Ai nói rằng một cuộc tình qua Tinder thì không phải là chủ đề xứng tầm cho một tác phẩm văn chương sâu sắc? Ai nói rằng những mối quan hệ mở không đủ đẹp đẽ và tận hiến để trở thành đề tài cho một tiểu thuyết gia nghiêm túc? Tình nào cũng là tình, như Sally Rooney chứng minh trong tác phẩm với tựa đề đầy chất thơ của cô, “Thế giới tươi đẹp, người ở đâu”.
Bắt đầu câu chuyện, ta có cuộc gặp gỡ đầu tiên sau khi làm quen trên Tinder giữa Alice, một tiểu thuyết gia trẻ tuổi nổi tiếng vừa chuyển tới một thị trấn hẻo lánh sinh sống sau một thời gian dài trầm cảm, và Felix, một anh chàng làm nhân viên kho hàng. Cứ nghĩ một người sáng tác văn chương phải có một chuyện tình kinh thiên động địa, nhưng không, Alice cũng tìm đối tượng trên ứng dụng hẹn hò. Cuộc trò chuyện của họ cũng không có vẻ gì là tràn ngập chất văn thơ. Felix không bao giờ đọc sách. Bạn thân của Alice, Eileen, là một biên tập viên của một tạp chí văn chương nhỏ. Cô vừa vượt qua một cuộc chia tay đau khổ, và rồi gặp lại một chàng trai từ thời thơ ấu. Anh cao lớn, đẹp trai, luôn dịu dàng với cô, thầm yêu cô từ xưa. Mọi thứ hoàn hảo, trừ việc anh đã có bạn gái mất rồi.
Những cuộc tình của thế giới hiện đại không có cái sướt mướt và đắm đuối như trong tiểu thuyết cổ điển. Không ai chết vì ai, cũng chẳng ai sống vì ai cả. Thế nhưng, nếu ai đó nói rằng những người trẻ thế hệ Y, Z không còn biết thế nào là tình yêu nữa thì hãy cứ đọc cuốn sách này, để thấy tất cả những ngọt ngào và đau đớn của ái tình vẫn còn nguyên ở đó, chỉ là, chúng có vẻ ít nghiêm trọng khi lẫn trong vô vàn những khủng hoảng khác của thế giới.
Tựa đề tiểu thuyết vốn là một câu thơ trong bản “Những vị thần Hy Lạp” của thi hào người Đức Friedrich Schiller. Thuở ấy, Schiller cảm thán về thế giới cổ xưa thuần khiết, khi con người còn được sống giữa thiên nhiên. Nhưng nếu Schiller còn sống đến lúc này, có lẽ ông sẽ nhận ra thế kỷ 18 mà ông chán ngấy vẫn còn tốt chán.
Tác giả: Sally Rooney
Danh sách bán chạy nhất của Thời báo New York
Giải thưởng Goodreads Choice cho “Tác phẩm hư cấu hay nhất” năm 2021
Được chọn là “Tiểu thuyết hay nhất” của giải Sách Ireland năm 2021
Eileen và Alice là những người bạn tâm giao. Không chỉ trò chuyện về tình yêu hay các khả năng hôn nhân như những phụ nữ trẻ trong tiểu thuyết của Jane Austen, họ còn biên những bức email dài mênh mang cho nhau, mỗi lá thư như một luận văn về sự tan rã của thế giới. Họ thấy gì? Cửa hàng tiện lợi mà ta bước vào hàng ngày là hiện thân của những gì tồi tệ nhất: chủ nghĩa nô lệ, chủ nghĩa tư bản, sự phá hủy môi trường, sự biến mất kỳ lạ của những nền văn minh lớn. Phải chăng rồi nền văn minh của chúng ta cũng chung số phận? Những câu chuyện về một nhà ngôn ngữ học giải mã ra tiếng Hy Lạp sơ kỳ lẫn lộn trong những câu chuyện chia tay bạn trai. Những ngổn ngang lớn lao của thời đại chen vai thích cánh cùng những nỗi buồn riêng tư be bé. Tâm sự của họ tràng giang đại hải. Họ thất vọng vì mọi thứ, đến mức dường như họ chẳng thực sự thất vọng vì cái gì. Và chẳng phải thế giới Internet của chúng ta được xây dựng như thế hay sao? Ta lướt Facebook, có quá nhiều thứ khiến ta buồn phiền, thế giới quá tệ, nhưng ta có thể làm gì khác ngoài việc tắt ứng dụng ấy đi và sống tiếp.
