Đàn bà – mấy người biết tới hạnh phúc
Hai đời chồng, hẳn chị thấu hiểu lẽ làm dâu hơn ai hết?
Lúc đó điều tiếng thiên hạ đã nguôi hẳn đâu, nhưng chỉ vài từ “vợ thằng Hoa” cũng đủ làm tôi ấm lòng, rơi lệ rồi. Mẹ anh Tôn Thất Lợi thì có thói quen mua đường phèn gửi từ Huế ra để tôi ăn cho mát phổi… Thế đấy, tôi thì đầy khuyết điểm mà mọi người xung quanh lại yêu thương và lo lắng cho tôi nhiều quá.
Chị có bao giờ tự vấn rằng, mình là một người mẹ như thế nào không?
Tôi có hai đời chồng, Thái Sơn là con của anh Lợi, nhưng giữa chúng không có ranh giới của huyết thống mà luôn đùm bọc nhau. Anh Lợi cũng rất yêu thương hai con trước của tôi. Có lần thấy anh làm bò cho con cưỡi và tròng dây vào cổ đi vòng quanh nhà, tôi chợt hiểu mình may mắn thế nào.
Nhiều khi, tôi luôn day dứt vì suốt thời trẻ là những chuyến đi, những cuộc lưu diễn. Quanh tôi luôn ồn ào hình bóng, ánh đèn, hoa và lời chúc tụng, còn các con thì ngồi nhà, nghe tôi hát như một món ăn tinh thần của gia đình. Gần 10 năm nay, bây giờ tôi mới có nhiều thời gian ở nhà hơn trước thì các con đều có gia đình. Chỉ còn phút giây sau giao thừa là trọn vẹn sum họp, bật sâm-banh đỏ, ăn bánh chưng, nghe nhạc. Tôi mong mỏi lắm những phút giây ấy như chờ đợi sự cô đơn hiếm hoi đến với mình.
Sao lại mong chờ sự cô đơn, trong khi ai cũng trốn chạy giây phút cô đơn?
Cô đơn, đơn giản thôi, nó như báo hiệu cái tuổi già, báo hiệu rằng mình đã mất đi sức thu hút rồi. Còn với tôi, Thư nó vẫn trêu là Hoa mang trái tim nhi đồng trong lốt một bà già. Thế nên tôi luôn thấy mình trẻ. Đàn bà mà thiếu đi sự cô đơn cũng ví như đánh mất cái tôi vậy, không còn ma lực quyến rũ nữa.
Đã có lúc tôi sợ thực sự, tự hỏi sao quanh mình luôn ồn ào, người quan tâm rất nhiều, mà mình vẫn thấy thiếu vắng cái gì đó, nó bức bối, cồn cào, nó làm mình thẫn thờ. Mãi sau rồi mới biết tên nó là cô đơn, là khoảng trống để mình tự nghĩ, chiêm nghiệm, để trong đêm đứng một mình trên tầng cao này nhìn ra xung quanh mà thấy bao ánh sáng đẹp đẽ lóe lên.
Chị chia sẻ cảm giác làm mẹ với các con mình thế nào?
Điều duy nhất mà tôi muốn san sẻ cho hai con gái của tôi là những niềm vui nỗi buồn về thân phận đàn bà. Làm đàn bà dù trong thời đại nào cũng nhiều nỗi niềm lắm, Thanh Hoa trải qua đủ rồi, nếm mọi trái đắng của dư luận, nên đẻ ra con gái mà xót xa. Bình thường có mấy người đàn bà dám nói mình hạnh phúc, toàn ngậm cay đắng vào lòng thôi.
Chị thấy sai lầm lớn nhất của người đàn bà khi dạy con là gì?
Họ không biết cách khiến con tin tưởng như người bạn, nói thẳng ra, ý thức làm bố mẹ, làm con hiện nay đang không có. Hoặc có, mà thiếu đi sự tinh tế, và tự làm khô cằn chính mình. Nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức đơn thuần về văn hóa, chứ không thể dạy cho con mình văn hóa sống. Đừng phủ định sự thật bằng cách kể câu chuyện: Hồi như mày, tao làm như trâu. Ăn không có… rồi thế này, thế nọ. Xã hội đã tiến quá xa rồi, bắt buộc mình phải bước đi nếu không muốn bị bỏ rơi.
