Dù lãi vẫn phải tăng giá điện? - Tạp chí Đẹp

Dù lãi vẫn phải tăng giá điện?

Tin Tức

Vì sao giá thành điện tăng?

Giá thành điện không những không giảm mà lại tiếp tục tăng cao!. Phải chăng vì lý do này mà hai lần tăng giá điện trong năm 2011 (lần thứ nhất tăng 15,28%, lần thứ hai tăng 5%) vẫn không đủ cho EVN thoát lỗ?

Với tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 121.356 tỷ đồng, giá thành điện năm 2011 là 1.282 đồng/kWh. Nếu so với năm 2010, giá thành điện đã tăng tới 102 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ 8,6%.

Đáng tiếc rằng, thông tin từ Bộ Công Thương lại quá vắn tắt, không nêu rõ lý do của nghịch lý này.

Soi lại 4 khâu chính trong quá trình sản xuất kinh doanh điện thì thấy, chỉ có duy nhất khâu phụ trợ – quản lý ngành giảm được chi phí. Giá thành ở khâu này là 5 đồng/kWh, giảm 4,9 đồng/kWh so với năm 2010.

Ba khâu còn lại đều ở mức cao. Ví dụ như khâu phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất điện có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Với mức giá 988 đồng/kWh, giá thành phát điện 2011 đã tăng thêm 71,8 đồng/kWh so với năm trước.

Trao đổi với VietnamNet hôm 4/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, nguyên nhân chính là trong năm này, giá nhiên liệu tăng cao, bao gồm giá dầu và giá than. Đặc biệt là tỷ giá biến động rất mạnh. Trong khi đó, do thủy văn không thuận lợi nên tỷ trọng nhiệt điện trong cơ cấu nguồn phát chiếm phần lớn.

Về điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, ông Trần Viết Ngãi xác nhận: “Năm 2011 là năm phát điện chạy dầu nhiều với tỷ trọng cao. Còn năm 2010, mùa khô, hạn hán rất căng. Hầu như toàn bộ các nhà máy trong miền Nam đều phải chạy dầu như Trung tâm điện lực Phú Mỹ, Trung tâm điện lực Nhơn Trạch, điện lực Cà Mau, điện lực Ô Môn, giá thành lên tới trên 4.000 đồng/kWh. Trong hai năm này, thủy điện Sơn La và nhiều nhà máy thủy điện khác chưa đưa vào hoạt động. Vì vậy, EVN lỗ nặng tới hàng chục nghìn tỷ là tất yếu.”

Ông Ngãi lưu ý: “Ngành điện không phải là một ngành sản xuất bình thường mà mang tính đặc thù rất cao.


Sản phẩm không thể để tồn kho, vừa sản xuất và vừa tiêu thụ cùng lúc. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện phục vụ cho nền kinh tế, EVN còn phải làm nhiệm vụ phúc lợi xã hội, cải tạo hệ thống lưới điện, đưa điện về vùng sâu, xa, nông thôn và hải đảo nông thôn. Với việc này, EVN không thể thu được nhiêu tiền. Và đây cũng chính là một khâu gây lỗ lớn cho EVN”.

Giảm 1% tổn thất, tiết kiệm hàng trăm tỷ

Hạ giá thành điện là một yêu cầu bức thiết. Có thể thấy, năm 2011 có nhiều yếu tố tích cực sản xuất kinh doanh điện nhưng lại chưa góp phần đáng kể cho việc hạ giá thành.

Ví dụ như trong khâu truyền tải, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm mạnh. Nếu năm 2010 ,tỷ lệ này là 10,15%, theo kế hoạch được duyệt năm 2011 là 9,5% thì thực tế, tỷ lệ này đã xuống còn 9,23%.

Thêm vào đó, EVN cũng đã được tái cơ cấu một phần bằng việc thành lập 5 Tổng công ty điện lực miền Nam, miền Trung, miền Bắc, Tổng công ty điện lực Hà Nội và Tổng công ty điện lực TpHCM. Các đơn vị này làm nhiệm vụ phân phối, bán lẻ.

