Khi người đàn ông ngã về phía trước

Đằng sau cái tên huyền thoại trên đôi giày Adidas

Từng bị ban tổ chức từ chối khi muốn trở thành cậu bé nhặt banh tại giải đấu quần vợt Davis Cup bởi… quá vụng về và thiếu sự hợp tác. Stan Smith đã chứng tỏ điều ngược lại bằng sự nghiệp thi đấu huyền thoại của mình với 2 lần quán quân Wimbledon, U.S Open, tám giải Davis Cup và xếp hạng số 1 thế giới năm 1972.

Có vóc dáng cao lớn như một cầu thủ bóng chuyền, tuy nhiên ông lại chọn lối chơi săn bóng bất ngờ, một đặc điểm thường dành cho những đối thủ nhỏ con. Trong suốt trận đấu ông chắt chiu từng đường bóng một, đợi khi đối phương sơ hở ông liền chớp thời cơ để tấn công chớp nhoáng.

Năm 2005, tạp chí tennis đã xếp ông hạng 35 trong 40 vận động viên quần vợt xuất sắc nhất mọi thời đại. Tên của ông được đặt cho đôi giày sneaker nổi tiếng và bán chạy nhất của Adidas. Đôi giày lần đầu xuất hiện đầu thập niên 60 mang tên Haillet và sau nhiều lần được thiết kế lại, và năm 1973 đôi giày chính thức mang tên Adidas Stan Smith.

Giám khảo American Idol với 8 lần cai nghiện

Chỉ cần nhìn lên sân khấu mà thấy chiếc micro nào được quấn bằng nhiều khăn vải đầy màu sắc, ngay lập tức khán giả có thể nhận ra đó chính là chiếc micro của riêng Steven Tyler. Là giọng ca chính của nhóm rock nổi tiếng vào những năm 1970 – 1980 Aerosmith, ông gần như có đủ mọi thứ xung quanh: tình-tiền-tài. Nhưng cũng giống như nhiều siêu sao rocker khác, Tyler không thoát khỏi “nanh vuốt” của các chất kích thích.

Vị giám khảo đáng kính của American Idol cho rằng chất kích thích là một phần không thể thiếu trong cuộc đời ông, từng có thời gian ông không thể lên sân khấu biểu diễn nếu chưa “đủ độ phê”. Trong cuốn hồi ký của mình, ông thú nhận đã tiêu tốn hơn 20 triệu USD cho thú vui nghiện ngập. “Tôi ném hàng đống tiền qua cửa sổ vì ma túy. Tôi hít cần sa trong xe Porsche, trong máy bay và ngay cả dưới hiên nhà của mình”.

Trong thời gian cai nghiện, ông hầu như cắt đứt mọi liên lạc với các thành viên còn lại trong Aerosmith. Tất cả hoạt động liên quan đến ban nhạc đều tạm ngưng. Tyler cũng thường xuyên có những trận cãi vã với người bạn thân của mình đồng thời là tay guitar ban nhạc – Joe Perry “Anh ta là tay quái đản. Còn tôi cũng là một tên khốn. Nhưng hiện tại thì tôi và Perry đã bình thường trở lại với nhau” Tyler thừa nhận đã có khoảng thời gian không thoải mái với Perry nhưng đó đã là quá khứ.
Dù đã 7 lần vào ra trại cai nghiện nhưng Tyler vẫn chứng nào tật nấy không thoát ra được sức cám dỗ của ma túy. Mãi cho đến một buổi sáng, khi ông thấy cậu con trai của mình vừa gào khóc vừa nói “Con đã thấy bố phê thuốc như thế nào đêm qua. Bố ơi, con đã khóc rất nhiều vì quá sợ hãi!” Lúc này Tyler mới bừng tỉnh và quyết tâm cai nghiện lần thứ 8 vì những đứa con.

Bậc thầy tiểu thuyết kinh dị từng làm thêm ở tiệm giặt ủi và viết truyện cho Playboy

