Khi nhân vật phản diện được Hollywood cảm thông

Khi nhân vật phản diện… đáng yêu

Phát súng đầu tiên đến từ phim hoạt hình “Frozen” (tựa Việt: “Nữ hoàng băng giá”) của hãng Disney ra rạp từ cuối năm 2013. Dựa trên câu chuyện gốc “Bà Chúa Tuyết” của Andersen, bộ phim kể về hai chị em công chúa Elsa và Anna. Từ khi sinh ra, Elsa đã khác biệt, ở chỗ bất cứ thứ gì cô chạm tay vào đều biến thành băng giá, điều này giữ cô xa lạ với tất cả mọi người, kể cả em gái mình. Khi cha mẹ mất, Elsa lên ngôi trị vì, nhưng một sự bất cẩn đã khiến cô không làm chủ được phép thuật và gây hại cho vương quốc. May sao Anna, công chúa thứ hai, bằng tình yêu chân thành đã tìm cách giải cứu chị gái và vương quốc băng giá. Câu chuyện đơn giản như vậy nhưng hãng Disney đã tạo ra sự đột phá đối với người xem, khi xóa đi suy nghĩ mặc định về “bà chúa Tuyết” là một người độc ác, thay vào đó “bà chúa Tuyết” thực chất là một cô gái yếu đuối không dám bộc lộ bản thân mình.

“Frozen” được công chúng và Viện Hàn lâm Mỹ đón nhận. Phần âm nhạc của phim giành được giải Oscar năm đó, đồng thời bộ phim cũng được xướng tên ở mục Phim hoạt hình hay nhất. Ca khúc “Let it go” trở thành từ khóa hot trên toàn cầu. Cá biệt, có trường hợp người vợ li dị chồng mình chỉ vì anh không chịu công nhận phim “Frozen” hay. Bộ phim đã trở thành một hiện tượng của năm.

Ít tháng sau, vào giữa năm 2014, bộ phim có Angelina Jolie vào vai chính “Maleficent” ra rạp. Cái tên của nữ minh tinh rực rỡ nhất Hollywood này là căn cứ đầu tiên khiến khán giả rút tiền mua vé, nhưng không chỉ thế, cốt truyện mới mẻ của bộ phim khiến khán giả phải ngạc nhiên. Chưa bao giờ một mụ phù thủy được đứng ở vị trí trung tâm với lời bào chữa hợp lý, cho những hành động độc ác của mình.

Jolie trong vai Maleficent

Maleficent xuất thân là một nàng tiên, nhưng vì tình yêu bị phản bội nên đã trở nên thù hằn và tìm cách trả thù tình nhân của mình bằng cách nguyền rủa con gái ông ta. Nào ngờ đứa trẻ ấy, tức công chúa nhỏ của vương quốc, lại chính là hạt nắng sưởi ấm tâm hồn Maleficent. Dù không được đánh giá cao như “Frozen” và chỉ giành được một đề cử Oscar cho trang phục diễn viên, bộ phim vẫn đọng lại trong tâm trí người xem bởi hình tượng nhân vật phản diện Maleficent, và nhắc họ rằng có điều gì đó đang thay đổi ở Hollywood.

Trong tương lai không xa, khán giả sẽ sớm được gặp Medusa, nữ quỷ đầu rắn nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp trên màn ảnh rộng, dưới hình thức một phim hoạt hình của hãng Sony Pictures. Và cứ đà này, biết đâu đấy, có thể rất gần, chúng ta sẽ biết được lý do tại sao bà Hoàng hậu – mẹ kế của Bạch Tuyết lại bị ám ảnh bởi sắc đẹp, thuyền trưởng Hook trong “Peter Pan” đã từng có những ước mơ đẹp, và người đàn bà độc ác Cruella DeVil trong “101 chú chó đốm” đã từng yêu thương động vật? Có thể lắm chứ.

…Nhân vật chính diện quá nhiều mâu thuẫn

Trong quy trình “đề cao” nhân vật phản diện ấy, Hollywood cũng khiến các nhân vật chính diện – các nhân vật từng được coi là biểu tượng của tính hướng thiện như hoàng tử, công chúa, bà Tiên thành những con người đôi khi không biết mình phải làm gì, hoặc họ làm việc không đúng với những giá trị cốt lõi.

