Hoa hậu Ngọc Hân: “Bác Đinh La Thăng đã làm tốt rồi, nhưng…" - Tạp chí Đẹp

Hoa hậu Ngọc Hân: “Bác Đinh La Thăng đã làm tốt rồi, nhưng…”

Sao

Khi khẩu hiệu ưu tiên người “có học”

Mới đây, băng rôn “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” ở Quy Nhơn đã gây nhiều tranh cãi. Hân thì thấy là: Hành động treo băng rôn nhằm tuyên truyền cho an toàn giao thông rõ ràng là không hề sai, dù chưa biết hiệu quả đến đâu. Nhưng sở dĩ dư luận bức xúc cũng là có lý của họ: Vì ngôn từ để sử dụng cho một câu khẩu hiệu được treo nơi công cộng là cần được cân nhắc cẩn thận, tránh làm phiền lòng và phật ý đám đông.

Với ngôn từ đó treo nơi công cộng thì quả là thiếu tế nhị. Nếu những người bạn nước ngoài nhìn thấy, tôi e là họ sẽ nhìn nhận không hay về văn hóa ứng xử ở ta.

Hoa hậu Ngọc Hân trong sự kiện Đại hội Liên hiệp Thanh niên lần VII (tháng 12/2014)

Nhưng xét cho cùng, tấm băng rôn đó ra đời cũng là từ vấn nạn vượt đèn đỏ của những người tham gia giao thông thiếu ý thức. Trước đây, khi thường xuyên di chuyển bằng xe máy, đã không ít lần đang dừng đỗ đèn đỏ, tôi đã bị những xe đi phía sau nhoi lên giục gay gắt: “Sao không đi đi, đường đang vắng thế kia, tranh thủ mà đi chứ!”.  Cực chẳng đã, tôi đành phải tránh đường cho họ đi, như thể “tiếp tay” cho họ.

Nhiều người coi thường luật an toàn giao thông do ý thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Nên có nói thế chứ nói nữa, khó nghe hay dễ nghe hơn thế thì nghe chừng cũng khó mà thay đổi ý thức của họ, càng không dễ gì một sớm một chiều thay đổi được tình trạng giao thông ở Việt Nam.”
Có lần, tôi còn chứng kiến một cô bé ngồi sau bảo mẹ: “Ở trường cô giáo con bảo, không được vượt đèn đỏ, đèn xanh mới được đi. Sao mẹ lại vượt?”. Không biết lời nói của cô bé có tác động đến người mẹ hay không. Nếu người mẹ suy nghĩ sâu xa hơn, thì nên là tấm gương cho con noi theo vì trẻ con học theo người lớn rất nhanh.

Chưa kể, nhiều người còn hồn nhiên đi theo quán tính, dù chưa có tín hiệu đèn xanh nhưng vì thấy người đằng trước đi được là mình cũng đi mà không cần nhìn lên cột đèn tín hiệu. Hoặc họ nghĩ, dù đèn đỏ nhưng đường lại vắng, mọi người đi, tội gì mình không đi? Đứng lại có khi còn bị xe đằng sau húc vào chứ chả chơi!

… và hình ảnh đời thường, một cô gái rất thích đi xe đạp

Có dịp sang các nước châu Âu, tôi thấy họ khác ta một trời một vực. Ở châu Âu, khi thấy người đi bộ sang đường, tất cả ô tô họ đều dừng lại nhường đường. Họ lịch sự đến mức, có lần tôi dừng lại mời họ đi trước, nhưng họ vẫn không đi mà còn ngoái đầu ra khỏi xe cười rất tươi và đưa tay ra hiệu mời tôi đi trước. Bất ngờ thay là cũng có lần tôi bắt gặp một tình huống tương tự như vậy ở nhà mình khiến tôi “đứng hình” mất mấy giây vì cứ nghĩ mình đang ở trời Âu. Định thần nhìn lại thì thấy chiếc xe đó mang biển số QT, tôi nghĩ thầm: “Chắc lái xe người nước ngoài nên mới có văn hóa giao thông tốt thế!” 

