Đợt hội sách vừa qua, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ có buổi giao lưu ra mắt 14 tác phẩm của 14 tác giả. Trong các tác giả trẻ, có người từng đoạt giải sách hay, có người từng đoạt giải của Hội nhà văn và các kiểu hội. Nhìn xuống nhóm khán giả dự giao lưu, đâu chừng bốn chục người mà trong đó chắc hai mươi người là người nhà, người thân của tác giả.
Cũng trong ngày đó, chiều tối mát trời, cậu tác giả trẻ có sách bán chạy nhất hiện nay có buổi giao lưu ký tặng. Người hâm mộ vây làm mấy vòng kín mít, nghe nói phải quăng ba cây bút vì hết mực, tận 11 giờ đêm mới vãn tuồng.
Một cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy của Hội sách 2014
Tò mò, thằng bạn tôi mua một cuốn bán chạy nhất về đọc, hôm sau thấy nó viết trên Facebook: “Đọc được ba trang là… buông. Sáo rỗng, nhạt nhòa.” Tiếc tiền… giùm thằng bạn đã bỏ ra cho cuốn sách, nên tôi mượn về đọc cho bằng hết, đọc xong thấy… bỗng dưng bị buồn. Chung quy thì bạn trẻ viết rất đẹp. Đẹp đến mức đọc chỉ thấy nó đẹp và chẳng còn nhớ được gì khác ngoài cái chuyện “chia tay xong là buồn.” Mà khổ cái hai thằng độc giả là tôi và đứa bạn, đọc sách xong lại chẳng thể nào buồn, tại cả hai đều hiểu chia tay chẳng có gì buồn, khi nào chia tay mà hết tiền ăn thì mới đúng là buồn kinh khủng khiếp.
Thằng bạn tôi hậm hực, tiếc tiền mua sách, lầm bầm: “Viết vậy cũng có người mua, cũng thành nổi tiếng, hay thật.” Có gì đâu mà hay, sách đấy có phải viết ra cho những thằng già đời như bạn đâu, nói thẳng ra là bạn già rồi, có chiều sâu rồi, không nằm trong nhóm “đối tượng độc giả” của người ta đâu.
Người ta viết cho những người trẻ, những kẻ còn chỉ mới biết đến mùi đời bằng mùi tình yêu chia tay đau khổ. Được cha mẹ nuôi nấng đùm bọc gần hai chục năm trời, chưa từng đi làm, chưa từng nghe chửi như hai thằng tôi – nghe chửi mà vẫn phải mỉm cười vì biết cự lại là mất việc, là đói, là nghèo. Với các bạn, cái “buồn vì tình” đã là cái buồn đau đến tận cùng, chả còn gì buồn hơn nữa đâu, mà hình như các bạn ấy cũng chả còn biết cái gì khác ngoài tình yêu đâu. Yêu trong từng hơi thở, đọc trong sách thấy hết yêu người này là đi yêu người khác, mà yêu người nào cũng cho cái cảm giác buồn miên man bất tận.
Và vì bởi người ta yêu ngắn hạn nên văn người ta cũng ngắn theo, nói nôm na ra là mớ cảm xúc hỗn độn được bắn ra thành chữ, gom lại đem in thành sách. Văn trong đấy hơi tạp, nên gọi là tạp văn, hay đẹp hơn thì gọi là tản văn. Văn trong đấy không có cốt truyện, thường ít nội dung, nên cầm lên lật trang nào đọc cũng được, chẳng cần theo thứ tự trang một xong mới đến trang hai. Đọc xong trang này gấp sách lại, để tháng sau lấy ra đọc trang khác cũng chẳng ăn nhằm gì, vì văn trong đấy không cuốn hút người ta phải đọc một lèo cho đến hết. Văn trong ấy dễ nhớ, dễ ghi lại lên Facebook để người ta nhìn vào tưởng rằng “Ôi chồ ôi, thằng này hôm nay có chiều sâu dữ!” Và vì vậy văn trong ấy dễ bán, dễ mua.
