David Payne: "Âm nhạc của tôi chỉ có cảm xúc và sự kết nối" - Tạp chí Đẹp

David Payne: “Âm nhạc của tôi chỉ có cảm xúc và sự kết nối”

Sao


Những nhạc sĩ, nghệ sĩ độc lập tồn tại trong đời sống âm nhạc Việt Nam như một dòng mạch ngầm, lặng lẽ nhưng miệt mài. Các nghệ sĩ này đã lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, không cần tới những chiêu trò nhằm đánh bóng tên tuổi hay lôi kéo công chúng. Với họ, thỏa mãn đam mê đã là một thành công.

Chùm bài “Nghệ sĩ độc lập – sóng ngầm trong dòng nhạc Việt” của mục Giải trí, báo Đẹp online xin giới thiệu với độc giả một số gương mặt indie (viết tắt của independent music, âm nhạc độc lập) tiêu biểu nhằm giúp người đọc hình dung ra con đường theo đuổi sáng tạo của họ.

Các bài viết trong chuyên đề:

Đường xa cho nghệ sĩ độc lập Việt
Hải Bột – chàng Bờm minh triết
Tuấn “gà” và “tiếng gáy thời gian”
Dũng Joon: “Chọn mảnh đất nhỏ…
David Payne: “Âm nhạc của tôi chỉ có cảm xúc và sự kết nối”

Tổ chức: Linh Hanyi


– Cơ duyên nào đã đưa anh – một người nước ngoài – tới với Ngũ Cung, một nhóm nhạc rock của Việt Nam?

– Tôi gặp Ngũ Cung trong một buổi biểu diễn ca nhạc, lúc đó chúng tôi nói chuyện một chút, tôi cũng đã xem họ biểu diễn một vài lần trước đó ở Hà Nội, tôi đã hiểu khá rõ về sự nổi tiếng của họ. Tất nhiên một thời gian dài tôi cũng chẳng có liên hệ gì với Ngũ Cung, cho tới khi Thắng mở một cửa hàng bán nhạc cụ ở phố Hào Nam. Tôi thường tới đó xem, vì đó là một cửa hàng nhỏ nhưng rất tuyệt, tôi có tất cả những gì tôi cần cho cây guitar của mình.

 

Sau đó, tôi có cơ hội được chơi cùng họ trong chương trình “Đáo Xuân” của Đào Anh Khánh và một
vài lần khác nữa. Tôi nhận được điện thoại của Hà, người quản lý của
nhóm, anh mời tôi vào ban nhạc nếu tôi thấy hứng thú. Tất nhiên là tôi
thấy rất tuyệt vời vì được tham gia vào Ngũ Cung.

Với tôi, Ngũ Cung là những chàng trai rất thân thiện,
vui vẻ, và thứ hai, họ là những nghệ sĩ rất giỏi. Lý do cuối cùng là
tôi thực sự thích sự nhiệt tình và năng lượng mà họ dành cho âm nhạc.

– Tôi được biết ngoài âm nhạc, anh có một công
việc tốt với thu nhập cao. Điều kiện kinh tế dư dả có phải là một trong
những yếu tố khiến anh đ
ược tự do hơn với âm nhạc?

– Tôi chơi nhạc không phải vì tiền, mà vì đam mê. Điều đó cũng khiến đời sống âm nhạc của tôi đơn giản hơn rất nhiều. Tôi không bận tâm tới việc kiếm tiền từ âm nhạc, trong khi các nghệ sĩ khác phải vật lộn giữa việc kiếm tiền để duy trì cuộc sống, và được chơi thứ âm nhạc mà họ thích. Còn với tôi, khó khăn lớn nhất là tìm ra thời gian rảnh rỗi để chơi nhạc. Tôi biết mình rất may mắn vì được chơi cùng những người tuyệt vời, được mời biểu diễn ở nhiều nơi, nhưng nhiều khi tôi phải từ chối vì không chịu được áp lực về thời gian.

Tất nhiên, thật tuyệt khi được chơi nhạc cùng những người yêu âm nhạc, thay vì phải nghĩ tới việc mình sẽ kiếm được bao nhiêu tiền, mình có thể nổi tiếng không… Trên thực tế, tôi rất tự do với âm nhạc của mình. Tôi chẳng phải lo lắng về điều gì. Tôi chỉ tận hưởng âm nhạc thôi. Tôi đã trở nên “độc lập” theo hướng đó đấy.

Ngoài ra, ở Hà Nội, cũng không dễ để kiếm được nhiều tiền từ âm nhạc đâu. Để chơi được chuyên nghiệp hơn, ban nhạc đã bỏ ra nhiều thời gian để tập luyện, để viết nhạc, để mua sắm nhạc cụ…  Tôi rất may mắn, và tôi thực sự muốn ủng hộ, giúp đỡ những đồng nghiệp, bạn bè của tôi, những người đã dành trọn thời gian của họ cho âm nhạc. Họ phải nuôi sống bản thân, hỗ trợ gia đình… vì thế, chúng ta nên nhớ rằng mình cũng nên trả tiền cho nhạc hay nữa.

