Kỳ lạ cặp vợ chồng Nhật Bản không sống chung nhà trong nhiều năm

Dù là vợ chồng trong nhiều năm và có một người con nhưng Hiromi và Takeda Hidekazu hiếm khi sống chung trong một căn nhà. Mối quan hệ dạng này được cho là đang trở nên rất phổ biến ở Nhật Bản.

Chị Hiromi và anh Takeda Hidekazu là một cặp vợ chồng hợp pháp ở Nhật Bản và theo luật, họ đã bên nhau nhiều năm. Vấn đề là cả hai chưa từng sống chung nhà, dù chỉ ở cách nhau khoảng một giờ đồng hồ.

Hai người này ở trong một mối quan hệ được truyền thông địa phương gọi là “hôn nhân ly thân,” hay “hôn nhân cuối tuần” hoặc sống xa cùng nhau (LAT).

Mối quan hệ dạng này được cho là đang trở nên rất phổ biến ở Nhật Bản, bởi nó cho phép các đôi vợ chồng được trải nghiệm “những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới.”

Một mặt, họ được tận hưởng tình yêu và sự hỗ trợ của bạn đời. Mặt khác, họ vẫn duy trì cuộc sống riêng tư mà không phải lo lắng về việc có thể làm phật ý, hoặc tổn thương bạn đời của mình.

Hai vợ chồng vẫn yêu nhau nhưng không sống chung cùng nhà. (Nguồn: Odditycentral)

Về cơ bản, hôn nhân ly thân cho phép các cặp vợ chồng trải nghiệm những lợi ích tổng hợp của đời sống vợ chồng và đời sống độc thân.

Cuộc hôn nhân ly thân của Hiromi và Takeda Hidekazu đã thu hút sự quan tâm của hãng tin BBC (Anh).

Trong câu chuyện được đăng tải trên BBC, Hiromi Takeda tự mô tả mình là một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập. Công việc của chị là huấn luyện viên thể hình và quản lý phòng tập thể hình.

Trong khi đó, anh Takeda Hidekazu là một nhà tư vấn kinh doanh. Phần lớn thời gian trong ngày, anh Takeda ngồi trước máy tính, trả lời thư điện tử và viết các loại báo cáo.

Cả hai có lối sống rất khác nhau, nhưng họ yêu thương và tôn trọng nhau nên không muốn can thiệp vào cuộc sống của mỗi người.

Giải pháp mà họ lựa chọn là sống riêng mỗi người một nơi. Thực tế thì anh Takeda ở cách chị Hiromi khoảng một giờ di chuyển.

“Tôi hiếm khi ngủ qua đêm tại nhà vợ,” anh Takeda chia sẻ với BBC. “Công việc đòi hỏi nhiều trách nhiệm của tôi. Với cá nhân tôi, công việc cũng là thứ quan trọng. Ở cuộc hôn nhân trước, tôi bận tới mức có nhiều ngày không về nhà và có thể điều này khiến vợ cũ của tôi không chịu nổi. Bài học lớn nhất tôi học được từ cuộc hôn nhân đầu tiên của mình là phụ nữ cần sự độc lập về tài chính.”

Về phần mình, chị Hiromi chia sẻ: “Tôi sẽ cảm thấy không thoải mái làm một số việc khi chồng có mặt. Những lúc như thế, sự hiện diện của anh ấy khiến tôi thấy căng thẳng. Nhưng bằng việc sống riêng, tôi đã thoát khỏi dạng cảm giác căng thẳng đó.”

Dù sống riêng, chị Hiromi và anh Takeda vẫn có với nhau một đứa con và bé ở với mẹ. Mỗi tuần hai người sẽ gặp hai khoảng hai tới ba lần, chủ yếu là bởi Hiromi cần giúp đỡ trong việc chăm sóc con cái.

Hôn nhân ly thân đang là một xu hướng mới tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Hai người chia sẻ rằng lối sống cách xa nhau rất hợp với họ, dù nó khiến một số hàng xóm nghĩ họ đã ly thân, hoặc ly hôn. Chia sẻ với BBC, cả hai cho rằng sống chung không phải là “yếu tố cần thiết cho hôn nhân.”

“Sống chung không phải là yêu cầu bắt buộc,” chị Hiromi nói. “Tôi và chồng đều hài lòng với cuộc sống của mình hiện nay. Chúng tôi lựa chọn lối sống đó, để cảm thấy an toàn vì có người hỗ trợ về mặt tinh thần, nhưng vẫn duy trì được đời sống riêng tư. Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn cách sống của riêng mình.”

Có thể quyết định sống riêng đã được đưa ra sau những trải nghiệm riêng tư khó khăn của cá nhân hai người. Với Takeda, đó là cuộc hôn nhân thất bại của anh với người vợ đầu tiên.

Còn với Hiromi, đó là việc chứng kiến những màn cãi vã căng thẳng của cha mẹ khi chị còn bé.

Điều đó khiến chị tự hỏi, liệu những đôi vợ chồng không hạnh phúc có nên tiếp tục chung sống với nhau, hay họ ở bên nhau chỉ bởi đó là một dạng chuẩn mực mà xã hội chấp nhận.


From the same category