Bộ phim fantasy nhạc kịch “Into the woods” (tựa Việt: “Khu rừng cổ tích”) mới ra rạp gần đây là một ví dụ tiêu biểu. Tình yêu giữa Lọ Lem và hoàng tử vốn đã thành kinh điển, nay bị lật ngược 180 độ. Hóa ra Lọ Lem biết canh giờ chính xác để rời khỏi cung điện và nàng đánh rơi chiếc giày một cách cố ý để được hoàng tử chú ý. Cuộc hôn nhân của họ cũng chẳng tha thiết gì và sau này, khi biết chàng hoàng tử không chung thủy với mình, nàng cũng không hề đau đớn. Chị vợ của người thợ làm bánh xuất hiện từ đầu tới cuối phim là một phụ nữ thương yêu chồng, sẵn sàng làm tất cả để có một đứa con, vậy mà trong giây phút cô đơn lại có thể ngã vào lòng một người đàn ông khác. Từng bước, từng bước, sự tốt đẹp của những con người vốn đứng ở phe thiện, phe người tốt, bị gỡ bỏ.

Một cảnh trong “Into the woods”

Thêm nữa, trước đây, sự tham gia của các chàng hoàng tử vào câu chuyện cổ tích vẫn tương đối quan trọng. Bằng một nụ hôn của tình yêu đích thực, chàng có thể cứu được người đẹp khỏi lời nguyền hoặc khỏi giấc ngủ trăm năm. Nhưng nay, rất nhiều bộ phim, cả hoạt hình lẫn phim fantasy có diễn viên tham gia (như “Chuyện thần tiên ở New York”) đều cho thấy nụ hôn của hoàng tử… chẳng dùng được vào việc gì. Bởi nụ hôn có thể cứu sống cô gái – nhân vật chính có thể đến từ một anh chàng bình thường hoặc từ mẹ nuôi, chị em gái của cô.

Bởi, hoàng tử đã bị “biến chất”. Chẳng hạn, trong bộ phim hoạt hình “Frozen”, chàng hoàng tử lại dùng vẻ quyến rũ của mình để mê hoặc Anna, cô công chúa vô cùng ngây thơ luôn mơ đến một tình yêu hoàn hảo. Sau khi chiếm được lòng tin của nàng, Hoàng tử tìm cách hãm hại cả hai chị em công chúa nhằm lên ngôi trị vì vương quốc. Khán giả không còn tin được vào những hoàng tử, những công chúa và những câu chuyện tình yêu giữa họ nữa.

Xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu?

Tất nhiên là sẽ kéo dài tới khi nào những bộ phim này còn hấp dẫn khán giả. Trong phim hoạt hình, ngoài những bộ phim chuyển thể từ cổ tích kể trên, khán giả còn biết đến những nhân vật xấu dễ được thông cảm như yêu tinh Shrek, tên tội phạm Megamind hay tên trộm Gru của “Despicable Me” (tựa Việt: “Kẻ cắp mặt trăng”)… Ở thể loại phim truyền hình, nhân vật thầy giáo hóa học bị biến chất trong “Breaking Bad” (tạm dịch: Biến chất) đã được vinh danh tại giải thưởng Quả Cầu Vàng, hay bác sĩ Hannibal Lecter của series “Hannibal” (tựa Việt: “Giáo sư ăn thịt người”) cũng được công chúng đón nhận.

Điều này cũng hợp lý bởi những nhân vật chính diện chịu khó tuân theo lề lối xã hội nhàm chán bao nhiêu thì những nhân vật phản diện lại tự do và mạnh mẽ bấy nhiêu. Với các nhân vật phản diện, dường như người xem gặp được mình trong đó nhiều hơn. Và để làm nền cho sự tôn vinh các nhân vật phản diện, không có gì ngạc nhiên khi các nhà làm phim Hollywood giảm bớt không gian cho những người ở phe ngược lại.

Hoàng tử trong “Into the woods”

Dù sao, xu hướng mới này của Hollywood cũng thể hiện tính nhân văn khi đưa ra cái nhìn khác đối với những người bị cho là kẻ xấu. Người viết bài này nhớ lại một câu thoại trong phim “Big Fish” (tựa Việt: “Cá lớn”) của đạo diễn Tim Burton mà có lẽ những nhà làm phim theo xu hướng trên đều đồng ý, đó là “Hầu hết những người mà bạn cho là xấu xa, độc ác chỉ là những kẻ cô đơn và thiếu sự quan tâm của xã hội mà thôi”.

Bài: Trà Fiew

Ảnh: CGV cung cấp

logo


From the same category