“Đệ nhất fashionista” Chiara Ferragni và tiếng nói nữ quyền mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang

Với tư cách là MC kiêm người đồng tổ chức Lễ hội Âm nhạc Sanremo – sự kiện giải trí thường niên lớn nhất nước Ý, “đệ nhất fashionista” Chiara Ferragni đã “mượn” ngôn ngữ thời trang để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về những định kiến giới và quyền tự do của người phụ nữ.

Xuyên suốt thời gian diễn gia sự kiện, Chiara Ferragni đã mặc trang phục của hai nhà mốt cao cấp là Christian Dior và Schiaparelli. Đặc biệt, toàn bộ trang phục đến từ Dior đều do chính Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri lên ý tưởng và thiết kế riêng cho cô. Là những người phụ nữ thành đạt và có tiếng nói trong ngành thời trang, cả Chiara và Maria đều muốn những thiết kế này có thể ẩn chứa nhiều thông điệp hơn là vẻ đẹp bên ngoài đơn thuần. “Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không muốn những chiếc đầm đơn giản là lập dị hoặc đẹp một cách tự phụ. Chúng tôi cảm thấy cần phải mang đến sân khấu nổi tiếng nhất nước Ý một thông điệp xã hội thông qua thời trang.” – fashionista hàng đầu thế giới cho hay.

Dưới đây là những bộ trang phục vô cùng ấn tượng của Chiara Ferragni tại Lễ hội Âm nhạc Sanremo, với những thông điệp ý nghĩa về sự phản đối thù hận, bạo lực và những định kiến giới đối với phụ nữ.

“The Manifesto Dress”: Bản “tuyên ngôn” đanh thép về quyền tự do của phái nữ

“Hãy suy nghĩ tự do” – đó là thông điệp đầu tiên mà Chiara Ferragni lựa chọn để gửi đến khán giả tại sự kiện, những người đã chào đón cô bằng sự ủng hộ nhiệt tình nhất. Với những lớp lụa taffeta đen bồng bềnh bung nở như cánh hoa, chiếc đầm mang tên “The Manifesto” (bản tuyên ngôn) được lấy cảm hứng từ kiểu dáng trang phục cổ điển đặc trưng của nhà mốt Dior, và được hoàn thiện bằng một chiếc khăn choàng màu trắng, tạo hiệu ứng nhăn, có thêu dòng chữ “Pensati libera” nổi bật.

“Pensati libera” trong tiếng Ý có nghĩa là “Hãy nghĩ rằng bản thân bạn được tự do”. Thông qua những từ ngữ đơn giản ấy, Chiara Ferragni hi vọng cô và đội ngũ thiết kế có thể truyền cảm hứng cho tất cả phụ nữ, để họ cảm thấy tự do thoát ra khỏi vai trò mà xã hội áp đặt lên mình. Tuyên ngôn này thể hiện sự nhận thức của Chiara – người luôn đấu tranh để không bị “đóng khung” trong những khuôn mẫu mà chế độ gia trưởng đã xác định cho cô ấy. Nó cũng tựa như một lời hứa mà cô tự hứa với mình mỗi ngày, rằng: không bao giờ phải cảm thấy tội lỗi cho sự thành công của mình với tư cách là một người phụ nữ. “Pensati libera” là tuyên ngôn dành cho tất cả những người phụ nữ mong muốn được là chính mình mà không bị phán xét.

“The Shameless Dress”: Tại sao phụ nữ lại phải “xấu hổ” về cơ thể mình?

Bộ trang phục thứ hai là thiết kế đầm ôm màu nude, mô phỏng lại chính xác mọi đường nét trên cơ thể của Chiara thông qua kỹ thuật thêu trompe l’oeil, được làm thủ công bởi những người thợ may Haute Couture dày dặn kinh nghiệm nhất của Dior. Chiếc đầm lấp lánh tuyệt đẹp được lấy cảm hứng từ sự xấu hổ luôn bị áp đặt lên phụ nữ, bắt đầu với Eve, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử bị thuyết phục để cảm thấy xấu hổ về cơ thể mình.

Ảo ảnh khỏa thân trên chiếc đầm nhằm nhắc nhở mọi người rằng: việc phụ nữ quyết định phô ra vẻ gợi cảm của mình không phải là lý do để biện minh cho hành vi bạo lực do đàn ông gây ra. Xuất hiện trước công chúng trong diện mạo gần như “trần trụi”, Chiara muốn thay tiếng nói cho những phụ nữ trên toàn thế giới đang phải chịu sự ngược đãi và cấm đoán.

