1. Gia đình đông con nhất Việt Nam
Cụ ông Phan Văn Tiễng ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, Châu Thành A (Hậu Giang) có đến 22 người con, trai, gái có đủ. Cụ luôn tự hào cụ là người đông con nhất tỉnh Cần Thơ (cũ). Mặc dù đã 82 tuổi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Con trai lớn của cụ là Văn Cang bây giờ được 58 tuổi, con út là Nết Em, 29 tuổi.
Cụ Phan Văn Tiễng có 22 người con, đủ trai và gái.
Cụ Tiễng kể tới ngày Tết, ngày giỗ, ngôi nhà của ông khá to nhưng con cháu, chắt gần cả trăm tụ về không đủ chỗ chứa phải trải chiếu dưới nền gạch nằm. Có người còn nài nỉ xin cụ cho loại thuốc bí truyền để về quê phổ biến cho hàng xóm hiếm muộn con. Có rất nhiều cặp vợ chồng cưới hỏi đã lâu không con cái hay tin tìm đến cụ chào hỏi, xin vuốt tay cụ lấy hên.
Ai tới cụ điều tiếp đón vui vẻ nhưng hỏi chuyện bí truyền, cụ chỉ cười và nói: “Bây hỏi kỳ quá, tao nhà quê, mấy khi lên thành thị mà biết thuốc bí truyền, tăng cường sinh lực là gì. Chắc tại tao và lũ con có duyên từ kiếp trước”
2. Cụ 105 tuổi có gần 100 cháu, chút, chít
Đó là câu chuyện về cụ Đinh Thử (SN 1907, làng La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Cụ Đinh Thử có 12 người con (7 trai, 5 gái) và đều đã bước qua ngưỡng tuổi gọi là “thọ”. Cụ có gần 100 đứa từ cháu trở xuống chít và vẫn còn minh mẫn đến lạ kỳ để nhớ rõ mồn một, không sót đứa nào. Thậm chí, cụ còn nhớ cả tuổi của từng đứa, đứa nào ngoan, đứa nào chưa ngoan…
Cụ Thử, người có gần 12 đứa con và gần 100 cháu, chút, chít.
Cụ Thử mỗi khi nhắc về vợ mình, cụ Đặng Thị Cam, SN 1927, đã 75 năm là người bạn “trăm năm”, lại thấy tự hào và hạnh phúc vì có được một người vợ hiền thục, chịu thương chịu khó.“Thời tui cầm súng ra chiến trường, một mình bà ở nhà vừa lo săn sóc ba mẹ chồng, vừa lo lũ trẻ cơm nước, giặt giũ, rồi cả chuyện đồng áng, chuyện làm công tác phụ nữ xã. Công việc nhiều khôn xuể nhưng bà chưa hề kêu ca hay than phiền với bất cứ một ai.” – đôi mắt cụ Thử sáng bưng khi nói về vợ mình.
Cụ ông 105 tuổi, cụ bà 85 tuổi sống vui, sống khỏe, sống đẹp…
Nói về bí quyết “sống lâu, sống khỏe, sống đẹp”, cụ Thử cười tếu nói: “Chẳng có gì gọi bí quyết, chỉ cần ăn uống điều độ, sáng tối chịu khó vận động cùng với đời sống văn hóa văn nghệ phong phú là khỏe ngay ấy mà. Nhưng nếu như không có bà nhà, chắc tui không có sức khỏe như ngày hôm nay đâu. Nếu cho tôi nói cảm ơn thì người đầu tiên tui nói cảm ơn là bà nhà”.
3. Người phụ nữ đẻ 17 đứa con trong 23 năm
Nếu có một kỷ lục về người nhiều con nhất Vĩnh Yên thì chắc chắn “danh hiệu” ấy sẽ được trao cho bà Phan Thị Tính ở khu phố Điện Biên. Nhìn vào khó ai có thể nghĩ bà đã bước sang tuổi 77. Bà kể lại, gia đình bà có 8 anh chị em. Vì thế, bà sớm phải bươn chải kiếm cơm. Chính những lần gánh hàng đi buôn ấy, bà gặp ông Trần Bạch Vân, hơn bà 2 tuổi rồi nên duyên chồng vợ.
