Làm dân, làm quan đều phải đàng hoàng! - Tạp chí Đẹp

Làm dân, làm quan đều phải đàng hoàng!

Tin Tức

“Đàng hoàng” là một khái niệm, ám chỉ cách xử thế văn hóa của cá nhân trong mối quan hệ xã hội. Cao hơn nữa, là tư cách sống của cá nhân trước lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội. Nhưng chắc chắn nó đều là sản phẩm của một nền tảng giáo dục vững chãi, của ý thức thượng tôn pháp luật thường trực, hoặc ngược lại…

Hoa rơi và… “ăn đá”

Có hai câu chuyện của trẻ em đã ám ảnh người viết bài này, mỗi khi nghĩ về văn hóa ứng xử, sự đàng hoàng và ý thức tôn trọng pháp luật.

Dịp đó, đoàn du lịch chúng tôi xếp hàng vào một khu vui chơi giải trí tại Công viên Disneyland (Hồng Kông). Do quá đông người, tôi bị lạc phía cuối, cách khá xa đoàn, trong khi mọi người lại cầm vé. Nghe tiếng gọi, tôi hốt hoảng chạy lên, cho kịp người cuối cùng của đoàn.

Bất chợt một cậu bé khoảng 9-10 tuổi, dang tay chắn ngang đường, không cho tôi đi. Ngỡ em đang chơi trò chơi với bạn, tôi né sang trái. Em dang tay nghiêng sang trái. Tôi né sang phải, em nghiêng tay sang phải. Hóa ra, cậu bé cho rằng tôi “chen ngang”, nên dứt khoát chặn đường.

Chứng kiến cảnh tượng, hướng dẫn viên du lịch vội chạy xuống, giải thích em hiểu. Khi đó, cậu bé mới chịu tránh ra, cho tôi bắt kịp với đoàn.

Bất đồng ngôn ngữ, nhưng chỉ  có hai cánh tay bé nhỏ dang ra yếu ớt, em bé đã dạy người viết bài này nhớ mãi một bài học về ứng xử văn hóa nơi công cộng.

Một cậu bé khác, là con trai của blogger Hiệu Minh, một blogger khá nổi tiếng sống ở Mỹ, và là cộng tác viên của Tuần Việt Nam. Dịp đó, Washington D.C đang mùa hoa anh đào nở.

Cả nhà blogger Hiệu Minh đi chơi, thưởng ngoạn hoa. Thấy một cành hoa nhỏ bị gẫy, rơi trên cỏ, đứa con trai nhỏ của ông mới 6-7 tuổi định nhặt lên, thì cậu anh trai ngăn lại: Em đừng nhặt, nhỡ mọi người tưởng em hái thì sao? Cậu em vội rụt tay lại.

Chao ôi. Chỉ là những đứa trẻ, còn thơ bé, đã rất ý thức về ứng xử văn minh, văn hóa và tinh thần thượng tôn pháp luật đến vậy!

Và những ngày này, có hai câu chuyện của người lớn trong xã hội ta, cũng ám ảnh mãi người viết bài này.

Câu chuyện thứ nhất, xung quanh vụ việc clip “dàn xếp” kết quả của nhạc sĩ- ca sĩ Phương Uyên, khi đó là Giám đốc âm nhạc The Voice.

Phương Uyên nổi tiếng từ những ngày đứng trong ban nhạc nữ 3 chị em ruột- “Ba con mèo” – ngồ ngộ,  mái tóc ngắn đầy cá tính, và cách chơi nhạc bốc lửa. Giờ đây, vẫn mái tóc đầy cá tính ấy, Phương Uyên gặp “tai tiếng” với vai trò người có quyền lực chi phối số phận các ca sĩ tham dự cuộc thi.

Nổi tiếng và tai tiếng cách nhau có một chặng đường đời. Nhưng rất khác nhau về …tốc độ. Phương Uyên muốn nổi tiếng, phải cần tới 20 năm. Nhưng tai tiếng, chỉ cần một clip tai hại trong vài phút.

Cái clip tai hại và “tai quái” ấy được tung lên mạng, tố cáo Phương Uyên dàn xếp kết quả, với giọng nói, cách nói bỗ bã, được cho là của cô. Cách dàn xếp đó, được cho là đã xử ép thí sinh H’zina Bya, để rút cục thí sinh này bị loại khỏi chương trình.

Thực hư Phương Uyên bị ai đó “hại” như cô tố cáo, hay chính H’zina Bya “bị hại” như clip tố cáo? Sự thật chỉ có một, và một mà thôi. Dù với bất cứ động cơ nào đi chăng nữa!

Những giọt nước mắt của Phương Uyên trong buổi họp báo

Cái kết cuối cùng tất yếu đã diễn ra: Phương Uyên phải ra đi, với nước mắt, lời xin lỗi muộn màng. Trong cuộc họp báo mà nhiều nhà báo bất bình, cho là rất “kịch”. Và cũng rất phản cảm bởi cuộc họp nhốn nháo như cái chợ, với đủ trò nhạo báng, đùn đẩy trách nhiệm, tung tẩy vỗ về nhau, thay vì đưa ra quyết định xử lý nghiêm khắc trước dư luận.