Tắc đường ở Việt Nam phải gọi là thảm họa mới đúng. Ấn tượng về thảm họa tắc đường là trong suốt 5 năm học tại trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, tôi thường xuyên phải đi qua con đường Đê La Thành. Đường nhỏ hẹp mà lưu lượng người qua lại rất nhiều nên cứ thế mạnh ai người nấy đi, ngày nào cũng như ngày nào cứ tan tầm là tắc đường. Hễ tắc là mọi người luồn lách, loi nhoi làm sao để đi trước, người lách lên vỉa hè,  người từ bên phải lượn sang bên  trái… khiến nhiều xe ô tô đằng trước không thể đi được, đường đã tắc lại càng thêm tắc. Đèn đỏ hay đèn xanh lúc đó cũng chỉ là bù nhìn, không làm gì nổi. Cũng may tôi đã ra trường nên không phải thường xuyên đi qua con đường đó nữa. Nhưng bây giờ, thỉnh thoảng có việc phải đi qua lúc tan tầm, tôi vẫn chưa thôi khiếp sợ.

Mới đây, cầu Nhật Tân khánh thành, dù cây cầu này chỉ dành cho xe máy và ô tô nhưng rất nhiều người đã kéo lên cầu (cả đi bộ và xe đạp) để tham quan và… chụp hình gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của xe cộ và an toàn giao thông. Rồi trường hợp tai nạn và sập giàn giáo từ dự án đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông đã gây lo lắng cho bao người phải lưu thông hàng ngày qua tuyến đường này… Qua những sự việc đó, thiết nghĩ với những công trình giao thông mới như vậy, ngoài việc thắt chặt công tác an toàn, các đơn vị quản lý còn phải có hướng dẫn an toàn cụ thể và rộng rãi hơn nữa cho người dân để tránh những tai nạn đáng tiếc.

Khó nghe hay dễ nghe cũng đều… không ăn thua!

Quay trở lại với câu chuyện băng rôn “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học” ở Quy Nhơn. Cứ cho là câu khẩu hiệu không có vấn đề gì về mặt câu chữ, thì cũng cần biết một thực tế rằng: Khẩu hiệu thường không có tác dụng nhiều. Tôi từng chứng kiến nhiều người chỉ cần mắt trước mắt sau không thấy công an là bèn phóng nhanh vượt ẩu như thường. Kể mà ở bất kỳ chốt giao thông nào, các anh cảnh sát cũng đứng công khai để trấn áp nạn vượt đèn đỏ chứ đừng “núp” xa rồi bất thình lình hiện ra “chộp” thì đỡ biết mấy!

Nhiều người coi thường luật an toàn giao thông do ý thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Nên có nói thế chứ nói nữa, khó nghe hay dễ nghe hơn thế thì nghe chừng cũng khó mà thay đổi ý thức của mọi người, càng không dễ gì một sớm một chiều thay đổi được tình trạng giao thông ở Việt Nam.

Thế nên theo tôi, biện pháp cứng rắn cần thiết nhất vẫn phải là xử phạt. Còn biện pháp lâu dài là gia đình, nhà trường cần dành nhiều thời gian giáo dục luật an toàn giao thông cho trẻ em, vì khi đã lớn thì ý thức đã ăn sâu vào nếp nghĩ, rất khó thay đổi.

Bác Đinh La Thăng cũng đã làm tốt rồi, nhưng mình bác Thăng không thể quán xuyến và làm hết được, mà cần có ý thức và trách nhiệm của tất cả những người tham gia giao thông, xây dựng công trình giao thông và cả điều khiển giao thông nữa…

Điều đó tất nhiên không thể trông chờ vào một câu khẩu hiệu, cho dù nó khó nghe hay dễ nghe…

Hoa hậu Ngọc Hân

Ảnh: Facebook Ngọc Hân


logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

 

 

 

 

Thực hiện: depweb

07/01/2015, 16:48