truyền thống. Bên cạnh cá tính mạnh mẽ, chị vẫn giữ gìn cung cách của một người đàn bà, người con – người vợ – người mẹ Việt Nam đúng nghĩa.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

06/03/2014, 13:27