“Gái đoảng” thừa sức trồng đậu cove

4 tháng trước, tôi bắt đầu hẹn hò với anh – một người mà tôi đã “tình trong như đã” lắm rồi! 

Đang ngồi nói chuyện, đến giai đoạn tìm hiểu sở thích của nhau, anh ấy chợt hỏi: “Em có thích trồng cây gì không?“. Một câu hỏi rất lạ, tôi đoán anh là người thích làm vườn. Trai trẻ mà thích làm vườn cũng thú vị lắm chứ! Hồi trưa vừa ăn thịt bò xào đậu cove rất ngon nên tự nhiên tôi bịa luôn: “Em có, em trồng đậu cove!“.

Một câu nói dối vu vơ nhưng không hiểu sao lại khiến tôi ám ảnh. Đêm về, tôi hứng chí lên google tra cách trồng đậu cove và sáng hôm sau bắt đầu “công cuộc” trồng cái cây đầu tiên trong đời mình. Đúng là có mục đích thì mới có hứng khởi. Còn chưa “đụng chạm”, chưa hôn nhau lần nào mà anh ấy đã gieo thẳng sở thích vào mình mất rồi.

Gần 2 tháng sau cây đậu ra quả, mà quả ra nhiều bất ngờ, tôi mang cây đến tặng đúng dịp sinh nhật anh chàng kia. Anh ấy thích lắm, cười tít cả mắt. Rất tiếc là tôi “ngớ ngẩn” quên không chụp hình lại thành tích đáng tự hào ấy.

Hôm nay, nhớ lại chuyện cái cây, tự nhiên lại thấy tràn đầy cảm hứng muốn chia sẻ bí quyết trồng đậu cove một cách cô đọng, dễ hiểu cho mọi người.

Và tất nhiên, chuyện của mình với anh chàng ấy cũng là một “vụ mùa” đang kỳ “tươi tốt”.

 
Món thịt bò xào đậu cove và anh chàng hấp dẫn làm tôi nổi hứng muốn trồng cây.

– Giống cây:

Yếu tố ban đầu mà cũng dễ gây “ngơ ngác” nhất cho những người mới trồng đậu cove như tôi chính là khâu chọn giống. Người xưa có câu “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” theo tôi là hoàn toàn chính xác. Tôi chiều cao có 1m62, một khi đã lấy chồng là phải chọn anh nào cao trên 1m8 thì mới mong sinh con ra đủ tiêu chuẩn làm “chân dài” được.

Áp dụng câu đó vào trong việc tìm giống, phải chọn giống tốt thì mới cho ra cây phát triển mạnh mẽ, sai quả. Ở Việt Nam mình thì có thể mua giống đậu cove lai như sư tử, hạt trắng TN105, TS105, nâu sư tử, TN 106… Đây là những giống dễ trồng, đem lại thu hoạch khá mà mua cũng dễ. Nếu muốn “hoành tráng” hơn thì lên hẳn trang bán giống nước ngoài để đặt mua rồi ship hàng về. Độ lớn của lá có liên quan đến kích cỡ quả, những giống lá nhỏ thường cho quả nhỏ. Vì vậy những giống này năng suất thường không cao.


Chọn giống luôn là một trong những khâu quan trọng nhất để đảm bảo thu hoạch kết quả mỹ mãn.

 
Hãy xới tơi đất lên trước khi gieo trồng.


Lúc mới ban đầu tập trồng, không có chậu cây thì bạn có thể tận dụng gieo hạt ở các chai, lọ hay hộp nhựa thừa.


Sau khi đã gieo hạt đậu cove xuống đất, đừng quên tưới nước nhé.

– Đất trồng:

Đây là loại cây có vẻ khá “dễ tính” với các loại đất, nhưng để sinh trưởng tốt và bền cây thì mình khuyên các bạn nên trồng chúng trong đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng. Nếu chỉ để trồng chơi trong chậu thì mua các loại đất trồng bán sẵn ngoài cửa hàng cho khỏi quá mất công. Còn nếu có vườn tược đàng hoàng thì nên cày bừa kỹ và làm sạch cỏ trước. Sau đó bón một chút vôi bột, trộn vôi đều vào đất, nơi đất thấp cần lên luống cao để trồng (tốt cho việc thoát nước).

Dù trồng kiểu gì thì cũng không quên sử dụng thêm phân bón cho đất để có kết quả như ý đấy nhé. Với cây đậu cove có thể dùng phân đạm và kali. Lượng phân đạm và kali được chia đều bón thúc làm 2 lần: khi cây ra khoảng 2-3 lá thật, trước khi cắm giàn (có khoảng 5-6 lá thật). Tập trồng cây cũng đồng nghĩa là tập làm quen với các loại phân bón, lúc đầu tôi thấy hơi ghê, nhưng rồi thì cũng quen.

 
Đất tơi xốp, thông thoáng, độ ẩm cao giúp cho cây đậu cove nảy mầm nhanh hơn.