Hiếm có vị tác gia nào như Stephen King được Hollywood ưu ái, khi có hơn 100 bộ phim lẫn chương trình truyền hình được chuyển thể từ những cuốn sách của ông. Trong đó phải kể đến những tác phẩm thuộc hàng best-seller như “Carrie”, “The Shining”, “The Green Mile”. Nhưng một điều ít ai biết về bậc thầy truyện kinh dị này là ông từng có thời gian ngập sâu vào rượu và ma túy, viết truyện ngắn cho tạp chí Playboy để kiếm tiền nuôi gia đình, và suýt bỏ tác phẩm nổi tiếng “Carrie” vào sọt rác sau hơn 30 lần bị nhà xuất bản từ chối in sách.
Stephen King có bằng giáo viên nhưng ông không thể kiếm nổi một công việc dạy học. Thay vào đó ông phải làm ở tiệm giặt ủi trong lúc người vợ mới cưới làm việc tại cửa hàng Dunkin’ Donuts. Cuộc sống gia đình càng chật vật hơn khi những đứa con của ông ra đời. Năm 1973, King tìm được công việc giảng dạy tại một trường học nhưng chỉ với đồng lương 6.400 USD/năm, ông không thể đảm bảo kinh tế cho gia đình. Công việc nhàm chán, cuộc sống bế tắc khiến King chỉ tìm thấy chút hứng thú trong việc viết lách.
Trong thời gian này, ông đã viết những bản thảo đầu tiên cho tiểu thuyết “Carrie”. Dù được đăng trên tạp chí Playboy nhưng khi đến tay hơn 30 nhà xuất bản, ông đều nhận được cái lắc đầu từ chối in sách. Cảm thấy vô vọng vì “Carrie” không được chào đón, ông gây gổ với vợ và vứt hầu hết bản thảo vào sọt rác. Nhưng vợ của ông sau đó đã lấy lại những trang bản thảo ấy, động viên ông hoàn thành tác phẩm. Khâm phục tính kiên trì của người vợ nên King đã tiếp tục viết nốt phần còn lại sau đó kiên trì gửi đến những nhà xuất bản khác. Về sau, như ai cũng đã biết, sự thành công choáng váng của “Carrie” đã mang về cho King  2.500 USD và trên hết là niềm cảm hứng sáng tác dồi dào cho nhiều tác phẩm kinh điển tiếp theo.

“Thời khắc u ám trong đời là lúc bạn ngồi xuống và bỏ cuộc”

Nổi tiếng qua show truyền hình “Man Vs. Wild”, Bear Grylls đến với với khán giả bằng những chuyến đi thực tế vào nơi rừng thẳm, sa mạc lẫn đảo hoang để thử thách khả năng sinh tồn của con người. Anh khiến người xem rợn tóc gáy với nhiều pha ăn thịt động vật sống và chinh phục trái tim những phượt thủ bằng kỹ năng sinh tồn đáng giá. Không chỉ vậy anh còn làm chủ chương trình Running Wild with Bear Grylls trên Discovery. Show truyền hình thực tế dạy kỹ năng sinh tồn cho nhiều người nổi tiếng trong đó có nữ diễn viên Drew Barrymore, ca sĩ Zac Efron và cả tổng thống Mỹ Barack Obama.
Dĩ nhiên Grylls cũng đã gặp không ít thất bại và nhiều vấp ngã cay đắng trong cuộc đời đầy sinh động của chính mình. Chẳng hạn, anh đã dồn mọi cố gắng để thi đậu vào Trung đoàn 21 SAS thuộc Quân đội Hoàng gia Anh để hiện thực hóa ước mơ trở thành quân nhân, tuy nhiên bị loại. Không nản chí Grylls tiếp tục dồn sức và thành công ở kỳ thì sau. Năm 1996, anh gặp tai nạn trong lúc nhảy dù ở Zambia. Tuy chỉ mất ba đốt xương sống lưng và tránh nguy cơ bị liệt nửa người, Grylls cũng đã trải qua 18 tháng phục hồi mà anh mô tả là “đen tối nhất trong đời mình” khi chỉ biết dựa vào bản thân cũng như gia đình để lấy lại tinh thần, sức mạnh. Còn trong lần chinh phục Everest, Grylls đã có khoảnh khắc lưỡng lự khi đi cùng anh trong đoàn đã có 4 người bỏ mạng trước khi đến đỉnh núi. Đói, lạnh, cơ thể đông cứng, mất nước, Grylls hoàn toàn có thể ngã quỵ bất kỳ lúc nào. Nhưng sự kiên cường và ý chí đã giúp anh hoàn thành tâm nguyện chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới ở tuổi 23.
Người cha của ba đứa con quan niệm rằng “Luôn giữ thái độ tích cực. Luôn mỉm cười. Giữ vững tinh thần lạc quan. Tiếp tục bước đi. Bởi những bước đi đó chính là những bước ra khỏi địa ngục giúp bạn vượt qua giai đoạn khủng hoảng”. Chính vì thế không ít lần trong khoảnh khắc sinh tử, Grylls đã “chuyển bại thành thắng” một cách ngoạn mục.

