“Hồn bướm mơ điên” – chuyện Lan và Điệp tân thời

Với những ai lần đầu đến với sân khấu Idecaf, “Hồn bướm mơ điên” sẽ là lựa chọn cực kỳ ấn tượng cho họ. Vở diễn đầy đủ những yếu tố, tên tuổi để khiến nó hoành tráng, làm người ta nhớ và nhủ rằng: phải đi coi thêm những vở diễn khác, đồng thời giới thiệu cho nhiều bạn bè đến thưởng thức những vở diễn có tính giải trí cao trong ngày nghỉ.

Tuy nhiên, nếu với những ai là khán giả trung thành của Idecaf, đã từng coi qua rất nhiều vở diễn khác, sẽ nhận ra rằng, kịch bản của “Hồn bướm mơ điên” có nhiều tương đồng với những kịch bản trước đó.

hồn bướm mơ tiên
 

Cùng tác giả kịch bản là Nguyễn Thị Minh Ngọc, câu chuyện của “Hồn bướm mơ điên” không thoát ra được những yếu tố quen thuộc như mộng đổi đời nơi đất khách quê người, những mảng đời gắn liền với làng quê nghèo khó. Những yếu tố này đã từng được thấy trong những vở đình đám như “Trái tim nhảy múa”, “Tía ơi, má dzìa”. Tuy nhiên, với tài dàn dựng của đạo diễn Vũ Minh, khả năng diễn xuất của những tên tuổi gạo cội như NSƯT Thành Lộc, Thanh Vy, Bạch Long, cho đến dàn diễn viên trẻ với lối diễn sáng tạo, mang đến tiếng cười cho khán giả như Lê Khánh, Hương Giang, Xuân Lan, Bảo Sơn… và đặc biệt là Thanh Vân.

Câu chuyện của “Hồn bướm mơ điên” đưa người xem về một miền Tây thân thuộc với những phiên chợ quê tấp nập người mua kẻ bán. Trong khi mọi người chăm chỉ lao động, thì Thiên Vương (NSƯT Thành Lộc), một công tử quen thói ăn chơi, lêu lỏng, lại cùng đám bạn thân của mình đi kiếm chuyện khắp nơi. Do lời đính ước ngày trước, Thiên Vương đã hứa sẽ cưới cô Lài (Thanh Vân), cô gái quê tần tảo bán hột vịt lộn có thân hình như quả trứng cùng mùi nước hoa hiệu “lông vịt”. Biết được tấm chân tình Lài dành cho mình, Thiên Vương thường xuyên lợi dụng cô để lấy tiền bạc, ăn chơi cùng đám bạn. Lài thơ ngây tin rằng sau này cũng là vợ chồng nên chẳng mảy may tính toán.

kịch idecaf 

Câu chuyện bắt đầu được dẫn lên cao trào khi má của Vương, bà Thiên Nga (NSƯT Thanh Vy) nghe lời của bà bạn thân Phụng Hoàng (Hương Giang) để cho anh kết hôn cùng cô Việt kiều Bội Ngọc (Lê Khánh) hòng tìm đường sang đất khách đổi đời. Nhưng chuyện không đơn giản như thế, em gái Vương (Xuân Lan) và người cha đã tìm hiểu, để biết rằng sau lưng cuộc hôn nhân vụ lợi này là cả một âm mưu lớn. Khi Thiên Vương nhận ra sai lầm của mình, hối hận quay về tìm Lài cũng là lúc Lài quyết định quy y cửa Phật.

Với câu chuyện có nhiều phần bi kịch như trên, sự duyên dáng trong kịch bản và diễn xuất của các diễn viên lại mang đến một vở hài kịch đậm chất Idecaf.

Cũng như mọi lần, vai diễn Thiên Vương của NSƯT Thành Lộc là tâm điểm của những tình huống gây cười trong vở diễn. Người xem vừa ghét Thiên Vương, vừa thích Thiên Vương rồi lại tội cho Thiên Vương. Những lớp kịch Thiên Vương láu lỉnh lừa gạt Lài để lấy tiền ăn chơi, sự tráo trở khi phụ tình Lài làm người ta không ưa được. Nhưng đến những màn tung hứng đầy “cá tính” của Thiên Vương, như vũ điệu “Miền Tây style” giữa chợ, bắt chước theo Gangnam Style thịnh hành, như khi Thiên Vương hối hận tìm đến xin lỗi Lài sẽ cho khán giả thấy một Thiên Vương vẫn âm ấp tình nghĩa, làm người ta thương. Đến những cảnh cuối cùng, người ta nhận ra rằng thực chất Thiên Vương vẫn là một đứa trẻ con trong thân xác người lớn, vẫn ham chơi, thích cái gì vui vẻ, chưa tự xác định được tình cảm bản thân mà răm rắp nghe theo lời thúc giục của mẹ.

 

Trong vở kịch này, nhiều câu nói của Thành Lộc cũng được khán giả nhớ như in sau khi ra khỏi rạp, điển hình nhất là câu: “ông Năm bán tranh Tết, Tết hết mà tranh chưa hết”, hay như câu “nước tràn bờ đê, bê-đê kín một vùng quê.”

