Suốt chiều dài hơn 60km từ sân bay Cam Ranh về resort, có một câu hỏi không ngừng nhảy nhót trong đầu tôi: điều gì đang đợi tôi ở Amanoi? Là một người lớn mệt mỏi, tôi đã quen với việc dành cho mình nhiều chuyến nghỉ dưỡng tại những khu resort xa xỉ, nhưng xa xỉ như Amanoi – nơi được mệnh danh là resort dành cho giới siêu giàu với giá phòng có thể lên đến 100 triệu/đêm, thì vẫn là một điều gì đó rất đáng để tò mò.
Xe tiến sâu vào khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa, đưa tôi tới nơi ở của mình trong 2 ngày sắp tới. Từ đây còn phải đi bộ một đoạn đường lắt léo nữa, qua các vách đá lớn, những bậc thang lên xuống và vòm cây chằng chịt mới thật sự đến được “nhà”.
Amanoi rộng 50 hecta với 46 căn villa và residence nằm tựa sơn hướng thủy. Kiến trúc nhà mái ngói có các gian rộng rãi theo thiết kế nhà cổ của người Việt, mang tông màu trung tính nhẹ nhàng, hòa lẫn với rừng cây như một sự tôn trọng dành cho thiên nhiên. Đây là tác phẩm của kiến trúc sư Jean-Michel Gathy, người nổi tiếng với những thiết kế hồ bơi vô cực đẹp nhất hành tinh và không ít công trình được cho là chuẩn mực của giới kiến trúc như Marina Bay Sands ở Singapore, Aman Summer Palace ở Bắc Kinh hay St Regis Lhasa ở Tây Tạng…
Villa của tôi nằm biệt lập, chỉ tiếp xúc với rừng và biển. Nói không ngoa, từ rừng bước một bước lên thềm nhà, mở cửa chính ra là thấy biển. Sự xa xỉ thứ nhất có lẽ nằm ở vị trí. Khó ai có thể mang những tạp niệm ồn ào đến tận nơi này. Cũng chính tại đây, tôi đã được chứng kiến một thay đổi lớn trong suy nghĩ của mình về việc tận hưởng.
Theo lẽ thường, bạn mong đợi gì ở một chuyến nghỉ dưỡng? Hẳn là những ngày nắng đẹp, trời trong, tất thảy hiện tượng thời tiết diễn ra đều phải phục vụ cho trạng thái vui chơi và thư giãn. Nhưng khi tôi đến, trời đang mưa, và sự thật là trời vẫn tiếp tục mưa trong hai ngày sau đó. Xen kẽ giữa những trận mưa và gió mạnh bạo ở vùng vịnh biển, cũng có lúc nắng lên. Từ mái hiên được thiết kế mang đầy tính thiền, tôi đã được chứng kiến đủ mọi hình thái của biển cả, từ lúc mặt nước màu xanh trong, sóng bình lặng đến khi nước chuyển sang màu xám bạc, mưa lớn, sóng vồ bãi đá. Nhưng tôi không tiếc rằng mình đã không có những ngày nắng hiền hòa; trái lại, dù mưa gió, bao trùm lên tôi trong khoảng thời gian ở đây vẫn là cảm giác thư thả và bình yên. Bình yên như đúng ý nghĩa của cái tên Aman trong tiếng Phạn. Tôi nhận ra rằng trước đây mình đã tự tiêu chuẩn hóa cái đẹp. Tôi cứ cho rằng biển thì phải luôn tĩnh lặng, êm ái, và những chuyến đi biển luôn phải gắn liền với nước ấm, nắng trong. Nhưng rõ ràng, đi biển vào ngày mưa cũng có cái thú riêng của nó.
Đó là sáu chữ ngắn gọn tóm tắt cả một lịch sử làm gốm của người Chăm, tôi học được điều này khi tham gia lớp học làm gốm trong resort. Dù trời mưa lạnh, cô Trình, một nghệ nhân làm gốm ở làng Bàu Trúc, vẫn đi hàng chục cây số đến đây để dạy tôi làm một chiếc bình hoa. Người Chăm ở Ninh Thuận chỉ dùng đất sét sông Quao để làm gốm, và không dùng bàn xoay, họ nặn gốm bằng tay. Toàn bộ việc pha đất đều do phụ nữ đảm nhiệm. Tôi đã há hốc miệng khi chứng kiến cảnh cô chỉ đi vòng quanh chiếc bàn kê trong 2 phút mà nắn ra được chiếc lọ hoa tròn vành vạnh, và cũng chỉ bằng một con dao nhỏ, cô tạo ra tất cả các họa tiết trên lọ hoa.
Khác với gốm ở các vùng khác, gốm Bàu Trúc không tráng men mà chỉ có màu nâu hoặc đen, trong đó nâu là màu đất nung, còn đen là màu của vỏ hạt điều. Người Chăm không nung gốm trong lò mà chất rơm và củi cây me trên bãi đất trống để nung gốm lộ thiên. Cứ cái nhỏ chất lên cái to, gốm được nung từ chiều, để qua đêm đến sáng hôm sau thì chín.