“Mặc đồ cho phụ nữ với sự khỏa thân có nghĩa là cô ấy không có gì để giấu diếm, rằng cô ấy là bất khả xâm phạm, rằng cô ấy đang đầu tư cơ thể của mình với một ý nghĩa vượt xa sự mong muốn của đàn ông. Chiếc đầm này tỏ lòng tôn trọng vẻ đẹp cơ thể phụ nữ, khi mà ở một số quốc gia trên thế giới, quyền sinh sản của họ bị đe dọa, tự do học tập và làm việc của họ bị tước đi, quyền có một cuộc sống hòa bình của họ bị chiến tranh chà đạp.” – NTK Maria Grazia chia sẻ về ý nghĩa của chiếc đầm.

“The Cage Dress”: Phụ nữ và những “chiếc lồng” giam giữ cuộc đời họ

Chiara và cô con gái nhỏ Vittoria của mình đã cùng nhau diện bộ trang phục với tổng thể kết cấu tựa như một “chiếc lồng” do Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri thiết kế. Được lấy cảm hứng từ tác phẩm “Remote control II” của Jana Sterbak, thiết kế gồm bộ jumpsuit màu da, được mặc bên trong một chiếc váy vải tulle trong suốt, dựng khung theo cấu trúc của những chiếc đầm thời Victoria. Theo NTK Maria Grazia Chiuri, bộ trang phục là lời nhắc nhở về những giới hạn mà người phụ nữ phải chịu đựng, bởi chính giới tính của mình. Chiếc đầm tuyệt đẹp được đính pha lê lung linh với phần đuôi váy cứng cáp, tựa như vẻ đẹp kỳ diệu của người phụ nữ bị xã hội gia trưởng lợi dụng để xây nên “chiếc lồng” giam giữ cuộc đời họ.

Trên tài khoản Instagram với hơn 28 triệu người theo dõi của mình, “đệ nhất fashionista” đã bày tỏ hy vọng về quyền tự do thoát khỏi mọi “chiếc lồng” của nữ giới, thậm chí ngay cả khi đó là một chiếc lồng vàng tinh xảo đẹp đẽ như cô và con gái mình đang khoác lên người: “Ý tưởng mà Maria Grazia Chiuri muốn truyền tải ở đây là sự giải phóng các thế hệ tương lai khỏi những khuôn mẫu mà phụ nữ thường bị ‘cầm tù’ trong đó. Chiếc váy tượng trưng cho niềm hy vọng phá vỡ những quy ước mà chế độ gia trưởng đã áp đặt lên chúng ta, hy vọng cho những cô gái bé nhỏ hôm nay, cũng chính là những người phụ nữ của ngày mai”. 

“The Hate Dress”: Đừng để những lời chỉ trích tiêu cực cản trở bạn!

Là một ngôi sao trên mạng xã hội, Chiara Ferragni đã luôn phải đối diện với những bình luận tiêu cực ngay từ khi cô bắt đầu sự nghiệp thời trang. Và “The Hate Dress”, cũng như những thành công cô gặt hái được trong suốt thời gian vừa qua chính là lời đáp trả dành cho các anti-fan. Chiếc đầm trắng lệch vai với họa tiết là những lời chỉ trích nhắm vào Chiara về ngoại hình, cơ thể, và trên hết là sự tự do để cảm thấy mình là một người phụ nữ (cũng như một người mẹ) của cô. Những câu từ xấu xí được thêu bằng ngọc trai đen trên nền chiếc đầm trắng muốt, tựa như đang kể lại một câu chuyện về sự khinh miệt vô ích hàng ngày. Thêu những lời lăng mạ lên chiếc đầm cũng giống như việc để mặc cho những bình luận tiêu cực “lướt qua” cuộc đời, và nhắc nhở phụ nữ đừng cho phép những kẻ thù ghét làm chùn bước. Bởi chính ý kiến ​​của những người yêu thương chúng ta mới thực sự quan trọng.