– Nhiệt độ và ánh sáng: cây thích hợp với khí hậu ôn hòa, không quá nóng hay quá rét. Nhiệt độ lý tưởng trong giai đoạn nảy mầm là từ 25 – 30 độ C. Điều kiện chiếu sáng hoàn hảo là khoảng 10-13 giờ/ngày. Nếu là con người, phơi nắng nhiều như vậy chắc chắn sẽ bị ung thư da, nhưng cây thì rất “sung sướng” khi có đủ ánh sáng.

– Tưới nước:

Với cây đậu cove nên tưới khoảng 2 lần mỗi ngày (buổi sáng và chiều) để đảm bảo rằng độ ẩm đất lý tưởng từ 70-75%. Khi tưới nước các bạn nên chú ý không sử dụng các loại nước ô nhiễm vì loại cây này rất dễ bị nhiễm bệnh. Đừng vì tiện tay mà đổ nước… cà phê hay cocktail thừa vào cây nhé. Có vẻ nói là thừa nhưng với những gái đoảng như mình nhiều khi cũng hay tiện tay như vậy.


Nên tưới nước 2 lần mỗi ngày, lượng nước vừa phải tùy theo bạn trồng ở đâu, trong chậu hay ngoài vườn.

– Bệnh gây hại: Đậu cove là loại cây dễ gặp các bệnh hại cây như bệnh héo cây con, bệnh đốm vi khuẩn, bệnh đốm lá, bệnh gỉ sắt, bệnh phấn trắng…

Những loại bệnh này xuất hiện khi đất không được chú ý vệ sinh, nhổ cỏ, thu nhặt tàn dư lá, ngắt bỏ lá và quả bị sâu đục… Để diệt được chúng đành phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên khi sắp thu hoạch, không nên sử dụng thuốc hóa học. Chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Cây mong bạn giữ ẩm tốt ở các thời kỳ giai đoạn cây con (khi mọc đến 5 – 6 lá thật). Đặc biệt lúc cây ra hoa trái rộ thì đòi hỏi nhiều nước, lúc này có thể sử dụng phương pháp tưới thấm nếu cảm thấy cần thiết.

Thừa nước cây sẽ ra sao? Không có cây nào biết bơi cả. Cây sẽ bị úng và nhanh chóng bị chết dần, vậy nên đòi hỏi bạn phải tạo điều kiện cho cây thoát nước tốt. Nếu trồng cây trong chậu, khi trời mưa to tốt nhất nên di chuyển cây vào nơi khô ráo.

Thiếu nước cây đậu cove sẽ thế nào? Thiếu nước cây phát triển chậm và ra trái nhỏ, năng suất và phẩm chất kém. Không những thế cây sẽ còn mau già và nhiều xơ. Có thể thấy là tưới nước thiếu thì yếu mà thừa thì chết, chỉ mong sao bạn tưới vừa tay cho đủ là cây “mừng”.

 – Thu hoạch:

Thông thường thì từ khi trồng đến 50 – 55 ngày sau là có thể thu hoạch. Nếu cây ra hoa, hoa trái chậm hơn nữa thì chắc chắn do khâu chăm sóc của bạn có vấn đề.

Trái đậu ăn tươi thu hoạch lý tưởng nhất là từ 10 – 13 ngày sau khi hoa nở. Bạn có thể thu hoạch chậm hơn, nhưng thường những trái tươi sẽ mang lại cảm giác ngon hơn khi được chế biến.

 
Hình ảnh đầu tiên khi hoa nở ra trái đậu cove

Trái đậu xinh xắn nhìn là muốn ăn, nhưng hãy đừng vội vàng thu hoạch nhé. Đây là giai đoạn cây cần được tưới nhiều nước hơn bình thường.


Đậu cove khi đã chín hẳn, sẵn sàng đến với… nồi, chảo trong bếp.

 
Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà hái trái non hoặc chín.

 “Lý lịch” của đậu cove:


 
Đậu cove có nguồn gốc từ tận vùng Trung Mỹ và được trồng cách nay hơn 600 năm. Ở Việt Nam cây được trồng khắp nơi như một loại rau ăn thông dụng. Đậu cove là cây hằng niên, thân thảo, rễ chính mọc sâu nên cây có khả năng chịu hạn tốt.. Thân cây có 2 dạng: thân sinh trưởng hữu hạn và vô hạn.

Hàm lượng protein và các thành phần khác trong đậu cove có tác dụng tốt đối với người mắc bệnh ung thư, tim mạch, ngoài ra còn có tác dụng chống loãng xương ở người già và người trung niên, những người thiếu chất dinh dưỡng nên ăn nhiều.

Có rất nhiều các món ăn ngon từ món đậu cove. Thường mọi người thích chế biến xào nó hơn là luộc.

 

Bài: Nguyễn Diễm Tuyết Trinh

logo

Xem thêm: “Bí kíp” phải đọc nếu trồng cà chua



Bạn muốn chia sẻ những kinh nghiệm làm vườn hay muốn khoe mảng vườn xanh mướt của mình? Hãy gửi tới chuyên mục Nhà/Vườn của Đẹp Online qua địa chỉ email: nhavuon@dep.com.vn





From the same category