Thằng bạn tôi lại bảo: “Rẻ tiền!” Bậy, rẻ đâu mà rẻ, một nhúm chữ như vậy bán gần trăm ngàn, mắc muốn chết chứ rẻ đâu mà rẻ. Cũng trong hội sách, nhìn qua quầy sách công nghiệp, nông nghiệp, hướng dẫn canh tác nuôi trồng, tám ngàn một cuốn chẳng ma nào dòm, có chị kia hớt hải chạy tới, mua gần chục cuốn, hỏi để làm chi, chị bảo đem về gói bánh mì bán cho khách. Đấy, sách đấy mới là rẻ tiền, cả công trình nghiên cứu giá tám ngàn, rẻ ơi là rẻ.
Trong nghề làm sách, có cái thuật ngữ gọi là “bán giấy” để chỉ kiểu làm sách như vậy. Chừa đầu chừa đuôi một khúc, khúc giữa ghi vài ba chữ, kèm thêm cái hình lung linh thế là xong. Sách tầm 200 trang mà nếu gói gọn đúng quy cách trình bày chắc được chừng 50 trang chữ, còn lại là hình, là trang giấy trắng, hỏi tới dám trả lời: “Đấy là khoảng trống trong cảm xúc và ký ức.” Ừ, nghe cũng xuôi tai. Kiểu sách như vậy, bán được không phải nhờ nhiều chữ, mà nhờ tác giả là người nổi tiếng.
Ông anh nhà báo có lần nói: “Bây giờ viết sách đang là mốt, cô nào anh nào dính scandal, ra một cuốn sách là bảo đảm xóa được ngay chuyện cũ, còn được thiên hạ khen là kẻ có chiều sâu, còn sâu cỡ nào, vô thử mới biết.” Chắc ông anh nói đúng, nên dạo này có chiến dịch nhiều ca sĩ, người mẫu xứ ta bắt đầu trở thành tác giả. Miễn bình luận về nội dung (tại nội dung có gì đâu mà bình luận) chỉ thấy cách lên báo lấp lửng: “Cuốn sách này sẽ hé lộ nhiều bí mật động trời về một cuộc thi nào đó mà tôi từng tham gia…” là coi như đã có tên trong danh sách bán chạy.
Ai trách, ai chê cũng được, chỉ cần nhớ là: người ta đẹp, người ta nổi tiếng người ta có quyền. Sách của mấy anh nhà văn “hotboy” ăn mặc không thua gì ca sĩ, hình ảnh lung linh lấp lánh (phần nhiều chỉnh bằng máy tính) dĩ nhiên dễ có thiện cảm hơn mấy lão nhà văn già tóc dài cột dây thun, râu ria lởm chởm, miệng nồng nặc mùi thuốc lá, ăn mặc thì quần tây kéo cao, áo sơ mi màu cháo lòng. Chả cần biết lão viết cái gì, chứ có tổ chức giao lưu ký tặng thì cầm chắc đã không ai chịu ghé qua nhìn.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đồng ý rằng dòng “văn học status” đó bị nhiều người lên án, nhưng nhìn ở mặt tích cực, nó đang tập cho giới trẻ thói quen đọc sách, một tín hiệu đáng mừng. Vì trước giờ, người ta lên án nhạc Hàn, lên án game online, thì nay giới trẻ Việt cầm sách của người viết Việt (Dù cái tên có lai Tây một chút) thì phải hoan nghênh, cổ vũ chứ.
Sách, ngoài chức năng chính là mở mang trí tuệ, tâm hồn người đọc, nó còn có một chức năng khác, là để giải trí. Đọc gì cũng được, đừng đồi trụy và miễn sao thấy vui là được. Và, đám trẻ chịu đọc, dù là đọc status, cũng là tốt lắm rồi.
Bài: BiNgạn
>>> Có thể bạn quan tâm: Nếu “50 sắc thái” của tác giả E.L.James từng khiến độc giả sốc vì đụng chạm tới những ngóc ngách sâu thẳm và đầy khao khát mà con người vẫn che đậy, thì ba cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về mình, về nửa kia, hoặc thậm chí thay đổi hẳn quan niệm về tình yêu.