Câu hỏi muôn thuở khi tái hôn luôn là: “Làm thế nào để xây dựng, vun đắp cuộc hôn nhân thứ hai bền vững hơn?”
Các số liệu nghiên cứu độc lập cho thấy nửa số cuộc hôn nhân ở Mỹ đều dở dang và kết thúc trong buồn bã. Năm 2013, một báo cáo trên tờ New York Times cũng cho thấy hai người từng chịu cảnh tan vỡ nỗ lực kiếm tìm ở nhau hạnh phúc mới cũng khó lòng viên mãn: “60% số người kết hôn lần thứ hai đều đi đến kết cục tan vỡ, tỉ lệ tăng lên 65% cho những người lên xe hoa lần ba và lần bốn”. Và còn rất nhiều thống kê không mấy khả quan về tỷ lệ tái hôn thành công đến từ các quốc gia khác nhau.
Nhưng tình trạng “một nửa trong số tất cả các cặp kết hôn sẽ đường ai nấy đi” cũng đã lỗi thời, vì xu hướng hôn nhân và ly hôn đã thay đổi trong suốt 3 thập kỷ qua. Các báo cáo gần đây cũng khẳng định rằng tỷ lệ ly hôn nói chung đã giảm gần 8% trong giai đoạn 2008-2016, và hiện tại chỉ rơi vào khoảng 40%. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao những cuộc hôn nhân thứ hai lại thách thức hơn và các cặp vợ chồng cần làm gì để tránh đi vào vết xe đổ trước đó?
Ngừng đổ lỗi và nhìn nhận thiếu sót của bản thân
Rất nhiều người sau ly hôn luôn đóng vai nạn nhân và nghĩ chẳng cần rà soát hay chiêm nghiệm lại bài học nào. Nói cách khác, họ mang theo những khuyết điểm, thiếu sót cùng vô số vấn đề của mình bước vào cuộc hôn nhân thứ hai, để rồi nhận lấy một kết cục chia ly tương tự. Bạn thật sự cần dành thời gian phân tích kỹ lưỡng những khó khăn trong cuộc tình trước, bao gồm cả việc thừa nhận sai lầm của chính mình, điều gì khiến bạn gặp trở ngại… để có thể “yêu lại từ đầu”. Nếu không có bất kỳ sự thay đổi nào kể từ lần chia ly cuối cùng, bạn có lý do gì để kỳ vọng mối quan hệ tiếp theo sẽ có kết cục khác?
Hôn nhân không định nghĩa hạnh phúc
Một khía cạnh tích cực của việc ly hôn (và bất kỳ cuộc chia tay nào) là nó giúp chúng ta nhận ra: hạnh phúc là sự lựa chọn của bản thân mà không phụ thuộc vào bất kỳ ai. Điều này đúng với người bạn đời cuối cùng và sẽ đúng với người bạn đời tiếp theo nếu bạn chọn đi thêm bước nữa. Cách bạn nhìn nhận về cuộc sống lứa đôi sẽ quyết định hạnh phúc trong hôn nhân. Khi bạn tìm bến đỗ mới chỉ để khỏa lấp nỗi cô đơn mà quên mất phải trao đi yêu thương, thì sự đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi. Và chúng ta lại rơi vào vòng lẩn quẩn của thất vọng và đổ lỗi.
Hiểu rõ ngôn ngữ tình yêu của nhau
Tình yêu không phải là điều duy nhất khiến hôn nhân trở nên tốt đẹp và suôn sẻ. Nếu hai người không có cùng định nghĩa về tình yêu sẽ rất khó đi bên cạnh nhau dài lâu, nhất là khi đã mang trong mình nỗi đau tan vỡ. Cả hai cần trao đổi về ngôn ngữ tình yêu của mỗi người và chia sẻ những gì bạn cần để cảm thấy thấy được yêu thương. Hãy thẳng thắn và trung thực ngay từ đầu để khi rơi vào tình huống căng thẳng sau này, chúng ta vẫn biết phải trao đi yêu thương như thế nào.
Nên đặt ra những kỳ vọng thực tế
Đặt ra kỳ vọng riêng trước khi tái hôn là khôn ngoan, nhưng nếu kỳ vọng và mong muốn của hai người không giống nhau thì đó lại là thách thức lớn cho hôn nhân. Bạn không thể nói qua loa rằng: “Tất cả điều em/anh cần là hai ta có thể sống hạnh phúc”, mà phải thẳng thắn thảo luận mong đợi thực tế dành cho nhau như vai trò của mỗi người, phân chia nhiệm vụ, chia sẻ tài chính, kế hoạch tương lai…
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc hòa hợp hai gia đình
Tái hôn là việc hòa trộn giữa hai gia đình và rõ ràng không ít lần đem lại những trắc trở. Có khoảng 65% những người lỡ một lần đò đều mang theo trách nhiệm đối với con trẻ. Bạn không chỉ phải giữ cho hôn nhân đi đúng hướng mà còn đảm bảo con cái hòa nhập được với gia đình mới. Nên có sự trao đổi rõ ràng với đối phương về những trở ngại của hiện tại, thỏa thuận về cách nuôi dạy con trẻ để tránh những xung đột và hiểu lầm không đáng có sau khi về chung một nhà.