Đinh Nhật Nam: "Làm sao đừng để mình là một kẻ ác" - Tạp chí Đẹp

Đinh Nhật Nam: “Làm sao đừng để mình là một kẻ ác”

Sao

 Hiện tại anh đã mở thêm 5 nhà hàng Papa Xốt và còn rất nhiều dự định tương lai.

– Quay trở lại ký ức, 10 năm trước, anh thế nào nhỉ?

– Cũng tưởng mình sẽ có một cuộc sống êm đềm, nhưng rồi có những biến cố mà nếu không có bản lĩnh, thì khó có thể trụ vững được như bây giờ. Khi tôi còn nhỏ, tôi từng chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì, gia đình khá giả, tôi chỉ việc ăn, học, và chơi. Thế rồi đùng một cái, gia đình tôi gặp biến cố. Các thứ gần như mất hết. Tôi quyết định ngưng kế hoạch du học ở New Zealand lại, cho dù bố mẹ rất buồn và nói còn gì sẽ bán hết chỉ để lo cho tôi học hành, nhưng tôi sao đành lòng được. Không nghĩ tới chuyện du học nữa, tôi bắt đầu gánh vác chuyện gia đình. 

– Vậy nghĩa là từ một “công tử”, anh đã bắt đầu biết lao động?

– Tôi đã lao vào kiếm tiền. Phục vụ quán café, đi bán điện thoại, tổ chức và làm sự kiện… Đủ thứ cho đến khi gom được 50 triệu, tôi quyết định rủ bạn bè hùn vốn, mở chung quán café. Quán Urban Station đầu tiên ra đời. 

– Khởi nghiệp khi ít vốn như vậy, lại mới bước chân vào kinh doanh một cách có tổ chức, anh và các bạn của mình đã “thắng”, hay “thua”?

– Dĩ nhiên là thua. Thua ngay từ chiến lược, cho dù tôi đã chuyển hướng từ café nhạc thành café take away khi chúng đang là trào lưu. Thế nhưng, khách thưa thớt. Mỗi tháng quán lỗ mấy chục triệu. Thất vọng, suy sụp, chán nản và hoài nghi. Nghiên cứu tìm lý do thất bại, thì ra, các nội thất bàn ghế, không gian đều làm theo hướng take away, nghĩa là mua café đi ngay và không ngồi lại, điều đó quả là sai lầm trong bối cảnh người Việt Nam có thể mua một túi mía đá về nhà uống chứ ít ai đi mua café về uống, mà họ thường đi café, có nghĩa là tới quán và ngồi đó nhâm nhi thư giãn. Cái ghế ngồi của quán khá cao, không thích hợp với việc ngồi lâu lâu, chính vì thế, họ không lui tới Urban Station, mà họ cũng chẳng mua theo kiểu take away luôn! Lỗ trong nửa năm, thì chúng tôi chuyển hướng thay đổi chiến lược. Ngay lập tức, có những tín hiệu tốt làm cho ai cũng phấn chấn.

– Khi nuôi được mình vững rồi, làm sao để anh cạnh tranh được với các “ông lớn” trong thị trường café ở Việt Nam?

– Chính bước ngoặt thay đổi phong cách của quán, khiến quán phải đương đầu với các sự cạnh tranh, và làm sao thoát được bóng của các thương hiệu café nổi tiếng khác. Chất lượng của đồ uống, chỗ ngồi có view đẹp, phục vụ chu đáo, quán có gout, và quan trọng, giá cả rất phải chăng, chứ không đắt như các quán khác, điều đó khiến cho Urban Station được giới trẻ đón nhận.

– Vậy từ một Don Kihote đơn thương độc mã cho tới giờ là hệ thống với 40 quán, anh có “chiêu” gì khiến cho người ta “buộc” phải để ý tới hệ thống quán của mình?

– Nói về điều này, cũng như con gà và quả trứng. Cả hai đều cần nhau và có mối quan hệ với nhau. Chỉ khi thương hiệu có tiếng, người ta mới nhượng quyền nhưng franchise làm cho thương hiệu mạnh lên. Tôi không bán thương hiệu, tôi sẵn sàng nhượng quyền, không thu phí, chỉ thu 30% lợi nhuận và sau 6 tháng mới thu phí thương hiệu. Tôi thích một hình ảnh trẻ, tích lũy uy tín.

