Haruki Murakami – Chạy để viết, viết nhờ chạy - Tạp chí Đẹp

Haruki Murakami – Chạy để viết, viết nhờ chạy

Giải Trí

Haruki Murakami Marathon (1)

Viết và chạy: Hai kẻ song hành

Người ta gán tên Haruki Murakami với mỹ danh “hiện tượng văn học đương đại Nhật Bản”, dẫu có người nhận xét rằng văn chương ông “đậm chất bơ sữa phương Tây” hơn những gì thuộc truyền thống phương Đông. Ông cũng thuộc kiểu nhà văn khác thường khi đột ngột rẽ sang nghề viết khi ngấp nghé 30 – cái tuổi không mấy trẻ trung cho việc sáng tạo. Nhưng hơn hết, Haruki lại tỏa sáng như vốn dĩ sinh ra là để cầm bút.

Phác thảo về ông hẳn không có gì nhiều nhặn ngoài việc Haruki quen cảm giác một mình, yêu jazz và thích mèo. Ông sống cùng vợ và ổn định với quán rượu nhỏ đang ăn nên làm ra. Sau quầy bar ông bận rộn với rửa chén, đếm tiền, nói chuyện với khách, tính sổ sách… chừng ấy điều kéo ông trôi tuột mười năm cho đến khi dứt khoát đóng cửa Peter Cat để ngồi ngay ngắn bên bàn viết.

Nhắc về những nhà văn, người ta thường mường tượng cảnh ngồi yên trong căn phòng kín, cắm cúi ghi chép nhiều giờ liền. Họ cũng thuộc tuýp những người hay nghĩ chuyện trên trời, lãng đãng theo khói thuốc thi thoảng cư xử kỳ cục và ít giao tiếp. Điều đó phần nào đúng với Haruki trong những ngày đầu bước vào nghề viết. Ông thừa nhận mình từng đốt 60 điếu trong một ngày, những ngón tay vàng khè và người nhuốm đầy mùi thuốc lá. Nhưng tác giả của “Kafka bên bờ biển” cũng nhận ra để có thể theo nghiệp viết lách, ông cần phải làm điều gì đó để khỏe hơn, chống chọi với tuổi già đang dần ập đến. Và Haruki chọn chạy bộ vì lý do không gì đơn giản hơn: môn thể thao không cần đồng đội, chỉ cần đôi giày tốt cùng một đoạn đường dài.

Nhà văn chạy trung bình sáu dặm một ngày đều đặn sáu ngày trong tuần. Dĩ nhiên có quá nhiều vấn đề phiền nhiễu khiến việc chạy bộ của ông gián đoạn. Nhất là khi việc xỏ chân vào giày rồi rảo bước nhiều giờ liền cũng đủ để vắt kiệt sức, còn các cơ căng cứng đến khủng khiếp. Haruki cũng tự hỏi liệu bản thân có thể kiên trì được bao lâu. Nhưng ông cũng tự đáp lại mình rằng: “Nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”

Điều duy nhất Haruki mong là những sải chân dài hao nhiều sức lực sẽ giúp ông tiến xa trên con đường văn chương đòi nhiều trí lực. Ông đã đúng khi nhờ chạy bộ mà quên đi những cơn rít thuốc cũng như tiễn kha khá mỡ bụng. Và chạy bộ cũng trở thành thói quen không thể từ bỏ của Haruki.

Tiểu thuyết gia chạy bộ

Với nhiều người, chạy và viết chẳng có mấy điểm tương đồng. Có lẽ, ngay thời điểm bắt đầu Haruki cũng đã nghĩ vậy. Nhưng những phút đấu tranh dữ dội với bản thân “tiếp tục hay bỏ cuộc” trên các đường đua maraton, ông mới thấm “đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta”. Như trong văn chương, giải thưởng, lợi nhuận, danh tiếng… chưa bao giờ là đích mà là cái cảm giác bản thân hài lòng mỗi khi đặt dấu chấm câu cuối cùng.