Không chân vẫn leo núi

8 tuổi chinh phục độ cao 3.534 mét của ngọn núi Temple thuộc dãy núi Rockies (Canada) và 17 tuổi trở thành một trong những vận động viên leo núi xuất sắc nước Mỹ. Nhưng khác với Bear Grylls vẫn lành lặn sau khi gặp chấn thương. Hugh Herr kém may mắn hơn khi phải cưa đi phần dưới đôi chân của mình do bị phỏng lạnh trong một vụ lở tuyết ở ngọn Washington. “Tôi bị mắc kẹt cùng người đồng đội của mình dưới trận bão tuyết cùng cái lạnh âm 29 độ. Khi được cứu sống bởi đoàn cứu hộ, đôi chân tôi tê liệt vì phỏng lạnh” Herr nhớ lại giây phút kinh hoàng.
Là vận động viên leo núi chuyên nghiệp đồng thời cũng là nhà nghiên cứu các thiết bị y sinh học. Ông cùng đồng nghiệp của mình tại MIT thiết kế ra một đôi chân giả với ngón chân có độ cứng cao giúp ông có thể đứng vững trên những vách đá có chu vi nhỏ, và bàn chân bằng vật liệu titan giúp ông leo được các dốc đá thẳng đứng.
Bạn bè và người thân ông nghĩ rằng sau khi gắn đôi chân nhân tạo vào cơ thể thì ông sẽ yên vị với công việc nghiên cứu của mình. Song Hugh Herr không nghĩ vậy, ông tiếp tục tìm và chinh phục những ngọn núi có độ khó hơn rất nhiều. Ông từng chia sẻ “Tôi không nghĩ cơ thể tôi bị tàn phế. Nhờ vào khoa học tiên tiến nó đã cho tôi trở lại thế giới của môn leo núi đá và đá băng”.

Thất bại đến vào những lúc bạn không ngờ nhất

Có thể Conan O’Brien xa lạ với khán giả Việt Nam nhưng với khán giả toàn cầu, đặc biệt là những ai yêu thích “The Tonight Show”, thì hẳn sẽ không quên người dẫn chương trình với đôi mắt xanh, cùng lối dẫn dắt đầy thông minh và hài hước.
Conan O’Brien từng theo đuổi giấc mơ được làm chủ chương trình hài “The Tonight Show” hàng năm trời. Giấc mơ cuối cùng cũng trở thành sự thật, nhưng O’Brien chỉ làm được trong một thời gian ngắn. Sau đó đài NBC đã đẩy ông ra ngoài và đưa chương trình vào tay Jay Leno – một MC trước đó của “The Tonight Show”. Thất bại đối với người luôn gặp may mắn như O’Brien thì tưởng như không thể chấp nhận được, tuy vậy ông vẫn xem nó như một bài học đắt giá cho mình.
O’Brien không để tác động tiêu cực từ NBC ảnh hưởng lên quan điểm cá nhân và đạo đức làm việc của mình. Sau vụ việc gây tranh cãi trên, ông hợp tác với đài TBS cho ra đời nhiều “talk show” hài hước xoay quanh chính trị và những người nổi tiếng do chính ông làm chủ. Mặt khác O’brien vẫn mong đợi thiện chí từ NBC cùng “The Tonight Show”.
Tại buổi lễ trao bằng cho hơn 1.700 sinh viên Đại học Harvard, trong bài phát biểu nổi tiếng của mình, ông có nhắc đến sự cố trên như một bài học giúp ông nhận ra được nhiều điều “Đừng sợ hãi khi thất bại. Dù bạn có sợ điều đó hay không, sự thất vọng vẫn cứ đến. Vậy nên, hãy hàm việc hăng say, sống tích cực và điều kỳ diệu sẽ đến với bạn”.

