“Everest” – Sẽ hoài phí nếu bạn không xem

Cao 8.848m so với mực nước biển, đỉnh Everest là đỉnh núi cao nhất trên thế giới. Trong tiếng Tây Tạng, Everest có tên gọi “Chomolungma” – tức “Mẫu thần của vũ trụ”. Chinh phục ngọn núi này đã trở thành một mục tiêu mang tính biểu tượng về sự can trường của loài người. Dọc đường lên đỉnh Everest có không ít xác của những nhà thám hiểm, họ chết trên đường chinh phục. Trong số đó có xác của Rob Hall, Scott Fischer và 6 người khác đã ra đi trong ngày 11/5/1996.

“Everest” là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật về ngày thảm hoạ ấy, khi đoàn thám hiểm của hai người hướng dẫn chuyên nghiệp là Rob Hall và Scott Fischer gặp phải một trận bão tuyết khủng khiếp. Nhiều người đi chuyến ấy đã không thể trở về. Phim được đầu tư 65 triệu USD với dàn diễn viên hùng hậu: Jason Clarke (trong vai Rob Hall), Jake Gyllenhaal (vai Scott Fischer), Michael Kelly vai Jon Krakauer – nhà báo, nhà văn tài năng, tác giả của “Into the Wild” và sau này là “Into Thin Air” kể về bi kịch Everest), Keira Knightley (vai người vợ đang mang thai của Rob). Đặc biệt, có đến hai diễn viên trong House of Cards góp mặt là Michael Kelly và Robin Wright. Phim được quay dưới định dạng IMEX và cả đoàn phim đã kéo nhau lên Everest trong vòng 3 tháng để hoàn thành tác phẩm.



Các nhân vật trong phim: Rob Hall, Scott Fischer, Beck Weathers (từ phải qua). (Ảnh: autocarreview)

Có chất liệu quá tuyệt vời và sự đầu tư về mọi mặt, cộng thêm chuyện dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về sự cố động đất tại Nepal vào 4/2015 kéo theo thảm họa trên đỉnh Everest làm ít nhất 23 người thiệt mạng, bộ phim gần như nắm chắc 90% yếu tố thành công. Và quả thực, “Everest” là một bộ phim đáng “đồng tiền bát gạo”. 

Bất kỳ nhân vật nào trong “Everest” đều xứng đáng có một câu chuyện của riêng mình. Bởi, ẩn sâu bên trong tâm hồn, chắc hẳn phải có một động lực thôi thúc mạnh mẽ lắm – mới khiến họ quyết định lên đường chinh phục một trong những thử thách vĩ đại nhất mà thiên nhiên để lại cho con người. Thử thách mà cứ 10 người thành công lại có 1 người mất mạng. Đỉnh Everest không thích hợp với điều kiện sinh tồn của con người. Một nơi có hệ thống thời tiết riêng, sức gió bình thường tương đương một cơn bão giật, không có oxy, thường xuyên có tuyết lở, và lạnh đến mức gây ra hoại tử. Người ta sẽ chết vì rét, kiệt sức, tai nạn, phù não và phù phổi.



Hành trình gian khổ chinh phục ngọn Everest (Ảnh: thequint)

Trong một trường đoạn của phim, khi những người leo núi ngồi lại trong đêm và hỏi nhau lý do họ có mặt ở đây, một nhân vật đã trả lời “Vì nó ở đó!”. Câu nói đùa tưởng như vô thưởng vô phạt này xuất phát từ nhà thám hiểm George Mallory – người tham gia cuộc thám hiểm đầu tiên lên Everest vào năm 1921. Ông cũng tham gia hai chuyến thám hiểm sau đó vào 1921 và 1924. Khi được hỏi hàng trăm lần về lý do cho những cuộc lên đường của mình, Goerge phát cáu và thốt lên câu nói nổi tiếng này. Cũng năm đó, ông nằm lại ngọn núi thiêng. Ngay tiếp theo, không khí rộn rã của đoàn người trầm xuống một nhịp khi Doug Hansen – một người đã sử dụng tiền quyên góp từ các em nhỏ để tham gia đoàn thám hiểm – chia sẻ: “Tôi leo lên đỉnh Everest vì tôi có thể làm điều đó. Nếu có điều gì đó tôi có thể làm mà lại không thực hiện, đó sẽ là tội ác. Tôi có những đứa trẻ. Và nếu chúng thấy một người bình thường có thể theo đuổi những giấc mơ không tưởng nhất, chúng sẽ được truyền cảm hứng cho những ước mơ của chính mình.” 

