Đi phượt bằng xe ga – liệu có được không? - Tạp chí Đẹp

Đi phượt bằng xe ga – liệu có được không?

Ngày nay, với sự tiện dung không thể bàn cãi (không bị bắn bẩn khi trời mưa, cốp chứa đồ lớn), xe máy tay ga (scooter) đã trở nên phổ dụng tới mức nhiều người gần như không còn nghĩ đến việc sử hữu một chiếc xe số khi mua xe máy. Nhưng chẳng lẽ mỗi khi đi đâu xa, hay đi phượt, lại phải mua một chiếc xe khác hay đi mượn xe?

Ưu và nhược điểm của xe ga khi đi phượt

Đi phượt bằng xe tay ga, bạn sẽ có không gian chứa đồ trong cốp rộng, sạch sẽ hơn khi trời mưa. Hơn thế nữa, nhiều xe tay ga cũng an toàn hơn khi trang bị lốp không săm, nên không bị xẹp lốp tức thì khi bị đinh đâm thủng như xe có săm. 

Tuy nhiên, nhược điểm của xe tay ga là gầm thấp, nên sẽ bị hạn chế khi đường quá xấu. Ngoài ra, do sử dụng hộp số vô cấp, nên việc sử dụng chức năng phanh động cơ sẽ không được tiện lợi như xe số thông thường. Thậm chí, nhiều người sử dụng xe ga lâu năm cũng nghĩ rằng xe ga không có khả năng phanh động cơ, nên không dám sử dụng xe ga trên đường đồi núi. Việc sử dụng phanh quá nhiều khi đổ đèo với bất kỳ dòng xe phổ thông nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ cháy phanh hoặc mất phanh.

3 bước giải quyết nỗi lo với xe ga đi phượt

Với phần lớn các loại xe máy tay ga hiện nay, khi người lái nhả tay ga hết cỡ thì côn sẽ có xu hướng ngắt hoàn toàn khi tốc độ đã giảm đến một mức nào đó. Khi côn nhả hết, xe vẫn nổ máy và trôi tự do, nên rất nguy hiểm khi đổ đèo. Côn sẽ chỉ bám trở lại khi người lái tăng ga.

Nếu biết cách lợi dụng tính năng này để đổ dốc, xe tay ga có thể chinh phục các con đường đèo dốc với việc hãm bằng động cơ và hạn chế dung phanh vô cùng hiệu quả. Hãy ghi nhớ 3 bước:

Bước 1: Ngay khi phát hiện thấy xe bị trôi tự do nhanh hơn, hãy rà nhẹ bằng cả phanh trước và phanh sau thật đều, để tốc độ xe giảm xuống như mong đợi, nhưng không được thấp hơn 20km/h.

Bước 2: Khi tốc độ được kiểm soát, hãy thực hiện đồng thời hai thao tác, là vừa phanh nhẹ để kiểm soát tốc độ, nhưng tay ga đồng thời cũng vặn nhẹ để côn bám. Ngay lập tức, bạn sẽ cảm nhận được rất rõ thời điểm côn bám qua tiếng máy rồ lên và gằn hơn.

Bước 3: Khi côn đã bám ở tốc độ thấp, bạn có thể yên tâm nhả phanh, nhả ga, và xe sẽ từ từ đổ dốc hiệu quả đến bất ngờ.

Trong quá trình đổ dốc từ từ bằng động cơ, nếu xe tải quá nặng và có xu hướng tăng tốc thì bạn có thể kết hợp rà phanh nhẹ, nhưng nhớ phải dùng cả phanh trước và phanh sau.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra được các thành viên các diễn đàn phượt ghi nhận khi đổ đèo bằng xe máy. Sai lầm nghiêm trọng trong một số tình huống là lái xe tắt máy thả trôi. Có thể nhiều người nghĩ rằng tắt máy thả trôi xe sẽ giúp tiết kiệm xăng. Hãy nhớ rằng khi đổ dốc xe sẽ tiêu tốn rất ít xăng. Ngoài ra, thả trôi còn tăng nguy cơ mất lái, cháy phanh hoặc mất phanh.

Ghi đông sắt


logo

Thực hiện: depweb

19/09/2016, 12:00