Giải đáp những thắc mắc về vắc xin 5 trong 1 - Tạp chí Đẹp

Giải đáp những thắc mắc về vắc xin 5 trong 1

Sức Khỏe

Trong thời gian vừa qua, những thông tin về việc khan hiếm vắc xin dịch vụ mũi 5 trong 1 và 6 trong 1 liên tục được các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật khiến không ít ông bố bà mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Để giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc An (Bộ Y tế) tìm ra những câu trả lời cho tình trạng khan hiếm này cũng như việc có nhất thiết phải cho bé tiêm mũi vắc xin dịch vụ hay không.

1. Tại sao thiếu vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1? 

Khác với vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (CTTCMR) được dự trù hàng năm theo số lượng trẻ em và các chiến dịch tiêm chủng, vắc xin dịch vụ được nhập khẩu và phân phối theo cơ chế thị trường. Nghĩa là nhu cầu thị trường quyết định số lượng và chủng loại vắc xin nhập khẩu. Đơn vị cấp phép nhập khẩu là Bộ Y tế. Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp dược rất dễ dàng. Vấn đề khó khăn ở chỗ, như trên đã nói, vắc xin là một loại sinh phẩm, nói nôm na là một chế phẩm sống, không thể để lâu, không chế biến lại được. Doanh nghiệp nhập về mà không bán được thì chỉ còn nước đổ đi. 

Vì vậy, chỉ khi các cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ đặt hàng, các doanh nghiệp dược mới đi đặt hàng các hãng dược nước ngoài, và dĩ nhiên, lúc đó, các hãng sản xuất mới bắt tay vào sản xuất. Như vậy độ lùi thời gian giữa lúc nhu cầu rộ lên và vắc xin về đến cơ sở tiêm dịch vụ thông thường phải khoảng 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp dược cũng có thể nhập khẩu được một ít và sẽ diễn ra cảnh phân phối vắc xin. 

Số lượng người cho con tiêm dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1 không ổn định, như đã nói, năm 2014, cả Hà Nội chỉ có khoảng 100.000 người cho con đi tiêm. Các cơ sở tiêm dịch vụ không dám đặt hàng lớn mà khi vào mua vụ mới dám đặt hàng, khi đặt hàng xong, 3 tháng sau mới có vắc xin. Lỗi do các cơ sở tiêm, không phải đơn vị nhập khẩu, càng không phải do đơn vị cấp phép nhập khẩu là Bộ Y tế.

vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1, vắc xin dịch vụ, tiêm chủng mở rộng, sự khác nhau giữa quinvaxem và pentaxim, pentaxim, quinvaxem, hexa

Trong 1 năm nay, vắc xin Pentaxim cháy hàng liên tục

2. Vắc xin dịch vụ 5 trong 1 khác vắc xin trong CTTCMR  như thế nào?

Tiêm dịch vụ hoàn toàn không ngừa được nhiều bệnh hơn các trẻ tiêm chủng đều đặn trong các đợt tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng.

3. Có phải chỉ Việt Nam dùng 5 trong 1 Quinvaxem của Hàn Quốc? 

Đầu tháng 5/2013, Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có 5 trẻ tử vong sau tiêm chủng, trong đó 4 ca được kết luận không do vắc xin. Sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo kết quả kiểm nghiệm các lô vắc xin Việt Nam gửi đến kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.  

Vắc xin Quinvaxem được Tổ chức Y tế Thế giới tiền kiểm định về chất lượng. Khi nhập về, vắc xin này lại được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế tái kiểm định. Vắc xin đã được sử dụng ở hơn 90 nước với tổng số hơn 400 triệu liều.

Vắcxin Quinvaxem được đưa vào CTTCMR ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Từ đó đến nay đã có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, trong số này 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng. Có 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm vắc xin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại là không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng vắc xin.

Năm 2010 khi Liên minh vắc xin và tiêm chủng toàn cầu hỗ trợ, vắc xin có thành phần tế bào còn có hiệu quả trong dự phòng và tỉ lệ phản ứng chấp nhận được. Một vấn đề quan trọng nữa là giá thành, nguồn kinh phí hỗ trợ chỉ có hạn và không đủ để mua vắc xin thế hệ mới hơn. 

