Nhằm mang tới tiêu chuẩn của các không gian triển lãm quốc tế cho công chúng Việt Nam, NTK Thủy Nguyễn đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm và kết nối với các giám tuyển từ những quốc gia có nền nghệ thuật và văn hóa phát triển. Và cô đã bắt tay cùng Giám tuyển Dolla S. Merrillees để biến triển lãm “Mộng bình thường” thành hiện thực.
Với NTK Thủy Nguyễn, giám tuyển – curator đóng vai trò giám sát, giám định và tuyển chọn tác phẩm. Họ vừa là “con mắt xanh” am hiểu xu hướng nghệ thuật của người xem, vừa là “bộ lọc” để mỗi tác phẩm sáng tạo thời trang trưng bày đều thể hiện lên thông điệp tổng thể, nói lên cái tối của người nghệ sĩ. Giám tuyển của Mộng bình thường cầu nối đưa tác phẩm từ nghệ sĩ đến công chúng để tạo ra hiệu quả tối ưu cho triển lãm.
“Sự kết hợp giữa nghệ sĩ và giám tuyển, tôi tin rằng những thông điệp trong thiết kế của mình sẽ trở nên chân thật và rung động những xúc cảm sẵn có của mọi người”, Thủy Nguyễn chia sẻ.
Chính từ những yêu cầu này, cô đã chọn Dolla S. Merrillees – giám tuyển người Úc, chuyên gia tư vấn hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, tác giả của cuốn sách “Vợ của tiều phu: truyện kể của một người mẹ kế” (2007). Merrillees là một diễn giả đầy cảm hứng và một cây viết đã từng đóng góp vào rất nhiều ấn phẩm in cũng như trực tuyến.
Dolla S. Merrillees là cựu giám đốc của Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS), ngoài ra cũng từng là Trưởng bộ phận giám tuyển, sưu tầm và trưng bày tại Bảo tàng nói trên từ đầu năm 2014. Merrillees chịu trách nhiệm chính trong việc dựng nên trung tâm dành riêng cho thời trang thuộc bảo tàng MAAS, đồng thời phát triển mối quan hệ chiến lược với Hội đồng thời trang Úc và toàn thể ngành công nghiệp thời trang. Một số triển lãm cô đã tham gia thực hiện trong thời kỳ tại nhiệm gồm có: Yêu như thể: thời trang cưới ở Úc; Collette Dinnigan: Cởi bỏ; Vuột khỏi tầm tay: Vật chất hoá chủ thể số; và Tài sản trân quý: trang sức và cá tính.
“Mặc dù Thủy không được đào tạo bài bản về thiết kế thời trang, những chuyến thăm sau đó của tôi đến nhà, studio và xưởng may của cô ở TP.HCM cũng như ở Hà Nội―nơi sinh của cô, đã đưa ra góc nhìn khác về thế giới của Thủy và củng cố ấn tượng của tôi rằng cách tiếp cận của cô trực quan và xác thực. Tôi nghĩ về hoạt động sáng tạo của cô là một quá trình xây dựng những ý nghĩa nhiều lớp, sự thấu hiểu về vai trò cộng sinh giữa truyền thống và đổi mới, cũng như giữa Đông và Tây”, giám tuyển Dolla S. Merrillees nhận định.
Merrillees đang theo học Cao học ngành Triết học tại trường Đại học Sydney và gần đây nhất từng làm việc với Trường Western Sydney University để hình thành chiến lược phát triển văn hoá nghệ thuật thập kỷ tới, đồng thời tham gia tư vấn cho Trường Đại học Tasmania và thành phố Launceston.
Merrillees từng giữ vị trí phó Giám đốc tại Quỹ nghệ thuật đương đại Sherman, nơi cô giám sát việc thiết kế và sản xuất của 17 ấn phẩm khác nhau. Merrillees từng tham gia hội đồng cố vấn giám tuyển cho thành phố Sydney, nhóm cố vấn cho Viện Văn hoá và Xã hội của trường Western University và là thành viên của Chief Executive Women. Hiện cô đang nằm trong hội đồng Tư vấn phát triển Tổ hợp Thời trang của SCCI (Trung tâm Văn hoá và Ý tưởng Sherman) và là một trong ba đại sứ toàn cầu của SCCI. Đại diện cho Merrillees là tập đoàn quản lý Silverfox và Grey Models, London.
Đối với những ý kiến cho rằng việc thuê mướn một giám tuyển quốc tế sẽ “ngốn” một khoản đầu tư rất lớn cho sự kiện, NTK Thủy Nguyễn chia sẻ thêm: “Triển lãm là một hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến. Nó nằm trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển một Thương hiệu riêng. Triển lãm không mang lại doanh thu trực tiếp, song về lâu dài nó mang đến cho công chúng, khách hàng những thông tin bổ ích, tạo dựng niềm tin và sức hút cho sản phẩm, thương hiệu, thay đổi cách nhìn về thời trang như một tác phẩm.
Hiện tại tôi chưa nghĩ đến tăng doanh thu. Tôi tập trung mọi nỗ lực, làm hết sức mình để độc giả được chiêm nghiệm, trải nghiệm với những tác phẩm được trưng bày, cảm nhận được tính hấp dẫn, thỏa mãn sự tò mò và thâm hiểu cá nhân, hiểu được chuỗi hình thành tác phẩm”.