“Đánh” hội đồng
“Chồng con có thể không sợ vợ, nhưng không thể không sợ bố mẹ”. Lĩnh hội được lời dạy dỗ của mẹ, chị Lê Thu Lý (Hà Đông) vận dụng triệt để quan niệm trên. Nếu chồng đi nhậu, hay về muộn, chị lại mua cân cam sang tỉ tê với mẹ chồng. Chị làm như vô tình nhắc đến tai nạn xe máy từ bia rượu, việc đi đêm hôm sẽ dễ cảm mạo ốm đau, rồi phàn nàn: “Chồng con hay đi đêm, hay uống rượu say, may mà trời thương chưa bị làm sao”. Thế là mẹ chồng chị giật mình, gọi con trai đến “ca” một bài. Chồng lười làm việc nhà, chị thủ thỉ với mẹ chồng: “Con chỉ muốn anh ấy làm gương cho các con. Có sự gắn bó gia đình, cũng để tách anh ấy khỏi máy tính, hại mắt”. Tức khắc, mẹ chồng lại lên lớp con trai vì tội không quan tâm vợ con. Còn bà mẹ vợ thì bảo: “Vợ con không được khỏe, hay đau khớp, con xem dành cho nó chút thời gian!”. Ngay cả cô em chồng đang tuổi lớn, chị Lý cũng tranh thủ tình cảm, mua sắm quà cáp. Chả thế mà hơi tí, cô bé đã cong môi lên với anh trai: “Anh mà có lỗi gì với chị dâu là em không tha đâu”. Còn bố chồng, chị cũng hết sức lưu ý đến thú vui thích ăn rựa mận của ông, thường xuyên mua về chế biến. Mỗi lần thấy chồng sửa đổi, chị Lý lại tủm tỉm mừng thầm.
Nghe tin chồng có bồ, chị Trần Mai Hạnh (Phan Đình Phùng, Ba Đình) vội vã triệu tập hội nghị gia đình. Chị lẳng lặng mời bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ đến rồi gọi điện cho chồng xin phép nghỉ việc về sớm vì “bố mẹ đến chơi”. Đợi mọi người tề tựu đông đủ, chị Hạnh bắt đầu “kể tội” chồng. Rằng cưới anh, chị đã phải hy sinh sự nghiệp, vất vả cực nhọc để gây dựng gia đình, nuôi hai con ăn học, nhưng anh vô trách nhiệm, chỉ biết đi làm về rồi nằm khểnh. Ấy vậy mà sướng không biết đường sướng còn “rửng mỡ”. Nào là anh hay đi làm về muộn, có điện thoại thường lén lút, lại hay cười thầm, ăn mặc đỏm dáng hơn xưa, ít quan tâm chăm sóc vợ… Rằng “không hiểu bố mẹ dạy anh ấy thế nào chứ thật vô trách nhiệm. Nếu anh ấy còn thế thì con sẽ bỏ đi, rồi các cháu của ông bà sẽ khổ”. Cả nhà ngồi lặng như tờ…
Đổ vỡ tình cảm
Anh Bình – chồng chị Lý quá mệt mỏi vì chuyện họp gia đình. Để bố mẹ hai bên bớt lo lắng, đỡ phiền hà, nghe những chuyện giáo huấn, anh Bình đành ừ hữ cho qua. Hơn nữa, nếu anh làm trái thì y như rằng đụng phải những gương mặt nặng như chì của vợ, mẹ và em gái.
Nhưng “giọt nước tràn ly” khi một ngày mẹ vợ gọi anh vào phòng thì thào: “Khi quan hệ với vợ con cần nhẹ nhàng hơn. Con Lý nó bảo con vụng về nên nó không thoải mái”. Về đến nhà, không kể trước mặt bố mẹ, anh Bình chỉ vào mặt vợ quát lớn: “Nếu cô không thôi ngay cái trò kể tội chồng thì bỏ luôn cho xong”. Nói rồi anh bỏ đi nhậu qua đêm không về.
Còn chị Hạnh vấp phải “bồi thẩm đoàn” bỏ phiếu trắng. Bố mẹ chồng ngồi chết lặng vì đứa con “vô tích sự, bạc bẽo, thiếu văn hóa, không có tình”. Mãi sau, bố chồng chị mới nặng nề bảo: “Bố xin lỗi vì đã không dạy dỗ được con trai chu đáo. Nhưng đây là việc của hai vợ chồng con. Nếu còn nhìn được một chút ưu điểm của nhau thì còn vớt vát. Chứ con thấy nó tồi tệ như vậy mà bố mẹ lại lôi kéo nó về cho con thì thiệt thòi cho con quá. Nếu thế thì bố mẹ cũng chẳng ra gì”. Còn bố mẹ chị chỉ biết quay sang xin lỗi thông gia. Chồng chị từ hôm đó, bỏ nhà đi biệt.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, việc huy động sự vào cuộc của bố mẹ, họ hàng trong việc giải quyết mâu thuẫn vợ chồng giống như sử dụng con dao hai lưỡi. Nếu chỉ dùng có mức độ, khéo léo, vận dụng vào những trường hợp thật sự khó giải quyết, chồng quá gia trưởng, nóng tính không chịu lắng nghe vợ thì có thể có tác dụng. Nhưng nếu cái gì cũng kể lể với bố mẹ, chờ đợi bố mẹ “dạy dỗ” mà mình chưa cố gắng giải quyết, “người trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông”, khiến chồng bị bất ngờ, bẽ mặt, tự ái, bị coi thường thì chẳng khác nào tự chặt đứt sợi dây tình cảm vợ chồng. Đó là chưa kể trường hợp, người chồng mới mắc lỗi mà bị vợ và bố mẹ hai bên đồng thanh lên tiếng chỉ trích thì càng cố tình mắc lỗi hơn cho bõ tức. Lúc đó, dù ai khuyên răn, dù biết sai, người chồng cũng khó lòng quay lại để sửa chữa.
“Nếu có mâu thuẫn, trước tiên, hai vợ chồng phải nói chuyện làm rõ, tìm sự cảm thông và biện pháp giải quyết, dung hoà, mỗi người đều chịu nhún một chút trên tinh thần tôn trọng nhau. Chỉ khi khó nói chuyện được với nhau thì mới nên tìm sự ủng hộ của cha mẹ” – Giáo sư Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình)
(Theo ANTĐ)