Cưới nhau xong, hai vợ chồng bà tiếp tục gùi tôm khô, cá khô… đi bán. Cưới nhau năm 1955, đến năm 1956 bà sinh đứa con gái đầu lòng. Bà cười bảo: “Chẳng thể ngờ được, sau đó cứ sòn sòn mỗi năm một đứa. Có khi, tôi phải lên “chức” “kiện tướng đẻ” ấy nhỉ?” Người con út sinh năm 1979, nghĩa là trong vòng 23 năm bà có tới 17 lần mang bầu và lần nào cũng “mẹ tròn con vuông”
Con cháu vui vầy, sống hòa thuận là niềm vui lớn nhất của bà Tính.
Trong số 17 người con thì không may 2 đứa thứ 14, 15 không ở với ông bà được lâu. Do đông con, mỗi ngày bà Tính phải chạy cơm từng bữa. Bà kể, hôm nào trước bữa ăn, các con phải đứng xếp hàng từ cao đến thấp. Đứa lớn hơn được phần ăn nhiều hơn, vì chúng phải làm nhiều. Không những lo miếng ăn cho các con, bà Tính còn gây dựng được cơ nghiệp cho cả gia đình là gian nhà ngói xây năm 1979. Hiện tại, các con bà đều đã lớn và có sự nghiệp ổn định.
Cơ nghiệp được một tay bà Tính gây dựng.
4. Gia đình lùn nhất Việt Nam
Đến thăm gia đình ông Lưu Qươn, thôn Bà Rén, xã Quế Xuân I, huyện Quế Sơn – Quảng Nam, ai cũng xót xa trước cảnh nghèo khó đến tận cùng của gia đình “lùn nhất Việt Nam”. Ông cho biết, gia đình ông có 8 thành viên, người nào cũng bị chứng lùn, thấp lè tè. Người cao nhất là bà Phạm Thị Điển (83 tuổi, vợ ông Qươn) cũng chỉ cao được 1,33m. Các con ông là Lưu Quạng (57 tuổi) cao 1,3m, Lưu Trịnh (47 tuổi) cao 1,29m, Lưu Tám (39 tuổi) cao 1,27m, Lưu Mười (37 tuổi) cao 1,25m, Lưu Hai (36 tuổi) cao 1,1m, con gái út là Lưu Thị Hoa (34 tuổi) cao 1,1m. Ông Lưu Qươn (83 tuổi) là người thấp nhất, chỉ cao 1,08m, hai chân lại bị tật bẩm sinh.
Ông Lưu Qươn (áo xanh) cùng những người trong gia đình khốn khó của mình.
Bao năm qua, để mưu sinh tồn tại đối với gia đình ông Lưu Quơn là điều đặc biệt khó khăn. Trước đây, để có bữa ăn đủ no, bà Phạm Thị Điển phải dậy từ mờ sáng ra chợ bà Rén kiếm tiền bằng nghề bồng heo thuê. Còn ông Quơn cùng các con phải còng lưng khuân vác hoặc kéo xe vận chuyển các loại hàng hóa, vật liệu xây dựng, phân bón cho người dân trong xã.
Ông Lưu Quạng là lao động chính của 2 gia đình nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng.
Đã không ít lần bà Điển muốn chắt chiu ít tiền kiếm được để mua thêm mấy tấm tôn lợp tạm bợ nhưng không thể thực hiện. Một bữa cơm trắng đủ no và một đêm ngủ đủ ấm trong mùa mưa gió, đang là niềm mơ ước bình dị nhưng cháy bỏng của những con người khốn khổ trong gia đình lùn nhất Việt Nam.
Theo Habi-MASK