Amanoi nằm ở Ninh Thuận, khu vực sinh sống của cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, chính vì vậy khi đến đây, khám phá văn hóa Chăm là một trong những gạch đầu dòng tôi đặt ra cho mình. Một chiếc xe 6 chỗ đưa tôi và người đồng hành cùng 2 hướng dẫn viên du lịch của resort tiến về phía thành phố Phan Rang, lần lượt khám phá 5 địa điểm: Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, quần thể đền tháp Po Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp và chợ Phan Rang. Rất nhiều điều kỳ lạ về vương quốc Chăm cổ được hé mở, chẳng hạn như sự bí ẩn của những viên gạch trên các tòa tháp – trải qua hàng nghìn năm chúng vẫn không lên rêu mốc, không bị xô lệch dù chỉ được đặt chồng lên nhau không cần đến xi măng, hay luật lệ chỉ tổ chức đám cưới hoặc đám ma vào một ngày trong tháng…, nhưng gây ấn tượng với tôi hơn cả vẫn là đặc quyền kỳ lạ của phụ nữ Chăm.
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên gia đình nào cũng mong đẻ được con gái. Những đứa trẻ người Chăm mang họ của mẹ. Trong gia đình, người có tiếng nói là phụ nữ. Trẻ em gái được đầu tư hơn và chúng sẽ trở thành người thừa kế toàn bộ nhà cửa, đất đai mà cha mẹ để lại. Đặc biệt, con gái út mang trọng trách thờ phụng sẽ là người được cho nhiều tài sản nhất (hướng dẫn viên của chúng tôi chính là một cô con gái út, cô mỉm cười khẳng định điều này). Trong gia đình người Chăm, mặc dù người đàn ông vẫn là lực lượng lao động kiếm tiền nhưng nếu hai vợ chồng chia tay, người chồng sẽ phải tay trắng quay về nhà mẹ. Hóa ra, trong khi phụ nữ ở phần còn lại của thế giới vẫn miệt mài đấu tranh giành nữ quyền thì ở mảnh đất này, cuộc sống của phụ nữ Chăm lại dễ dàng hơn. Trong phút chốc, cô hướng dẫn viên bỗng trở thành người phụ nữ giàu có nhất trong mắt tôi trên chuyến xe ngày hôm ấy.
Trải nghiệm văn hóa Chăm tiếp tục kéo dài đến bữa tối.
Trong một nhà hàng nhỏ nhắn riêng tư chỉ dành riêng cho 2 người, chúng tôi đã gặp một thầy cúng địa phương và được tham gia vào buổi lễ cầu an. Đây là nghi thức thường được người Chăm tiến hành vào đầu tháng 4 theo lịch Chăm (cuối tháng 7 dương lịch) nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy nhà, dê gà đầy sân… Trong ánh nến lung linh huyền bí, thầy cúng đọc một bài kinh và kết thúc bằng việc rót rượu lên lòng bàn tay chúng tôi. Tôi dấp rượu lên người như một cách thanh tẩy
những điều xấu xa, đón những may mắn tới.
Lễ cầu an mở đầu đã mang đến không khí huyền bí đặc biệt cho bữa tối. Cùng với âm nhạc Chăm, người phục vụ mang trang phục Chăm truyền thống, còn có một căn bếp mở với người đầu bếp nấu ăn riêng cho chúng tôi suốt buổi tối hôm nay. Bữa tối theo kiểu fine dining gồm những món ăn được phát triển từ nền ẩm thực Chăm truyền thống với các nguyên liệu như cá suối, rau rừng…, nhưng gia giảm theo cách hiện đại. Sacred Chăm Dinner chắc chắn là trải nghiệm mà bạn nên thử khi đến Amanoi.
Vài năm trước, khi biết đến Amanoi qua những video trên YouTube, tôi đã rất ấn tượng với chiếc phòng tắm có hai cánh cửa: một cánh cửa chính ngăn với phòng khách, một cánh cửa phụ mở thẳng ra khu vực hồ bơi. Lối thiết kế thông minh giúp việc sinh hoạt trở nên vô cùng tiện lợi: bước lên từ hồ bơi, ta có thể đi thẳng vào phòng tắm, tắm gội, rồi từ đó vào nhà mà không làm ướt sàn nhà.
Những ngày ở đây, tôi càng nhận ra rằng đẳng cấp thật sự đến từ những điều rất nhỏ. Hơn cả vị trí đắt giá hay nội thất cao cấp, thứ thật sự thuyết phục tôi là quy cách phục vụ và vận hành đầy tinh tế ở resort này. Trong phòng tắm và trên bồn rửa mặt, ngoài những vật dụng chăm sóc cá nhân thường thấy, luôn có sẵn vài chiếc chun buộc tóc. Mỗi khi tôi ra khỏi villa và quay trở về, luôn thấy dây sạc điện thoại của mình đã được gấp lại gọn gàng, bọc trong một chiếc bao da. Cứ đến tối, chiếc ti vi tự động quay về phía giường ngủ để tôi có thể nằm xem phim thay vì ngồi trong phòng khách như ban ngày. Lịch trình hoạt động của tôi ra sao, dường như mọi nhân viên trong resort đều nắm rõ, và vì thế, những thủ tục rườm rà bị loại bỏ. Ví dụ khi tôi ngồi ăn sáng, người phục vụ ở nhà hàng đã biết rằng hôm nay tôi sẽ có một suất massage lúc 10 giờ và cô ấy đặt sẵn xe điện cho tôi. Những người đang làm việc ở resort này, họ nồng ấm nhưng đầy ý tứ, họ luôn giữ một khoảng cách nhất định để tôi cảm thấy thoải mái như đang được nghỉ ngơi một mình, nhưng mặt khác lại luôn có mặt trước cả khi tôi cần phải mở lời. Và đặc biệt, những vị khách nữ chắc chắn sẽ thích điều tôi nói sau đây: họ chụp ảnh rất đẹp!