Thị trường trong nước đóng vai trò lớn nhất trong hoạt động kinh doanh của các thương hiệu thời trang Nhật. Mặt khác, thành công của các nhà thiết kế mốt trên sàn diễn Paris hay sự có mặt của thương hiệu trong các cửa hàng thời trang nổi tiếng tại Mỹ, Anh, Pháp duy trì cho họ một chỗ đứng cao trong tâm trí của các khách hàng trong nước. Ngược lại, những thương hiệu trẻ nhất của thời trang Nhật Bản không quan tâm đến việc quảng bá cho thương hiệu ngoài biên giới nước mình. Không phải vì thế mà họ không có tiếng vang trên thế giới. Có thể đó là gothic, street hay thử nghiệm – thời trang Nhật đa dạng và sự cực đoan không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng như người ta thường nghĩ.
Kolor – sự cực đoan vô hình
Những tông màu tối hay trung tính như đen, xám, tím than, khaki là những màu chủ đạo trong các bộ sưu tập của thương hiệu Nhật mang tên kolor (tức là màu sắc, với chữ k viết thường). Đây là thương hiệu nam “hàng nội” đứng ở ngôi số một liên tục trong hai năm vừa qua trong bảng xếp hạng của tờ báo chuyên ngành thời trang The Senken. Thương hiệu Nhật này chưa hề tổ chức một buổi trình diễn thời trang nào, nhưng bán áo len cashmere với giá 110.000 yên, tương đương với áo vest của thời trang ready-to-wear.

Có lẽ nên hiểu phong cách “nhẹ nhàng và dễ chịu” của kolor không gói gọn trong nghĩa thông thường như chất liệu, kiểu dáng, tỷ lệ, mà còn là phong cách cổ điển, lịch sự, pha một chút retro, đem lại cảm giác thoải mái về tinh thần cho người mặc.

Đó là điều Junichi Abe gọi là “cool”. Sự kết hợp hài hòa – theo lời nhà thiết kế, “không quá nhiều mà cũng không quá ít” này thực ra mang đậm chất cực đoan của người Nhật. Nói đến chất liệu chẳng hạn, 90% vải may trang phục của kolor được thiết kế riêng theo đơn đặt hàng của nhà thiết kế tại Nhật, phần lớn các trường hợp kết hợp công nghệ cao với kỹ thuật dệt vải bằng tay trên khung dệt thủ công. Sự cực đoan “vô hình” còn thể hiện trong logo của thương hiệu được thiết kế bởi Issay Kitagawa, một trong những nhà thiết kế đồ họa số một của Nhật Bản hiện nay. Anh dùng chữ “k” thay cho “c” trong từ “color” và vẽ từ “kolor” bằng tay cho “giống hệt” với phông chữ máy tính. Sự khác biệt nằm trong nét chữ, không thể phân biệt được bằng mắt thường.
Anrealage – kiểu dáng thử nghiệm
Thương hiệu Anrealage nổi tiếng với những ý tưởng kỳ lạ và táo bạo, thậm chí có thể gọi là điên rồ nhất theo quan niệm thông thường về trang phục kể từ khi người Nhật xuất hiện tại Paris trong thập kỷ 1980 hay khi Hussein Chalayan đem ngành chế tạo máy đến với thiết kế váy áo cho phụ nữ đầu thế kỷ 21. Tuy vậy, tính trực diện và sự giản dị bất ngờ của các ý tưởng của nhà thiết kế Kunihiko Morinaga có thể làm vừa lòng những người đam mê nghệ thuật thiết kế khó tính nhất.
Điều đó có thể lý giải việc thương hiệu “độc” này vẫn lọt vào danh sách 10 thương hiệu “hàng nội” được đánh giá cao nhất của thời trang nam giới Nhật Bản năm vừa qua. Kunihiko Morinaga sinh năm 1980 tại Tokyo, tốt nghiệp trường đại học Waseda University và Vantan Design Academy. Anh thành lập Anrealage năm 2003, chọn từ ghép của “unreal”, “real” và “age” (hay “ảo tưởng”, “thật” và “thời đại”) làm tên cho thương hiệu. Nhà thiết kế tin rằng tồn tại một dạng kỹ thuật công nghệ nhân tính và các bộ sưu tập của anh là kết quả của sự kết hợp của máy móc với con người, của công nghệ đặc trưng cho thời đại.

Nói một cách dễ hiểu hơn, Kunihiko Morinaga quan tâm nhiều đến những vấn đề cơ bản của thời trang. Trong bộ sưu tập năm 2006 chẳng hạn, trang phục được cắt theo hình mẫu của 26 chữ cái của bảng chữ cái Latin. Bộ sưu tập năm 2008 và 2009 chú trọng vào sự chuyển đổi các hình phẳng hai chiều thành hình khối trong không gian ba chiều – một trong những nền tảng cơ bản của công việc thiết kế trang phục. Hình ba chiều của Anrealage là các các hình khối cơ bản (quả cầu, kim tự tháp, hình hộp) chứ không phải hình dáng cơ thể của người mặc. Áo sơ mi, áo da được cắt cho vừa khít một quả cầu. Áo khoác trench có thể “mặc” vừa vặn hình hộp.
Trong bộ sưu tập gần đây nhất, Kunihiko Morinaga một lần nữa thử nghiệm với kiểu dáng, với ý tưởng độc đáo rằng chúng ta có thể thay đổi hình khối qua số đo, nhưng cũng có thể bằng độ phân giải. Toàn bộ các trang phục, qua màu sắc, xếp lớp, in và các đường cắt zigzag trông như các bức ảnh số bị chia ô vì độ phân giải quá thấp. “Khách hàng của tôi không quan tâm đến việc chiếc váy đó có làm họ đẹp lên hay không” – Kunihiko Morinaga trả lời câu hỏi của Vogue – “họ thích chiếc váy có giá trị về mặt thiết kế hơn.”
Mint Designs – vải và họa tiết
Trước khi Hokuto Katsui và Nao Yagi thành lập ra Mint Designs năm 2001, họ đã có một thời gian làm việc ở châu Âu tại phòng thiết kế của các thương hiệu thời trang nổi tiếng. Hokuto Katsui tốt nghiệp Parson School of Design tại New York, sau đó Central Saint Martins College of Art and Design tại London, rồi làm trợ lý cho Alexander McQueen.

Nao Yagi lên đường sang London học thời trang tại Central Saint Martins College of Art and Design sau khi tốt nghiệp khoa nghệ thuật tại Doshisha University. Cô làm trợ lý cho Hussein Chalayan trước khi về Nhật thành lập thương hiệu riêng của mình cùng Hokuto Katsui và Yusuke Takeyama (người sau này đa tách riêng khỏi thương hiệu).
Những người Nhật trẻ tuổi trở lại quê hương để thành lập một thương hiệu thời trang trái ngược với những kinh nghiệm họ có được khi làm việc tại châu Âu. Họ muốn tạo ra những thiết kế có giá trị – các trang phục cổ điển trong kiểu dáng, cấu trúc, không bị ảnh hưởng bởi thời gian hay xu hướng thời trang. Các nhà thiết kế thời trang chú trọng tới chất liệu và hoa văn độc đáo.

Những thử nghiệm này đa đem lại cho họ giải thưởng dành cho các nhà thiết kế trẻ Moet et Chandon New Designer’s Award năm 2005.
Có cảm giác như không tồn tại bất cứ một điều cấm kỵ nào cho cặp đôi thiết kế mốt trẻ trong việc tìm tòi các mô típ in trên vải, từ đường thẳng, đường cong hình học, hoa văn cổ điển, mô típ “trẻ thơ” của văn hóa pop Nhật, đến các hình ảnh của nền văn hóa và khoa học châu Âu. Họ in hình ảnh khinh khí cầu lên vải và xếp lớp, kẻ hình, tạo dáng trang phục tạo ấn tượng của kinh khí cầu cho bộ sưu tập “Cô gái bay năm 1808”. Họ điều chỉnh máy móc ngay trong quá trình in và nhuộm vải để tạo ra sự khác biệt trên từng sản phẩm một.
Trong 10 năm hoạt động, Mint Designs đã thiết kế hơn 400 mẫu vải có các hoa văn khác nhau. Zigzag, chấm, búp bê “dot dolls”, thêu ren ba chiều gây cảm tưởng của các sản phẩm thủ công của học sinh tiểu học hay các mẫu thiết kế mũ độc đáo đa trở thành dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu.
Gothic và Zen
Khi Tomoaki Okaniwa còn là sinh viên khoa nghệ thuật của Đại học Tổng hợp Tokyo, anh bắt đầu thiết kế quần áo cho mình theo phong cách punk của Viviene Westwood từ thập kỷ 1970, đơn giản vì không đủ tiền để mua đồ may sẵn. Thương hiệu The Viridi – Anne được thành lập năm 2001, từ năm 2006 tham gia tuần lễ thời trang nam giới tại Paris và theo nhà thiết kế, phong cách của thương hiệu cũng phát triển theo sự trưởng thành của chính bản thân anh. “Thời trang Nhật nhằm vào đối tượng những người trẻ tuổi và đồng thời bị họ khống chế”, nhà thiết kế nhấn mạnh, “việc mở cửa, hướng ra nước ngoài làm cho phong cách của chúng tôi chín chắn, lớn mạnh hơn.”

Với các trang phục nhuộm sẫm màu, cắt cho hợp với dáng người dong dỏng của tuổi thiếu niên, The Viridi – Anne nằm trong mảng thời trang tiên phong cho nam giới với ảnh hưởng của thời trang gothic, zen, phong cách androgyny và trường phái “khổ hạnh” một thời do người Nhật khởi xướng. Trong mảng thời trang đặc biệt này, chính những chi tiết nhỏ nhất như khuy áo, móc, khóa kéo, đường kim mũi chỉ có thể tạo ra những nét riêng biệt cho thương hiệu. Chất liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự cân bằng giữa các chi tiết rủ, quàng mềm mại với phom cứng cáp của áo vest, áo khoác của may đo nam cổ điển.
Người Nhật vốn nổi tiếng với các xưởng dệt, may gia đinh quy mô nhỏ sản xuất các sản phẩm đặc biệt với số lượng hạn chế và The Viridi – Anne cũng không phải là ngoại lệ. Tomoaki Okaniwa thử nghiệm với các chất liệu organic như sợi tre, giấy, pha trộn với sợi bông, lụa, lanh, ramie. Công nghệ hiện đại hợp tác với sản xuất thủ công để duy trì sự độc đáo cho các thương hiệu vừa và nhỏ. Có thể nói rằng đây là điểm hay nổi bật cho trường phái thời trang Nhật.
Ảnh: AFP