Chị trò chuyện với Đẹp ngay khi vừa trở về từ châu Âu sau chuyến đi kéo dài 3 tháng (9-12/2015) để thực hiện bộ phim về người Việt ở châu Âu, mà trong đó chị đóng vai trò tổ chức sản xuất, biên kịch và biên tập…
Trang phục: Đặng Hải Yến
– Đọc và đi – hai “liều vitamin” đó đã bồi bổ chị thế nào?
– Đọc và đi đều giúp cho con người nhìn sâu hơn vào bản thân và chiêm nghiệm. Khi bạn đọc, bạn bước chân vào những lãnh địa mới của trí tưởng tượng và các ý tưởng. Khi bạn đi, bạn đến những vùng đất mới và ở giữa những con người mới, khác với bạn hoàn toàn. Bạn thu lượm các kinh nghiệm, quan sát, soi chiếu và rút ra những điều thú vị cho bản thân.
Thế rồi lúc nào đó, đâu đó trong cuộc đời, bạn vấp phải nghịch cảnh, ai đó làm bạn tổn thương, bạn cần phải ra quyết định sống còn, ai đó tìm đến bạn xin lời khuyên, bạn yêu thương ai đó nhưng không biết cách thể hiện… – toàn bộ những kinh nghiệm, cảm xúc có được từ việc đọc và đi sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề đó một cách thấu đáo và trung thực nhất.
Một cách tự nhiên, đọc khiến ta muốn đi, muốn đến những địa danh xuất hiện trong sách. Từ đó, ta có thể làm được một điều rất khó, là rời khỏi con người cố hữu của mình, tới những nơi thật xa, thật lạ lẫm, giống như thả mình vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nhờ đi thật xa (qua không gian hoặc qua những trang sách), ta mới đến được nơi khó tới nhất: chính bản thân mình.
– Ba tháng ở một nơi không gọi chị là “Thủy hoa hậu”, được tự do tuyệt đối trước đám đông, cảm giác của chị thế nào?
– Ở đâu thì tôi cũng rất thoải mái với việc để mặt mộc, ăn mặc giản dị đi khắp nơi. Khi tiếp xúc với những người cùng làm trong dự án phim, tôi hầu như không cho ai biết mình là hoa hậu. Nhiều người sau đó đã nhận ra, cũng có người đến tận lúc này khi tôi đã trở về Việt Nam vẫn không biết. Tôi thấy rất thú vị khi quan sát sự ngạc nhiên và thích thú của những người nhận ra tôi và bắt đầu so sánh tôi trong đời thực với những gì họ biết về tôi qua truyền thông. Còn với những người chưa biết, tôi coi đó như một điều bí mật giữ riêng cho mình.
Sau một thời gian di chuyển giữa các nước Châu Âu, tiếp xúc với những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, cả người Việt và người Châu Âu, tôi nhận ra có nhiều quan niệm về các giá trị thay đổi, trong đó có khái niệm “nổi tiếng”. Dù muốn hay không, đã nói đến “nổi tiếng” là sẽ phải đụng chạm đến một khái niệm rất phức tạp – “đặc quyền”. Theo tôi, người nổi tiếng ở đâu cũng có một số đặc quyền nhất định, nhưng dường như trải qua nhiều thế kỷ, người Châu Âu (bao gồm người bản địa và những người sinh sống ở đây) đã được rèn luyện để có sự bình tĩnh, kín đáo hơn về các đặc quyền và sự nổi tiếng.
Trang phục: Lea’s by Le Ha
– Khi gặp những người Việt thành danh ở Châu Âu, chị nghĩ gì về hai chữ “hoa hậu” và thị phi ở Việt Nam?
– Phần lớn những người Việt sinh sống ở nước ngoài, đặc biệt là những người đã ở đây lâu năm, họ không quá đề cao danh hiệu hoa hậu như cách người Việt trong nước nhìn nhận. Hoa hậu là một giải thưởng, một danh hiệu mà một cô gái đẹp đạt được trong một cuộc thi sắc đẹp ở một thời điểm nào đó. Còn với những người tôi đã làm việc cùng trong khi thực hiện dự án phim, họ (và cả tôi) đều đánh giá thành công là một quá trình và là thành tựu đạt được. Nếu tôi được người khác tán thưởng một điều gì đó liên quan đến hai chữ “hoa hậu”, đó cũng là kết quả của một quá trình.
Trong mọi lĩnh vực, showbiz hay khoa học, lĩnh vực nào cũng có những chuyện thị phi. Tôi không chắc chắn được rằng giới showbiz có dẫn đầu trong “cuộc đua” thị phi và những câu chuyện ngồi lê đôi mách hay không?
– Từng bị “ném đá” vì câu “Sắc đẹp cũng là một tài năng”, tới lúc này chị còn bảo lưu ý nghĩ đó nữa không, nhất là sau chuyến đi gặp toàn “người tài… không đẹp”? Nên chăng sửa thành “Tài năng cũng là một sắc đẹp”?