“Tớ muốn sống khác, nếu cần thì tớ thậm chí dám chết để một ngày nào đó mọi người được sống khác. Nhưng nhìn vào Internet, tớ lại không thấy nhiều thứ đáng để chết. Ý tưởng hay duy nhất có lẽ là hãy tiếp tục quan sát sự khốn khổ cùng cực của con người…”. Eileen viết trong một lá thư gửi Alice.
Nếu Eileen sinh trước vài thế kỷ, cô có thể sắm vai người anh hùng đấu tranh cho lý tưởng của mình. Văn học cổ điển không thiếu những người như thế. Nhưng sinh ra ở thế kỷ 21, người ta chẳng thể làm gì cả. Thế giới điên rồ hơn, nhưng lại không có chỗ cho những nghĩa cử cao đẹp điên rồ. Thế giới đã vào nếp, những người trung lưu trí thức chỉ có thể nhìn ngắm cái thế giới mà họ không bao giờ sửa chữa được. Không ai có quyền phàn nàn về thế giới, sau rốt, chúng ta đều đã chấp nhận để nó xảy ra.
Sally Rooney sinh năm 1991. Cô sớm được ngợi ca như một “thiên tài”, một “tiếng nói của thế hệ mình”. Những tụng ca đến quá nhanh với Rooney có thể khiến một số người ngờ vực. Nhưng người ta có thể ăn may với tiểu thuyết đầu tay, cùng lắm là ăn may tới cuốn thứ hai. Còn cuốn sách này đã là tiểu thuyết thứ 3 của Rooney. Khi viết đến cuốn thứ 3 thì đó không còn là đam mê nữa, đó là sự nghiệp.
Nhân vật Alice, một nhà văn trẻ triệu phú, có lẽ là một alter-ego (bản ngã thay thế) của chính Rooney. Alice nói cô bắt đầu viết văn chỉ mong kiếm được một khoản tiền nho nhỏ. Đáng ra cô phải hạnh phúc vì cô đã trúng tấm vé số với xác suất một trên vài triệu: giàu nhờ văn chương. Thế nhưng, nền công nghiệp xuất bản chẳng như cô nghĩ. Những nhà văn như cô sau rốt chỉ quan tâm đến việc sách bán bao nhiêu bản, được chê hay được khen. Vậy mà khi sáng tác, họ làm như thực lòng lo cho thế giới. Làm một nhà văn thời hiện đại, bạn chẳng còn là chàng Đông Ki Sốt mộng mơ đánh cối xay gió nữa. Bạn thực tế đến tàn nhẫn. Bạn đành thỏa hiệp với sự giả tạo của xã hội.
Khác với tiểu thuyết cổ điển đưa ra một vấn đề và giải quyết vấn đề ấy, tiểu thuyết hiện đại có quá nhiều vấn đề không thể giải quyết. Ai giải quyết được vấn nạn nhựa? Ai giải quyết được sự đổ vỡ của trái đất? Alice và Eileen cuối cùng cũng chỉ có thể xử lý những vấn đề bé tí của riêng mình: những mối hiểu lầm giữa hai người bạn thân, những rắc rối tình yêu, những lần tự làm đau chính mình. Eileen từng nghĩ mình sẽ không thể nào sinh con được – mà đưa một đứa trẻ đến với thế giới u sầu này làm gì cơ chứ? Thế rồi cô vẫn hạnh phúc sinh con cùng người cô yêu. Có thể cô sẽ mang thêm gánh nặng tới trái đất. Có thể cô sẽ lại bắt đầu cái cuộc sống tầm thường mà cô chống lại. Nhưng sao nào, đó chẳng phải cái phần tươi đẹp mà cô được quyền tận hưởng trong thế giới này ư?
Vậy thì thế giới tươi đẹp, người ở đâu? Câu trả lời là nó ở lẫn trong những gì xấu xí.