Nhiều người nói cái duyên sân khấu đã ăn sâu vào từng bước đi của anh Thành Lộc, và một lần nữa trong vở diễn này, anh tái khẳng định điều đó.

Vai đào thương cô Lài hột vịt lộn là vai diễn thứ chính quan trọng nhất gần đây của Thanh Vân. Với nhiều năm gắn bó cùng sân khấu Idecaf, cũng như nhiều vai nhỏ trong các bộ phim truyền hình, Thanh Vân đã nhẵn mặt với khán giả. Nhưng khác với những vai diễn hài hước thường thấy, lần này Vân vào vai cô Lài nhẹ nhàng, chân chất tình cảm, yêu thương anh chàng Thiên Vương bằng tất cả sự ngây thơ của mình.

Vai diễn của Lài khiến người ta thương và đồng cảm, bởi chí ít, ai trong đời cũng muốn được yêu như Lài, trọn vẹn và tin tưởng vào tình yêu của mình, đến mức, nhiều người cho rằng là mù quáng. Tuy vậy, vẫn có những đoạn Vân tung hứng cùng đàn anh Thành Lộc rất nhịp nhàng: như đoạn cuối, khi Lài đã xuống tóc nương nhờ cửa Phật, Thiên Vương tìm đến, Lài quyết cắt dây chuông, nào ngờ cắt nhằm dây điện làm người yêu bị điện giật phải nhập viện. Đây là một lớp kịch làm cả rạp vỡ òa sảng khoái, cười như điên dại.

Nhóm các vai khác ấn tượng có Lê Khánh, Hương Giang và Xuân Lan.

Trong vở kịch này, Lê Khánh vào vai cô Việt kiều giả, mê cờ bạc, nói tiếng Việt lơ lớ kiểu nửa nạc nửa mỡ, theo châm ngôn “đi Mỹ được ba năm, tiếng Việt bị quên còn tiếng Mỹ học chưa kịp.” Lối diễn tưng tửng, tỉnh bơ, diễn như không diễn được Lê Khánh phát huy triệt để trong vai cô Việt kiều Bội Ngọc, đặc biệt nhất là khi Lê Khánh một mình làm chủ sân khấu trong câu chuyện kể bằng nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh như “swim bướm”, “anh understand nhầm rồi…”. Những tiếng cười bật lên liên tục theo từng câu nói của Khánh, nhưng chắc chắc đây cũng là điều đáng suy ngẫm về thói sính chữ ngoại của không ít người Việt hiện nay.

 

Hương Giang vào vai cô bạn Phượng Hoàng của má cậu Thiên Vương. Chất giọng điệu đà, lối diễn xuất cũng điệu đà không kém, cùng màn kết hợp trang phục cô dâu với khăn trùm đầu đa dụng của Giang, hay màn bị bắt trói vẫn có thể ung dung chơi đánh bài là những điểm nhấn của vai diễn này. Xuân Lan hóa thân thành em gái Vương, cá tính như đàn ông, hào hiệp trượng nghĩa. Xuất thân của Xuân Lan không phải diễn viên chuyên nghiệp, nhưng qua nhiều vở kịch, cũng như các vai diễn trong “Sát thủ hai mảnh”, “Họng súng vô tình”, “Trái tim nhảy múa” cho đến “Hồn bướm mơ điên” người xem có thể nhìn được sự tiến bộ rõ ràng trong diễn xuất của Xuân Lan – tròn vai vừa đủ, cá tính vừa đủ, cường điệu vừa đủ làm người ta ấn tượng vừa đủ.

Những vai phụ còn lại của NSƯT Thanh Vy, Bạch Long, Mai Phượng, Bảo Sơn cũng có đất diễn kết hợp với nhau tạo nên một câu chuyện duyên dáng, đáng xem, nhưng cũng phải suy nghĩ về thế thái nhân tình, quy luật nhân quả sau khi rời rạp.

Nhạc trong kịch được tuyển chọn cẩn thận, với những ca khúc “viết mới” như “Miền Tây Style” doThành Lộc biểu diễn, cũng có những hoạt cảnh vui nhộn trong tiếng nhạc “Duyên quê” “Tàu về quê hương”. Tuy nhiên, việc đưa các bài hát vào với tần suất hơi nhiều khiến vở kịch bị kéo dài quá mức cần thiết. Sân khấu của “Hồn bướm mơ điên” được đầu tư kỹ lưỡng, ra dáng được phiên chợ miền Tây hay mỗi căn nhà đặc trưng.

Nối tiếp thành công với những vở diễn làm nên tên tuổi trước đây, “Hồn bướm mơ điên” là một lựa chọn thích hợp cho những fan hâm mộ của sân khấu Idecaf, hoặc, nó cũng có thể là món ăn tinh thần xứng đáng cho những ai lần đầu đến với sân khấu kịch nói, món đặc sản của sân khấu miền Nam.

Bài: Chú Hề

Ảnh: Kichidecaf


>>> Có thể bạn quan tâm: Lấy bối cảnh căn chung cư cũ gồm những con người thành thị sống mà chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, “Lẩu trăn” làm người ta cười, nhưng lại vẫn thấy chua cay khi nhìn thấy chính mình trong từng lớp diễn:

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category