1. “Hà Trần hát Trần Tiến” là concert thứ hai về riêng Trần Tiến trong chuỗi chương trình Tâm điểm âm nhạc (In the Spotlight), do Mỹ Thanh sản xuất. Nhưng càng xem và nghe Trần Tiến, khán giả càng nhận thấy, gia tài âm nhạc của ông là một khối đồ sộ, khám phá mãi vẫn ẩn chứa đầy bất ngờ. Cùng với những ca khúc của Trần Tiến, cộng thêm sự nghiên cứu kỹ lưỡng và sự dụng tâm của giám đốc âm nhạc Hồng Kiên, mỗi tác phẩm của Trần Tiến được vang lên trong đêm, một lần nữa đưa khán giả đến những miền cảm xúc mới mẻ.
Những ca khúc tưởng như rất quen: “Ngẫu hứng sông Hồng”, “Mùa thu trắng”, “Phố nghèo”, “Cây đàn Chapi”, “Ngọn lửa cao nguyên”… như có một đời sống mới, khi được nhạc sĩ Hồng Kiên phối lại. Tất cả đều được làm kỹ lưỡng, khiến chính Trần Tiến phải bước lên sân khấu và chia sẻ sự hài lòng của mình: “Cảm ơn Hồng Kiên đã làm sang trọng thêm âm nhạc của Trần Tiến”. Trần Tiến cũng bày tỏ, Hồng Kiên không sử dụng chút gì của thủ thuật âm nhạc thị trường khiến đêm nhạc không còn thuần túy là đêm nhạc pop, không còn không khí du ca nữa, nó trở thành một thứ âm nhạc thưởng thức.
Nhạc sĩ Trần Tiến lên sân khấu dành lời cảm ơn với nhạc sĩ Hồng Kiên
Thực tế, nhạc sĩ Hồng Kiên đã rất áp lực khi lần thứ hai làm nhạc Trần Tiến, sau bốn năm. Lần này, “đề bài” của anh khó hơn, khi sân khấu chỉ có mình Hà Trần độc diễn. Nhưng cuộc đấu tài trí cam go của Hồng Kiên, cùng hàng tháng trời nói chuyện với giấy (các bản nhạc của Trần Tiến) đã thực sự mang đến cho anh thành công đặc biệt.
2. Đêm nhạc cũng lần nữa củng cố thêm một định hình ngày càng rõ nét về người hát hay nhất âm nhạc của Trần Tiến – chính là Hà Trần. Trên thực tế, Trần Tiến vốn là người hát hay nhất nhạc của mình. Nhưng giờ đây thời gian, khói thuốc và những thăng trầm khiến ông thú nhận, mình không còn đủ sức hát. “Hậu duệ” của ông – cô cháu gái Hà Trần, bắt đầu hát nhạc của chú mình bằng nỗi áy náy “sợ người khác không bày tỏ đúng ông” nhiều năm trước, đã ngày càng “bày tỏ đúng ông ” hơn, bằng âm nhạc.
Hà Trần chia sẻ rằng, dù có bài hát này, ca khúc kia người chú đề tặng cho cô, nhưng Hà hiểu Trần rằng: “Chú Tiến chỉ viết nhạc cho mình”. Dẫu vậy, cô vẫn lớn lên với những món quà tinh thần quá lớn từ chú mình và khoác lên người nghiệp cầm ca, rồi một cách tự nhiên, trở thành người kể chuyện về những dòng sông, con đò, cái ngõ gạch của chú.
Mối giao cảm đặc biệt từng được Hà Trần lý giải bởi sự mã hóa của gen di truyền giữa những người trong gia tộc, đã giúp cô ngày càng thể hiện ra đúng chất Trần Tiến qua mỗi bài ca của ông. Vì thế đêm qua những “Dòng sông mùa thu”, “Hà Nội ngày ấy” qua giọng hát Trần Thu Hà đã khiến cả khán phòng lặng thinh rồi vỡ òa, như một lần nữa được tri giao với người viết nhạc.
Đặc biệt, ca khúc “Nhăng nhố” – nhạc sĩ viết cho cô gái bên sông Hương làm nghề gái làng chơi, khi nghe tin cô chuẩn bị lên xe bông – Hà Trần biết rõ, người hát hay nhất chính là Trần Tiến, nhưng cô thú nhận “tôi vẫn muốn tìm cách hát bài này”. Và Hà Trần đã không làm khán giả thất vọng khi cất những lời ca: “Nhiều bông hoa trắng/ Triệu bông hoa trắng để em lên xe hoa, hoa trắng dăng đầy/ Em hết những ngày lang thang…”
3. Đêm nhạc còn có vô số điều bất ngờ. Đó là đầu tiên Hà Trần hát một tác phẩm trong series các bài hát “Trần trụi 87” từng một thời gây bão giông trong cuộc đời viết nhạc của Trần Tiến – ca khúc “Rock đồng hồ”. Đó là một phần kết đặc biệt với sân khấu nhỏ du ca phía bên ngoài nhà hát. Ở đó Trần Tiến đứng hát đầy ngẫu hứng với nhạc công và những người bạn trẻ. Phần “du ca” mà nhạc sĩ Hồng Kiên chủ ý làm mờ nó ở trong sân khấu chính, đã được trả lại nguyên vẹn ở sân khấu nhỏ này, chỉ dành riêng cho Trần Tiến và những người bạn.
Nhạc sĩ Trần Tiến trên sân khấu nhỏ du ca phía ngoài nhà hát, lúc sân khấu lớn đã khép màn
Khán giả Hà Nội háo hức vây quanh sân khấu nhỏ
4. Tiếp xúc với Trần Tiến, nghe nhạc và chịu khó đọc về ông, dễ nhận thấy bên trong con người vạm vỡ với vẻ xù xì ấy là một tâm hồn cô đơn, thậm chí cô độc giữa cuộc đời. Tâm thế ấy được phản chiếu trong âm nhạc của Trần Tiến rất mạnh, đặc biệt là sự cô đơn của con người giữa cõi người.
Mảng ca khúc với“Độc huyền cầm”, “Một mình” có những lời ca: “Rượu một mình với ngọn đèn đêm/Khi gió thu về, một chú ve sầu nằm chết bên thêm cửa sổ mùa thu/ Rượu một mình biết cạn cùng ai/ai người tri âm…” đã đưa Trần Tiến đến gần với nhiều người và tạo nên sự giao cảm mạnh với những khán giả theo dõi và yêu nhạc Trần Tiến suốt nhiều năm qua.
Như chia sẻ của một người bạn đặc biệt của Trần Tiến, mảng màu này trong âm nhạc Trần Tiến đủ sức làm thành một đêm nhạc riêng. Vì thế, phần nào đó gam màu này trong đêm “Hà Trần hát Trần Tiến” chưa được khai thác mạnh, hẳn có một lý do riêng của nhà tổ chức.
Tuy vậy, thành công của “Hà Trần hát Trần Tiến” thực sự đáng trân trọng. Âm nhạc Trần Tiến – một khối rubic đa sắc màu đã được giám đốc âm nhạc Hồng Kiên phác thảo gần trọn vẹn. Điều đáng quý, dù tạo ra sự sang trọng (điều tưởng như làm thế sẽ mất đi chất đời, chất du ca của âm nhạc Trần Tiến), Hồng Kiên vẫn giữ lại toàn bộ linh hồn của người viết và người hát.
Bài: Thục Khôi
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp