Nhiều người vẫn hay nói rằng “càng lớn con người ta càng cảm thấy cô đơn”. Càng trưởng thành, càng gặp nhiều người, đối mặt với nhiều vấn đề gây tổn thương và thậm chí là biến cố, càng làm người ta mất dần lòng tin, cảm thấy sợ hãi và đôi lúc chỉ muốn trốn vùi vào nơi nào đó cảm thấy an toàn nhất. Và khi càng thu mình lại vô hình chung ta lại tạo khoảng cách với mọi người xung quanh.
Không phải vì cho rằng họ sẽ không thấu hiểu hay lắng nghe mà chỉ vì bản thân ta không muốn những người mình yêu thương phải lo lắng, hay đơn giản là chính ta cũng chưa đủ mạnh mẽ để đối mặt với vấn đề đó.
Sợ phải đối mặt, sợ mất mát, sợ tổn thương, sợ người khác biết mình yếu đuối, sợ bị bác bỏ, sợ bị lừa dối, sợ bắt đầu và sợ kết thúc… Ở một xã hội mà nhiều người nói rằng lòng tin và sự tử tế ngày càng khan hiếm thì ở nơi đó chắc chắn sẽ tồn tại nỗi sợ và những khoảng cách to lớn giữa người với người.
Tôi nghĩ rằng, bất kì ai dù ở môi trường nào đều sẽ có những lúc đối mặt với khoảng cách do chính họ tạo ra nhưng lại rất muốn phá vỡ nó. Bởi vì họ cảm nhận được rằng những khoảng cách đó không làm họ cảm thấy an toàn hơn mà càng cô độc, cản trở cơ hội và mất dần đi những mối quan hệ, sự yêu thương giản dị đáng trân trọng nhất. Chẳng hạn như gia đình là nơi mà vô tình hay hữu ý mà đôi lúc xuất hiện nhiều khoảng cách nhất.
Có những khoảng cách xuất phát từ sự dè chừng, từ kinh nghiệm bản thân để chúng ta hạn chế sa lầy vào các vấn đề hay các mối quan hệ không phù hợp với bản thân. Đó là một giới hạn cần thiết để ta có thể bảo vệ khoảng riêng của mình.
Khi có khoảng cách dù có muốn cũng không thể nào lấp đầy ngay lập tức được, khoảng cách ấy hình thành bao lớn và tồn tại trong bao lâu thì cũng phải mất từng ấy thời gian và tâm sức để xoá bỏ nó.
Quan trọng nhất là phải nhận ra nó có tồn tại hay không. Nếu bạn thật sự muốn, thật sự cần… hãy là người chủ động từ bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực và mở lòng mình. Vì đôi lúc có những điều không như ý, có những tủi thân khi không được đáp lại, có những khoảng cách có muốn cũng chẳng thể lấp đầy nên bạn cần phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt. Lúc ấy ta sẽ lại thấy tự tin hơn, sẵn sàng hơn cho những điều sẽ đến với mình trong cuộc sống vì ta đã biết cái gì là quan trọng, và sẽ trân trọng, sống trọn vẹn vì điều đó hơn.
Một tinh thần tích cực, một sự mở lòng và một nụ cười… sẽ là những thứ cần thiết nhất cho hành trình chinh phục “khoảng cách” của bạn. Đâu phải ai cũng muốn vất vả vượt qua cái “khoảng cách” ấy để rồi lại nhìn thấy một gương mặt khó đăm đăm hay sầu thảm chán nản, phải không?!
Khoảng cách là một khái niệm mơ hồ nhưng đáng sợ, nó có thể ngăn trở người ta một cách hữu hình bằng hàng vạn hàng triệu km, bằng cánh cửa đóng, bằng bàn tay đưa ra không ai nắm lấy… hoặc vô hình như một cảm giác trống rỗng và bất lực không gì đo đếm nổi.
Dường như, khoảng cách giữa tất cả mọi người đang ngày càng rộng và dài hơn?
Và chúng ta sẽ để mặc nó, hay tìm cách chạm vào?
Chuyên đề “Chạm vào khoảng cách” của Đẹp Online được thực hiện nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, để truyền đi thông điệp: Hãy mạnh dạn bước qua và xóa nhòa tất cả các khoảng cách bằng chính sự cảm thông, thấu hiểu và yêu thương!