Nói về ngôn tình? Dùng ngôn ngữ bình dân thì đúng là “đào cổ mộ” rồi! Suốt mấy năm qua, ai mải mê ném đá vẫn cứ ném, ai mê mẩn đọc vẫn cứ đọc! Ngôn tình Trung Quốc – dẫu được đánh giá là đang thoái trào tại thị trường sách (có lẽ vì không thể cạnh tranh được với làn sóng “ngôn tình Made in Việt Nam” gần đây) – thì vẫn còn là món ăn hợp khẩu, ngon lành với không ít độc giả.
Sách ngôn tình chắc chắn có vừa đủ lý do để tồn tại. Chính vì sự hợp lý ấy, chùm bài “Ngôn tình bên gối” của mục Giải trí, Đẹp Online không muốn góp thêm “gạch đá”, mà xin gửi tới độc giả tiếng nói của những người đọc sách ngôn tình, yêu thích sách ngôn tình và một số gợi ý lựa chọn sách ngôn tình chất lượng tốt.
Các bài trong chùm:
– Ngôn tình – giấc mộng hoa cho em
– Đọc “Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu” sẽ biết
– Ngôn tình nào sẽ cùng em đi khắp nhân gian?
Tổ chức và thực hiện: Hạ Chi -Phương Linh
– Khi thực hiện chùm bài viết về sách ngôn tình, chúng tôi thống nhất quan điểm: không phải tất cả ngôn tình đều rẻ tiền, và không cứ tiểu thuyết văn học là đậm chất nghệ thuật, mà chỉ có sách hay và không hay. Tuy vậy, chúng tôi hiểu một phần lý do vì sao ở Việt Nam có nhiều phản ứng tiêu cực về dòng sách này đến thế.
Bỏ qua hiệu ứng đám đông, phản ứng theo kiểu a dua, dây chuyền (thấy người ta chê thì mình cũng chê dù chưa hề đọc), thì có một lý do khác lớn hơn: Có những người đọc một (số) cuốn ngôn tình dở và kết luận rằng tất cả đều dở. Tuy vậy, chị có đồng tình rằng nhìn trên bề rộng, chất lượng của các cuốn sách ngôn tình không đồng đều, nếu không nói rằng có nhiều cuốn dở?
– Tôi cũng nghĩ như vậy. Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, khi nhìn thấy cơ hội phát triển với dòng sách ngôn tình, rất nhiều các công ty sách đã đầu tư vào mảng sách này, khiến thị trường cạnh tranh rất khốc liệt, giá bản quyền sách ngôn tình cũng bị đẩy lên cao. Bởi vì thị trường lớn, cạnh tranh cao, nên tôi cho là một số đơn vị đã không quan trọng lắm việc lựa chọn bản thảo tốt để xuất bản ra thị trường, miễn sao là có nhiều sách bán, phủ kín thị trường là được. Hoặc cũng có thể là do năng lực thẩm định của một số đơn vị chưa tốt nên dẫn đến chất lượng sách ngôn tình trên thi trường không đồng đều.
Nguyễn Thị Việt Hà
– Chị có cho rằng một phần lỗi là do nhiều dịch giả dịch chưa tốt, làm mất cái đẹp của câu văn, khiến cho cuốn sách trở nên thiếu tinh tế, sống sượng?
– Sách ngôn tình Trung Quốc đa phần do các tác giả trẻ viết. Cũng giống như sách do các tác giả trẻ ở Việt Nam sáng tác vậy, ngôn tình sẽ có những tác phẩm hay, và tác phẩm không hay. Có những cuốn có giọng văn rất mượt mà, rất thơ, nhưng cũng có những cuốn giọng văn rất lục cục, đọc rất khó chịu. Rồi tình tiết, cấu tứ cũng vậy… Vì vậy tôi cho rằng sách ngôn tình xuất bản ở Việt Nam nhiều cuốn chưa hay, không hẳn đã là do dịch giả dịch chưa tốt, làm mất cái hay cái đẹp của cuốn sách.
Tất nhiên không thể phủ nhận, dịch giả giỏi cả tiếng nước ngoài và tiếng mẹ đẻ thì có thể thổi hồn và làm sống dậy, dựng lên tượng đài cho cả một tác phẩm văn chương. Ngược lại dịch giả tồi, cẩu thả có thể giết chết cả một tác phẩm. Và làm sao để tránh mua phải những tác phẩm tồi, tôi nghĩ độc giả cần phải thông thái tìm đến các tác phẩm của những thương hiệu uy tín trên thị trường thôi.
– Theo lý giải chủ quan của chúng tôi, phụ nữ đọc ngôn tình để được giải tỏa về tâm lý. Chỉ có trong sách ngôn tình mới có những người đàn ông tuyệt vời đến khó tin như thế, các cuộc tình mới trọn vẹn lãng mạn và hoàn hảo đến thế. Và vì nhu cầu được giải tỏa về tâm lý luôn tồn tại, nên sách ngôn tình luôn có đất sống, thậm chí bán đắt như tôm tươi. Chị nghĩ sao về lý giải này?
