Đất nước của… hội hè, lễ lạt!


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Cả nước hiện có hơn 500 ngày truyền thống, ngày kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, các tổ chức và địa phương. Đó là con số được nêu trong Dự thảo nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam vừa được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch trình Thường vụ Quốc hội ngày 14/1 vừa qua.

Một con số phải nói là khá “đồ sộ”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đồ sộ” này, theo Bộ VH-TT&DL là bởi chúng ta chưa có văn bản quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xét, công nhận. Mỗi cơ quan có một phương pháp và cách làm riêng nên hiện nay hầu hết các ban, bộ, ngành, các tổ chức và địa phương đều đã có ngày truyền thống, ngày thành lập, tái thành lập và ngày kỷ niệm. Từ cách làm khá “tùy hứng” này dẫn đến việc công nhận các ngày nói trên không có sự thống nhất. Ví dụ, cùng một ngành hay lĩnh vực lại có nhiều ngày truyền thống, ngày kỷ niệm. Rồi nhiều cấp, nhiều cơ quan lại công nhận những ngày rất khác nhau…
 
Dẫn chứng cho việc này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ ra sự chồng chéo khi không chỉ có ngày thanh niên toàn quốc mà còn có ngày kỷ niệm của lực lượng thanh niên xung phong, ngày học sinh, sinh viên…
 
Trước hết, phải thấy việc mong muốn có ngày kỉ niệm cho địa phương mình, ngành mình là một nhu cầu tình cảm rất đáng trân trọng. Nó đáp ứng tình yêu quê hương, đất nước và lòng yêu nghề của các tầng lớp nhân dân. Việc cho phép có những ngày kỉ niệm chính là đáp ứng niềm mong mỏi đó.
 
Thế nhưng, cái gì thái quá đều không tốt. Một năm có 365 ngày mà có đến hơn 500 ngày kỉ niệm thì đó là con số ngoài sự tưởng tượng.
 
Hậu quả của việc “thái quá” là tình trạng lãng phí tiền của và công sức. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, người dân kêu ca rất nhiều. “Dân kêu ngày kỷ niệm quá nhiều, tổ chức lãng phí. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng dự không xuể. Mỗi ngành chỉ nên có một ngày kỷ niệm làm rộng rãi thôi. Còn lại, chỉ nên làm nội bộ ở quy mô vừa phải”.  Ông Phước nói.
 
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ ra phân vân: “Nghị định này ra đời có hạn chế việc “đẻ” thêm các ngày kỷ niệm hay hạn chế tối đa chi phí tổ chức những ngày kỷ niệm đang gây lãng phí nguồn lực xã hội hay không?”.
 
Lãng phí tiền của, công sức, việc có quá nhiều ngày truyền thống,  kỉ niệm sẽ trở nên thiếu trọng điểm, tràn lan và cả sự nhàm chán.
 
Không chỉ dừng ở những ngày truyền thống, kỉ niệm, những năm gần đây, tình hình lễ lạt, hội hè ở các địa phương ngày càng rầm rộ. Nhất là vào thời điểm sắp tới, khi bước vào một năm mới. Đã từng có thời điểm không ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin về các loại lễ lạt khiến nhiều nhà đầu tư nhìn Việt Nam như một đất nước của… hội hè, lễ lạt.
 
Như đã nói ở trên, việc tổ chức các ngày truyền thống, kỉ niệm, các lễ hội để giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng yêu nghề nghiệp mình theo đuổi là rất đáng trân trọng.
 
Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế hiện nay mà quá sa đà vào lễ lạt, hội hè vừa sao lãng việc sản xuất, kinh doanh vừa tốn tiền bạc, công sức là điều không nên, phải không các bạn?
 


Theo Dân trí

From the same category