Hàn Quốc không dùng vì họ giàu. Nhưng nói nước ta nghèo dùng Quinvaxem tai biến dồn dập cũng không đúng, vì tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 0,17/1 triệu, thấp hơn so với loại vắc xin tương tự sử dụng trước đó, đặc biệt khi Việt Nam sử dụng tới 4,5 triệu liều Quinvaxem/năm.

vắc xin 5 trong 1, vắc xin 6 trong 1, vắc xin dịch vụ, tiêm chủng mở rộng, sự khác nhau giữa quinvaxem và pentaxim, pentaxim, quinvaxem, hexa

Những thông tin về biến chứng khi tiêm phòng trong CTTCMR khiến nhiều bà mẹ lo ngại

4. Có thể không cần tiêm vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1?

Tốt nhất nên tiêm đủ các mũi trong CTTCMR, không nên bỏ mũi tiêm theo quy định:

Hiện nay, có rất nhiều vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nhưng việc áp dụng sẽ khác nhau tùy từng quốc gia. Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, có 11 loại vắc xin nằm trong CTTCMR gồm: vắc xin phòng bệnh lao, vắc xin phòng bệnh bại liệt, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, vắc xin phòng bệnh ho gà, vắc xin phòng bệnh uốn ván, vắc xin phòng bệnh sởi, vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút B, vắc xin phòng bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi do Hib; vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn. Hai vắc xin phòng bệnh tả và vắc xin phòng bệnh thương hàn chỉ áp dụng tiêm phòng cho vùng có dịch.
5. Một số trẻ bị tai biến khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, tại sao?

Tháng 6/2013 , các kết quả điều tra của Việt Nam đã được trình bày tại một cuộc họp toàn cầu hội tụ các chuyên gia độc lập về an toàn vắcxin. Họ đã xem xét các bằng chứng từ Bhutan, Ấn Độ, Sri Lanka và kết luận rằng không có bằng chứng cho thấy có vấn đề về sự an toàn của vắc xin 5 trong 1 ở các quốc gia này.

Thông cáo này cũng khẳng định, có hàng ngàn trẻ được tiêm phòng mỗi ngày, một số ít có tác dụng không mong muốn sau tiêm là nằm trong dự đoán. Một số trường hợp, trẻ được tiêm đang mắc bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, hoặc các bệnh bẩm sinh nghiêm trọng mà chưa được chẩn đoán. Vào những trường hợp rất hiếm hoi – ít hơn một trên một triệu – một trẻ khỏe mạnh có thể bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc xin, đòi hỏi chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nếu trẻ phát triển bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau tiêm, bao gồm khó thở, cha mẹ nên đưa đến bác sĩ ngay lập tức. Phản ứng này tương tự như các loại mẫn cảm khi bị ong đốt, ăn đậu phộng hoặc uống penicillin, có thể được điều trị bằng thuốc thích hợp.

WHO và UNICEF nhấn mạnh, vắc xin 5 trong 1 bảo vệ trẻ em chống lại 5 căn bệnh đe dọa cuộc sống. Nguy cơ tử vong hoặc bị các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib hoặc viêm gan B là lớn hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào có thể có từ vắc xin.

6. Làm thế nào giảm các biến chứng khi tiêm chủng mở rộng?

Đó là cả một quá trình mà rất nhiều người trong hệ thống y tế cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Các cơ quan, cơ sở tiêm chủng cần thực hiện các điều khoản trong quyết định số 23/2008/QĐ-BYT với 12 phụ lục, quy định chi tiết chất lượng và quản lý chất lượng vaccine, từng hành vi của các nhân viên tiêm chủng, các biện pháp ứng phó với những tai biến sau tiêm chủng. 

7. Tại sao để xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin như thời gian qua mà lại không tăng cường nhập khẩu?

Thị trường Việt Nam nặng về tin đồn. Nếu có tin đồn thuận lợi, ùn ùn kéo nhau đưa con đi tiêm. Bỗng có tin đồn không thuận lợi, các cơ sở tiêm dịch vụ vắng hoe ngay. Không ai phiêu lưu với thị trường cả. Vì vậy, nhập từ từ, đến đâu hết đến đó sẽ không lỗ vốn được. Các bà mẹ hãy tích cực cho con đi TCMR, không nên phụ thuộc vắc xin dịch vụ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc An (Bộ Y Tế)

(Lò Thị Mai ghi)


logo

Thực hiện: depweb

13/03/2015, 10:18