#ĐẹpSpotlight: Bảo tàng Đạo Mẫu - Tạp chí Đẹp

#ĐẹpSpotlight: Bảo tàng Đạo Mẫu

Sống

Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh là công trình do kiến trúc sư Nguyễn Hà – người vừa chiến thắng giải thưởng Moira Gemmill Prize for Emerging Architecture 2024 – và công ty kiến trúc ARB Architects thực hiện. Công trình này được tạp chí danh giá Domus của Ý đưa vào danh sách “Những dự án kiến trúc hay nhất năm 2023”.  Bảo tàng được xây dựng trên mảnh đất rộng hơn 5.000m2, nằm giữa vườn cây ăn quả 50 năm, với mục đích tôn vinh Đạo Mẫu – tín ngưỡng lâu đời của văn hóa Việt Nam.

Công trình không rác thải

Bảo tàng Đạo Mẫu nằm trong tổ hợp công trình “Linh Từ – Uống Nước Nhớ Nguồn” tại Sóc Sơn của nghệ sĩ Xuân Hinh. Từ khi lên ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện dự án là 5 năm. Ngay khi bắt đầu dự án, gia chủ và kiến trúc sư đã thống nhất rằng sẽ không bỏ đi bất cứ thứ gì thuộc về mảnh đất này. Vậy nên nền gạch, nền đá gỡ lên sẽ được xây thành những bức tường, cây cối chỉ được di dời chứ không bỏ đi… Thậm chí sau quá trình xây dựng, những mảnh ngói vỡ cũng được gom lại và trải ra vườn, nên đây có thể coi là một công trình không rác thải.

Khu vườn ngủ quên

Điểm nhấn cảnh quan cho toàn bộ công trình chính là một vườn vải cổ đã nằm ở mảnh đất cũ từ rất lâu, bị giấu trong rừng cây bừa bộn và hỗn tạp. Thân và gốc cây xù xì mang màu xám xanh, trùng trùng điệp điệp và đầy tính thiêng. Ngay từ đầu, kiến trúc sư Nguyễn Hà đã mong muốn vẻ đẹp siêu thực của vườn vải được hiển lộ. Sau khi dọn sạch những cây tạp, cô tìm cách thiết kế để dẫn dắt người tham quan khám phá ra nơi này. Khi đến đây, ta phải đi qua một lối đi dài, sâu hun hút, đến cuối đường, vườn vải mới xuất hiện đầy ngỡ ngàng, chẳng khác nào hành trình đi tìm kho báu.

Kiến trúc đương đại mang hơi thở truyền thống

Bảo tàng mang kiến trúc hiện đại nhưng có ảnh hưởng sâu sắc từ Đạo Mẫu. Không gian gợi nhớ về không khí cổ xưa; sự linh thiêng của đền đài, sự mờ ảo của sương khói là điều mà bất cứ ai đến đây đều có thể cảm nhận được.

Công trình được dựng lên từ 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ

Kiến trúc sư Nguyễn Hà (ARB Architects) quyết định sử dụng vật liệu chủ đạo là ngói cổ vì ấn tượng với những diện mái ngói rộng, sà rất thấp xuống hiên trong các ngôi đền mà chị từng có dịp đến xem hầu đồng (lễ hội điển hình của Đạo Mẫu). Nghệ sĩ Xuân Hinh sau đó đã tự tay sưu tầm 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ tại 500 ngôi nhà cũ xung quanh Sóc Sơn. Đây là vật liệu không có sẵn vì ngói cổ thường chỉ có ở những ngôi nhà cũ, chuẩn bị được dỡ đi xây lại, nên quá trình thu thập khá gian nan.

KTS Nguyễn Hà vừa chiến thắng giải thưởng Moira Gemmill Prize for Emerging Architecture 2024 – giải thưởng dành cho các kiến trúc sư trẻ

 

Vừa làm vừa thử nghiệm

Việc xây dựng một công trình đặc biệt đòi hỏi quá trình thử nghiệm dài bất tận nhưng không kém phần thú vị. Hầu như các đơn vị thi công đều chưa có kinh nghiệm xây ngói, nên kiến trúc sư của ARB Architects đã đưa ra nhiều cách xây rồi hướng dẫn thợ xây thử. Nghệ sĩ Xuân Hinh và đội ngũ kiến trúc sư phải quan sát những cách làm khác nhau của nhiều đơn vị, sau đó xem đơn vị nào thực hiện tốt nhất để chọn làm người đồng hành.

Công trình hoàn thiện mang đến bất ngờ cho chính đội ngũ thiết kế. Lúc này, họ mới phát hiện ra chất liệu ngói có khả năng cách âm rất tốt. Yếu tố vi khí hậu trong tổ hợp này cũng được tính đến kỹ càng. Các kiến trúc sư đã không cần sử dụng máy điều hòa cho các không gian của bảo tàng.

Mang Đạo Mẫu đến gần hơn với giới trẻ

Bên cạnh mục đích tôn vinh Đạo Mẫu, nghệ sĩ Xuân Hinh mong muốn có thể truyền lại những môn nghệ thuật dân gian như hát chèo, hát văn… cho thế hệ trẻ tại không gian này. Kiến trúc bên ngoài bảo tàng công phu ra sao thì bên trong cũng phong phú không kém, với những bộ sưu tập tranh thờ, tranh vẽ về Tam phủ, Tứ phủ hoặc Tam Tòa Thánh Mẫu, những bộ quần áo hầu đồng cổ, hoành phi câu đối… đã được nghệ sĩ sưu tầm trong khoảng 20 năm.

Trong tương lai, nghệ sĩ Xuân Hinh mong muốn cống hiến dự án này cho cộng đồng, với mục đích mang Đạo Mẫu trở nên thân thuộc với giới trẻ, giúp họ nhìn nhận đây là một tín ngưỡng nội sinh truyền thống có sức sống bền bỉ, đáng được giữ gìn và phát triển của dân tộc.

Ảnh: ARB Architects

Tác giả: Nhi Nguyễn 

01/03/2024, 17:22