Hoa hậu Thu Thủy: Nếu muốn chạy, luôn có một con đường

Chạy xuyên đêm qua nghĩa địa để chiến thắng nỗi sợ hãi, chạy mỗi ngày giữa trưa nắng 40 độ của Hà Nội để luyện sức chịu đựng cho giải marathon ở Quy Nhơn…, đối với Hoa hậu Thu Thủy: “Khi vật vã trên đường chạy, bạn có thể căm hận và chửi rủa cả thế giới, nhưng khi về tới đích là quên sạch đau đớn mệt nhọc, trong lòng chỉ thấy vui và biết ơn”.

Tháng 10/2018, Thủy chạy lần đầu tiên – quãng đường dài 1.7km. 7 tháng sau, cô đã chạy được tổng cộng 963km, bằng khoảng cách từ Hà Nội vào Đà Nẵng.

Rất nhiều lần tôi khóc trên đường chạy

Từ những điều chị chia sẻ thường xuyên trên Facebook, có thể thấy chị là một tín đồ của bơi lội và yoga. Chị đã rất đẹp rồi, liệu có cần vất vả chạy để đẹp hơn nữa?

Thật ra tôi có mong muốn được chạy từ rất lâu rồi, từ khi còn rất nhỏ, tôi ốm yếu ngồi nhìn những đứa bạn cùng lứa chạy băng băng trên đường chơi đuổi bắt. Suốt bao nhiêu năm, thể chất yếu ớt và những nỗi sợ hãi đã kiềm chế một “người chạy bộ” trong tôi. Đến một thời điểm, tôi quyết định rằng mình phải chạy, và thế là tôi chạy.

Môn thể thao này có gì khiến chị bị thu hút đến thế?

Tôi bị cuốn hút bởi những bạn chạy tôi quen biết trên Facebook và cả ngoài đời. Tôi có những người bạn nước ngoài, cứ sau giờ làm là trút bỏ trang phục công sở, xỏ giày và xuống đường chạy. Họ chạy khắp mọi nơi, tôi đã rất ngạc nhiên khi họ có thể chạy ở Việt Nam, chạy giữa Hà Nội ồn ào náo nhiệt. Quan sát họ, tôi nhận thấy rằng, nếu bạn muốn chạy, luôn luôn có một con đường cho bạn, tất cả những lý do khác như không thuận tiện, thời tiết, hoàn cảnh, không có thời gian, thể lực không cho phép, tuổi tác không cho phép chỉ là sự biện hộ mà thôi. Ở Việt Nam, phong trào chạy bộ và chạy đường dài cũng mới bắt đầu được vài năm trở lại đây. Tôi nhận thấy có những người bạn của mình trở nên điềm đạm, kiên trì đến lạ lùng sau khi tập chạy. Thông qua họ, tôi tìm hiểu dần dần.

THU THỦY – 1976
Hoa hậu Việt Nam năm 1994

Lý do chạy?
Để khỏe hơn và chiến thắng những nỗi sợ hãi.

Điều hạnh phúc nhất khi chạy?
Đơn giản là cảm thấy mình đang chạy và được chạy.

Chị chọn cho mình trường phái chạy bộ nào?

Tôi là người chạy bền, tôi tin rằng với sự tập luyện kiên trì và bền bỉ của mình, tôi sẽ trở thành một người chạy bền với những cự ly ultra (siêu marathon). Tôi thích chạy trên những cung đường mòn (trail) để hòa mình vào giữa thiên nhiên, thế nhưng tôi cũng thích những giải chạy road, khi ý chí của người chạy bộ phải đối diện với sự nhàm chán của chu kỳ vận động đều.

Việc chạy bộ có làm thay đổi khía cạnh nào trong đời sống của chị không?

Tôi đã từng trầm cảm suốt một thời gian dài. Tôi không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Mặc dù nhìn từ bên ngoài, tôi có vẻ là người có đủ mọi thứ: nhan sắc, danh tiếng, vật chất, tri thức… thế nhưng tôi không cảm thấy hài lòng và lúc nào cũng sợ hãi. Bằng luyện tập và thông qua luyện tập, tôi tìm thấy giá trị của cuộc sống.

Những lúc chạy, tôi thấy mình thật sự rất vui. Đó là một cảm giác rất khó tả, chỉ có người chạy bộ mới hiểu được. Nó không phải là những gì người ta vẫn hay gán ghép như là đam mê, vượt lên bản thân, chiến thắng chính mình. Nó giản dị hơn thế rất nhiều, tôi vui vì tôi được chạy và đang chạy.

Tôi bắt mình phải đối diện với những điều mình sợ hãi

Điều khó nhất chị phải đối mặt khi chạy bộ là gì?

