Đôi khi cũng cần biết buông bỏ
Một đời người, ai chẳng phải trải qua “sinh lão bệnh tử”, người thường cũng thế, mà nghệ sỹ cũng thế. Có điều, với nghệ sỹ, qua tác động của báo chí và đám đông, hay có thể gọi là “hiệu ứng của hào quang” thì mọi chuyện có thể sẽ bị nhìn “quá” đi một chút so với nó vốn có: đau thì đau quá, thất bại cũng thất bại quá, mà đóng góp cũng đóng góp quá… – giả hạn!
Mọi người hẳn chưa quên, có lần tôi đã nói trên trang facebook của tôi về chuyện chú Chánh Tín. Khi đó, có bạn đã cho là tôi có phần “hơi phũ” với một người đáng tuổi cha chú mình, lại là một nghệ sỹ từng có đóng góp lớn cho nền điện ảnh nước nhà, giữa lúc chú đang gặp chuyện. Không phủ nhận, cũng như nhiều người hâm mộ, tôi từng lưu giữ trong ký ức mình những hình ảnh thật đẹp mà người nghệ sỹ tài hoa đó đã để lại trong những thước phim “Ván bài lật ngửa”: từ cái nheo mắt nhíu mày rất “tình báo” của chú, đến cái dáng đi lững thững của người đàn ông cao lớn mặc áo bành tô trầm tư mà thanh thản trong rừng cao su… Người ta tồn tại, hẳn là bởi những giá trị “để đời” như thế.
Thế nên, khi chú Tín lâm nạn và được người hâm mộ giúp đỡ, thì tôi nghĩ, chú xứng đáng với món quà mà chú được nhận. Duy có điều khiến tôi thấy thất vọng về chú, đó hoàn toàn không phải là việc chú đã đưa tay ra nhận quà, hay thậm chí, cầu xin sự giúp đỡ, mà là cách chú đã trách móc một số người mà chú nghĩ là đáng ra phải giúp mình. Như thế, theo tôi là không nên.
Vì điều mà tôi luôn đánh giá cao ở một con người, đặc biệt là một người đàn ông và lại còn là một người của công chúng, đó chính là cách anh ta đối diện với cuộc sống, gồm cả hào quang và những biến cố, tình yêu thương và cả sự phũ phàng; cách anh ta đón nhận nó, xử lý nó bằng một tâm thế và thái độ ra sao… Trân trọng những giá trị của bản thân nhưng cũng có những lúc cần phải biết chấp nhận hoàn cảnh và cả cần biết buông bỏ nữa, trước những gì đúng với quy luật, thì chúng ta mới thanh thản được – như đạo Phật đã dạy…
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy
Sòng phẳng với cuộc đời
Thực sự là, tôi không trách việc chú Tín đã nhận sự giúp đỡ, nhưng một mặt, tôi cũng rất nể trọng hai nghệ sỹ Công Ninh và Hán Văn Tình cùng người thân của họ. Khi trong cơn bạo bệnh, họ đã dám lên tiếng khước từ sự giúp đỡ, hoặc chỉ mong nhận về vừa đủ, đúng như họ đáng nhận. Trong đó, nghệ sỹ Công Ninh thì từ chối đêm nhạc dự kiến sẽ được tổ chức để quyên góp giúp mình, còn vợ nghệ sỹ Hán Văn Tình thì mong báo chí đừng nói quá lên về gia cảnh của vợ chồng chị, vì theo chị, nói thế cứ như ngửa tay đi xin vậy…
“Điều mà tôi luôn đánh giá cao ở một con người, đặc biệt là một người đàn ông và lại còn là một người của công chúng, đó chính là cách anh ta đối diện với cuộc sống, cách anh ta đón nhận nó, xử lý nó bằng một tâm thế và thái độ ra sao…”
Chữ “sĩ”, ở người nghệ sỹ, trong một chừng mực nào đó (khi sự giúp đỡ là không quá cấp thiết và nhất thiết), tôi nghĩ, hẳn cũng là cần thiết và đáng để chúng ta trân trọng họ hơn. Cuộc đời vốn sòng phẳng, nên nếu ai đó có lúc nhận về một món quà quá mức họ xứng đáng được hưởng, thì cũng sẽ rất dễ có lúc, sẽ bị ông trời “đòi lại”. Âu cũng là một khía cạnh của luật nhân quả.
Hẳn là, hơn ai hết, những người của công chúng, họ luôn đủ nhạy cảm để nhận biết điều đó. Và khi họ sòng phẳng với cuộc đời trong cách trao hay nhận một món quà, thì cũng chính là họ thành thật với chính mình và công chúng. Điều đó, tôi cho là một giá trị sống đáng để nhìn vào.
Tuy nhiên, một mặt, tôi cũng không hẳn đồng tình với mấy bạn vì quá thương cảm cho những người nghệ sỹ nghèo mà đâm “ghen hộ” với những người của công chúng mà họ cho là không đáng được hưởng vinh hoa phú quý. So sánh thế, tôi e, chưa chắc đã được công bằng đâu. Vì cuộc đời dài lắm, chẳng biết thế nào, nên tốt nhất là khoan vội nói trước điều gì về ai đó. Mỗi người có một giá trị riêng của họ, cũng như một quan điểm làm nghề riêng về sự cống hiến hay đánh đổi, miễn sao họ cảm thấy thoải mái. Nên lúc này không thể nói “nghèo là chân chính”, còn “giàu là bất chính” nữa, và hệt như cách chúng ta đi đường: cái anh đi xe đạp thì muôn năm không bao giờ bị cho là sai, mà chỉ có thể là anh đi xe máy…
Đúng – sai, sướng – khổ vô chừng. Nên giá trị sống ở mỗi người, trong cách họ cho hay nhận một món quà từ cuộc sống, tốt nhất hãy để họ đối diện và tự vấn với chính mình – hẳn vậy!
Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook,
“trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.