Lâu nay, người ta vẫn cứ hô hào cho voi sinh sản và cứ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần gom chúng lại, thả cho chúng ở gần nhau ắt sẽ có voi con ra đời, nhưng ít ai biết được, loài vật khổng lồ này “khó tính” như thế nào trong chuyện yêu đương.
Voi bị xích chân chờ cõng khách du lịch đến không còn thời gian để chơi
Ông Đàn Năng Long, ở huyện Lắk, Đắk Lắk, người hiện sở hữu nhiều voi nhà bậc nhất Việt Nam cho biết: từ năm 1992 đến nay, trong số đàn voi nhà của ông, chỉ có mỗi một con voi cái sinh con, nhưng được 3 tháng tuổi thì chết, từ đó đến nay không thấy tăm hơi voi cái nào mang thai.
Khoảng 5 năm gần đây, trước đà suy kiệt, ông đã thử cho voi nhà “yêu” nhau bằng cách ghép đôi và nhiều đôi được ghép thành công nhưng chuyện chúng “quan hệ” sinh ra voi con thì mãi vẫn không xảy ra.
Theo ông Long, voi là loài cực kỳ khó tính trong chuyện “tình cảm”, đặc biệt là voi cái, nếu nó không “ưng bụng” thì có cố ép đến mấy, kết quả thu được chỉ là con số không.
Mùa cao điểm, voi bận cõng khách du lịch đến không có thời gian ăn uống.
PGS.TS Bảo Huy – Chủ nhiệm Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010 cũng thừa nhận, voi rất khắt khe trong quá trình tìm bạn tình.
Trước khi làm bạn với nhau, voi đực và voi cái phải có một quá trình lâu dài “tìm hiểu”, theo đuổi nhau, có khi cả tháng trời.
Trong khi đó, cơ chế quản lý voi hiện nay tại Đắk Lắk phần lớn là được nuôi cá thể riêng lẻ, và trong trường hợp nếu có cho một cặp voi đực – cái thì chưa chắc voi đã sinh được con.
Ngoài việc không chịu làm bạn tình với nhau, tuổi tác của đàn voi nhà Đắk Lắk cũng là một rào cản, phân nửa số voi nhà đã lên chức “cụ” và đương nhiên cũng không còn nhu cầu…yêu đương.
Nếu như voi ngoài tự nhiên theo quy luật, khi đến tuổi thì chúng giao phối, còn voi nhà do bị ngăn cấm, giờ chúng đã quá lứa, nên “lãnh cảm” với chuyện duy trì nòi giống từ lâu.
Ông Y Sang H’mok, chủ voi cái Na Tuk ở Buôn Jun, huyện Lắk, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi voi, cho biết: thường voi khi đã trên 40 tuổi, nhu cầu yêu đương của chúng gần như chững lại, đặc biệt là voi đực.
Ông lý giải: theo tập quán nuôi voi của người dân, voi đực đến mùa động dục thường thay đổi tính nết, không nghe lời chủ.
Để “dạy” voi, chủ voi thường cho chúng ăn ít lại và không cho uống nước hoặc đem xích trong rừng để voi không quậy phá, điều đó vô hình trung đã kìm hãm, làm mất khả năng gặp gỡ, giao phối.
Đó là chưa kể voi đực ngoài 40 tuổi thường không quan hệ với voi cái, nếu có tình cảm nó vẫn gần gũi, nhưng tuyệt nhiên không giao phối mà tự “xuất binh” ra ngoài.
Rừng tự nhiên bị thu hẹp, nguồn thức ăn cạn kiệt khiến chúng thiếu không gian để dạo chơi, tìm hiểu.
Một khó khác, khi mùa khô Tây Nguyên bắt đầu, cũng là chu kỳ động dục của voi, và là mùa cao điểm về du lịch.
Voi vì thế thường bị vắt kiệt sức vì mục đích du lịch. Ban ngày, chúng phải mất 6-7 tiếng để cõng trên lưng hàng chục lượt khách, tối về thì được đem đi xích vào rừng, ăn lấy sức để hôm sau làm việc tiếp, chúng không còn thời gian để vui chơi, tìm hiểu bạn tình.
Theo như ông Đàn Năng Long, cái khó nhất hiện nay đó chính là không gian yêu của voi – đó là rừng.
Trước kia rừng nhiều, voi có không gian dạo chơi, ăn uống, tìm hiểu. Giờ, tìm bãi chăn thả cũng khó chứ chưa nói chi đến “không gian yêu” mênh mông, lãng mạn ngày nào.