Hoàng Rob: Kẻ mộng mơ đã thôi mơ mộng

Đi qua một chặng đường không ngắn cũng chưa dài – 6 năm trong nghề, chàng lãng tử vĩ cầm Hoàng Rob thổ lộ cảm hứng âm nhạc của anh đã không còn là những thứ to lớn xa vời. Gặp Hoàng trong một khoảng nghỉ ngắn sau khi anh kết thúc dự án lớn “Mùa hè vĩnh cửu” với một album, một live concert và một triển lãm âm nhạc, tôi thấy Hoàng trong một trạng thái điềm đạm và trưởng thành hơn nhiều so với hình ảnh chàng nghệ sĩ trẻ đeo đuổi nhiều mộng mơ ngày trước. Hoàng đang bình tĩnh tận hưởng cuộc sống hiện hữu trước mắt, những điều “ở đây, lúc này”.

Làm nhạc hay nhất khi cô đơn

31 tuổi, Hoàng Rob đã không còn là “tay mơ” trong thị trường nhạc Việt. Đã qua rồi cái thời người ta nhắc đến anh như một hiện tượng lạ trên mặt báo, theo kiểu “chàng trai bỏ tấm bằng thạc sĩ kinh tế để theo nghiệp nhạc công”. Kẻ mộng mơ giờ là người đã và đang hiện thực hóa những ước mơ, về việc bình dân hóa âm nhạc cổ điển, về việc đưa tiếng violin lên ngang hàng thay vì chỉ làm nền cho giọng hát của các ca sĩ như số đông vẫn mặc định.

Với 3 album “Hừng đông”, “Trò chuyện”, “Mùa hè vĩnh cửu” cùng vô số live concert và show diễn lớn nhỏ, Hoàng vẫn đang miệt mài trên chặng đường đưa violin thoát khỏi tháp ngà nghệ thuật để đến gần hơn với khán giả đại chúng. Có thể nói Hoàng là nghệ sĩ violin duy nhất ở Việt Nam dám mang tiếng vĩ cầm thoát khỏi sân khấu học thuật để đứng cùng nhạc điện tử, pop, dân gian đương đại…; thậm chí mang nó đến bờ sông Hương, Huế (MV “Tự nguyện”), Hội An (MV “Cầu vồng đêm mưa”), Quảng Bình (MV “Vùng đất quên lãng”), Ninh Thuận (MV “Sunday love”), và sắp tới sẽ là một concert trong hang động Quảng Bình – quê hương anh.

Hoàng nói thời gian này anh cân bằng nhanh hơn giữa hai trạng thái vui và buồn, chấp nhận sự chông chênh như một điều tất yếu của người nghệ sĩ. Hoàng vẫn đồng tình với quan điểm nghệ sĩ sẽ sáng tạo hay hơn khi có một cuộc sống lên bổng xuống trầm. “Tôi làm nhạc hay nhất chính vào lúc tôi cô đơn nhất. Càng cô đơn càng làm nhạc hay vì lúc đó có cảm giác cả thế giới chỉ có một mình tôi làm nhạc thôi. Những lúc cuộc sống tròn trịa hạnh phúc quá, tôi không chắc nhạc của mình có hay không”.

Tôi không muốn rèn luyện mình trở thành một người cứng rắn mà chỉ muốn làm sao để trở thành một người nhạy cảm với cuộc sống.

Ít ai biết khi thực hiện album “Mùa hè vĩnh cửu”, Hoàng đã trải qua 2 năm trầm cảm, mất hết niềm tin vào âm nhạc, thậm chí còn cất đàn vào hộp vì không thể đánh thêm một nốt nhạc nào. “Âm nhạc, tình cảm cứ cuốn lẫn vào nhau, nhấn chìm mình trong trạng thái tiêu cực. Thật ra tất cả những điều đó đều do tự bản thân mình gây ra cho mình thôi. Sau này nghe lại, tôi thấy đúng là âm nhạc phản ánh tâm trạng mình thật, ‘Mùa hè vĩnh cửu’ dù lộng lẫy nhưng có sự cô đơn. Nhưng cũng chính vì thu trong giai đoạn chật vật đến thế mà tôi rất quý đĩa nhạc này”.