 Một nhà thám hiểm đã thành công chinh phục đỉnh núi huyền thoại. (Ảnh: apple)

Đó là một trong những trường đoạn sâu lắng nhất, và cũng hơi hiếm hoi mà các nhân vật trong phim để lại cho người xem. “Everest” có quá nhiều nhân vật, cũng vì vậy, mỗi nhân vật đều thiếu đất diễn. Họ cũng có người thân ngóng đợi, họ có tình bạn, có tranh chấp, có những số phận riêng – nhưng tất cả chúng chỉ lướt qua màn ảnh một cách hời hợt, như một chấm màu nhỏ nhoi giữa màu tuyết trắng vĩ đại của ngọn núi thiêng. 

Như một lời thoại trên phim: “Không có sự cạnh tranh giữa con người ở đây, chỉ có cuộc cạnh tranh giữa con người và ngọn núi.” Lần này, ngọn núi đã thắng. Những thước phim đẹp nhất của “Everest” được dùng để đặc tả vẻ hùng vĩ đến choáng ngợp của ngọn núi. Nó ở đó, sững sừng, lộng lẫy, đầy mê hoặc. Đủ để con người bỏ mạng để theo đuổi giấc mơ chinh phục. Và có lẽ người xem sẽ thấy biết ơn đoàn làm phim, những người đã đem đến trải nghiệm chân thực về “Everest”.

 Vẽ đẹp hùng vĩ của Everest trong ánh bình minh. (Ảnh: emgn)

Không cần nói quá nhiều về nội dung phim, bởi chỉ cần một thao tác tìm kiếm là chúng ta có thể đọc trọn vẹn câu chuyện bi thảm ngày 11/5/1996. Và để giữ tính chân thực cho câu chuyện, tác phẩm này cũng không cần có thêm nhiều tình tiết hư cấu so với sự thật. Nhờ vậy (và cũng đáng tiếc), phim có giá trị về mặt tư liệu – nhưng chưa đủ để gây nên một sự chấn động cảm xúc cần thiết.  Dẫu vậy, đây là bộ phim mà chắc chắn bạn sẽ hối tiếc nếu không ra rạp để xem. Có ba lý do cho kết luận này:

1. Bộ phim là cơ hội tuyệt vời để bạn chứng kiến một trong những điều kỳ diệu của bản chất người: Khi có một lý tưởng, con người sẽ sẵn sàng vong thân để thực hiện nó.

2. Bộ phim cũng là một cuộc khảo nghiệm thú vị khi đặt con người vào tình huống sinh tồn, để bản chất của họ được bộc lộ. Điều gì quan trọng hơn, tính mạng hay lời hứa? Cực hạn chịu đựng của con người là ở đâu? Điều gì khiến họ đứng dậy và tiếp tục đi về phía sự sống?

3. Đây có thể là cơ hội tốt nhất để bạn chiêm ngưỡng Everest. Bởi thành thật mà nói, đa phần chúng ta sẽ hài lòng trong việc chinh phục những ngọn núi nho nhỏ mà mình đặt ra như công việc, tình yêu hay… tiền tài.  Everest ở đó, và chúng ta thì ở nhà.

Bài: Hạ Chi

Ảnh: CGV cung cấp

logo


From the same category