– Phụ nữ đến từ sao Kim. Với đa phần phụ nữ tình cảm thì nhu cầu được quan tâm, giải trí, giải tỏa về tâm lý… là luôn hiện hữu. Vì vậy, tôi cho là sách ngôn tình nói riêng và sách văn học lãng mạn nói chung sẽ luôn có đất sống. Còn “đắt như tôm tươi” hay không thì tôi sẽ không dám chắc, vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chất lượng của sản phẩm, sự đầu tư cho truyền thông…
– Tôi có một người bạn đọc nhiều sách ngôn tình. Khi tôi than phiền rằng chất lượng hình thức của một số cuốn sách này không cao (về câu cú, từ ngữ…, thậm chí có cả những cuốn như dịch bằng Google Translate), bạn tôi nói rằng bạn không quan tâm lắm đến hình thức, mà rất tập trung vào nội dung câu truyện. Theo chị, về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào?
– Có thể nhìn thấy trên thị trường những cuốn sách ngôn tình best-sellers, được người nọ giới thiệu cho người kia là những cuốn sách có nội dung hay và được đầu tư kỹ càng về dịch thuật. Không hề có cuốn sách nào chất lượng thấp. Theo tôi không có gì đáng phải lo về điều này, thị trường, nhu cầu của độc giả sẽ tự điều tiết.
– Chị là người điều hành một công ty sách xuất bản nhiều sách ngôn tình tại Việt Nam, tiêu chí lựa chọn sách ngôn tình để dịch và xuất bản là gì?
– Công ty của tôi có một bộ phận tìm kiếm, thẩm định và quyết định việc mua hay không mua bản quyền các cuốn sách này. Tiêu chí để lựa chọn thì đầu tiên là sách phải hay và phù hợp với tâm lý của độc giả Việt Nam. Tiếp đó là sách phải mới và có hơi thở phù hợp với đời sống hiện đại.
Có thể tìm được một viên đá quý trong muôn vàn viên đá trông giống như đá quý không phải là khả năng ai cũng có được.
– Khi đăng những bài viết đầu tiên trong chùm “Ngôn tình bên gối”, tôi có nhận được góp ý của một độc giả rằng đọc ngôn tình khác với CHỈ đọc ngôn tình, tức là nhiều người nghiện nó, lệ thuộc vào nó. Quan điểm của những người thực hiện chùm bài này là với những người muốn bị lệ thuộc, thì nếu không phải là ngôn tình, họ sẽ lựa chọn thứ khác mà thôi.
Tuy vậy, nếu lệ thuộc mà được hưởng lợi ích từ ngôn tình thì vẫn tốt hơn. Theo chị, giá trị lớn nhất mà dòng sách này mang lại cho người đọc là gì?
– Tôi cũng có cùng suy nghĩ với các bạn. Mỗi người khi đã tìm đến sách, thường sẽ lựa chọn cho mình một hoặc vài dòng sách mà họ yêu thích và đắm chìm vào đó. Với sách ngôn tình hay (tôi nhấn mạnh từ “hay” nhé), ngoài giá trị giải trí, giải tỏa tâm lý, độc giả có thể còn học được từ đó cách đối nhân xử thế đúng đắn, vì cuộc sống và các tình huống trong nhiều cuốn sách ngôn tình nhiều khi rất thực, rất giống với cuộc sống của người Việt trẻ hiện tại.
Không thiếu những cuốn sách ngôn tình viết về tình yêu, nhưng cũng viết về cả những nỗi lo, đau đáu của các bạn trẻ khi mới ra trường, phải phấn đấu, vật lộn với cuộc sống, công việc để trưởng thành; để rồi cuối cùng khi tìm lại được nhau họ có thể tự hào mà ngẩng cao đầu vì biết rằng: họ xứng đáng với nhau, và hạnh phúc của họ có cơ sở, nền móng để tồn tại vững chắc. Không tin bạn cứ thử đọc các cuốn như “Đáng tiếc không phải anh”, “Đừng nói với anh ấy tôi vẫn còn yêu”… bạn sẽ biết.
Đâu phải tất cả các cuốn sách ngôn tình đều khiến độc giả bị ru ngủ, đâu phải tất cả ngôn tình đều ủy mị. Chưa kể một lợi ích nữa mà sách ngôn tình mang lại là chúng cải thiện đáng kể vốn từ và sự hoạt ngôn của độc giả.
– Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Hạ Chi – Phương Linh (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp, Hua Qian Gu (hui3r.wordpress)
>>> Có thể bạn quan tâm: Tôi còn nhớ đâu đó, người ta nói: “đàn bà thông minh, thường không tin vào đàn ông, càng không tin vào tình yêu.” Nếu câu nói đó đúng, đàn bà của Thạch cực kì thông minh, vì thường họ đều tự định đoạt cuộc đời mình chứ không đặt chúng vào tay đàn ông.