Nhìn lại chặng đường 6 năm theo đuổi nghệ thuật, Hoàng ngộ ra bản thân mình đã thay đổi rất nhiều. Chàng nghệ sĩ vĩ cầm cho rằng bất kì cuộc hành trình nào trên cuộc đời cũng là hành trình đi tìm bản thân, ngay cả hành trình âm nhạc. “Sẽ có những điểm chạm đỉnh và cũng có những điểm chạm đáy. Có những vinh quang làm cho mình xấu đi và nhiều sự bất hạnh lại làm cho mình tốt lên. Những điểm chạm thật ra đều để khai phá một góc mới trong bản thân mỗi người, khiến bức chân dung cá nhân ngày càng được hoàn thiện”, Hoàng nói.

Đàn là bạn, không là vợ

Với Hoàng ở thời điểm hiện tại, việc được kéo đàn, thăng hoa và đắm chìm trong ánh đèn sân khấu cùng sự tán dương của khán giả vẫn là điều gì đó rất thiêng liêng. Song những giây phút “không làm gì” cũng dần trở nên thật đặc biệt và cần thiết đối với anh. Đặc biệt cần thiết để người nghệ sĩ giữ được những rung động vi tế trước cuộc sống thay vì bị guồng quay chạy show, họp hành… biến mình thành một cỗ máy.

Hoàng thổ lộ: “Điều đem lại cảm hứng lớn nhất cho tôi luôn là vẻ đẹp cuộc sống. Trong nỗi buồn cũng có cái đẹp. Tôi thích tận hưởng, ví dụ như những khoảnh khắc giao mùa, những chuyến phiêu lưu mùa hè, những buổi tối ngắm nhìn ánh sáng đèn đường chiếu xuyên qua vòm cây kẽ lá… Đến giờ tôi vẫn nghĩ tôi không muốn rèn luyện mình trở thành một người cứng rắn mà chỉ muốn làm sao để trở thành một người nhạy cảm với cuộc sống thôi”.

Hoàng cười nói rằng nhiều nghệ sĩ hay gọi đàn là vợ, nhưng anh thì không. Anh xem cây đàn violin như một người bạn của mình, là một phần quan trọng của cuộc sống, nhưng không có nghĩa nó là tất cả. Cũng có lúc Hoàng cảm thấy chán ngán việc chơi đàn và anh cho rằng đó là một hiện tượng hết sức bình thường.


“Nhiều bạn bè trong nghề tâm sự với tôi rằng họ thấy mình được sống khi ánh đèn bật lên, họ bước ra sân khấu, nghe tiếng khán giả hò reo. Nhưng tôi lại không sống trong những khoảnh khắc như thế”. Vậy hiện tại, anh đang “sống” ở đâu, tôi hỏi. “Trong những ngày này ở Hà Nội, trời mùa thu lạnh, nắng đổ vàng xuống đường, buổi sáng thức dậy tôi nghe một bản nhạc jazz rồi dọn nhà, tưới cây, cho mèo ăn… Lúc đó tôi chỉ tận hưởng và thấy cuộc sống thật bình dị. Càng lúc tôi càng cảm thấy hóa ra mình không cần lắm một cuộc sống xa hoa, chỉ cần một cuộc sống bình dị”, Hoàng nói.

MEN WE LOVE

Đẹp trò chuyện cùng năm trong số những người đàn ông có thành tựu sự nghiệp nổi bật nhất trong năm 2022 theo đánh giá của chúng tôi và khám phá được những khía cạnh bất ngờ về mỗi người, dù rằng với
số đông, họ đều là những nhân vật đã vô cùng quen thuộc.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy – Sản xuất: Hellos.

Đọc thêm bài cùng chuyên đề:
– Tùng Dương: Tôi tàn nhẫn và không chung thủy với chính mình
– Nghệ sĩ Hà Lê: “Tôi đang ở một nơi tốt hơn”
– Chef Hoàng Tùng: “Cuộc đời tôi luôn về đúng quỹ đạo khi cần thiết”
– Hoàng Rob: Kẻ mộng mơ đã thôi mơ mộng
– Trị Nguyễn: Nghề làm bố “full-time”

Giám đốc sáng tạo: Alex Fox
Nhiếp ảnh: Tri Nghia
Stylist: Nhật Thiện – Tigrebia
Trang điểm & làm tóc: Jendy Star – Ngoc Pham


From the same category