– Tôi vẫn nghĩ bản thân cái đẹp là một tài năng, không phải vì bị “ném đá” mà tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Trong cả chuyến đi vừa rồi, tôi đã rất nhiều lần xúc động phát khóc khi nghe những người Việt tài năng trong các lĩnh vực kể về cuộc đời và quá trình làm việc của họ. Một nhà thiên văn kể về những ước mơ vươn đến cung trăng; một nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Pháp nhưng luôn bị ám ảnh bởi lời ru à ơi của mẹ những ngày thơ bé; một phụ nữ nghị lực, mạnh mẽ trong các hoạt động xã hội thổn thức kể về những năm tháng đẹp đẽ đầy gian khó ở Hà Nội; một dịch giả trải lòng với những nhọc nhằn trên cánh đồng chữ nghĩa để vơi bớt nỗi nhớ quê hương… Tất cả họ đều rất đẹp đối với tôi, đặc biệt khi họ sống đúng trong thế giới riêng của họ.
Cái đẹp hiện diện ở rất nhiều nơi, có lẽ điều quan trọng nằm ở chỗ làm thế nào để nhận ra cái đẹp.
Trang phục: Lea’s by Le Ha
– Sau hơn 20 năm, những dấu cộng đáng kể nhất là gì, với chị?
– Dấu cộng hẳn là những điều tích cực? Thì sau hơn 20 năm, điều tối thiểu mà tôi có được chính là 20 năm ấy. Quãng thời gian ấy vừa là cái mà tôi có được (những lúc tôi lạc quan) vừa là cái mà tôi đánh mất (những lúc tôi bi quan). Nhưng dẫu lạc quan hay bi quan thì tôi vẫn hiểu, những trải nghiệm cá nhân là thứ không gì đánh đổi được, chúng ở lại đó cho ta và vì ta.
– So với thế hệ hoa hậu đầu tiên, những Phạm Hương, Lan Khuê… ngày nay đã tiến xa hơn nhiều tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế. Là “em của ngày hôm qua”, chị thấy sao?
– Tôi có theo dõi các hoạt động của Phạm Hương và Lan Khuê trong hai cuộc thi sắc đẹp có quy mô nhất nhì thế giới. Tôi thấy rất hãnh diện và vui mừng. Với tôi, giải thưởng không quan trọng, mà quan trọng hơn là người đẹp Việt Nam ngày càng đạt đến “chuẩn quốc tế” trên đấu trường nhan sắc: thể hình hoàn thiện hơn, khỏe khoắn hơn, tự tin hơn, ngoại ngữ tốt hơn, biết làm chủ sân khấu và khả năng giao tiếp trước đám đông rất tốt.
– Đối với chị, trạng thái nào dễ chịu và thường mang lại cảm giác thăng hoa hơn: làm chủ chữ nghĩa, hay làm chủ… một người đàn ông?
– Làm chủ chữ nghĩa hay làm chủ một người đàn ông thì đều là làm chủ một thế giới. Vấn đề là thế giới ấy như thế nào, có phong phú, hấp dẫn, đặc biệt và đẹp không.
– Dễ thường, người đàn bà đẹp có chữ thì ít khi giữ chân được “đại gia” lâu. Theo “kinh nghiệm dân gian” là cần “ngoan” và “ngơ”, mà chị thì chắc chắn không “ngơ”, còn “ngoan” hay không thì… chưa biết?
– Chuyện đó cũng không hẳn. Tôi từng đọc báo nước ngoài về những cô gái rất đẹp, đặc biệt lại rất có học thức, thậm chí, có người là tiến sĩ triết học (nghe hơi giống trong tiểu thuyết của Haruki Murakami – PV) nhưng lại là gái gọi chuyên nghiệp. Họ có giá cực cao và được coi là rất đặc biệt, lại còn rất kén chọn. Câu chuyện này chỉ để nói rằng đàn ông rất khó lường. Cũng như trong nhiều chuyện khác, không bao giờ có thể tìm được mẫu số chung.
– Điều thiệt thòi nhất khi yêu chị là gì?
– Tôi cũng bình thường thôi, yêu tôi thì cũng sẽ thiệt thòi như yêu bất kỳ người phụ nữ nào khác. Sẽ phải để cho tôi ngủ mặc dù có thể bị lỡ chuyến bay tới một địa điểm du lịch nổi tiếng, chỉ vì tôi quá buồn ngủ hoặc mặt bị nổi mụn, thậm chí đơn giản hơn nữa chỉ vì tôi đổi ý không muốn đi chơi. Sẽ nháo nhào vì tôi đến quá muộn vào bữa trưa đã hẹn trước, sẽ tha hồ cáu giận trong cơn đói bụng. Sẽ phải dỗ dành khi tôi buồn, tôi khóc, và nhiều khi muốn đạp phăng tôi ra khỏi giường vì tôi nhất định chưa chịu đi ngủ mà còn bận ôm điện thoại xem mấy clip nhảm nhí…
Nhưng nói vậy chứ tôi biết cách biến ngôi nhà thân thuộc tưởng đã nhàm chán trở nên hấp dẫn bất ngờ, tôi biết cách nhờ người phục vụ quán ăn dọn đồ thật mau cho người tôi yêu đỡ đói, thậm chí sẵn sàng năn nỉ người ấy nguôi giận vì tôi đuểnh đoảng đến muộn trong một cuộc hẹn…
– Có câu “Hãy tha thứ cho nàng vì nàng đẹp” chứ chưa bao giờ có câu “… vì nàng giỏi”. Chị có thấy đó là một bất công?