Như đã nói, tôi có thể chất kém (hen suyễn, thấp khớp mãn tính, tim mạch, huyết áp thấp, tiền đình) cộng với phối hợp vận động kém và bắt đầu tập chạy khi đã ngoài 40 tuổi. Vì vậy tôi biết mình sẽ phải cố gắng và kiên trì hơn những người khác rất nhiều lần. Tôi coi đó như một cơ hội để mình rèn luyện thay vì sốt ruột phải chạy giỏi, phải đạt thành tích cao. Với một người bình thường, có thể chạy bộ là bản năng, họ không cần phải cố gắng nhiều để chạy đúng. Còn tôi, tôi phải tập từ cách tiếp đất, cách vung tay, cách phối hợp thở sao cho nhịp nhàng. Những ngày đầu, việc chạy đối với tôi thật gượng gạo. Tôi không tự tin khi chạy. Tôi thấy những vận động của cơ thể mình thật lố bịch và không hiệu quả. Rồi tôi cũng bị một số đau đớn do luyện tập gắng sức. Đã rất nhiều lần tôi khóc trên đường chạy. Tôi khóc vì bất lực và mệt mỏi. Tôi cũng chẳng biết bằng cách nào tôi đã vượt qua, cũng không dám chắc rằng mình sẽ không còn khóc vì đau đớn và chán nản khi chạy nữa.

Mỗi người chạy bộ đều có một vài câu thần chú để họ niệm khi muốn bỏ cuộc. Với Murakami, thần chú của ông là: “Đau đớn là tự nguyện, mình là một cái máy, mình không phải là người”. Còn tôi, tôi rất thích câu: “Bất cứ khi nào muốn bỏ cuộc, hãy nghĩ về lý do bạn đã bắt đầu”.

Vẫn là Murakami, ông đã nói trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” rằng chạy bộ là một môn thể thao nhàm chán và cô độc nên thường khó duy trì được lâu. Chị nghĩ sao?

Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng với tôi thì mọi việc trên đời này đều là một hành trình đơn độc và lặp đi lặp lại. Người ta tìm mọi cách để gọi tên sự nhàm chán đó khác đi, gán cho nó nhiều khái niệm và tìm đến những liên minh, ủng hộ, hay đồng cảm từ bên ngoài. Nhưng tin tôi đi, nếu bạn thực sự đứng giữa ngưỡng dừng lại hay đi tiếp, bỏ cuộc hay tiến lên, sống và chết, tồn tại và không tồn tại, bạn sẽ nhận ra rằng niềm vui đích thực nằm ở năng lực kiểm soát bản thân và đối diện với mọi nỗi sợ hãi.

Chị có thể mô tả đôi giày chạy yêu thích của mình được chứ?

Với tôi, đôi giày chạy tốt nhất là đôi giày mình đang đi. Tôi thích giày tối giản, không trợ lực và cho tôi cảm giác thật chân nhất có thể. Tôi thích những gì quen thuộc, gắn bó và tin rằng mọi vật đều có linh hồn, lưu giữ những tín hiệu và quá khứ. Khi chạy, người chạy giao tiếp với thế giới. Và giày chạy là một trong những thứ giúp người chạy nói lên nhiều điều, bằng tín hiệu và ngôn ngữ của riêng nó.

Buổi chạy “điên” nhất của chị diễn ra như thế nào?

Tôi chạy xuyên đêm cạnh một khu nghĩa địa. Đã sống gần đó rất nhiều năm nhưng tôi luôn tìm đủ mọi cách để tránh phải đi qua nó kể cả vào ban ngày. Tôi sợ bóng tối, sợ ma, sợ những thứ mình không hiểu và không lý giải được. Những giải chạy trail thường bắt đầu từ rất sớm và kết thúc muộn nếu bạn chọn cự ly dài, thậm chí có những cuộc chạy kéo dài trên 24 tiếng. Nếu muốn trở thành một người chạy ultra, tôi bắt buộc phải đối diện với những điều mình sợ hãi nhất. Và tôi quyết định rằng mình sẽ từ từ đối diện với từng thứ một.

Tôi thoải mái hơn với mọi thứ, da ngăm đen, cháy nắng, tóc khô và xơ, thỉnh thoảng sẽ nổi mụn đôi chút do mất nước sau những cuộc chạy nhiều giờ liên tục.

Chị có sợ xấu không, khi chạy bộ phải dãi nắng dầm mưa giữa những cung đường nhựa không bóng cây che mát, cũng có lúc trèo đèo lội suối xây xát mình mẩy? Chị thậm chí còn chia sẻ rằng chị không hề dùng kem chống nắng.