Có thể người ta sẽ đánh giá tôi, rằng tất nhiên anh ta chơi nhạc được rồi, anh ta muốn chơi gì mà chẳng được, vì anh ta có tiền mà.

 

– Đúng thế. Vậy nếu anh không có tiền thì sao?

– Tất nhiên, nếu không có tiền thì tôi sẽ thấy khó khăn để sống, nhưng tôi lại có nhiều thời gian hơn cho âm nhạc. Cuộc sống vốn không thể đoán trước được mà. Thành thực mà nói, với tôi, dù có việc khác hay không, có ban nhạc hay không, có khán giả hay không, tôi vẫn chơi nhạc, chơi cho chính mình, vì đó là một phần trong cuộc sống của tôi.

– Thế còn những khó khăn khác trong cuộc sống? Sẽ ra sao nếu anh đau khổ hơn, kém may mắn hơn?

– Chuyện đó là tốt cho âm nhạc, và tôi có thể viết ra được nhiều thứ hay. Bạn biết đấy, nhiều nghệ sĩ trên thế giới có cuộc sống rất khó khăn, nghèo đói hoặc phải trải qua chiến tranh,… tôi nghĩ đó là một phần của cuộc sống người nghệ sĩ.

Bạn có thể dành rất nhiều tiền để mua nhạc cụ, nhưng bạn cũng có thể tạo ra âm nhạc với những thứ đơn giản, rẻ tiền. Tôi cố gắng để có những nhạc cụ tốt nhất có thể, nhưng cũng chẳng sao nếu tôi chỉ có một cây guitar cũ và bình dân.

– Điều gì ở âm nhạc Việt Nam khiến anh thấy hứng thú nhất? Và điều gì khiến anh bận tâm nhất?

– Tôi rất say mê với một số loại âm nhạc truyền thống của đất nước này, như hát xẩm, tôi thích nghe Hà Thị Cầu. Giọng hát của bà thực sự hay tới không thể tin được, rất giàu có, rất nhiều cảm xúc. Đây là loại nhạc tôi thích nhất ở Việt Nam, bên cạnh Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… Cải lương cũng rất ấn tượng, cả vọng cổ nữa, tôi mất khá nhiều thời gian để hiểu và đánh giá cao những âm nhạc này.

Tôi không chú ý nhiều lắm tới pop Việt. Tôi biết một chút về nhạc Việt đương đại, và tôi nghĩ các bạn vẫn đang phát triển, vẫn còn một con đường rất dài để đi. Đây không phải là bí mật: rất nhiều người trẻ Việt không quan tâm tới nhạc Việt.  Họ thích nhạc từ nước ngoài hơn, ví dụ như từ Hàn Quốc, từ Mỹ… Tôi nghĩ mọi người đều có quyền chọn nhạc họ thích, nhưng tôi thực sự hy vọng hai điều: một là mọi người quan tâm hơn tới lịch sử âm nhạc Việt, với những người thực sự đáng chú ý qua nhiều năm, nhất là khi đặt họ trong bối cảnh thời đó, ví dụ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Nguyễn Cường,…

“Tôi phát hiện ra Hà Nội là một nơi rất tuyệt vời để sống, đặc biệt là khoảng thời gian này, khi mọi thứ thay đổi rất nhanh, rất nhiều. Tôi đoán tôi đến đây vì một lý do, và quyết định ở lại vì một lý do khác, dù sao thì tôi vẫn ở đây.

Sau gần 15 năm, Hà Nội đã quá quen thuộc với tôi, giống như một quê hương thứ hai, nhưng tôi vẫn có những lý do hay ho để ở lại nơi này: những người bạn thân thiết, cơ hội để chơi nhạc, văn học Việt Nam, các bài thơ đẹp… Tôi cũng ở lại vì con trai nhỏ của tôi. Mẹ của cháu là người Việt Nam, vì thế, với tôi, đây là cơ hội được giúp cháu hiểu về nước Việt và hiểu về bản thân như một người mang hai dòng máu Úc –Việt…”

Tôi tới từ Úc, và tôi cũng lớn lên với âm nhạc từ Mỹ, từ Anh, từ châu Phi… Tôi biết người trẻ nên nghe nhiều loại nhạc, họ tiếp nhận được nhiều từ đó, nhưng tôi cũng hy vọng họ có thể sáng tạo, mang lại điều gì từ âm nhạc Việt Nam đến với thế giới.

Tháng trước, tôi có cơ hội tới New York và tôi gặp các nghệ sĩ độc lập ở đây từng tham gia trình diễn tại “Đáo Xuân” của Đào Anh Khánh. Điều này khá thú vị, vì chúng tôi đều từng gặp nhau ở Hà Nội và chúng tôi rất hạnh phúc vì đã có những ảnh hưởng nhỏ của Việt Nam ở trong show diễn này, đặc biệt là âm nhạc của những dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Buổi biểu diễn của chúng tôi đã nhận được những phản hồi tốt của khán giả. Tôi nghĩ mọi người thích nó, hy vọng thế.