Khi ông hoàng ngã ngựa

Amitabh Bachchan, ngôi sao được mệnh danh là “ông hoàng của nền điện ảnh Ấn Độ” thập niên 1970 và 1980. Đạo diễn kỳ cựu người Pháp François Truffaut đã gọi ông là “vua một cõi”. Ông từng xuất hiện trong hơn 180 bộ phim trong sự nghiệp kéo dài hơn hai thập kỷ của mình. Ngoài ra Bachchan còn là một trong những diễn viên Bollywood hiếm hoi được sánh vai cùng tài tử Leonardo Dicaprio trong “Gatsby vĩ đại”, trong phim ông vào vai Meyer Wolfsheim – một người chơi bài.
Thế nhưng vào năm 1982, ông gặp tai nạn nghiêm trọng trong khi đóng phim nhưng may mắn toàn mạng. Tuy vậy Bachchan không ngờ rằng đó cũng là thời điểm chuỗi ngày đen tối trong sự nghiệp của ông ập đến. Những bộ phim của ông về sau ra rạp liên tục thua lỗ về doanh thu, đồng thời công ty sản xuất phim do ông làm chủ cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính và buộc phải giải thể năm 1997.
Khó khăn bủa vây những tưởng đã đẩy “ông hoàng điện ảnh Ấn Độ” vào đường cùng thế nhưng bằng nỗ lực cá nhân cũng như sự kiên trì nỗ lực không mệt mỏi ông đã dần lấy lại được phong độ. Đầu những năm 2000, Bachchan trở lại màn ảnh và gặt hái được nhiều giải thưởng phim quốc gia International Film Award và Filmfare cho các bộ phim ông thủ vai như “Baghban”(2003), “Khakee” (2004) và “Paa”(2009). Ngoài điện ảnh, ông còn tích cực hoạt động từ thiện, năm 2003 ông được chọn làm đại sứ cho Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).

Tình yêu với trái bóng và sự hồi sinh phi thường

LONDON, ENGLAND – MAY 17:  Aaron Ramsey of Arsenal celebrates after scoring to make it 3-2 during the FA Cup with Budweiser Final match between Arsenal and Hull City at Wembley Stadium on May 17, 2014 in London, England.  (Photo by Jordan Mansfield – The FA/The FA via Getty Images)
Được xem là thần đồng bóng đá xứ Wales khi mới 17 tuổi được khoác áo đội tuyển quốc gia (phá vỡ kỷ lục trước đó). Aaron Ramsey bắt đầu sự nghiệp thi đấu cho đội tuyển trẻ Cardiff City. Năm 2007, anh ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của mình với câu lạc bộ. Tài năng Ramsey nhanh chóng lọt vào mắt xanh huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsernal, năm 2008 anh đồng ý gia nhập đội quân “Pháo thủ” với trị giá chuyển nhượng lên tới 7,5 triệu đô.
Tháng 2/2010, trong trận đấu giữa Arsenal và Stoke, Aaron Ramsey bị gãy lìa chân phải sau “cú ra chân định mệnh” của trung vệ Ryan Shawcross. Chấn thương kinh hoàng khiến anh phải rời xa sân cỏ trong khoảng thời gian 9 tháng. “Khi chuyện xảy ra và nhìn thấy đôi chân của mình, tất cả mọi suy nghĩ tồi tệ đã lướt qua đầu của tôi” – Ramsey nhớ lại lúc gặp chấn thương.
Việc phải vắng mặt trong thời gian dài khi tài năng vừa mới chớm nở khiến chàng tiền vệ “Pháo Thủ” gần như suy sụp. Tuy nhiên nhờ có gia đình và bạn bè, đặc biệt là lượng fan khổng lồ luôn ở bên động viên hỗ trợ, anh đã tích cực hơn trong việc điều trị vết thương “Tôi nhận được hơn 80.000 tin nhắn động viên tôi mau chóng bình phục trên website CLB lẫn cả thư tay của người hâm mộ khắp nơi trên thế giới” – Ramsey chia sẻ.
Quãng thời gian nhàm chán của anh khi không được ra sân cỏ thi đấu, thay vào đó anh tạo động lực cho mình mỗi ngày bằng cách đến phòng tập gym. “Ba tháng đầu tiên của tôi thật khó khăn, trong phòng gym, tôi tập từng động tác một với khối lượng rất nhỏ. Tôi tập hằng ngày và luôn xác định một mục tiêu mới cho ngày tiếp theo. Cuối cùng, tôi cũng nhận thấy sự biến chuyển tích cực trong việc điều trị của mình”.

Chín tháng sau khi gặp phải chấn thương kinh hoàng, tưởng chừng như sự nghiệp của anh sẽ chìm ngỉm từ đó. Nhưng Aaron Ramsey khiến mọi người nể phục, bằng nghị lực phi thường anh tích cực điều trị và trở lại sân cỏ đầy ấn tượng cùng đội hình “Pháo thủ”, đặc biệt là sự tỏa sáng của anh trong màu áo xứ Wales tại Euro 2016 vừa qua.
Bài: Trung Phạm


From the same category