Như mọi phụ nữ khác, tôi rất sợ già, sợ xấu. Thế nhưng thay vì lựa chọn chỉ ngồi một chỗ và lo sợ, tôi chọn cách đối diện và đi qua nó. Hồi mới tập chạy, tôi mua đủ thứ găng tay, khăn che mặt và nghĩ rằng mình sẽ chạy như một ninja ngoài đường. Thế rồi chẳng hiểu từ lúc nào, những thứ phụ kiện che chắn đó cứ rơi rụng dần. Tôi thoải mái hơn với mọi thứ, da ngăm đen, cháy nắng, tóc khô và xơ, thỉnh thoảng sẽ nổi mụn đôi chút do mất nước sau những cuộc chạy nhiều giờ liên tục. Khi chạy trail, bị côn trùng cắn và xây xát cũng là chuyện rất bình thường. Ở giải chạy Dalat Ultra Trail, khi leo lên đỉnh Lang Biang bằng dây thừng, bàn tay tôi bị tuột da một bên dù đã đi găng. May mắn là tôi phục hồi khá nhanh.

Tôi không dùng kem chống nắng vì thật ra nếu có dùng, da tôi cũng bị đen khi chạy nhiều tiếng đồng hồ dưới trời nắng. Để kiểm soát tác hại của tia UV, tôi có những cách khác thay vì thoa một lớp kem bí bách trên mặt và người mà chưa chắc đã hiệu quả. Tôi tin vào sự kì diệu của tự nhiên và sự thích nghi của cơ thể. Các loài động vật sống cả đời ngoài tự nhiên nhưng chúng đâu cần dùng kem chống nắng?

Chị từng kể một câu chuyện về loài hải tiêu, đại ý rằng sau khi tìm được chốn an cư, chúng tự tiêu hóa luôn bộ não của mình rồi sống một cuộc đời không cần não, và rút ra thông điệp: “Lý do duy nhất để não tồn tại là tạo ra sự vận động”. Đó có phải là triết lý lớn nhất chị tìm thấy trong môn thể thao này?

Với tôi, chạy bộ mang lại sự kiên trì và khả năng chịu đựng trong mọi hoàn cảnh. Không phải loài mạnh nhất, nhanh nhất hay thông minh nhất sẽ sống sót mà là loài có năng lực thích nghi tốt nhất. Chạy giúp tôi có được tự do và niềm vui tự thân.

Khi ghi tên mình vào các giải trail, chị phải chuẩn bị những gì?

Tôi nghiên cứu cung đường và địa phương nơi diễn ra giải chạy. Tôi là người thích du lịch và khám phá. Năm 30 tuổi, tôi từng ao ước mình có đủ điều kiện để đi khắp thế giới và viết về những nơi mình đến, những vùng đất, con người, những câu chuyện thật đặc biệt. 40 tuổi, tôi đang thực hiện ước mơ đó, và đặc biệt hơn, tôi được sống trọn vẹn với những bước chạy, với mỗi nhịp thở, mỗi nỗ lực của mình. Tôi hạnh phúc và tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời trong điều đó.

Mục tiêu chị muốn chinh phục sắp tới?

Tôi sẽ chạy mỗi ngày. Như tất cả những người chạy bộ, tôi có một danh sách những giải chạy mà mình cần phải chinh phục.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

                                                            FEATURE – CHẠY!

“Chạy bộ là nghệ thuật đỉnh cao đầu tiên của nhân loại, là hoạt động sáng tạo theo cảm hứng nguyên thủy. Rất lâu trước khi chúng ta nguệch ngoạc vẽ lên trên vách hang động hay vỗ theo nhịp vào những thân cây rỗng, chúng ta đã hoàn thiện nghệ thuật kết hợp hơi thở, trí não và các cơ bắp thành chuyển động tự thân tiến lên phía trước, vượt qua địa hình hoang dã. Và khi tổ tiên của chúng ta cuối cùng cũng vẽ nên những bức tranh đầu tiên trong hang động, thì các hình vẽ đầu tiên là gì? Một vết cắt xuống, hình tia sét xuyên qua một hình ảnh – Người Chạy Bộ” – nhà báo Christopher McDougall viết trong cuốn sách “Sinh ra để chạy”.

Ai cũng có thể chạy, chỉ cần một lý do. Loài người nguyên thủy chạy để tránh thú dữ, chạy để kiếm ăn. Loài người văn minh chạy để kết nối cộng đồng, để khỏe, để thử thách sức chịu đựng của bản thân hoặc để đua với cuộc sống. Lắng nghe câu chuyện của những người chạy bộ trong chuyên đề này, rất có thể bạn cũng sẽ tìm được cho mình một lý do để chạy.

Tổ chức chuyên đề: Hương Thủy
Sản xuất: Hellos. – Trợ lý sản xuất: Huey
Nhiếp ảnh: Khánh Nguyễn
Trang điểm: Andy Phan (Duy Quang, Linh Chi, Thịnh Pencil), PSI (Thu Thủy)

Đọc thêm
– Trang Hạ: Thiền động của một người chạy
– Thịnh Pencil: Chàng họa sĩ tìm được vợ nhờ… chạy bộ
– Hoa hậu Thu Thủy: Nếu muốn chạy, luôn có một con đường
– Trần Duy Quang: Chạy bộ là cuộc hành xác dễ gây nghiện
– Nguyễn Linh Chi: Con linh dương mơ trở thành báo gấm


From the same category