– Thực ra tôi đã gặp nhiều nghệ sĩ nước ngoài và họ đều có vẻ hứng thú, yêu thích âm nhạc dân tộc hơn chính những người trẻ ở đất nước tôi.

– Lại một lần nữa, tôi phải thừa nhận rằng âm nhạc của các bạn thú vị với tôi vì một phần do tôi tới từ đất nước khác. Với tôi, nó thật tươi mới, thú vị. Tôi nghĩ, những người trẻ Việt Nam có thể họ nhìn thấy nhiều thứ mới mẻ, hay ho khác từ âm nhạc của các nước khác, bên ngoài Việt Nam. Mọi người bây giờ có rất nhiều phương tiện để tìm hiểu thế giới, ví dụ qua Internet, vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Ở văn phòng của tôi cũng vừa có một cuộc thảo luận khá vui về chủ đề “mất gốc”, về những gì nên giữ ở nền văn hóa nước này, và những gì nên du nhập từ bên ngoài. Điều đó tùy thuộc vào mỗi người Việt Nam, họ tự quyết định xem điều gì giá trị. Bạn biết đấy, văn hóa thì phải “sống”, không thể đặt nó vào bảo tàng, hay “ướp đá” nó mà muốn nó tồn tại. Hãy tái sinh ra nó thêm nữa, thêm nhiều nữa.

Rất dễ để bi quan về người trẻ, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm đó. Tôi nghĩ nhiều người trẻ đang làm những chuyện rất tuyệt vời, rất cố gắng sáng tạo, và tôi không thích nghe người ta nói những điều tiêu cực, thất vọng hay xấu hổ về văn hóa Việt Nam. Rất nhiều chuyện thú vị đang xảy ra. Với tôi, Việt Nam đang ở trong một sự chuyển giao khá phức tạp, và tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tìm ra cách sáng tạo để tiến lên.

 

– Theo như chia sẻ của anh, anh đã nhận được nhiều từ âm nhạc Việt Nam. Vậy có bao giờ anh nghĩ mình sẽ mang nhiều thứ mới mẻ khác từ bên ngoài để làm giàu có cho nền âm nhạc của đất nước này?

– Những người bạn của tôi, ví dụ những người tổ chức CAMA festival, đã cố gắng mang âm nhạc toàn cầu tới đây. Nhưng tôi nghĩ với sự phát triển của công nghệ và Internet, điều đó cũng không cần thiết lắm. Có rất nhiều người làm việc này, ví dụ các sứ quán, các trung tâm văn hóa, họ thường giới thiệu rằng ở Úc chúng tôi làm thế này, ở Mỹ chúng tôi làm thế này… Điều đó là rất tốt, nhưng tôi đang cố hiểu văn hóa Việt Nam sâu hơn.

– Nếu được nói về âm nhạc của mình, anh muốn giới thiệu những gì?

– Thật khó để nói về chính âm nhạc của mình, vì nó không phải là phong cách của tôi. Tôi không quen quảng bá bản thân (cười). Nhưng tôi đoán tôi có thể nói gì đó.

Tôi chơi nhạc với rất nhiều người ở Hà Nội, tôi chơi rất nhiều loại nhạc, và chúng tôi luôn tìm ra cách để hòa hợp với nhau. Có cả một thế giới rộng lớn với rất nhiều nghệ sĩ, và họ biết rằng nếu so sánh về kỹ thuật, họ có rất nhiều lợi thế so với tôi, vì họ tập nhạc cả ngày, nhưng tôi cảm thấy rằng họ vẫn mời tôi biểu diễn cùng họ. Tôi nghĩ nguyên nhân nằm ở cảm xúc, cảm giác trong âm nhạc, chứ không phải tôi có thể chơi khó, chơi giỏi như thế nào.

Tất nhiên, tôi còn rất nhiều thiếu sót ở kỹ thuật, có nhiều kỹ năng mà tôi cần phải hoàn thiện, nhưng điều quan trọng nhất với tôi ở âm nhạc là cảm xúc, là cách tôi cảm nhận và khám phá thế giới và sự kết nối, sự liên kết với khán giả, sự chia sẻ về cảm giác với những người nghe khi tôi thấy hạnh phúc, hy vọng, buồn bã, tức giận…

Đó cũng là lý do âm nhạc trở nên quan trọng đến thế. Đó là một thứ ngôn ngữ giàu có. Âm nhạc là cách giúp tôi hiểu và khám phá mọi người, dù chúng tôi gặp phải rào cản ngôn ngữ. Chúng tôi thực sự đã giao tiếp với nhau bằng âm nhạc. Tôi có những người bạn Việt đã chơi nhạc cùng tôi trong khoảng 10 năm. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau và cùng chơi nhạc, và chỉ như thế là đủ hiểu hết tất cả. Điều đó nghe hiển nhiên quá, nhưng nó vẫn đúng.

– Xin cảm ơn anh!

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

22/08/2013, 11:48