Ba thập kỷ với văn chương không lúc nào Haruki ngừng lao động. Và chừng ấy thời gian, chưa ngày nào ông để bụi bám trên đôi giày chạy. Ông đã đem cái tinh thần của một tay đua áp vào hành trình sáng tạo của mình: “Cho dù đi bộ cũng phải đi hết chứ không bao giờ chịu bỏ cuộc”. Từ đó hình thành kỷ luật khi viết: tập trung và bền bỉ. Chính điều này đã giúp ông trở thành “nhà văn của giới trẻ”, “ngòi bút quốc tế”.

Dù vậy, vẫn có một sự thật Haruki phải chấp nhận đó là sự “phong độ” của vẻ bề ngoài không giấu được thể lực giảm sút bên trong. Đến một lúc, khi đã đạt đến giới hạn của bản thân, ông không thể chạy xa hơn hay rút ngắn thời gian ít lại. Nhà văn ý thức “thời gian đang tính sổ với mình. Chuyện đó chẳng phải lỗi ai cả. Đấy là luật chơi”. Ông đã đem điều đó đúc kết vào nghiệp viết văn: “Tôi dừng lại mỗi khi cảm giác bản thân còn có thể viết được nữa.” Không phải ai cũng nhận ra, khi ta hăng say với công việc của mình nhất chính là lúc ta đang trên đường lên đỉnh của đồ thị hình Sin. Nhưng sau đó, điều chúng ta đối mặt là sườn dốc đi xuống đầy chán chường. Vì vậy, Haruki biết cách tạm dừng để cảm xúc với con chữ được lắp đầy, đó cũng là cách để “Cuộc săn cừu hoang”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”,…. vẫn lấp lánh kỳ ảo. Đây cũng là lí do vì sao, nhiều nhà văn khác lúc khởi nghiệp luôn đầy sức sống nhưng rất nhanh cạn kiệt nguồn ý tưởng. Họ đã quá vội trong hành trình đòi hỏi nhiều nhẫn nại này.

Nếu viết văn đưa Haruki sang một trang khác thì chính chạy bộ làm nên cái tên Haruki trong văn đàn. “Phần lớn những gì tôi biết về viết truyện là do học được từ chạy bộ mỗi ngày” Có thể khi nhốt mình trong những căn phòng câm lặng để sáng tác, ông sẽ vẫn cho ra những tác phẩm để đời. Nhưng con số ấy sẽ chỉ dừng vài ba quyển, chứ không đếm kín hai bàn tay như bây giờ. Chạy bộ là cuộc sống ông chọn cho mình, là một phần đời ông, là cái đã rèn đúc ông thành Haruki của hiện tại. Không có chạy bộ, những tiểu thuyết của ông đã rất khác. “Khác thế nào? Khó mà nói được. Nhưng cái gì đó dứt khoát là đã phải khác”.

Viết và chạy như hai kẻ song hành nhưng không bao giờ tách rời trong cuộc đời ông ngay cả khi ông không còn hiện diện nữa. Như trong những dòng cuối cùng của quyển sách “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”, Haruki đã ghi nguyện vọng bia mộ của mình sẽ khắc: “HARUKI MURAKAMI 1949 – 20…; nhà văn (kiêm người chạy bộ). Ít ra ông ấy không bao giờ cuốc bộ”.

Kể từ những năm 1980, Haruki Murakami đã tham gia khoảng 30 cuộc thi chạy bộ khác nhau, trong đó có nhiều cuộc thi ông tham gia rất nhiều lần như Boston Marathon, New York City Marathon… Trước mỗi cuộc thi Murakami thường chạy 6 ngày/tuần với trung bình 10km/ngày, còn thông thường ông sẽ dành từ 3-4 ngày để chạy bộ. Các môn thể thao khác được Murakami quan tâm ngoài chạy bộ còn có đạp xe và bơi lội.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất về chạy bộ của Murakami khi ông sống tại một hòn đảo ở Hy Lạp. Ông gần như là người duy nhất chạy bộ trên hòn đảo ấy và mỗi ngày Murakami liên tục nhận được những câu hỏi giống nhau từ dân địa phương đại loại như “Ông chạy làm cái gì đấy?”, “Chạy liên tục như vậy ông không thấy mệt à?”, “Này anh bạn tạm nghỉ và làm vài ly Ouzo nào!” (Ouzo: một loại thức uống có cồn rất phổ biến ở Hy Lạp và đảo Cyprus).

Thực hiện: depweb

11/07/2016, 14:58