– Thật ra đây là một trong những mẫu câu mà tôi ghét nhất, nhưng lại là câu tôi hay gặp nhất. Tôi thấy ở đó một sự khinh miệt ngấm ngầm, một sự kỳ thị hết sức ngớ ngẩn. Người ta đâu thể ban phát sự tha thứ, nhất là cho những người không cần đến sự tha thứ. Hơn nữa, tôi thấy câu này hay được phát ra từ những người không có khả năng tha thứ.
– Thật ra, chị làm nghề gì nhỉ? Hoa hậu có là một nghề không?
– Hoa hậu là một nghề chứ, một nghề rất mệt và đòi hỏi nhiều thời gian là đằng khác! Thậm chí là một công việc toàn thời gian, lại không cho phép người ta bỏ việc. Nhưng có ai cấm một người cùng lúc làm nhiều nghề đâu. Một trong những nghề khác mà tôi làm là nghề tưởng tượng và mơ mộng.
– Sống khác, làm một “người khác” với chị là gì: khác với những hoa hậu khác (chịu đọc, không chọn đại gia, không lấn sân showbiz…), hay sắm nhiều vai khác nhau trên sân khấu cuộc đời?
– Điều “khác” khó nhất trong cuộc đời là khác với những gì chờ đợi mình sẵn. Cuộc sống nhiều khi giống như để ta đánh lừa định mệnh, có lúc lại như làm sao mà tránh được những cái bẫy đã giăng sẵn trên đường đời. Điều này càng khó khăn gấp bội, khi mà để “khác” thì ta lại phải thực sự chính là mình.
– Nếu không còn sắc đẹp, chị nghĩ nơi đâu sẽ thích hợp nhất với mình?
– Ngay lúc này, tôi có thể nói là về sau, dẫu cho còn sắc đẹp hay không, tôi cũng thích được sống trong một khu vườn – một khu vườn có rất nhiều trẻ con, tôi ngồi trên ghế, vừa đọc sách vừa trông chừng bọn trẻ. Khu vườn ấy có tường thật cao, nhưng người qua đường tò mò vẫn có thể nhòm trộm qua khe tường để xem cảnh tượng đám trẻ con đùa nghịch và một người đàn bà ngồi đọc sách giữa những tiếng ồn ào loạn xạ.
– Tương tự, nếu trí tuệ “đi vắng”?
– Chắc vẫn là một khu vườn, cảnh tượng tương tự như trên, nhưng thay vì đọc sách, có lẽ tôi… chơi Nintendo.
Hoa hậu Việt – Ai người mang “gương mặt hân hoan”?
Theo thời gian, sắc đẹp là thứ sẽ tàn phai, vương miện không mãi thuộc về, danh hiệu dần là phù phiếm, trước những được – mất song hành… Điều gì đọng lại sau ánh hào quang, đó mới thực sự là gương mặt hân hoan mà công chúng muốn được nhìn thấy nhất ở những cô gái đã, đang và sẽ đội trên đầu chiếc vương miện mang tên sắc đẹp…
2015 có thể nói là “năm của hoa hậu” với cùng lúc hai người đẹp Việt có mặt tại hai đấu trường nhan sắc quốc tế đình đám, diễn ra cùng thời điểm: Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới, thu hút sự chú ý cao độ của truyền thông.
Ai đó nói rằng: Trong 30 năm đổi mới, một trong những diện mạo “hân hoan” của một nước đang phát triển như Việt Nam có lẽ chính là những cuộc thi hoa hậu – thứ không mang lại cơm áo gạo tiền cho số đông nhưng trong một thời điểm nào đó, cũng có thể phần nào giúp người ta tạm quên đi cơm áo gạo tiền.
Có điều, các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mọc lên như nấm, trước những con mắt “tinh như cú vọ” của truyền thông, hai chữ “hoa hậu” vì thế cũng dần bớt đi sự lung linh của nó, hay đúng hơn, chỉ còn là câu chuyện của số ít có quyền lợi liên quan trực tiếp, hoặc là ước mơ “khi người ta trẻ”.
Bài cùng chuyên đề:
– Hoa hậu Mai Phương Thúy: “Hơi tiếc quãng thời gian thanh xuân”
– Hoa hậu Ngọc Hân: Một vẻ đẹp khác…
– Hoa hậu Đặng Thu Thảo: Vững vàng giữa mong manh
– Hoa hậu Kỳ Duyên: Sóng gió lui dần?
– “Hãy để cho các cô gái được đẹp một cách bình yên!”