Lập gia đình thì dễ nhưng giữ gìn hạnh phúc gia đình lại là một hành trình gian nan đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người. Sau khi đi hết con đường trải đầy hoa hồng của tình yêu và những năm tháng đầu đắm say trong đời sống vợ chồng, các cặp đôi sẽ dần đương đầu với những sóng gió mà nếu như không thể vượt qua được, hôn nhân của họ sẽ đi đến bờ vực thẳm. Dự đoán trước các biến cố để chuẩn bị tinh thần đối phó là điều cực kỳ cần thiết giúp hôn nhân của các bạn đứng vững.
Theo chuyên gia về ly hôn hàng đầu của Mỹ, bà Micki McWade, có 4 vấn đề nan giải khiến cho hôn nhân bị tan nát, đó là ngược đãi, oán giận, ích kỷ, và “nghiện ngập”. Có một điều đáng ngạc nhiên, ngoại tình không phải là nguyên nhân sâu xa của tình trạng ly hôn, đó chỉ là triệu chứng của 4 “căn bệnh quái ác” ẩn sâu trong mỗi gia đình.
Ngược đãi
Khi một người cảm thấy vợ/chồng mình trẻ con, vô trách nhiệm, không đáng tin cậy hoặc ích kỷ thì sự nồng nhiệt trong hôn nhân cũng sẽ tàn lụi, đời sống tình dục bị phá hủy. Họ muốn rời xa khỏi người bạn đời và biểu hiện cực đoan của vấn đề này là sự ngược đãi.
Sự tổn thương vì bị ngược đãi thường khiến người ta không muốn quay trở lại với nhau nữa, do đó điều quan trọng nhất là phải nhận ra các biểu hiện ngược đãi thật sớm để đối phó (có thể tìm đến các chuyên gia về hôn nhân để xin tư vấn) trước khi tình hình trở nên tệ hơn. Các chuyên gia về hạnh phúc gia đình không thể hàn gắn được cái đĩa đã vỡ, họ chỉ có thể giúp các bạn lấp kín những vết rạn nứt mà thôi.
Oán giận
Khi cả hai bên không thỏa mãn trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong hôn nhân thì sẽ xuất hiện sự oán giận. Chính điều này sẽ ăn mòn dần mối quan hệ của các bạn. Giải quyết vấn đề bằng các cam kết quan trọng hơn là chỉ ra “anh sai, tôi đúng”. Những người bảo thủ không chịu chấp nhận bàn bạc với nhau thì tất yếu sẽ thất bại trong mọi mối quan hệ.
Ích kỷ
Mọi người đều có thể ích kỷ trong một giới hạn nhất định, nhưng điều này sẽ trở thành một vấn đề “nguy hiểm” nếu các cặp đôi không có sự đồng cảm với nhau, thay vào đó họ chỉ chăm chăm so đo các vấn đề như ai làm việc nhiều hơn, ai dành thời gian cho con nhiều hơn, ai chịu áp lực nhiều hơn…
Khi họ không hiểu được sự đóng góp của nhau, mỗi người sẽ quy kết rằng người kia đóng góp ít hơn và đặc biệt là không ai chịu hiểu ai cả. Mâu thuẫn sẽ ngày càng gia tăng nếu vấn đề này không được giải quyết kịp thời.
Nghiện ngập
Khi người ta nghiện cái gì thì họ sẽ đặt nó trên cả vợ chồng và con cái. Bạn đời của họ sẽ cảm thấy tức giận và tự ái vì thiếu sự chăm sóc, quan tâm của họ. Khi họ không thể cai nghiện được, và đặc biệt nếu như con cái của họ bị cuốn theo những trò nghiện ngập đó, họ sẽ tìm cách đổ lỗi lên người bạn đời. Điều này khiến người bạn đời thêm ức chế và bất lực.
Thường thì vợ/chồng họ sẽ cố gắng giữ gìn mối quan hệ trong một khoảng thời gian nhất định để giúp họ hồi tâm chuyển ý. Nếu tình trạng này không thể chấm dứt thì ly hôn là kết quả cuối cùng cho cả hai.
Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ cố gắng sống với nhau vì con cái nhưng khi những vấn đề trên quá nghiêm trọng thì hy vọng giữ lại cuộc hôn nhân rất mong manh. Bà McWade cho rằng quan trọng là các vấn đề gia đình cần được xử lý trước khi chúng trở thành quen thuộc và khó thay đổi. Lưu ý, việc trò chuyện chỉ hiệu quả nếu các cặp vợ chồng đứng trên quan điểm ôn hòa và tìm đến sự thỏa hiệp.
Huyền Lưu
Biên dịch từ Dailymail