Cô nhạc sĩ- ca sĩ suốt 20 năm hành nghề luôn tạo cho mình hình ảnh “sạch” và đẹp, không có scandal, rút cục phải giã từ chương trình âm nhạc với scandal đầy dư âm không đẹp.

Bởi người hâm mộ, trước lỗi lầm của Phương Uyên, vẫn muốn được thấy cô thành thực, trung thực, dũng cảm nhìn ra hành vi của mình. Đó cũng là cách hành xử đàng hoàng. Hơn là sự loanh quanh, chỉ nhận lỗi vì ăn nói bỗ bã rồi bật khóc, rồi xin được rời ghế giám đốc âm nhạc The Voice… Nhưng dường như, dù đeo kính, cô vẫn không muốn nhìn ra…

Thật tiếc!

Thế nên, Phó GS. TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái trong trả lời phỏng vấn, đã lưu ý người xem giờ đây đã cảnh giác với… những giọt nước mắt! Niềm tin đã rạn vỡ thì đương nhiên, chỉ còn sự cảnh giác, kể cả với… nước mắt.

Phương Uyên đã mất nhiều hơn “cái ghế” Giám đốc The Voice của cô trước đó. Điều ấy, mới đau!

Câu chuyện thứ hai, còn hổ thẹn hơn và nói thẳng ra, nhục nhã hơn rất nhiều.

Nhân vật chính của câu chuyện này không phải chỉ thiếu đàng hoàng, mà là mất tư cách.

Đó là vụ việc ông Trần Văn Thông, Phó Bí thư Huyện đoàn Tánh Linh (Bình Thuận) vừa bị thôi việc và khai trừ ra khỏi Đảng vì đã chiếm đoạt hơn 50 triệu đồng tiền đóng góp ủng hộ Quỹ Góp đá xây  Trường Sa, và Quỹ thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam.

Ảnh minh họa: Dân trí

Nhà báo Bùi Hoàng Tám phải phẫn nộ đặt câu hỏi Hình phạt nào cho hành vi “ăn đá” Trường Sa? (Dân Trí, 18/09)

Nếu so với các vụ tham nhũng lớn hàng nghìn tỷ đồng, thì số tiền 50 triệu đồng không lớn. Nhưng tính chất vụ việc này nó nghiêm trọng ở chỗ, đây là tiền góp đá xây Trường Sa.

Hoàng Sa- Trường Sa từ rất lâu rồi, đã trở thành cái tên thiêng liêng trong lòng mỗi người dân yêu nước Việt.

Ở đó, có mồ hôi, nước mắt và sự can trường của hàng nghìn, hàng vạn ngư dân ngày đêm bám biển đảo. Ở đó, những nấm mộ gió vẫn nằm cô đơn, mà bất tử và kiên trung trước những toan tính của lòng tham. Ở đó, có máu xương của biết bao người lính Việt đã ngã xuống.

Để nước Biển Đông vẫn mãi xanh màu xanh xứ sở.

50 triệu đồng chiếm dụng, biển thủ không lớn. Nhưng nó đã làm tổn thương nặng biết bao tấm lòng và con tim muốn chung tay góp sức cho Trường Sa, theo cách của mình.

Nó làm cho những người Việt chính trực bỗng thấy xấu hổ, thấy đau vì sự không đàng hoàng của “đồng loại”, nhân danh những việc làm cao cả, thiêng liêng.

Xấu hổ hơn, vì ông Trần Văn Thông lại là cán bộ Đoàn, trong lực lượng tiên phong. Chưa tiên phong vì nghĩa lớn,  ông đã “tiên phong” tham vì…đồng tiền.

Không hiểu, ông Thông sẽ giảng giải cho con cái của mình như thế nào về lòng yêu nước? Và nói với con mình thế nào về Trường Sa? Vết đau đó, rửa bằng nước biển nào cho sạch?

Chợt nhớ đến hình ảnh cậu bé người Việt mới 5-6 tuổi ở nước Mỹ xa xôi, rụt tay lại trước cành hoa anh đào gãy, chỉ vì sợ bị nghi ngờ là đã hái hoa.

Giá như ông Thông cũng biết…rụt tay lại trước lòng tham? Thì danh dự và danh phận ông đâu bị “gãy” trong sự phẫn nộ của người đời, như hôm nay?

Một phút không làm nên…số phận!

Có một ông quan, mà người viết bài luôn giành cho ông sự cảm phục, kính trọng. Đó là ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An (Quảng Nam), vị quan chức đầu tiên được tặng Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh (lần 5), một giải thưởng tôn vinh những giá trị văn hóa.

Ông Nguyễn Sự cũng là người có câu nói nổi tiếng Đã làm quan là phải đàng hoàng, mà người viết xin được mượn ý tưởng để đặt luôn cho bài viết này.

