Gia đình Arnault – Hoàng tộc thời trang với những thương hiệu đắt giá

Không chỉ vậy, với hoạt động trải dài trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bia rượu, chuỗi cửa hàng bán lẻ, truyền thông cho đến nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ và trang sức, quả thật, tầm ảnh hưởng của gia đình này là khó có thể đong đếm được.

Nổi tiếng với cái đầu lạnh, luôn né tránh sự săn đón của báo giới, Bernard Arnault thực sự là một ẩn số. Sở hữu khối tài sản kếch xù lên đến hơn 50 tỷ đô la lớn nhất nước Pháp và đứng thứ 8 thế giới, nhưng người đàn ông đứng đầu gia đình Arnault vẫn chưa để lộ bất cứ động thái nào chứng tỏ sẽ dừng phát triển và bành trướng đế chế của mình.

gia-dinh-bernalt-1
Từ trái qua: Antoine Arnault, Delphine Arnault, Bernard Arnault, Alexandre Arnault

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư tại École Polytechnique, Bernard Arnault gia nhập chi nhánh tại Mỹ của công ty xây dựng gia đình. Thuyết phục được cha mình chuyển hướng sang đầu tư bất động sản, Bernard Arnault trở thành CEO vào năm 1977 và là chủ tịch công ty vào năm 1979.

Tuy vậy, cái tên Arnault vẫn chưa tạo được một tiếng vang lớn nào trên thương trường quốc tế, đó chính là lí do ông trở về Pháp năm 1984 để tìm kiếm những thử thách và cơ hội mới cho mình. Cũng vào năm này, chính phủ Pháp đang sốt sắng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại Boussac – công ty sản xuất vải và tã giấy dùng một lần vừa đệ đơn phá sản. Boussac, thoạt nhìn qua chỉ là một công ty cổ lỗ sĩ, với tình trạng tài chính vô cùng tồi tệ. Tuy vậy, nằm giữa đống bỏ đi ấy lại là một viên ngọc vô cùng quý giá: thương hiệu Christian Dior. Trực giác vô cùng tinh nhạy đã khiến Benard Arnault hiểu được đây sẽ là bước ngoặt làm thay đổi đời mình. Với sự trợ giúp của Antoine Bernheim, một cộng sự lâu năm tại tập đoàn tài chính Lazard, Bernard đã mua lại toàn bộ Boussac. Ông bán mọi tài sản của công ty Boussac, chỉ giữ lại cửa hàng thời trang nổi tiếng Le Bon Marche và thương hiệu Christian Dior, đồng thời đổi tên công ty thành Financiere Agache. Chính nhờ việc cắt giảm chi phí cũng như bán đi các công ty con hoạt động không hiệu quả, Bernard đã đưa Financiere Agache hồi sinh trở lại. Năm 1987, Agache đạt lợi nhuận 112 triệu đô la.

Việc nắm trong tay Christian Dior dường như đã tiếp thêm động lực cho Bernard Arnault thực hiện thêm nhiều cuộc thương thảo xa xỉ khác. Năm 1987, ông mua lại Céline, lúc bấy giờ là một thương hiệu quần áo và đồ da gia đình. Cùng năm đấy, ông cũng mua thương hiệu cùng tên của nhà thiết kế trẻ tuổi Christian Lacroix – một hiện tượng tại tuần lễ thời trang Paris lúc bấy giờ. Ngày nay, Céline trở thành một trong những cỗ máy kiếm tiền hùng mạnh nhất cho đế chế của Bernard Arnault. Christian Lacroix, dù không còn kinh doanh thời trang nữa nhưng vẫn mang lại một nguồn thu đáng kể cho Bernard Arnault từ việc nhượng quyền thương hiệu.

gia-dinh-bernalt-3
Ông Bernard Arnault và con gái Delphine Arnault trên hàng ghế đầu show diễn BST Xuân Hè 2017 dành cho nữ của Louis Vuitton tại Paris

Sở hữu nhiều thương hiệu lớn trong tay, Bernard Arnault tiếp tục dấn sâu vào thế giới hàng cao cấp. Năm 1989, sau nhiều phi vụ làm ăn táo bạo, Bernard Arnault trở thành cổ đông lớn nhất của LVMH – một tập đoàn xa xỉ vừa được thành lập cách đó không lâu từ sự sáp nhập giữa Louis Vuitton và Moët Hennessy. Ông được hội đồng cổ đông bầu chọn vào ghế chủ tịch của tập đoàn này. Bắt đầu từ đây, Bernard Arnault khởi động những kế hoạch đầy tham vọng của mình, biến LVMH trở thành tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ hàng đầu thế giới. Trong vòng mười một năm, giá trị của LVMH trên thị trường tăng lên mười một lần, với doanh thu và lợi nhuận tăng hơn 500%. Chỉ trong một vài năm ngắn ngủi, LVMH đã thâu tóm hàng loạt thương hiệu xa xỉ lớn nhỏ khác nhau. Năm 1993, LVMH mua lại Berluti và Kenzo; một năm sau, thương hiệu nước hoa Guerlain cũng nằm trong “bộ sưu tập” này. Năm 1996, Loewe gia nhập LVMH; tiếp nối là Marc Jacobs và Sephora vào năm 1997. Đến đầu thập niên 2000, LVMH còn sở hữu thêm được Emilio Pucci, Fendi và DKNY, tạo nên vị thế thượng tôn của tập đoàn trong kinh doanh thời trang cao cấp, khiến nhiều người phải ngả mũ nể phục tài lãnh đạo và tầm nhìn của Bernard Arnault.