– Ồ ạt mở hàng chục quán, 40 rồi khéo 50, rồi tin đồn về một Nam chỉ “ăn rồi đi mở quán”, có bao giờ anh cảm thấy mình đang cưỡi trên lưng hổ không?

– Có đấy. 2012 là một sự bùng nổ. Trong 1 năm, 20 quán. Có thời điểm, tôi ngồi ngẫm mà thấy sợ. Giống như mình đang cưỡi trên lưng một con quái vật, không tự tin mình có thể điều khiển được nó. Nhiều khi không sợ đối thủ bằng tự mình đe dọa mình. Vấn đề mở rộng đó đúng là con dao hai lưỡi. Sự ì ạch của một hệ thống là bài học lớn. Luôn training, đổi mới, update thực đơn, phải luôn gần gũi với khách hàng và quan trọng chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 1/3, lúc đó, chúng tôi sẽ thu hút đông lượng khách hàng ngày hơn là đắt và ít khách.
– Một người trẻ nhưng đã kiếm được khá nhiều, điều hành khá nhiều hệ thống quán, với anh, tiền có vị trí gì?

– Tôi luôn phân định cuộc sống rõ ràng, một bên là tiền, bên là xã hội, bạn bè, gia đình. Điều gì quan trọng nhất với tôi ư? Không phải tiền đâu, mà là sự cân bằng. Để có được sự cân bằng, đôi khi phải biết từ bỏ một số thứ, trong đấy có tiền.

– Anh có thấy mình là người may mắn không?

– Nói chính xác, thì tôi là người tận dụng tối đa sự may mắn. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm, trong cuộc sống, cơ hội không nhiều, nên nếu có, hãy biết tận dụng cơ hội đó. Mà cơ hội là ở đâu, là do chính mình tạo ra. Ok, có thể tôi là người may mắn khi có team tốt, có bạn bè giỏi, nhưng nếu không khôn ngoan, không có chiến lược đúng, không nỗ lực, thì đâu có Urban Station ngày hôm nay.
– Anh có bạn tri kỷ không?

– Tri kỷ thì không hẳn. Nếu có, thường là những người bạn cùng leo núi với tôi.

– Leo núi? Anh thích các môn thể thao mạo hiểm? Nó giúp gì cho anh?

– Nó giúp tôi thoát được nỗi sợ. Tôi là người sợ độ cao, thế nên tôi tìm nó, để buộc mình phải đối đầu, đối diện, phải thắng được nỗi sợ ấy. Tôi vừa leo ngọn Bạch Mộc Lương Tử, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, rồi kế là núi Muối…

– Toàn những ngọn núi lạ, tại sao không là Fansipan?

– Vì tôi không thích chỗ nào quá quen thuộc hoặc đông người. Về độ khó, thì an tâm, ngọn Bạch Mộc Lương Tử còn khó gấp mấy lần Fansipan. Nó làm tôi thích. 

– Anh có hay đọc sách không?

– Có. Thi thoảng. Sách kinh tế và sách rất rất giải trí.

– Tiểu thuyết ngôn tình chăng?

– Không không. Tôi đọc kiếm hiệp hoặc thần thoại Hy Lạp.

– Còn về chuyện tình cảm thì sao? Một người đàn ông như anh với khả năng tài chính, lại có địa vị, có gout, hẳn là nhiều người đẹp thích? Anh có sợ hôn nhân không?

– (Cười) Nếu tôi lấy vợ, đó phải là người tôi yêu, và nể phục. Hiện tại, người ấy là một người con gái rất mạnh mẽ và tài giỏi, cùng trong nhóm leo núi, và cũng là một trong số chủ quán Urban Station luôn!
– Hỏi thêm một câu cuối, anh có sợ cái gì không?

– Tôi sợ nhất là bị hiểu lầm, và bị phản bội. Tôi còn sợ tội ác nữa. Vậy nên tôi thường tự răn mình, làm sao đừng để mình là một kẻ ác. Sự tập buông xả mỗi khi khó khăn là một điều tôi hiểu rất rõ. Nó giúp tôi sáng suốt và tự sửa mình.

Bài: Nguyễn Lan Anh
Ảnh: Mạnh Bi

Thực hiện: depweb

09/12/2015, 16:55