“The Warrior Woman and Mother”: Phụ nữ sinh ra không phải chỉ để làm Mẹ

Vào ngày bế mạc sự kiện âm nhạc, fashionista người Ý đã mặc bốn mẫu thiết kế cao cấp đến từ nhà mốt Schiaparelli. Đầu tiên là chiếc đầm bằng lụa satin màu xanh điện có phần ngực mạ vàng, được điêu khắc theo cấu trúc bức tượng nửa người, với chiếc vòng cổ hình ổ khóa vàng. Độ cứng cáp của bộ giáp vàng tạc trên ngực Chiara đại diện cho nguồn sức mạnh tiềm tàng của nữ giới, khi mà không cần bắt chước nam giới cũng có thể được nhìn nhận một cách công bằng. Chiếc đầm lụa satin màu xanh lam ngụ ý về sự thiêng liêng của thiên chức làm mẹ, mà ở đây được thể hiện như hình mẫu người phụ nữ đang cho đứa con bé bổng của mình uống sữa. Thông qua thiết kế tinh xảo này, Chiara, bản thân cũng là một người mẹ, hy vọng rằng xã hội sẽ không coi phụ nữ chỉ là công cụ sinh sản. Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, nhưng phụ nữ còn là những “chiến binh” đang phải đấu tranh với vô số vai trò và trách nhiệm, chứ không chỉ đơn thuần là để làm Mẹ.

“The Human Rights’ Dress”: Phụ nữ và quyền được tự do quyết định đối với cơ thể mình

Một thiết kế rất ấn tượng khác của Schiaparelli là chiếc đầm nhung đen dài có phần cổ khoét sâu. Với điểm nhấn là một chiếc vòng cổ bằng vàng mô phỏng hình dáng tử cung và các bộ phận đặc trưng của nữ giới, bộ trang phục nhắc nhở mọi người rằng quyền sinh sản là quyền con người. Việc tiếp cận phá thai an toàn và hỗ trợ sinh sản là vấn đề liên quan đến quyền con người, vậy nên chúng ta không thể từ bỏ nó được. Mỗi người, dù là đàn ông hay phụ nữ, đều phải được tự do quyết định về thân thể của mình. Chiara Ferragni tin rằng, cô đấu tranh cho việc phụ nữ được tự do đưa ra quyết định đối với cơ thể mình, không chỉ vì bản thân cô, mà còn vì chính con gái cô nói riêng, và thế hệ nữ giới tương lai nói chung. Chiara không muốn con gái mình rồi sẽ lại phải tiếp tục đấu tranh vì những quyền lợi căn bản mà đáng ra ai cũng được hưởng.

“The Masculine Femininity”: Nam tính, nữ tính và khuôn mẫu giới độc hại

Chiara khoe vẻ trọn vẻ đẹp đầy quyền lực trong bộ quần áo nhung đen, được tạo điểm nhấn bằng một chiếc corset trắng đính kết ngọc trai theo mô hình giải phẫu cơ bụng. Trang phục nhung đen với phần đệm vai tạo cảm giác nam tính lịch sự, nhưng chiếc corset lại mang đầy nét nữ tính gợi cảm. Sự kết hợp này nhằm mỉa mai khuôn mẫu giới độc hại, khi mà nhiều người cho rằng, muốn được coi trọng trong một số lĩnh vực nhất định, phụ nữ cần phải cư xử như nam giới hoặc cần ăn mặc như nam giới để thể hiện kỹ năng lãnh đạo. Với thiết kế này, Chiara muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với “tính nữ”, dẫu nó luôn bị xã hội nam quyền xem nhẹ: “Đừng từ bỏ sự nữ tính của mình vì ai đó coi nó là điểm yếu, bởi sức mạnh của phụ nữ nằm ngay ở đó”.

“Body painting”: Cơ thể người phụ nữ là kiệt tác vĩ đại nhất của tạo hóa

Có phần đơn giản hơn ba chiếc đầm trên nhưng cũng không kém phần ấn tượng, là thiết kế đầm satin xanh dáng suông, với họa tiết vẽ tay nguyên bản bằng vàng nằm trong BST Xuân Hè 2023 của Schiaparelli. Dấu ấn dáng hình người phụ nữ được in mạ vàng trên nền xanh, gợi lên sự giải phóng cơ thể họ khỏi mọi ràng buộc và định kiến cổ hủ. Sự táo bạo trong từng đường nét nghệ thuật đó hoàn toàn phù hợp với những thông điệp mà Chiara muốn truyền tải tại Lễ hội Sanremo. Cô nói thêm về ý nghĩa của chiếc đầm trên tài khoản Instagram cá nhân: “Cơ thể phụ nữ được giải phóng khỏi trạng thái bất động như ma-nơ-canh… Hãy giải phóng cơ thể bạn và làm những gì bạn muốn, bởi cơ thể người phụ nữ là kiệt tác vĩ đại nhất của tạo hóa.”


From the same category