Dựng xây thành công một đế chế hùng mạnh, dễ hiểu rằng Bernard Arnault cần các con mình tiếp quản chúng trong tương lai. Ông định hướng cho hai con lớn theo con đường kinh tế ngay từ nhỏ. Delphine Arnault, con gái đầu lòng của Bernard, tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tại Anh. Delphine gia nhập LVMH vào năm 2000. Chỉ 3 năm sau, cô bước vào hội đồng quản trị của tập đoàn này – trở thành người phụ nữ đầu tiên và trẻ tuổi nhất làm được điều đó. Không chỉ vậy, Delphine Arnault còn là thành viên quản lý của hãng phim 20th Century Fox, kênh truyền hình M6 của Pháp và công ty quảng cáo Havas. Sở hữu tinh thần mạnh mẽ và quyết đoán thừa hưởng từ cha, những thành công mà Delphine đạt được rất sớm là điều không mấy ngạc nhiên. Tuy vậy, với bản năng phụ nữ, Delphine vẫn rất mềm mại, linh hoạt. Là người hết lòng yêu nghệ thuật, cô luôn mong muốn có thể lan tỏa tình yêu này đến với nhiều người. Delphine Arnault chính là người đứng sau nhiều mối quan hệ hợp tác giữa Louis Vuitton và các nghệ sĩ đương đại. Bộ sưu tập “The Masters” của thương hiệu này bắt tay cùng nghệ sĩ Jeff Koons nhằm tái hiện lại những tác phẩm nổi tiếng nhất từ các danh họa thời Phục hưng như Leonardo da Vinci, Rubens, Fragonard chính là dự án tâm huyết nhất của Delphine Arnault, nhằm minh chứng nghệ thuật, thời trang và kinh doanh hoàn toàn có thể kết hợp một cách vô cùng đồng điệu và hiệu quả.

gia-dinh-bernalt-5
Cô Delphine Arnault trong buổi ra mắt BST ‘The Masters’ của Louis Vuitton hợp tác cùng nghệ sĩ Jeff Koons tại bảo tàng Louvre (Paris, Pháp)

Con trai thứ của Bernard, Antoine Arnault, cũng thành công không kém cha và chị mình trên thương trường. Dưới sự chỉ đạo của Antoine, Berluti – một thương hiệu chuyên sản xuất đồ da cao cấp dành cho nam giới thuộc LVMH – đã tăng trưởng từ mức doanh thu 45 triệu đô la lên 130 triệu đô la. Năm 2013, Antoine trở thành Chủ tịch của Loro Piana, thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất cashmere được “thu phục” về LVMH. Với kinh nghiệm hoạt động trong bộ phận truyền thông và quảng cáo của Louis Vuitton từ những ngày đầu khởi nghiệp, Antoine còn là một diễn giả có tiếng và thường xuyên tham dự những diễn đàn kinh tế, cũng như xuất hiện với tư cách khách mời tại các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Stanford hay Harvard. Hướng ngoại và không ngần ngại tiếp xúc với báo giới, Antoine Arnault được công chúng biết đến qua mối tình với siêu mẫu Natalia Vodianova. Không chỉ có cùng nhau một gia đình nhỏ hạnh phúc, cặp đôi còn đáng được ngưỡng mộ bởi những hoạt động gây quỹ từ thiện trên khắp thế giới của mình.

Alexandre Arnault, con trai út của Bernard Arnault với người vợ thứ hai, lại chọn theo học tại École Polytechnique, ngôi trường kỹ sư mà cha mình từng tốt nghiệp. Tuy vậy, có vẻ như Alexandre vẫn sẽ tiếp bước anh chị mình tại những thương hiệu xa xỉ. Chỉ mới 24 tuổi, chàng trai này đã trở thành Tổng giám đốc của Rimowa, thương hiệu hành lý xa xỉ từ Đức vừa gia nhập LVMH đầu năm nay. Trẻ trung, năng động, hoạt ngôn, Alexandre hứa hẹn sẽ trở thành một nhân tố quan trọng của gia đình Arnault. Bộ ba Antoine Arnault, Delphine Arnault và Alexandre Arnault chắc chắn sẽ tạo thành một thế hệ lãnh đạo kế thừa cha mình để tiếp tục đưa LVMH vào kỉ nguyên mới của thời trang.

gia-dinh-bernalt-4
Ông Bernard Arnault (thứ hai từ trái qua) và vợ là bà Helene Mercier-Arnault (ngoài cùng bên trái) cùng vợ chồng Antoine Arnault và Natalia Vodianova tại sự kiện ra mắt BST ‘The Masters’ của Louis Vuitton tại Bảo tàng Louvre
gia-dinh-bernalt-2
Ông Bernard Arnault và cậu con trai Alexandre Arnault xuất hiện trong buổi ra mắt BST Haute Couture Thu Đông 2016 của Dior

From the same category