"Điều còn mãi" - Khi tổ quốc gọi tên bằng… âm nhạc - Tạp chí Đẹp

“Điều còn mãi” – Khi tổ quốc gọi tên bằng… âm nhạc

Review

Cuộc hội ngộ của những tác phẩm nhạc Việt trứ danh

Thực tế, sau 5 năm thực hiện và sau một năm gián đoạn (năm 2014)Điều còn mãi” mới trở lại. Nhưng năm nay, “Điều còn mãi” đã nâng lên thành chương trình Hòa nhạc Quốc gia. Sau phần mở đầu với bản “Quốc ca” được chơi bởi các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi, chương trình tiếp nối với sự xen kẽ các bản hòa tấu và với phần trình diễn thanh nhạc. Đây cũng là cách ban tổ chức chương trình muốn giảm “sức nặng” cho khán giả – đặc biệt là khán giả xem truyền hình vốn chưa quen nghe giao hưởng.

Ca sĩ Trọng Tấn lĩnh xướng tác phẩm “Tổ quốc” của nhạc sĩ Hồ Bắc

Tác phẩm mở đầu cho chương trình là hợp xướng “Tổ quốc” được nhạc sĩ Hồ Bắc viết năm 1960, nhân kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh. Với giọng hát của ca sĩ Trọng Tấn cùng sự hỗ trợ tuyệt vời của các thành viên dàn hợp xướng, phần trình diễn mang tới cảm xúc đặc biệt cho khán giả, để cùng họ hòa vào những xúc cảm trào dâng trong các phần tiếp theo của chương trình.

Hai nghệ sĩ Hà Phạm Thăng Long và Mạnh Dũng lĩnh xướng cho “Vinh quang hồn dân tộc” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Giọng ca cao vút của Lan Anh mang đến vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc anh dũng qua ca khúc “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, “Đất nước tình yêu” của Lệ Giang. Trọng Tấn thể hiện tiếp “Bám biển quê hương” của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Tất cả những giọng ca đó đều phối hợp nhịp nhàng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, được nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy.

Ca sĩ Lan Anh đang thể hiện “Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó” của Nguyễn Tài Tuệ, dưới sự hỗ trợ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam do nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy

Tùng Dương thể hiện hai tác phẩm nổi tiếng: “Người lái đò trên sông Pô Kô” (nhạc sĩ Cầm Phong) và “Chiếc khăn Piêu” (nhạc sĩ Doãn Nho). Với bản phối mới và sự kết hợp xuất sắc với Dàn nhạc Giao hưởng, các tiết mục của Tùng Dương đã mang đến một phần trình diễn ấn tượng với tiếng vỗ tay vang dội.

Tùng Dương hát Người lái đò trên sông Pô Kô” (nhạc sĩ Cầm Phong) và “Chiếc khăn Piêu” (nhạc sĩ Doãn Nho). 

Những bản hòa tấu: “Cây trúc xinh” (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam),Người về đem tới ngày vui” (nhạc sĩ Trọng Bằng), trích đoạn giao hưởng “Tháng mười hai” (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng)… được thể hiện bởi các nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới tài dẫn dắt của nhạc trưởng Lê Phi Phi.

Không chỉ ghi dấu son lịch sử bằng âm nhạc

Cũng tại hòa nhạc “Điều còn mãi”, tác phẩm nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác (năm 1961 – 1963) Aria “Cô Sao” được dịp vang lên ở Nhà hát Lớn. Tác phẩm ca ngợi tự do này được viết dựa trên cảm hứng từ hai câu thơ của Hồ Chủ Tịch “Trên đời hàng vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do” đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nghệ sĩ violin tài danh Xuân Huy

Cùng với Aria “Cô Sao”, một Rhapsodie viết riêng cho violin của nhạc sĩ Hoàng Dương – “Bài ca chung thủy” được thể hiện bởi tiếng đàn điêu luyện của nghệ sĩ tài năng Xuân Huy. Đây là một tác phẩm ca ngợi sự hi sinh của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Với biệt danh “nghệ sĩ ẩn dật”, Xuân Huy đã không làm thất vọng những người chờ mong anh, khi mỗi tiếng đàn của anh cất lên, khán giả im phăng phắc rồi vỡ òa bởi kỹ thuật tuyệt vời và tiếng đàn chất chứa tâm tư.

Đăng Dương kết thúc chương trình với ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”

Có thể nói, “Điều còn mãi” đã trở thành điểm hẹn của những tác phẩm âm nhạc đáng giá của Việt Nam qua các thời kỳ. Ngoài các tác phẩm âm nhạc kinh điển, những tác phẩm mới cũng được ban tổ chức sắp xếp xuất hiện trong chương trình.

Điều còn mãi” kết thúc với một tác phẩm mới của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai – ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”. Những lời ca: “Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Trường Sa – Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng tổ quốc vọng về từ biển cả/ Bão tố dập dờn, chăng lưới bủa vây/ Tôi đang nghe tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa – Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước/ Một tấc biển cắt dời, vạn tấc đất đớn đau/ Tổ quốc của tôi, tổ quốc của tôi, mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/Ngọn đuốc hòa bình bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặt sóng biển Đông…” đã khiến nhiều người trong khán phòng rưng rưng. Đây là bài hát đã vang lên ở trên khắp các buổi sinh hoạt văn nghệ, trong nhiều chương trình lớn nhỏ của đất nước suốt những năm qua. Bởi đó là những lời ca mà triệu người Việt Nam đang muốn hát, là tâm tư triệu người Việt muốn giãi bày. Bài ca nhắc nhớ, những người đang sống trong hòa bình không quên bổn phận và trách nhiệm với tổ quốc thân yêu.

Điều còn mãi” không chỉ ghi dấu về những nốt son lịch sử oai hùng Việt Nam bằng âm nhạc, chương trình còn “đánh động” đến tâm tư của triệu người Việt, về vận hội, thế đứng của dân tộc. Hòa nhạc Quốc gia “Điều còn mãi” vì thế đã trở thành chương trình nhiều người mong mỏi, mỗi khi đất nước kỷ niệm ngày độc lập.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Lê Anh Dũng


logo

Thực hiện: depweb

02/09/2015, 23:08