Khác biệt hoàn toàn với những nhân vật trước đó được tặng giải thưởng, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự, không có tác phẩm.

Nhưng như nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh đã nhận xét: “Tác phẩm” của anh chính là toàn bộ không gian và con người Hội An, một tác phẩm đang sống, đang thở mỗi ngày, liên tục đổi thay, liên tục đóng góp những giá trị tinh thần cho đời sống hôm nay.

Một nhà văn hóa lớn nhận xét về một quan chức- nhà văn hóa với những lời lẽ thật trân quý.

Ông Nguyễn Sự trong Lễ trao giải Văn hóa Phan Chu Trinh

Người viết bài cũng đã từng đến thăm Hội An, “tác phẩm đang sống, đang thở” của ông “quan” Nguyễn Sự, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, năm 1999, để được đi bộ trên những con phố cổ, thăm các di tích văn hóa- lịch sử, đền chùa, miếu mạo nổi tiếng; để được ăn tô mì Quảng, hiểu cái “hồn vía” Hội An thấm đẫm đến từng nét rêu phong, từng viên gạch lát hè, thấm thía cái mộc mạc, chân chất nhưng tế nhị quảng giao trong buôn bán của người Hội An.

Một vẻ đẹp bình yên, cổ xưa, trong cái náo động của kinh tế thị trường. Vừa quyến rũ, vừa mới lạ…

“Ông quan” Nguyễn Sự chỉ là thế hệ hậu bối, kế thừa di sản văn hóa của các bậc tiền nhân. Nhưng ông đã kế thừa một cách xứng đáng, không hổ thẹn.

Điều đáng nói, toàn bộ những việc làm của ông, từ chính sách giao đất, hỗ trợ nông dân làng rau Trà Quế, nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, cho đến cách giữ gìn môi trường Cù lao Chàm, để san hô có thể sinh sôi, phát triển, khai thác du lịch…, chỉ gói gọn trong mỗi hai con chữ: Vì dân!

Vì dân, nên “ông quan” Nguyễn Sự, làm tới Bí thư Thành ủy, vẫn là ông quan nghèo. Vì không ăn hối lộ, không tham nhũng, không “lợi ích nhóm”.

Đó thực là người có tư cách đàng hoàng. Ông đã nói, là sống như vậy: Đã làm quan là phải đàng hoàng!

Có bao nhiêu ông quan đàng hoàng như ông Nguyễn Sự?

Người viết bài không rõ. Nhưng dứt khoát, đối lập với sự đàng hoàng, là sự không đàng hoàng.

Và ngẫu nhiên, người viết bài cũng được trực tiếp nghe một câu chuyện về “cái mặt bên kia” của sự đàng hoàng.

Có hai vị cán bộ cấp vụ (phó), trước cuộc bầu bán ứng cử vào chức vụ cao hơn. Ông A bàn với ông B: Ông bỏ phiếu bầu cho tôi, tôi cũng sẽ bỏ phiếu bầu cho ông!

OK! Bên rút chân giò, bên thò chai rượu.

Tin vào “chai rượu”, vào đúng lúc bỏ phiếu, bỗng dưng “chân giò” có điện thoại…

Một phút a- lô xong, ông A chạy vào bỏ phiếu, ngỏ ý muốn xem phiếu bầu của ông B. Ông B cho biết, đã bầu cho ông A, và bỏ phiếu vào hòm. Yên tâm theo thỏa thuận, ông A bầu cho ông B, và gạch tên người không cùng …nhóm lợi ích.

Kết quả kiểm phiếu khiến ông A ngã ngửa. Ông B trúng, hơn ông đúng một phiếu.

Chỉ vì một phút, đã không làm nên…số phận!

Khỏi phải nói, cái kết không có hậu giữa nhóm lợi ích “chân giò, chai rượu” thế nào, khi ông A mắng thẳng vào mặt bạn đồng niên: Anh là đồ phản trắc!

Chuyện vỡ lở. Anh em xì xào, bàn tán…

Cho dù có trúng cử, và lên được cái ghế quyền lực cấp trưởng, nhưng chắc chắn, trong con mắt của mọi người, cái “không đàng hoàng” của ông B, còn cao hơn.

Giờ, “chai rượu” đã nghỉ hưu. Ông rất sợ thịt chân giò và bia, vì ông mắc bệnh gút nặng. Nhưng bia- miệng nhân thế vẫn trơ trơ, những lúc bạn bè trà dư tửu hậu…

Đàng hoàng và không đàng hoàng luôn là hai mặt đối lập của tư cách con người. Là chuyện tư cách cá nhân, nhưng nó có sức mạnh “nội lực” làm xã hội hoặc thăng hoa, hoặc băng hoại. Làm dân đã cần đàng hoàng, làm quan còn cần hơn thế.

Nhưng có khó lắm không, sự đàng hoàng?

Theo Vietnamnet 

Thực hiện: depweb

22/09/2012, 09:14