Thế nhưng, chi phí hai khâu trên vẫn tăng! Trong đó, khâu chi phối mạnh thứ hai trong đầu vào của ngành điện là phân phối – bán lẻ, giá thành ở mức 216 đồng/kWh,vẫn cao hơn 26,8 đồng /kWh so với năm 2010. Khâu truyền tải điện có giá thành là 73 đồng/kWh, vẫn tăng 7,3 đồng/kWh so với trước.

Ông Trần Viết Ngãi phân tích, EVN nên nghiên cứu để có phương án hạch toán kinh doanh, đặc biệt là trong việc phân tích tính toán về giá thành điện. Nếu trong giá thành, có những khoản nào có thể giảm được thì nên giảm bớt. Ví dụ như giảm tổn thất điện năng, kể cả giảm biên chế để có thể hạ được giá thành được thêm nữa.

Như vậy, việc lỗ của EVN có thể giảm bớt.

Theo ước tính của ông, chỉ cần giảm tổn thất điện năng được 1% có thể tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.

Nên công khai lỗ lãi giá điện hàng quý

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ: “Trong bối cảnh của ngành điện hiện nay, việc tăng giá điện là cần thiết”.

“Nếu không tăng giá, EVN tiếp tục lỗ. Kéo theo đó, ngành điện sẽ không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng phát triển nguồn điện và lưới điện theo Tổng sơ đồ 7 mà Chính phủ đã giao. Trong khi thực hiện chủ trương này, EVN cần số vốn mỗi năm lên tới hàng chục tỷ USD”, ông Ngãi nói.

Theo ông, nếu điều kiện thuận lợi, dẫu EVN có lãi một năm 3.000- 4.000 tỷ đồng (như dự kiến kết quả kinh doanh 2012- PV) thì số lãi này cũng không đủ bù đắp số lỗ, nợ và nhu cầu đầu tư điện như trên.

Trước thông tin này, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo lắng: “Năm nay, nhiều DN đã phải thu hẹp quy mô hoạt động. Lượng hàng tồn đọng giảm không phải vì tiêu thụ hàng tốt hơn mà chính vì khó khăn, sản xuất phải giảm. Khi giá điện tăng, chắc chắn doanh nghiệp dệt may sẽ càng thêm khó khăn”.

“Ngay bây giờ, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép, nhất là DN càng to thì càng lỗ nặng. Như Tổng công ty thép hiện đang tồn nhiều công trình dở dang, phải è cổ trả nợ, hàng không bán được. Nếu tăng giá điện nữa, khó khăn sẽ chồng chất thêm rất nhiều!” ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam giãi bày.

Đành rằng, giá điện tăng là … khó tránh khỏi. Nhưng vấn đề quan trọng khác của ngành điện là cần có một cơ chế công bố thông tin minh bạch hơn.

Theo đại diện các doanh nghiệp, đơn cử như ở khâu phát điện, cần được bóc tách cụ thể chi phí từng loại như nhiệt điện than, khí, dầu, thủy điện, điện mua ngoài… Vì đây là khâu ảnh hưởng lớn nhất tới giá bán điện nói chung. Các lý do lỗ đều thường liên quan đến chạy dầu, chạy than hay hạn hán.

Tuy nhiên, trả lời tại buổi họp báo, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực lại cho rằng: “Đây là các số liệu có tính chất bí mật!”

Giá thành điện cần được tính một cách đầy đủ, chính xác tất cả các chi phí cấu thành. Hiện nay, giá thành được công bố hàng năm. EVN nên tiến tới cơ chế công bố hàng quý, nói rõ cho công chúng 1 kWh giá thành là bao nhiêu, giá bán là bao nhiêu. Qua đó, người dân sẽ hiểu rõ mức độ lỗ lãi và có cái nhìn đồng thuận nếu phải tăng giá điện”, ông Ngãi khuyến nghị.

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

06/12/2012, 11:22