Vậy nên hãy học cách trò chuyện, nhận biết để bảo ban cho con mình cả những điều nhỏ nhặt nhất trong vấn đề tâm sinh lý. Thấy con trai bắt đầu có bạn gái là chửi toáng lên, bắt con quay vào bàn học. Thế thì khác nào cắt đi cây cầu chia sẻ với chúng. Tôi luôn tôn trọng con cũng là cách để con tôn trọng mình.
Mẹ trao cho tôi trái tim nhân từ Thanh Hoa nổi tiếng, Thanh Hoa đàn bà, và yêu con say đắm, vậy mẹ của chị thì sao? Mẹ không giống tôi, bà là một người đặc biệt tảo tần, chịu thương chịu khó chăm lo chồng con đến quên cả bản thân, và hay lo xa. Bà cũng như muôn vàn người đàn bà khác ở Việt Nam phải dùng từ “vĩ đại” khi nhắc đến. Nhà tôi nghèo lắm, theo nếp nho gia mà lại những 7 người con, cái thời buổi thóc cao gạo kém, nên gánh nặng trút cả lên vai mẹ (làm cấp dưỡng ở cửa hàng lương thực). Chị cả như tôi ngay từ nhỏ đã phải đi rửa bát thuê, gói kẹo, rồi làm thuốc lá loại theo vụ… Đến bây giờ cái mùi khó chịu của sợi thuốc lá mốc phải sấy lại vẫn ám ảnh tôi, thế nhưng không thể nào át nổi giọng bà nẩy Kiều ru tôi ngủ. Bà thường kể cho tôi nghe nhiều điển tích Trung Quốc, về cuộc đời của người đàn bà hai đời chồng, bao truân chuyên, khổ ải ấy đầy cảm thông, chia sẻ. Bà gieo vào tôi mầm mống của sự trắc ẩn, còn mẹ là lòng nhân từ, và tôi hát với trái tim của người đàn bà. Thời “xưa”, khi còn nhiều định kiến, thấy chị theo nghiệp ca sĩ, mẹ có bao giờ buồn phiền và lo lắng cho chị không? “Xướng ca vô loài”, câu nói ấy vào cái thời tôi mới cất giọng hát thì nó như một lời nguyền. Tôi gần bố, tâm sự được nhiều điều với bố. Thế mà lúc biết nguyện vọng của tôi, bố cũng từng cấm đoán bởi muốn tôi theo ngành Y. Cuối cùng chính mẹ phải đi cắt hộ khẩu cho tôi. Bà xót xa mà nói: “Sĩ là người, ca là hát… nhưng con phải làm một danh ca, chứ đừng chỉ là kẻ có giọng hát mua vui cho thiên hạ”. Tôi lùn như cây nấm, lại xấu nữa, mà cái trò xướng ca người ta ngắm là chính. Mẹ tôi bảo tôi nên chui vào phòng mà hát, may ra người ta nghe, thế là tôi về Đài phát thanh thật. Nhất quyết theo nghiệp ca hát, và đã trải qua không ít vui buồn, mẹ có phải là người để chị chia sẻ không? Có. Làm nghề rồi, nếm đủ vị thăng trầm, biết bao lần tôi về nhà, nhào vào lòng mẹ mà nức nở khóc, cái gì kể được kể tuốt, kể cho tan sự uất ức trong lòng mới thôi. Bây giờ, thỉnh thoảng ngồi một mình trong đêm, lúc chồng con đã ngủ hết cả. Còn lại sự cô đơn vây quanh, tôi vẫn thấy bố mẹ đang ở đây, từng lời nói, cử chỉ, nỗi lo lắng dành cho tôi sống động như thể thời gian đang trôi ngược lại. Chị đã bao giờ làm điều gì với bố mẹ mà đến bây giờ vẫn còn hối hận không? Tôi đã nổi tiếng, nhưng trong lòng chưa bao giờ nguôi ân hận vì ý muốn của cha mẹ, tôi vẫn chưa thực hiện trọn. Cụ bảo khi nào có thể thì thu bài “Thật là khó nói” do con hát về cho bố nghe, vậy mà đến khi cụ mất xong tôi mới hoàn thành được album “Mùa xuân của tôi”, liệu còn sự ân hận nào lớn hơn? May mà tôi nhận được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trước khi hai cụ mất, nên cũng an ủi được phần nào. |